April 26, 2024, 11:12 am

ĐỐI THOẠI HỒ CHÍ MINH. SIÊU PHẨM CỦA TRÍ TUỆ VÀ TÀI NĂNG

 

Năm 1990 nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người được UNESCO tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất. Người đã suốt đời đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Người đã để lại một di sản lớn lao về tư tưởng văn hóa văn nghệ. Phải kể đến những tác phẩm chính trị, thơ ca mang tầm thời đại như Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách mệnh, Nhật ký trong tù (thơ), Đời sống mới (ký tên Tân Sinh), Sửa đổi lề lối làm việc (ký tên XYZ). Trong nửa thế kỷ (1919-1969) Người đã viết hàng ngàn bài báo và đơn vị báo chí. Những áng văn chính luận như Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Không có gì quý hơn độc lập tự do, Di chúc là những mệnh lệnh của non nước và báu vật của quốc gia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh TL

Trong di sản về tư tưởng và văn hóa có một bộ phận đặc biệt là đối thoại Hồ Chí Minh. Đối thoại Hồ Chí Minh thể hiện qua ba phạm vi đối thoại với nhân dân, với ngoại giao và đối thoại với báo chí. Đối thoại với nhân dân được thể hiện chủ yếu từ sau Cách mạng Tháng Tám khi đất nước được độc lập nhân dân làm chủ vận mệnh mình. Đối thoại ngoại giao được thực hiện khi Người hoạt động ở nước ngoài, chủ yếu là ở Pháp và kéo dài suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước cho đến khi Người qua đời. Đối thoại với báo chí là lĩnh vực phong phú và phức tạp nhất. Người phải trả lời hàng trăm nhà báo nhất là với báo chí nước ngoài với nhiều khuynh hướng kể cả khuynh hương đối địch. Toàn bộ đối thoại Hồ Chí Minh là một kỳ tích của trí tuệ, tài năng và tài ứng xử của Người.

Nói tới đối thoại là nói tới người hỏi, người trả lời hoặc cả hai cùng luận bàn trao đổi, chất vấn về một vấn đề nào đó. Đối thoại thường là trực tiếp - có khi là gián tiếp qua thư từ. Trong đối thoại Hồ Chí Minh không bao gồm những lời kêu gọi, những lời thăm hỏi, chúc mừng những văn kiện đến từ một phía khó khăn nhất của đối thoại là đối thoại trực tiếp. Mọi lời nói ra, mọi câu trả lời không thể để đối phương chờ đợi mà phải nói ngay, kịp thời nhiều khi ý nghĩ không kịp với ngôn từ. Một lời nói ra như người xưa từng viết: Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy. Mọi câu nói phát ra bốn con ngựa không truy bắt được.

Đối thoại Hồ Chí Minh được tiến hành từ năm 1918, khi Người với chính danh Nguyễn Ái Quốc gửi Yêu sách của dân Annam đến hội nghị Versailles yêu cầu cho dân Annam được quyền làm chủ vận mệnh mình cũng như một số nước Nhật Bản, Phi-lip-pin... Tuy chưa kết quả nhưng có tiếng vang. Mật thám Pháp theo dõi từng hành động của Nguyễn Ái Quốc. Một mặt lại có thái độ ve vãn. Toàn quyền Pasquier hỏi Người cần giúp đỡ gì. Người trả lời cần độc lập tự do cho đất nước. Pasquier lảng tránh câu chuyện. Cuộc đối thoại với Pasquier là cuộc đối thoại đầu tiên với chính danh Nguyễn Ái Quốc và cuộc đối thoại cuối cùng với Mỹ gần năm mươi năm sau vào đầu năm 1967 với Tổng thống Mỹ Johnson tờ báo Pháp Le monde gọi là "đối thoại với người điếc". Sau Pasquier, toàn quyền Albert Sarraut khi gặp Người, Người cũng yêu cầu tương tự. Toàn quyền Albert Sarraut cho rằng Việt Nam chưa đủ sức tự bảo vệ mình. Người đã phê phán quan niệm đó. Cuộc đối thoại trở nên quyết liệt với tinh thần phê phán các nhân vật đại diện cho chính quyền thực dân như U-tơ-rây, Ác-sims-bo, Đờ-Gôn... Đặc biệt trong đại hội Tua (1920) Người đã lên án tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương và các nước thuộc địa của Pháp tàn sát người dân yêu nước, tước bỏ mọi nguồn tự do báo chí, hội họp.

Các đảng viên đảng xã hội đa số đã đồng tình và hoan nghênh ý kiến của Người. Nguyễn Ái Quốc đã tỏ thái độ với một nhân vật thuộc phải nghị viên: "Im đi" khi trái với ý Người. Những cuộc đối thoại của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp thời kỳ trước Cách mạng tháng 8 bộc lộ bản lĩnh của người chiến sĩ yêu nước bất chấp mọi sự đe dọa của thực dân Pháp.

Cách mạng tháng Tám thành công phải giải quyết trăm công ngàn việc của đất nước. Người phải trả lời nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi của nhân dân, của các nhà báo trong và ngoài nước. Đáng chú ý nhất là hai cuộc họp báo của Hồ Chủ tịch trước cuộc Tổng tuyển cử (6/1/1946), và trả lời chung cho các nhà báo nước ngoài sau cuộc Tổng tuyển cử.

Cuộc họp báo trước ngày Tổng tuyển cử (6/1/1946) với nhiều nhà báo thuộc nhiều xu hướng chính trị phức tạp khác nhau. Có người hỏi với thái độ thiếu thiện chí soi mới về việc 70 đại biểu Việt Quốc được chỉ định thẳng vào Quốc hội và cho đó là thiếu dân chủ. Cụ Hồ trả lời: "Muốn đi đến dân chủ nhiều khi phải làm trái lại. Thí dụ muốn đi đến hòa bình có khi phải chiến tranh".

Nhà báo hỏi tiểp: "Thế sao cụ không tự chỉ định Cụ ra làm chủ tịch Việt Nam, Cụ còn phải ra ứng cử lôi thôi."  Cụ trả lời "Vì tôi không muốn làm như vua Lu-i 4". Hóm hỉnh, thâm thúy mà nhẹ nhàng giải quyết vấn đề.

Sau cuộc bầu cử Quốc hội, với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Người đã trả lời với tư cách Chủ tịch chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. "Trả lời các nhà báo nước ngoài". Văn kiện ngắn nhưng hàm súc chứa đựng tư tưởng và tình cảm lớn cao đẹp.

"Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn ham muốn đến tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân tộc hoàn toàn được tự do đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc ai cũng được học hành"

Người nhấn mạnh đến tư tưởng toàn dân đoàn kết không bè phái đảng phái. Nếu có một đảng thì đó là Đảng dân tộc Việt Nam chung cho mọi người yêu nước.

Những câu trả lời sâu sắc vừa thời sự, vừa vượt lên tầm cao tầm xa giầu giá trị nhân văn thể hiện chân thực nhân cách Hồ Chí Minh.

Vẫn là Người khi có người hỏi đến sự yêu thích, căm ghét của Người trong cuộc sống gần gũi hàng ngày. Tờ báo Pháp Frères ở d'Armes đã phỏng vấn Chủ tịch:

- Chủ tịch ghét gì nhất?

- Điều ác.

- Điều gì yêu nhất?

- Điều thiện.

- Điều gì mong muốn nhất?

- Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu.

- Sợ gì nhất?

- Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì.

Bản lĩnh ấy, nhân cách ấy của Người còn bộc lộ qua nhiều câu trả lời sâu sắc, thâm thúy trí tuệ với nhân dân, với các nhà báo.

Trở lại với những vấn đề thời cuộc những năm đầu cách mạng tháng Tám. Sau ngày Quốc khánh 2/9/1945, ngày 3/9 Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa họp để ra 6 vấn đề cấp bách cần giảỉ quyết ngay.

Một là giải quyết nạn đói.

Hai là thanh toán nạn dốt.

Ba là tổ chức sớm của Tổng tuyển cử.

Bốn là giáo dục nhân dân xóa bỏ hủ tục xây dựng văn hóa mới đạo đức mới đạo đức cách mạng.

Năm là xóa bỏ ngay những thể thức bóc lột vô nhân đạo.

Sáu là thực hiện tín ngưỡng tự do, đoàn kết lương giáo[1].

Trong sáu nhiệm vụ trên được Đảng, Chính phủ và nhân dân đồng lòng góp sức giải quyết công việc có hiệu quả. Có một số cuộc đối thoại thú vị được thực hiện.

Ngày 7/9/1945 Hồ Chủ tịch đã gặp và trao đổi với các nhà văn hóa thuộc Đoàn đại biểu văn hóa lâm thời Bắc Bộ gồm các ông Trương Tửu, Thượng Sỹ và Nguyễn Đức Quỳnh. Cụ Hồ nói "Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hóa nhận thấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là củng cố độc lập của Việt Nam, sửa soạn gây dựng cho đất nước một văn hóa mới. Ta phải làm thế nào cho văn hóa Việt Nam sẽ chiếm được một địa vị trong nền văn hóa thế giới".

Trong cuộc họp nhiều câu hỏi của các nhà văn hóa đặt ra và đã được cụ Hồ giải đáp thỏa đáng. Vấn đề cuối cùng mà ông Trương Tửu đề ra trong kế hoạch của Đoàn văn hóa lâm thời Bắc Bộ là tuyên truyền cho hội nghị văn hóa toàn quốc. Nghe nói đến mấy chữ hội nghị văn hóa toàn quốc cụ Hồ gật đầu "Phải, phải làm thế mới được. Từ trước đến giờ chính sách của thực dân Pháp đã chia rẽ chúng ta nhiều lắm rồi. Tôi mong các ngài cố gắng làm được như thế tổ chức mau chóng một đại hội nghị văn hóa toàn quốc gây được mối liên hệ mật thiết giữa quốc dân về văn hóa. Chính phủ sẽ giúp đỡ các ngài những phương tiện để thực hiện công việc đó[2] Các đại biểu cảm kích và càng tin cậy vào sự lãnh đạo sáng suốt của Cụ Hồ.

Tháng 6 /1946 theo lời mời của Chính phủ Pháp Cụ Hồ đi thăm Pháp trong lúc tình hình trong nước còn rối ren nhiều bề. Các cán bộ của Chính phủ xin Hồ Chủ tịch lời căn dặn. Một cuộc đối thoại ngắn gọn, một câu trả lời như đóng đinh vào cột: Dĩ bất biến ứng vạn biến.

Bất biến là nền độc lập của dân tộc là hạnh phúc của nhân dân. Đó là nguyên tắc, là bí quyết chống lại mọi sự thay đổi của tình thế. Đây là câu trả lời ngắn nhất, sâu sắc nhất. Những ngày tháng ở Pháp Người phải trả lời phỏng vấn các báo Pháp như tờ Libération, tờ Franc Tireur, hãng thông tấn AFP. Quan điểm của các tờ báo trên cũng là quan điểm của Chính phủ Pháp bảo thủ và ngoan cố trong vấn đề Việt Nam. Là thành viên của Liên hiệp Pháp nhưng không có quyền tự chủ độc lập trong ngoại giao, quốc phòng đó là điều không chấp nhận được. Hội nghị Fontainebleau khai mạc ngày 6/7/1946 sau vài tháng luận bàn đã thất bại. Hồ Chủ tịch cũng đã dự đoán nhữug bước đi không thể khác của thời cuộc và Người vẫn lạc quan. Phóng viên Giăng Bôden báo Libération phỏng vấn Người

- Ông là người lạc quan?

- Tôi luôn là người lạc quan.

- Những ngày ở Pháp của ông? Chúng tôi đều nhận được sự đón tiếp nhiệt tình. Tôi đã gặp gỡ nhiều nhân vật. Tất cả đều tỏ rõ tình cảm rất tốt đẹp với chúng tôi. Tôi rất thích làm quen với Man-rô."

Trong những lúc khó khăn của thời thế Người vẫn bình tĩnh, chủ động lạc quan phân tích thời cuộc với những quyết đoán sắc sảo.

Trả lời một tờ báo Pháp có ý tinh nghịch và sếch mé khi hỏi Người:

- Thưa Chủ tịch, trước hoạt động ở nước ngoài vào tù ra khám nay làm Chủ tịch nước Chủ tịch có thấy thay đổi trong đời mình không?

Người đã trả lời hóm hỉnh:

- Không, không có gì thay đổi cả. Lúc bị tù ở Quảng Tây luôn có hai lính gác, lúc trong tù mỗi ngày 5 phút được hai người lính bồng súng dẫn ra dạo chơi, nay làm Chủ tịch nước đi đâu cũng có hai đồng chí mang súng lục đi theo. Ông thấy có gì thay đổi không nào? Thật thú vị sự so sánh tuy rất khác biệt nhưng vẫn có một cái gì nhất quán. Đó là con người trong cảnh tù đầy "tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng" và khi ở ngôi vị cao quý nhất vẫn giữ được sự thanh thản trong tâm hồn, bình dị và gần gũi với cuộc đời không tha hóa, đổi thay.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp đối thoại Hồ Chí Minh trước hết dành cho nhân dân.

Cuộc kháng chiến bùng nổ. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Trách nhiệm thật thiêng liêng nhưng cũng bất ngờ, biết bao câu hỏi của nhân dân được đặt ra. Ngày 19/12/1946 ngày toàn quốc kháng chiến và chỉ bốn ngày sau chiều 23/12/1946, Người đã viết bài Hỏi và trả lời. Ai hỏi? Toàn dân hỏi và Người trả lời sắc sảo, thiết thực, hợp với suy nghĩ của quần chúng qua ba câu hỏi:

1. Có người hỏi Kháng chiến sẽ bao giờ thắng lợi?

2. Có người hỏi Toàn dân kháng chiến là thế nào?

3. Có người hỏi Chiến sĩ đánh trước mặt trận đồng bào ở hậu phương nên làm việc gì?

Người đã trả lời kịp thời giải đáp đúng thắc mắc và cũng đề ra nhiệm vụ phải làm của mỗi người dân.

Tiếp theo là những giải đáp về đời sống mới, đất nước đang trong chiến tranh, còn khó khăn, nghèo khó đề ra đời sống mới có hợp thời không. Đời sống mới giúp ích cho cuộc kháng chiến như thế nào, đời sống mới cho ai? quân đội, trường học, làng quê. Cuộc đối thoại nhẹ nhàng mà thấm thía in sâu trong tâm trí mọi người. Trong những năm kháng chiến chống Pháp báo chí phương Tây đặt nhiều câu hỏi sát với thời cuộc và phức tạp. Riêng nhà báo Mỹ Harold Issacs đã phỏng vấn 45 câu hỏi với những câu như: Bao giờ lực lượng Việt Nam có thể đánh bại quân Pháp? Về cuộc đàm phán giữa Pháp và Bảo Đại có những câu hỏi sếch mé như quan hệ, giữa Việt Nam và Nga, Tàu. Việt Nam chịu ảnh hưởng gì của Tàu và có thể trở thành nước chư hầu của Nga ?

Người đã trả lời một số câu và phê phán những luận điểm sai trái. Năm 1949, 1950 là những năm tình hình trong nước và thế giới có nhiều sự kiện nên các báo chí thế giới nhất là Anh Mỹ, Pháp phỏng vấn Người nhiều, có thể kể:

1. Trả lời các nhà báo sau phiên họp đầu năm 1949 của Hội đồng Chính phủ

2. Trả lời hãng thông tấn Anh Reuter

3. Trả lời phỏng vấn của ông Watter Briggs Mỹ 3/1949

4. Trả lời phỏng vấn của ông Harold Issacs

5. Trả lời phỏng vấn của báo Telepress

6. Trả lời phỏng vấn của báo Tribune 4/1949

7. Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Angtar (Indonesia)

8. Trả ời phỏng vấn của Andrew Roth 7/1949

9. Trả lời phỏng vấn nhà báo A. Steele của hãng New Herald Tribune 10/1949

Các cuộc phỏng vấn dày đặc chưa kể các phỏng vấn của báo chí trong nước mà Người rất chú trọng để động viên cổ vũ toàn dân hoàn thành trách nhiệm.

Bước vào thời kỳ chống Mỹ cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc mang tầm thời đại nên báo chí thế giới đặc biệt quan tâm khai thác ngừoi đứng đầu chính phủ Việt Nam. Các nhà báo được phân ra thành 2 xu hướng, một ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam như báo chí Liên Xô, Trung Quốc, Lào, Cuba, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, một số nước Nam Mỹ...

Với báo chí các nước xã hội chủ nghĩa và các tờ báo tiến bộ Người đã dành những tình cảm nồng hậu và trả lời chu đáo các câu phỏng vấn báo chí.

Xu hướng của báo chi Mỹ và một số nước phương Tây là lực lượng thăm dò chất vấn, tung tin tức bịa đặt làm hậu thuẫn tinh thần cho cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.

Các cuộc phỏng vấn báo chí với chủ tịch rộ lên khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tiếng nói của báo chí tiến bộ đều lên tiếng ủng hộ nhân dân Việt Nam cổ vũ và ca ngợi nhân dân anh hùng. Năm 1965 là thời điểm dồn dập các cuộc phỏng vấn của báo chí nước ngoài với Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể kể:

1. Trả lời phỏng vấn các nghị sĩ Công đảng Anh William Warbey (11/1/1965)

2. Trả lời các đảng phái dân chủ các nhân sỹ dân chủ không đảng phái và Hội Liên hiệp công thương của Trung Quốc (2/1965)

3. Trả lời phỏng vấn đồng chí Yoshihisa Tacano phóng viên báo Acahata (1965)

4. Trả lời đồng chí G. A. Giucốp phóng viên báo Pravda Liên Xô (6-1965)

5. Trả lời phỏng vấn báo Hôm nay và Cách mạng Cuba (30-7-1965)

6. Trả lời phỏng vấn ông Phi-líp Đơ-vi-le phóng viên báo Thế giới Pháp (8/1966)

7. Trả lời đồng chí Fran Phabe báo nước Đức (9/1965)

8. Trả lời giáo sư Mỹ Lainôt Pôlinh (11/1965)

9. Trả lời phỏng vấn của đồng chí Xôlômông Tổng biên tập báo Người bình dân

10 Trả lời phỏng vấn nhà báo Phê-lich Gơ-rin 11/1965

11. Trả lời tạp chí Thanh Niên Canada 12/1965

12. Trả lời phỏng vấn của đồng chí Mo-ri-xơ-bat Pacifia Tribune (cuối năm 1965)

 Trả lời phỏng vấn cho báo chí nước ngoài thật nhiều xu hướng khác nhau chưa kể phỏng vấn của báo chí trong nước

Với Mỹ, cuộc phỏng vấn cuối cùng về ngoại giao là của tổng thống Mỹ Johnson.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược ở vào thời điểm căng thẳng, quân dân ta dành được thắng lợi lớn trên chiến trường. Trong tính toán chiến lược của mình Tổng thống Mỹ Johnson ngày 8-2-1967 đã thư gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đại sứ Bắc Việt ở Mát xcơva

Cuộc đối thoại mà tờ báo Le monde của Pháp cho rằng đó là "cuộc đối thoại với người điếc".

Cuối cùng phải kể đến hai cuộc phỏng vấn rất hấp dẫn, đậm tình đồng chí, bè bạn của Người. Một là trả lời phỏng vấn của Sáclơ Phuốcniô phóng viên báo L'humanité (Pháp). Hai là cuộc trả lời phỏng vấn của nữ đồng chí Mácta Rôhat phóng viên báo Granma vào ngày 14/7/1969: "Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi".

Từ năm 1918 đến khi người qua đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chân tình đối thoại với nhân dân, giải đáp các vấn đề được đặt ra và cổ vũ nhân dân qua những tháng năm nhiều chiến tích lịch sử.

Người cũng đã trả lời hàng trăm nhà báo trong và ngoài nước, chủ yếu là các nhà báo nước ngoài với trí tuệ sắc sảo, uyên bác, thâm thúy và luôn chủ động của người nắm được chính nghĩa ở thế tiến công vượt lên trên đối tượng phỏng vấn.

Đối thoại Hồ Chí Minh với nhân dân ngoại giao và báo chí là di sản về tư tưởng cách mạng văn hóa báo chí và tri thức xã hội quý báu của Người. Đối thoại Hồ Chí Minh cũng là tấm gương, và bài học vận dụng trí thức qua ngôn luận trong giao tiếp với bè bạn và đấu tranh với nhiều xu hướng chính trị phức tạp để dành thắng lợi và thực sự đã thắng lợi.


[1] Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4 tr 187, 188 sđd

[2] Bài đăng báo Khai Trí tháng 9 /1945

Nguồn Văn nghê số 35+36/2019


Có thể bạn quan tâm