April 27, 2024, 1:51 am

Đối mặt ở Paris

 

Ngày 27/1/2023 là tròn 50 năm Hiệp định Paris được ký kết, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Để có thể đi đến ký kết Hiệp định mang tính lịch sử ấy, các bên đã phải đi qua những đoạn đường dài, rất dài, trong cuộc đối đầu ngoại giao cam go ở Paris, thủ đô nước Pháp…

 

Bắt đầu từ nghị quyết

Sau hội nghị Geneve 1954, nước Việt Nam bị chia cắt thành hai miền. Hiệp định Geneve quy định hai miền sẽ tổ chức Tổng tuyển cử vào tháng 7/1956 để thành lập một Chính phủ duy nhất, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm từ chối việc thực hiện Tổng tuyển cử theo Hiệp định Geneve, đàn áp khốc liệt mọi lực lượng đối lập, trong đó có Việt Minh. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Kennedy can dự ngày càng sâu vào Việt Nam, bắt đầu bằng việc cử các cố vấn sang giúp chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện “chiến tranh đặc biệt”.

 

Hiệp định Paris mang tính lịch sử. Ảnh TL

Trước tình hình đó, tháng 1/1959, Ban Chấp hành TW Đảng Lao động Việt Nam họp Hội nghị lần thứ 15. Nghị quyết của hội nghị 15 nhận định “Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai chẳng những xâm chiếm miền Nam, ngăn cản sự phát triển của xã hội miền Nam mà còn ráo riết chuẩn bị chiến tranh hòng xâm chiếm cả nước ta, phá hoại toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”.

Về đường lối cách mạng ở miền Nam, nghị quyết xác định phương hướng là “khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Tùy theo tình hình cụ thể và yêu cầu của cách mạng phải “dựa vào lực lượng chính trị của quân chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.

Sau khi Tổng thống John Kennedy bị ám sát ngày 22/11/1963, người lên thay là Tổng thống Lyndon Johnson tiếp tục đẩy mạnh sự can dự của Mỹ vào miền Nam Việt Nam, cho những đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên đổ bộ lên cảng Đà Nẵng vào tháng 3-1965, đồng thời cũng trong tháng này mở rộng các cuộc không kích ra miền Bắc Việt Nam.

 

“Cú đập lớn

Đêm 30 rạng sáng ngày 31/1/1968 (Mùng 1 Tết Mậu Thân), Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát lệnh Tổng tấn công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Các thành phố lớn, các đô thị, vị trí đóng quân trọng yếu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều bị tấn công. Quân giải phóng đã đánh thẳng vào tòa sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, tiến công và chiếm giữ thành phố Huế trong 25 ngày.

Số liệu trên báo Nhân dân số ra ngày 25/1/2008 cho biết ngay trong đợt 1 của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, Quân Giải phóng đã đánh vào 4/6 thành phố lớn, 37/44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ ở miền Nam. Quân giải phóng đã đánh vào trụ sở 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8/11 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt khu của quân lực VNCH, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, các tiểu khu, chi khu… và hàng trăm căn cứ quân sự, kho tàng, sân bay, bến cảng, đường giao thông huyết mạch…

Cuộc tấn công bất ngờ Tết Mậu Thân đã khiến cho các chính trị gia, tướng lĩnh và binh sĩ Mỹ choáng váng. Lần đầu tiên người Mỹ nhận ra họ không thể thắng trong cuộc chiến tranh này. Vấn đề đặt ra đối với người Mỹ sau cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968 là họ phải rút ra khỏi cuộc chiến tranh bằng cách nào?

Có một lựa chọn: thông qua đàm phán với đối phương, trong trường hợp này là Bắc Việt Nam.

Ngày 31/3/1968, trong tâm trạng chán nản, Tổng thống Mỹ L.Johnson tuyên bố không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ 2 (cuộc bầu cử diễn ra vào cuối năm 1968); hạn chế ném bom bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; không tăng quân theo yêu cầu của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Việt Nam… và chấp nhận đàm phán để tìm giải pháp cho cuộc chiến tranh.

Trước đó, vào dịp cuối năm 1967, các nhà lãnh đạo Việt Nam thấy rằng để xoay chuyển cục diện tình hình ở miền Nam Việt Nam, Quân giải phóng cần phải tiến hành một chiến dịch quân sự lớn có tác dụng gây tiếng vang, làm tê liệt ý chí tiếp tục chiến tranh của các nhà hoạch định chính sách và binh sĩ Mỹ đang sa lầy vào một cuộc chiến tiêu hao dai dẳng ở miền Nam Việt Nam. Nói theo cách của bí thư thứ nhất Đảng lao động Việt Nam Lê Duẩn thì chiến dịch quân sự đó phải là "một cú đập lớn để tung toé ra các khả năng chính trị".

Cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968 đã hoàn thành mục tiêu chiến lược của “một cú đập lớn” và một trong các khả năng chính trị tung tóe ra sau “cú đập” này chính là Hội nghị Paris.

 

Tiếp xúc bí mật

Thật ra, trước khi nổ ra đòn tấn công Tết Mậu Thân 1968, giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã có những mối tiếp xúc bí mật, khi thì qua trung gian, khi thì trực tiếp. Những mối tiếp xúc bí mật này được phản ánh rõ trong cuốn sách Tiếp xúc bí mật Việt Nam – Hoa Kỳ trước Hội nghị Paris của hai tác giả Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ, Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành năm 2000.

Theo sách Tiếp xúc bí mật Việt Nam – Hoa Kỳ trước Hội nghị Paris, gần như trong suốt cả năm 1967, giữa Mỹ và Việt Nam đã có các tiếp xúc bí mật qua trung gian ở Moscow, rồi sau đó qua kênh Rumania. Tuy nhiên, trong khi đưa ra các đề nghị ngoại giao, Mỹ vẫn tiếp tục các chiến dịch “tìm và diệt” ở miền Nam Việt Nam, đồng thời cho không quân leo thang đánh phá vùng mỏ Cẩm Phả - Quảng Ninh, một mục tiêu mà trước đấy Mỹ hạn chế không ném bom.

Đến tháng Giêng năm 1968, các cuộc tiếp xúc bí mật giữa Mỹ và Việt Nam chấm dứt. Rồi nổ ra cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 và tuyên bố của Tổng thống Mỹ L.Johnson ngày 31/3/1968 về việc muốn có các cuộc đàm phán.

Ba ngày sau, 3/4/1968, Chính phủ VNDCCH ra tuyên bố chính thức, theo đó khẳng định: "Chính phủ nước VNDCCH tuyên bố sẵn sàng cử đại diện mình tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước VNDCCH để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện”.  

Sách Tiếp xúc bí mật Việt Nam – Hoa Kỳ trước Hội nghị Paris kể lại rằng tối 4/4/1968, sứ quán Mỹ ở Vientiane chính thức báo cho sứ quán Việt Nam ở thủ đô Lào là Mỹ đề nghị đàm phán, địa điểm là Geneve. Hà Nội chấp nhận đàm phán, nhưng không đồng ý về địa điểm. Bắt đầu các tranh luận kéo dài một tháng giữa hai bên về nơi sẽ diễn ra đàm phán. Hàng loạt thành phố được đưa ra: Phnom Penh, New Dehli, Jakarta, Vientiane, Rangoon, Warsaw, Colombo, Katmandu, Kuala Lumpur, Rawalpindi, Kabul, Tokyo, Brussels, Helsinki, Vienna, Roma…

Cuối cùng, đến ngày 2/5/1968, phía Việt Nam đề nghị Paris. Mỹ đồng ý.  

 

“Cuộc đối thoại giữa những người điếc”!

Phía Việt Nam thành lập đoàn đại biểu Chính phủ VNDCCH đi dự Hội nghị Paris, trưởng đoàn là ông Xuân Thủy. Ông Xuân Thủy từng giữ chức Bộ trưởng ngoại giao giai đoạn từ 1963 đến 1965.

Bên cạnh chức danh Trưởng đoàn của cả hai đoàn Việt Nam và Mỹ, tại các cuộc đàm phán 4 bên ở Paris đã xuất hiện một chức danh khác lạ: cố vấn đặc biệt. Bộ Chính trị điều đồng chí Lê Đức Thọ ở Trung ương Cục tại Bắc Tây Ninh ra Hà Nội làm “Cố vấn đặc biệt” của Đoàn Chính phủ VNDCCH tại Hội nghị Paris. Đồng chí Lê Đức Thọ là “tư lệnh” mặt trận ngoại giao tại Paris, đại diện Bộ chính trị tại chỗ để chỉ đạo cả hai đoàn (khi họp 4 bên thì có thêm đoàn của MTDTGPMNVN).

Trưởng đoàn Mỹ là Averell Harriman, một nhà ngoại giao kỳ cựu; “cố vấn đặc biệt” là Tiến sĩ Henry Kissinger (sau này khi ứng cử viên Cộng hòa R.Nixon lên làm Tổng thống được bổ nhiệm làm Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống).

Hội nghị Paris gồm hai hội nghị kế tiếp nhau. Hội nghị đầu tiên chỉ có thành viên hai phái đoàn VNDCCH và Mỹ tham gia, kéo dài từ 13/5/1968 đến 1/11/1968.

Trong giai đoạn này, phía Việt Nam trước sau kiên trì yêu cầu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc rồi mới bàn sang các vấn đề khác; trong khi đó lập trường của phía Mỹ là đồng thời bàn về cả hai vấn đề quân sự và chính trị, trên tinh thần “có đi có lại”. Trong suốt hơn 5 tháng trời, cứ vào ngày thứ Năm trong tuần, hai đoàn gặp nhau tại phòng họp Kléber ở Paris. Đấy là cuộc đàm phán mà báo chí quốc tế gọi là “cuộc đối thoại giữa những người điếc”! Phía Việt Nam kiên quyết không thảo luận bất cứ vấn đề nào khác nếu Mỹ vẫn còn ném bom trên lãnh thổ VNDCCH.

Trong suốt thời kỳ từ tháng 5 đến tháng 10/1968, ngoài các cuộc họp chính thức, hai bên đã 5 cuộc gặp bí mật giữa hai phó đoàn của hai bên là Hà Văn Lâu và Cyrus Vance, luân phiên tại nhà riêng của mỗi bên, phía Việt Nam là ở Vitry-sur-Seine, phía Mỹ ở Choisy-le-Roi. Ngoài ra, còn có các cuộc gặp riêng giữa hai trưởng đoàn, phía Việt Nam có Bộ trưởng Xuân Thủy và cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ; phía Mỹ có Harriman, về sau là Kissinger.

Đến ngày 26/10/1968, hai bên mới thỏa thuận được Biên bản chung về việc Mỹ chấm dứt ném bom vô điều kiện miền Bắc Việt Nam và sẽ tiến hành cuộc họp 4 bên giữa VNDCCH, MTDTGPMNVN, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Ngày 30-10-1968, Tổng thống Mỹ L.Johnson tuyên bố chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc Việt Nam. Khi ấy, Hội nghị Paris bước sang giai đoạn thứ hai là Hội nghị 4 bên.

 

Tranh cãi quanh một cái bàn!  

Ngày 10/12/1968, MTDTGPMNVN đã quyết định cử đoàn đại biểu chính thức dự Hội nghị Paris do ông Trần Bửu Kiếm là Trưởng đoàn, bà Nguyễn Thị Bình và ông Trần Hoài Nam làm Phó trưởng đoàn. Từ ngày 6/6/1969, sau khi Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, bà Nguyễn Thị Bình được cử làm Bộ trưởng ngoại giao và làm trưởng đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Đoàn VNCH do Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ làm cố vấn, Đại sứ VNCH tại Pháp Phạm Đăng Lâm làm trưởng đoàn.

Bước vào giai đoạn Hội nghị 4 bên, Mỹ bày tỏ quan điểm là tuy nhận họp với MTDTGPMNVN nhưng điều đó không có nghĩa là họ công nhận MTDTGPMNVN. Từ đó mới nảy sinh ra chuyện tranh cãi về cái bàn họp hội nghị, bởi vì vị trí ngồi của các đoàn cũng như hình dáng cái bàn sẽ dẫn tới hình dung về vị thế của các bên.

Tranh cãi suốt hơn hai tháng, cuối cùng đến ngày 15/1/1969, đại sứ Liên Xô tại Pháp Obosenko đưa ra gợi ý về một chiếc bàn tròn phẳng lỳ, có hai bàn chữ nhật kê cách bàn tròn 0,45 mét đặt đối diện nhau dành cho thư ký; trên bàn tròn không có cờ, không có biển. Thứ tự phát biểu sẽ nhờ phía Pháp rút thăm, đoàn nào được trước thì phát biểu trước.

Cả hai phía đều chấp nhận phương án của phía Liên Xô đưa ra.  

Thời gian dự kiến bắt đầu đàm phán 4 bên là ngày 18/1/1969. Tuy nhiên, chính quyền Sài Gòn trì hoãn không đồng ý thời gian họp đó vì không muốn cuộc đàm phán diễn ra khi ông L.Johnson còn ở trong Nhà Trắng. Khi ấy, R.Nixon đã đắc cử Tổng thống và ngày 20/1/1969 bắt đầu vào Nhà Trắng; phải năm ngày sau, 25/1/1969, phiên họp đầu tiên mới bắt đầu. Trưởng đoàn mới của Mỹ là Cabot Lodge, người từng hai lần làm đại sứ tại Sài Gòn (đến tháng 12/1969, Cabot Lodge được rút về nước, người thay thế từ tháng 1/1970 là đại sứ David Bruce).

 

“Đối ngoại phối hợp với chiến trường”

Hội nghị 4 bên tại Paris kéo dài suốt 4 năm, lúc căng, lúc chùng với những cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai bên. Nếu tính cả giai đoạn đầu đàm phán giữa hai đoàn VNDCCH vả Mỹ thì hội nghị kéo dài 4 năm 8 tháng 14 ngày (từ 13/5/1968 đến 27/1/1973), với 202 phiên họp công khai, 24 cuộc tiếp xúc riêng ở cấp cao dưới nhiều hình thức ngoại giao… Trong thời gian 4 năm đó, đã có vô vàn các sự kiện xảy ra bên ngoài Hội nghị. Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, không kịp chứng kiến những thành quả của cách mạng Việt Nam sau đó. Tháng 2/1971, Mỹ và chính quyền Sài Gòn phối hợp mở chiến dịch Đường 9 - Nam Lào hòng cắt đứt tuyến chi viện Bắc – Nam.

Tháng 3/1972, Quân giải phóng mở chiến dịch tấn công Quảng Trị và hàng loạt cứ điểm của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Đến ngày 1/5/1972, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn được giải phóng. Ngày 28/6/1972, các lực lượng Mỹ-ngụy tiến hành phản kích. Các đơn vị Quân giải phóng bảo vệ thành cổ Quảng Trị đã đứng vững suốt 81 ngày đêm. Chiến dịch Quảng Trị vang vọng tới Paris, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán.

Trong khi đó, Mỹ huy động trở lại lực lượng quân sự hỗ trợ trực tiếp cho chính quyền Sài Gòn, tái kích hoạt cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, đánh phá nhiều vùng đông dân từ Lạng Sơn đến Quảng Bình, thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng và các cử biển cửa sông ở miền Bắc Việt Nam.

Đến đầu tháng 10/1972, một văn bản dự thảo Hiệp định đã dần dần hình thành. Khi phía Việt Nam chuyển văn bản dự thảo Hiệp định cho phía Mỹ vào ngày 8/10, cố vấn Kissinger của đoàn Mỹ đã thuật lại trong cuốn hồi ký Những năm bão táp - Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng (Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành năm 2004) với niềm hứng khởi không giấu diếm: “Chúng ta sắp giành được điều bấy lâu nay chúng ta tìm kiếm: một nền hòa bình tương hợp với niềm vinh dự của chúng ta và những trách nhiệm quốc tế của chúng ta”.

Kissinger bay đi Sài Gòn ngày 18/10/1972 để thuyết phục Nguyễn Văn Thiệu và các cộng sự đồng ý với bản Hiệp định. Theo Kissinger, nếu mọi việc suôn sẻ, ngày ký hiệp định có thể vào 25 hoặc 26/10/1972.

 

Sài Gòn phản ứng

Tuy nhiên, Kissinger có lẽ đã đánh giá thấp mức độ phản ứng của chính quyền Sài Gòn, cụ thể là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đối với văn bản Hiệp định này.

Theo lời kể lại của Kissinger trong cuốn hồi ký Những năm bão táp - Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng thì chính quyền Sài Gòn đã có những phản ứng gay gắt với văn bản hiệp định, đồng thời có một số động thái mà Kissinger mô tả là “trâng tráo ngạo mạn, hỗn xược về cách cư xử”. Đến chiều 22/10, trong một cuộc gặp kéo dài 2 giờ đồng hồ giữa một bên là Kissinger và Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Bunker, một bên là Nguyễn Văn Thiệu và cố vấn Hoàng Đức Nhã, Thiệu đã “bác bỏ toàn bộ kế hoạch trong tổng thể của nó, mọi sửa đổi có thể có, từ chối tất cả mọi thương lượng căn cứ vào các điều này”.

Kissinger hủy chuyến đi Hà Nội theo dự định mà quay về Washington ngày 23/10. Ngày 26/10, ông ta tuyên bố “hòa bình đã ở trong tầm tay”. Ngày 1/11, Thiệu gọi thỏa thuận đạt được giữa VNDCCH và Mỹ trong tháng 10 là một hiệp định “đầu hàng”, đòi sửa 69 điểm trong văn bản Hiệp định.

 

Linebacker II và ký kết Hiệp định

Vậy là Hội nghị Paris lại tiếp diễn với những đòn thế ngoại giao phức tạp. Ngày 20/11/1972, Hội nghị tái nhóm và các cuộc đàm phán ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Trong phiên họp kín ngày 23/11, Kissinger đọc bức điện mang tính đe dọa của Nixon gửi cho ông ta: “Trừ phi phía bên kia tỏ ra sẵn sàng chú ý tới sự quan tâm hợp lý của chúng ta, tôi chỉ thị cho ông ngừng đàm phán và chúng ta phải tiếp tục lại các hoạt động quân sự cho đến khi phía bên kia sẵn sàng đàm phán theo điều kiện có danh dự”.

Cố vấn Lê Đức Thọ bác bỏ đanh thép: “Chúng tôi đã đánh nhau với các ông mười năm rồi và cũng đã có thương lượng với nhau nhiều năm rồi nên nay có phải thay đổi để đi đến giải quyết, không thể dùng đe dọa được đâu” (Theo Ngoại giao Việt Nam 1945-1995).

Ngày 14/12/1972, Cố vấn Lê Đức Thọ rời Paris, ngày 18/12 về đến Hà Nội. Chưa đầy hai tiếng sau, Mỹ bắt đầu dùng máy bay B-52 ồ ạt ném bom Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác trong chiến dịch Linebacker II, đồng thời cũng trong ngày hôm đó gửi công hàm tới đoàn Việt Nam ở Paris, đề nghị hai bên nối lại đàm phán sau ngày 26/12/1972.

Từ năm 1967, Bác Hồ đã dự báo: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua”. Lời tiên đoán của Bác quả thật là thiên tài. Chiến dịch Linebacker II đã thất bại thảm hại với trận “Điện Biên phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, đã có 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi; trong đó có 34 máy bay B-52; 5 chiếc F-111 cánh cụp cánh xòe; 43 phi công Mỹ bị bắt sống…

Ngày 29/12, Mỹ thông báo sẽ ngừng ném bom ở phía Bắc vĩ tuyến 20 hồi 7 giờ sáng ngày 30/12 theo giờ Hà Nội. Từ 8/1/1973, các cuộc đàm phán được nối lại ở Paris, đến ngày 13/1 là cuộc gặp riêng cuối cùng. Các văn bản được hai bên thống nhất. Hai ngày sau, từ nửa đêm 15/1, Mỹ chính thức ngừng ném bom và thả mìn trên toàn miền Bắc.

Ngày 23/1/1973, tại Trung tâm Kléber, nơi đã diễn ra các cuộc đàm phán marathon trong hơn 4 năm, Cố vấn Lê Đức Thọ, trưởng đoàn Xuân Thủy và Tiến sỹ Kissinger ký tắt Hiệp định Paris.

Ngày 27/1/1973, lễ ký chính thức Hiệp định Paris diễn ra tại Trung tâm Kléber. Buổi sáng ký bốn bên, buổi chiều ký hai bên VNCDCH và Hoa Kỳ. Đại diện Chính phủ VNDCCH là Phó thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Duy Trinh; đại diện Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký Hiệp định là bà Nguyễn Thị Bình.

*

Hiệp định Paris được ký kết sau những chặng đường đàm phán cam go ở Hội nghị Paris là một mốc son chói sáng trong lịch sử ngành ngoại giao Việt Nam. Việc đạt được hiệp định này, buộc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam đã tạo tiền đề cho những thắng lợi rực rỡ sau này của cách mạng Việt Nam, trong đó có cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đánh sập chính quyền Sài Gòn, thu giang sơn về một mối, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Yên Ba


Có thể bạn quan tâm