April 27, 2024, 12:30 am

Đôi cọp xám chiến khu Đ

Chiến thắng vang dội của trận La Ngà, ngày Một tháng Ba năm Bốn bảy, một chi đội Cộng hòa vệ binh phục kích trên đường Đông Dương số hai mươi, nối liền Sài Gòn – Đà Lạt, bằng vũ khí tự tạo đã đánh tan xác đoàn xe quân dụng, diệt và bắt sống cả trung đoàn viễn chinh Pháp, trong đó có ba sĩ quan đeo hàm đại tá, đã thực sự làm rúng động bàn chân xâm lược của đoàn quân nhà nghề mà trước đó không lâu từng ca khúc khải hoàn giải phóng Paris.

Cũng từ đó, tên tuổi hai nhà quân sự bẩm sinh trở thành cặp bài trùng trên chiến trường miền Đông Nam bộ được cả nước biết đến. Đó là thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, hùm xám miền Đông, nguyên Tỉnh đội trưởng Thủ Dầu Một và văn tướng Bùi Cát Vũ, hùm thiêng miền Tây, nguyên Tỉnh đội phó Trà Vinh, người trực tiếp chỉ huy mặt trận Vàm Trà Vinh vào cuối đông năm Ất Dậu – Bốn mươi lăm. Hai tài năng quân sự kết hợp nhau trên cương vị Chỉ huy trưởng và Chỉ huy phó đã làm nên chiến thắng La Ngà, mở màn cho hàng loạt chiến công hiển hách của bộ đội Chiến khu Đ, đến đổi trở thành huyền thoại trong lòng bao thế hệ người dân miền Đông đất đỏ.

NGƯỜI VÀO HANG THUYẾT HỔ

Để thống nhất lực lượng vũ trang đánh Pháp, Trung ương cử tướng Nguyễn Bình vào Nam trực tiếp làm Tư lệnh Nam bộ kiêm Khu bộ trưởng Khu Bảy. Hai Khu bộ phó là Hùm xám miền Đông Huỳnh Văn Nghệ và Tư lệnh Liên quân Bình Xuyên – tướng Bảy Viễn. Mặc dù nhiều lần Trung ương và Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ phát quân lệnh nhưng Bảy Viễn vẫn nại nhiều lý do, không chịu về chiến khu nhận chức. Thực ra, trong thâm tâm Bảy Viễn cũng muốn hội quân nhưng còn lưỡng lự bởi sự kích động của đàn em, nhất là Lại Văn Sang, nhân viên Phòng nhì Pháp, luôn kề cận to nhỏ rằng Việt Minh tổ chức “điệu hổ ly sơn” lừa viên hổ tướng ra khỏi sào huyệt Bình Xuyên nhằm đoạt quân trảm tướng.

Không thể để tình hình hỗn quan hỗn quân kéo dài có thể làm lòng quân ly tán, có hại cho công cuộc kháng chiến, Hùm xám Huỳnh Văn Nghệ chủ động bàn với tướng Nguyễn Bình, rồi một mình một ghe, chèo vào sào huyệt Bình Xuyên, không mang theo một cận vệ, một tấc sắt hộ thân, tự nhận trách nhiệm làm thuyết khách.

Vốn là một tay hảo hớn gian hùng từng nhiều lần vào sanh ra tử, tướng Bảy Viễn rất có thiện cảm với những người gan dạ có tính cách người hùng theo kiểu tiểu thuyết Tàu. Tuy nhiên, cánh Lại Văn Sang lại rất lo việc Bình Xuyên hội quân cùng lực lượng kháng chiến nên tìm mọi cách ngăn trở. Hắn điều các đơn vị từng giết người không gớm tay cùng đủ loại vũ khí nặng nhẹ nhằm uy hiếp tinh thần thuyết khách, đồng thời vừa kích động vừa nài ép Bảy Viễn:

- Việt Minh cử người vô dụ anh. Anh gật đầu một cái là tụi em “thịt” nó liền!

Nhưng Bảy Viễn khoát tay:

- Người ta dám tới hang hùm bằng hai bàn tay trắng. Giết người ta, mình hèn quá!

Tiệc rượu được bày ra. Tay lục lâm và người thuyết khách chén tạc chén thù như đôi tri kỷ lâu ngày gặp lại. Giữa lúc đó, bọn tay chân Bình Xuyên lăm lăm vũ khí, hằm hè chực ăn tươi nuốt sống khách. Tiệc đang vui, Bảy Viễn cao hứng rót chén rượu lớn, hai tay cung kính mời Huỳnh Văn Nghệ:

- “Huynh đệ” chỉ có một chi đội trong tay mà đánh thắng trận La Ngà, chấn động cả thế giới lại còn văn hay chữ tốt. Nam Kỳ dễ có mấy tay. Bảy Viễn tôi vô cùng khâm phục, khâm phục. Nhưng đó là tài trí, còn tài mọn mà “huynh đệ” cũng hơn thì Bảy Viễn này mới thật tâm phục, khẩu phục.

Nói xong, Bảy Viễn rút khẩu súng lục, xoay một vòng, bất ngờ tay trái cầm cái chén ăn cơm ném ra xa, nhanh như cắt, tay phải lãy cò. Cái chén vỡ tung trước khi rơi xuống đất trong tiếng reo hò vang dậy của bọn đàn em.

Huỳnh Văn Nghệ từ tốn nói:

- Tài nghệ bắn súng của anh Bảy thì cả Nam Kỳ ai cũng nghe danh, tôi không thể sánh bì. Tuy nhiên, nếu tung đồng xu lên trời, khi đồng xu rớt xuống, tôi có thể bắn xuyên lỗ đồng xu, mười phát như một! Anh Bảy có thể cho tôi mượn khẩu súng?

Nghe thi tướng Huỳnh Văn Nghệ khẳng định, tướng Bảy Viễn trố mắt kinh ngạc. Trong khi đó, Huỳnh Văn Nghệ mỉm cười, tung đồng xu lên thật cao. Không khí chợt như ngưng đọng. Đồng xu rơi xuống, lăn dài trên mặt đất. Đến khi đồng xu ngừng hẳn, thuyết khách Huỳnh Văn Nghệ bình thản kề họng súng lên đúng lỗ đồng xu, siết cò.

Bảy Viễn giật thót người, rồi bật cười khanh khách:

- Vậy là Bảy Viễn tôi thua “huynh đệ” nữa rồi, thật bái phục, bái phục!

Nhờ vậy thuyết khách Huỳnh Văn Nghệ ung dung rời khỏi hang hùm Bình Xuyên ở Rừng Sác, ra về trong sự bảo vệ của những cận vệ thân tín nhất của tướng Bảy Viễn, trước đôi mắt hậm hực của Lại Văn Sang. Ít lâu sau, Bảy Viễn kéo quân về Đồng Tháp Mười hội quân kháng chiến và nhận chức Khu bộ phó Khu Bảy mà Trung ương, Chính phủ và Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ giao.

NGƯỜI DIỆT HỔ DỮ GIỮA

CHIẾN KHU Đ

Sau trận La Ngà, thực dân Pháp liên tục mở những cuộc bố ráp vào Chiến khu Đ. Chiến trường ở đây càng trở nên sôi động. Lính Pháp bỏ xác tại chiến địa ngày một nhiều thêm. Lúc này, xuất hiện kẻ “thu dọn chiến trường” chuyên nghiệp và rất hiệu quả. Đó là cọp ba móng to lớn và hung dữ. Theo con số thống kê được, chỉ riêng năm Bốn mươi bảy, nó đã ăn gần trăm xác người. Nghiện thịt người và đã một lần sa bẫy (mất một móng trên bàn chân trước, phía trái), cọp ba móng càng tinh anh và táo tợn hơn. Nó thường phục kích trên các lối mòn, vồ cán bộ, chiến sĩ và quần chúng trên khắp vùng Tân Uyên đến Mã Đà, gây nên nỗi kinh hoàng khắp Chiến khu Đ. Một đêm, chị cán bộ Phụ nữ xã Lạc An đi công tác ngủ nhờ nhà đồng bào. Trên chiếc giường có bốn người cùng ngủ, chị nằm sát vách, trong cùng. Vậy mà nửa đêm cọp về vồ mất, mà ba người còn lại không ai hay biết. Sáng ra, lần theo dấu vết, chỉ tìm được một ít thịt xương bấy bá vết vuốt hổ và vài mảnh quần áo mà chị vẫn mặc.

Trước tình hình đó, Khu bộ trưởng trực tiếp giao nhiệm vụ diệt cọp dữ cho Giám đốc Công binh xưởng Bùi Cát Vũ. Ngay đêm vừa nhận nhiệm vụ, một cán bộ của Công binh xưởng bị cọp ba móng vồ ngay lúc đang làm việc, xem như đòn dằn mặt mà cọp dữ gởi đến Hùm thiêng Bùi Cát Vũ. Lần theo dấu máu, Bùi Cát Vũ và anh Sáu Mẹo, vốn là tay thợ săn nổi tiếng, phát hiện một phần thi thể của đồng đội dưới một tán cây cổ thụ. Quá xúc động, Bùi Cát Vũ khấn: “Hồn anh có linh thiêng, dụ cọp dữ về đây, chúng tôi sẽ trả thù cho anh!”. Anh Sáu Mẹo dùng dây cột chặt xác người xấu số vào gốc cổ thụ, rồi cả hai leo lên chạc ba, ngồi đợi. Quả nhiên, đến xế trưa, ác thú quay lại tìm mồi. Đó là con cọp to lớn chưa từng thấy, dài hơn ba mét, lông vàng rực, phía dưới bụng và ức trắng như bông. Cọp ba móng đường bệ tiến về phía xác chết. Phát hiện có mùi lạ, nó dừng lại, đảo mắt một vòng quan sát. Dán đôi mắt lừ lừ vào chạc ba cây cổ thụ, nó thu người lại thủ thế. Mũi súng calip hai nòng từ tay anh Sáu Mẹo cất lên. Con ác thú tung cú vồ hết sức bình sinh thẳng lên chạc ba cây rồi biến mất vào rừng rậm. Tiếng đạn nổ vào khoảng không, chới với.

Đêm đó, ngay lúc cán bộ, chiến sĩ Công binh xưởng tổ chức truy điệu và mai táng người xấu số thì cọp ba móng lại quay về, táo tợn vồ bầy heo giữa vòng rào cơ quan. Bị phát hiện, nó phóng thẳng vào rừng, bỏ lại xác heo hơn tạ. Giám đốc Bùi Cát Vũ quyết định giữ nguyên hiện trường và khéo léo gài dưới xác heo hai quả mìn F 1, loại mìn do chính tay ông thiết kế chế tạo và hơn năm trước từng hất tan xác đoàn công voa Pháp trong chiến thắng La Ngà. Đêm hôm sau, giữa vòng vây của cán bộ, chiến sĩ Công binh xưởng đang tập trung cao độ tinh thần chiến đấu và ý thức cảnh giác, hai quả mìn F 1 phát nổ nhưng con heo hơn tạ đã biến mất mà con ác thú chẳng để lại đến một sợi lông. Mọi người kinh hoàng trước dấu vết của một cú nhảy xa đến hơn mười hai thước của con ác thú nhắm thẳng đến vị trí con mồi. Sau đó, nhanh như cắt, tay trước ôm mồi, nó nhảy khỏi vùng nguy hiểm trước khi hai quả mìn phát nổ. Đôi mắt nhà quân sự Bùi Cát Vũ sáng lên trước dấu vết mà cọp ba móng để lại. Cùng với Sáu Mẹo, chính tay ông đo đạc, ghi chép cẩn thận các thông số đó.

Ít ngày sau, một người dân đi rừng ăn ong bị cọp ba móng vồ chết trên con đường độc đạo xuống suối. Nghe tin, Giám đốc Bùi Cát Vũ nhanh chóng đến nhà nạn nhân, thuyết phục gia đình hiến xác cho trận đánh cuối cùng. Bốn quả mìn hạng nặng mà Công binh xưởng vừa chế tạo được mang đến gài dưới xác nạn nhân và trên con đường độc đạo với cự ly đúng bằng cú dậm đà và cú nhảy thoát mà con ác thú đã để lại hôm trước. Đêm hôm đó, sau tiếng mìn nổ, hàng chục ngọn đuốc túa ra, sáng cả một góc rừng. Đúng như dự kiến, cú nhảy thoát của nó đã dẫm trực diện lên quả mìn. Sức công phá khủng khiếp làm vỡ hoác vùng bụng của con ác thú, ruột gan phơi cả ra ngoài, kéo lê trên đất. Đôi mắt nó long lên sòng sọc, quét những tia nhìn hận thù dữ dội về phía mọi người. Nó thu hết tàn lực, cố lê về phía rừng già kèm theo những tiếng gầm thét làm vang động cả rừng núi Chiến khu Đ. Tiếng gầm thét chỉ chịu chấm dứt khi loạt đạn từ khẩu calip của Sáu Mẹo giáng thẳng vào khoảng giữa đôi mắt đỏ như máu ấy.

Từ đó, cuộc sống sản xuất, chiến đấu vùng đất đỏ miền Đông trở lại bình yên. Cũng từ đó, Hùm thiêng miền Tây Bùi Cát Vũ được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Đông đặt cho biệt danh đầy trìu mến: Võ Tòng Chiến khu Đ!

Cuộc đời hoạt động binh nghiệp bên nhau của cặp bài trùng Cọp xám miền Đông Huỳnh Văn Nghệ và Hùm thiêng miền Tây Bùi Cát Vũ đã lập nên nhiều chiến công, góp phần vào trang sử vẻ vang của Chiến khu Đ gian lao mà anh dũng, cũng như của quân đội ta. Thế nhưng, cuộc đời hai ông còn có những điểm tương đồng khá lý thú khác mà ít người biết đến: Cùng được thưởng Huân chương Quân công ngay sau chiến thắng La Ngà. Đây là hai trong số hiếm hoi cán bộ, chiến sĩ đầu tiên được nhận huân chương cao quí này; Cùng là nhà quân sự tài ba lại là nhà văn, nhà thơ được nhiều người biết đến. Nếu ngay trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ nổi tiếng với những vần thơ hào sảng: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” thì văn tướng Bùi Cát Vũ cũng rất thành công với những ký sự đầy ắp chất hiện thực và bi tráng tại những điểm nóng nhất của chiến trường với Trong rừng sâu chiến khu Đ, Đường vào Sài Gòn, Đường vào Phnôm pênh… Cả hai cùng rời quân ngũ như những vị tướng lừng danh, được cả thế giới nể vì. Nếu Bùi Cát Vũ là Thiếu tướng chính thức được phong thì Huỳnh Văn Nghệ mãi mãi là vị tướng quân khí khái trong lòng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân miền Đông.

Điểm khác nhau căn bản giữa hai cuộc đời nhiều tương đồng này là binh nghiệp của Bùi Cát Vũ kéo dài hơn, trải qua nhiều chiến trường hơn. Ông còn là nhà khoa học quân sự với học vị phó tiến sĩ, trực tiếp thiết kế, chế tạo nhiều loại vũ khí phục vụ hai cuộc kháng chiến. Từ Giám đốc Công binh xưởng Khu Bảy thời đánh Pháp, ông trở thành Tư lệnh Pháo binh Miền trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, được báo chí phương Tây nễ vì với biệt danh “Trùm đại bác Đông Dương”.

(Nguồn tư liệu của tướng Bùi Cát Vũ)

Nguồn Văn nghệ số 18+19/2022


Có thể bạn quan tâm