April 26, 2024, 5:34 pm

Đọc “Trầm” tập truyện & kí của Phạm Phát

Được xuất bản vào quý III năm 2017 thì cuối năm đó, Trầm được trao giải A của Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam. Tôi đã nhiều lần đọc tác phẩm này, lần nào cũng không cầm được nước mắt. Tự hỏi, cái gì đã làm nên sức cuốn hút của tác phẩm đến thế? Đó là những khám phá đầy xúc động về thân phận con người, về những khoảng sáng phát lộ từ những con người bình thường nhất. Một người không có ý định làm văn chương mà lại hóa ra văn chương thứ thiệt. Ở đó có những con người với vẻ đẹp chân chất, những nỗi khổ đau, cơ cực, trải qua những nghịch cảnh, những thử thách nghiệt ngã của một thời đầy nước mắt. Đó là người cha mười ngày đi bộ từ Hội An vào Bình Định để tìm con. Đường xá xa xôi, lạ lẫm, không một người quen biết, không một dòng địa chỉ, ngày cuốc bộ, tối đâu ngủ đấy, mò mẫm tìm con như mò kim dưới đáy biển. Thương cảnh đất khách quê người, tuổi già sức yếu, bà vợ có ý cản thì được trả lời: “Hắn là hòn máu của mình, máu đi tìm máu răng không gặp? Tỉ như mình cầm cục nam châm rà vào đống răm bào, rà miết rồi cũng hút được chút đinh”.

Lý lẽ giản đơn, chắc nịch mà thấm thía tận đáy lòng. Ở với con mấy ngày, lúc chia tay tưởng sau hai năm thì gặp lại, không ngờ phải đi vòng tới hai mươi năm. Không chờ được con, lúc trở bệnh nặng cứ bảo người nhà đem ghế ra ngoài hiên ngồi, nhìn bụi tre trước cổng rồi nói một mình: “Ai nói tre già măng mọc. Tre sắp rụng rồi mà có mụn măng nào mọc đâu. Hay là hắn đã thành tre, thành trúc ở xứ mô rồi?” (Cha Tôi)

Đó là O Tám, người có số phận thật đặc biệt. Lúc bé bụng ỏng đít beo, ốm lên ốm xuống, gia đình phải làm lễ “bán” cho thầy cúng. Có tấm áo mới nào phải quàng vào cổ chó sau đó mới được mặc. Lớn lên, biết phụ việc, giúp mẹ kiếm tiền từ sớm. Khi lấy chồng thì nhà chồng lại nghèo hơn cả nhà bố mẹ đẻ. Tất cả chi tiêu trong nhà đều trông vào sạp rau của chị. Là người mẹ của sắp nhỏ sáu gái hai trai, chị như chiếc đầu tầu kéo cả cái gia đình khốn khó vượt qua cảnh bần hàn. Việc nhà ngập mặt, nhưng việc nước việc làng thì rất sốt sắng, đi đầu. Sống trong vùng o ép tàn bạo của địch, chị nhập vào đội quân tóc dài, làm cho kẻ địch nhiều phen khốn đốn . Một bữa địch tổ chức lễ tri ân tổng thống Ngô Đình Diệm, có người ghé vào tai chị rồi chị lại đi ghé vào tai nhiều chị em khác nhất loạt ăn hạt mít rang. Sáng hôm sau, tên chủ tịch Hội đồng vừa tuyên bố lí do thì có chị kêu toáng lên “mồ cha đứa mô thải cái của đó ra, thúi quá thúi quá” Thế rồi tất cả các chị đều đồng loạt kêu thúi quá rồi phá chạy ra ngoài. Cuộc tri ân thất bại. Địch cay cú bắt chị và mấy người khác nghi cầm đầu tra lên hỏi xuống. Tất cả đều trả lời gạo không đủ ăn thì phải ăn thêm hạt mít. Chúng giữ chị trên đồn, tra tấn rất dã man hơn mười ngày mới cho về. Về nhà, phải phục thuốc thang hơn một tháng trời mới đi lại được. Từ đó, cứ mỗi lần có tên ác ôn nào bị khử hoặc có truyền đơn rải trong chợ, địch lại bắt chị lên đồn tra khảo, nhưng mọi ngón đòn hiểm độc của chúng vẫn không hề làm chị nao núng. Ngày giải phóng, bỏ chợ mấy hôm liền để lên Đà Nẵng tìm anh. Rồi cuộc sống những ngày bao cấp, chị phải vắt kiệt sức lực chạy chợ trên chợ dưới để kéo cả đoàn tàu vượt qua cảnh nghèo đói. Đến một bữa, chị ra đi đột ngột, ai vuốt mắt cũng không nhắm. Chờ đến lượt anh trai về vuốt cho mới chịu nhắm (Trời lầm).

Với lối kể chuyện dung dị, đậm chất tâm tình , Phạm Phát đã dựng lên những mảnh đời nghèo khó, trôi dạt, bị cơn bão của thời cuộc hất tung về mọi phía . Tất cả những con người bình thường đó đều toả ra vẻ đẹp kỳ diệu của tình người. Truyện nào cũng cảm động, các chi tiết được chọn lọc, tất cả toát lên một triết lí thâm trầm về số phận con người. Đó là cái chết của anh Năm ở Hạnh Thông Tây sau ngày toàn quốc kháng chiến. Cả tiểu đội đều hy sinh nên không còn ai chứng nhận cho ai. Hài cốt cũng không tìm được , chị vợ chạy lên chạy xuống không làm được tấm bằng liệt sĩ. Đến khi gia đình làm nghĩa trang gia tộc, người ta quyết định làm cho anh một ngôi mộ gió với tấm bia liệt sĩ. Chị vợ ôm tấm bia mà than: “Không ai công nhận thì chị em mình công nhận, cả gia tộc công nhận, thế là cũng vinh dự lắm rồi” (Giỗ Chồng).

Đó là mối tình của hai anh chị lấy nhau gần nửa thế kỉ mà những ngày hạnh phúc bên nhau thì tính từng ngày. Anh vào nam ra bắc, tới ngày thống nhất thì cả hai anh chị đã thành hai ông bà già. Hạnh phúc lớn nhất của họ là giữ được lòng chung thủy (Duyên phận).

Đó là chị Ba, chồng chết sớm, để lại hai con gái nhỏ. Mặc dù còn rất trẻ và có nhan sắc nhưng chị kiên quyết không đi bước nữa, ở vậy thờ chồng nuôi con. Tới khi con lớn, đều đi lấy chồng thì còn lại một mình, thân nuôi thân. Tiếc phận không có con trai, mong ước lớn nhất là được chết vào ngày 30 tết để được theo tổ tiên về gặp mặt con cháu (chuyện thường kể trong ngày giỗ cha).

Những con người lam lũ, chịu thương chịu khó dưới ngòi bút của Phạm Phát hiện lên thật sống động, bám riết lấy tâm trí người đọc với biết bao thương cảm. Đó là những con người giàu lòng yêu nước, gan góc chống lại sự đàn áp dã man của kẻ thù, giữ chọn tấm lòng thủy chung với cách mạng. Tiêu biểu nhất cho những phần tử trung kiên là Hai Ngự trong truyện ngắn Trầm, được lấy tên chung cho tập sách. Cha hoạt động cách mạng, mẹ mất sớm để lại lít nhít một đàn con. Hai Ngự là con đầu thay mẹ nuôi em, bế từng đứa đi bú chực quanh làng. Lớn lên, Hai Ngự trở thành một cô gái xinh đẹp, đảm đang. Một bữa giặc càn bắt được một tốp con gái, các cô khác bị giặc cưỡng hiếp tại trận. Hai Ngự chống đỡ quyết liệt bị bắt vô đồn. Về đồn càng chống cự quyết liệt, bị địch giam vào chuồng xí. Ngồi trong chuồng xí, suy nghĩ hết cách để giữ gìn trinh tiết, cuối cùng quyết định đi ỉa, lấy phân của mình chét lên quần áo. Buổi chiều bọn địch mở cửa, thấy chị, ù té chạy. Thấy không đứa nào đeo súng, thừa cơ chạy tháo ra khỏi đồn. Bọn giặc đuổi theo đánh chết lịm bên bờ mương. Được hỏi chét phân lên người có sợ thối không? trả lời: Sợ chứ sao không sợ. Nhưng chịu thối một lúc còn hơn chịu thối cả đời. Tới hồi cha bị Tây bắt, chặt đầu, quăng xác mỗi thứ một nơi. Đang thái khoai, nghe tin cha bị giết, giật vội chiếc áo rồi chạy té ra đồng. Tìm thấy đầu cha, chụp vào tấm áo rồi vừa khóc vừa chạy. Khi tìm thấy thân cha, chắp lại cho ngay rồi ngất đi không hay biết gì nữa. Sau đó xin vào du kích, kiên quyết trả thù cho cha. Trong một trận càn, đưa anh em xuống hầm, còn một mình cầm quả lựu đạn chờ giặc tới. Chuyện chồng con, năm 1950 lấy chồng năm 1954 anh tập kết ra Bắc, để lại hai đứa con gái còn nhỏ. Hôm chia tay xuống chợ mua bát cao lầu, dặn anh ăn đi để nhớ mẹ con em. Anh chồng ra Bắc, được đi học nước ngoài rồi về làm việc tại một cơ quan Trung ương. Năm 1973 nghe tin trong nớ vợ đã đi lấy chồng, anh mới lấy vợ, một chị cùng cơ quan. Năm 1975 mọi người về cả nhưng anh nấn ná không dám về vì hay tin chị vẫn chờ anh. Sau chị nhắn tin ra, cứ về cho con thấy mặt. Ngày đoàn tụ chị lại mua một bát cao lầu đặt giữa mâm cơm, bảo anh ăn đi tôi đi có việc. Nói vậy rồi bỏ đi đến khi anh chồng hết phép mới trở về nhà. Sau viết thư ra Bắc, bảo anh cứ về, tôi mua nhà cho, việc ai nấy làm. Anh đưa con về, mỗi người ở một nhà, kiên quyết không ở cùng nhau. Sau giải phóng, đất nước thì kết thúc có hậu nhưng gia đình chị thì vẫn ly tan, tới khi chết vẫn ôm hận ra đi. Truyện Trầm đã được dịch và xuất bản tại Trung Quốc. Chị Điền Tiểu Hoa , dịch giả cho biết bạn đọc Trung Quốc rất khen ngợi truyện Trầm, càng đọc càng thấy hay, như lời chị nói. Nếu Trầm là truyện ngắn được viết công phu nhất thì truyện “Củ sắn” lại được viết xúc tích nhất. Đó là truyện về cái đói của khu 5. Những ngày mưa, mọi chuyện xếp lại, lúc này chuyện lớn nhất là đi gùi sắn cho bếp ăn tập thể và bếp ăn bộ phận. Để cải thiện cho bếp ăn bộ phận, có người nghĩ ra làm một chiếc gùi bằng vải. Khi gùi sắn về, nắm lấy một củ to nhất rồi đổ gùi xuống cho chị nuôi. Đến lượt tôi (tác giả) phải đi gùi, giữ lại củ sắn cho bếp ăn bộ phận hay không giữ là một cuộc đấu tranh nội tâm căng thẳng. Đến phút chót, anh quyết định trút tất cả cho bếp ăn tập thể, mà không giữ lại củ sắn nào cho bếp ăn bộ phận. Nếu giữ thì không ai biết, nhưng lương tâm thì cắn dứt, không chạy trốn vào đâu được. Củ sắn ở đây không còn là củ sắn nữa mà nó trở thành chuyện nhân cách, chuyện làm người. Chiến tranh đã kết thúc từ lâu nhưng câu chuyện củ sắn vẫn có giá trị thời sự nóng hổi. Nghiêm khắc mà nói, nó chính là chuyện chống tham nhũng đích thực.

Ở mảng bút ký, Phạm Phát cũng có nhiều bài viết hay như Quê ngoại, Đôi chân của chị tôi, Tết xưa, Bồi hồi chiều cuối năm, Cõi khuất mặt, Chuyện Thằng Lai… Sở dĩ thành công vì tác giả có vốn sống thực tế rất phong phú, đã qua trải nghiệm nên rất thật, lại được viết bằng thứ văn nền nã, tự nhiên, giàu chất thơ. Quê ngoại là những kỉ niệm của tác giả khi được mẹ cho về ở bên ngoại suốt trong ba tháng hè. Đó là một gia đình nề nếp gia phong. Ông bà ngoại sinh được năm con trai , hai con gái. Ngày giải phóng chỉ còn hai bà con gái, các ông con trai người thì đi làm Việt Minh bị Pháp bắn giết. Người thì hy sinh trong chống Mỹ, người thì làm chánh tổng có ba con theo cách mạng. Chiến tranh đã làm ly tán mỗi người đi một sứ. Tác giả nhận xét rất ý tứ mà xa xót: “Hồi đầu giải phóng đi ngoài đường thì vui mà vào nhà ai cũng thấy buồn. Nhà nào cũng vắng vẻ, chỉ gặp phụ nữ. Đàn ông thì người bị gọi đi học tập, người thì quá sợ lánh đi nơi khác, người thì đi cách mạng ở xa chưa về. Còn nhiều người khác thì không bao giờ về nữa”. Với giọng xúc động tác giả đã làm sống lại những cảnh đạp lúa, tập bơi, đánh trận giả rồi hạ bút viết: “Chao ôi, cái lúc cùng nhau chơi đùa vô tư trong những trận đánh giả như vậy, chúng tôi đâu có ngờ chỉ mấy năm sau đó số phận đã đưa đẩy anh em chúng tôi về hai phía trong một trận đánh thật, một cuộc chiến khốc liệt kéo dài cả nửa đời người. Và trong cái trò chơi đẫm máu này đã chết là chết, sờ sờ bát hương đây, cãi chi được, anh Lượm ơi!”. Chuyện của một gia tộc, một vùng quê hóa ra là chuyện của đất nước. Tác giả có cái nhìn vừa sâu sắc vừa khái quát. Đó là chuyện của một thời mà cũng là cái giá phải trả cho những thắng lợi huy hoàng. Bài Đôi chân của chị tôi là số phận của một phụ nữ chìm nổi long đong, phiêu dạt qua một thời ly loạn. Đó là những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, gánh con tản cư vào Quảng Ngãi “Đói bụng, con khóc thì kiếm chỗ đặt gánh xuống, kê ba hòn gạch bắc niêu cơm. Tối thì lựa chỗ mô sạch sẽ, có đông người ở, trải chiếu ra, nửa nằm nửa đắp, mẹ con ôm nhau, con thì thấy rứa làm thích, mẹ thì buồn lo đủ thứ không ngủ được”. Để nuôi sống một đàn con bảy trai một gái, hai vợ chồng phải vắt kiệt sức ra mà không đủ. Bé thì tiền ăn tiền học, lớn thì tiền lo trốn quân dịch, chồng đi làm thợ gạch, vợ chạy vòng chợ trên chợ dưới. Mùa khoai thì sắm đôi thùng tưới nước. Cát nóng như rang, chạy trên cát khác nào chạy trên chảo lửa. Phải lấy tấm áo rách ra vắt vai. Chạy được một đoạn nóng quá phải vứt áo xuống dẫm chân lên cho nguội bớt rồi nhặt áo lên chạy tiếp. Bước vào cái tuổi 99 rồi, đôi chân không còn làm theo ý mình, mọi chuyện đi lại trong nhà phải trông vào chiếc ghế đẩy. Phạm Phát miêu tả cuộc sống của những người yêu nước bình thường thật sống động và gợi cảm. Chính những con người đó là đất sống của cách mạng. Họ trông chờ cách mạng để vượt qua những ngày sống cơ cực, cách mạng dựa vào họ để vượt qua thăng trầm còn mất. Họ không phải là những anh hùng lập công lẫy lừng trong trận mạc, nhưng là những anh hùng chống trọi với mọi thử thách khắc nghiệt trong đời thường. Tác giả tỏ ra thông cảm cuộc sống của nhân vật biết chừng nào. Cái hay trong những bài bút ký của Phạm Phát là chọn được những tình tiết rất đặc sắc, đọc một lần là nhớ mãi. Đó là Dương Thị Dịu Hương trong “Quê ngoại” cha bị giặc giết, ngày giỗ đoạn tang không đốt khăn. Sau đó tìm cách lân la vào đồn Gò Lê cặp bồ với tên trung úy Rân đồn trưởng, một kẻ đầy nợ máu với dân làng Phú Chiêm, rồi dụ hắn đi vào chỗ du kích đã phục sẵn để khử. Đó là chi tiết các em học sinh dâng những bó hoa râm bụt lên mộ con trai thầy chủ nhiệm (Màu đỏ hoa râm bụt).

Đó là cảnh 30 tết phải đi đổ thùng cho bọn tây trong nhà tù bẩn thỉu, hôi thối đến cùng cực. Nhưng trên đường về có một người đi đường đã ném lên ô tô một bọc khăn mặt và một bánh xà phòng thơm. Thật bất ngờ. Một chi tiết nhỏ mà nói được lòng dân với cách mạng. Nơi nào có dân là có cách mạng. Sức mạnh làm nên chiến thắng là ở đó (Bồi hồi chiều cuối năm). Những bài viết về ông Bốn (Thèm người), về bà Dện, về anh Sáu (Người đàn bà xách phích đi ngang nhà tôi), về Phan Lai (chuyện thằng Lai) mỗi người một vài nét chấm phá nhưng hiện lên đầy thương cảm, đầy tính nhân văn. Trong đó cuộc đời bà Dện là thương tâm nhất, nhà chỉ có hai bà cháu, chuyên sống bằng nghề đi mót, mót khoai, mót cá. Những ngày không mót được thì vào trong xóm ai bảo gì làm việc nấy, cốt có miếng ăn. Tới khi chết, lục trong người thấy có một cái túi nhỏ, mở ra có 9 hạt gạo. Người ta đặt những hạt gạo đó vào miệng người chết, rồi khấn: “Thôi từ nay không còn sợ đói nữa, bà Dện ơi!”.

Phạm Phát giàu vốn sống và giàu trải nghiệm. Anh thông cảm sâu sắc với những kiếp người cơ cực, hẩm hiu, thua thiệt. Ngòi bút của anh lách sâu vào những cảnh đau đớn, mất mát để dóng lên tiếng chuông của lòng nhân ái. Thành công của Trầm là thông qua những con người bình thường tác giả làm sáng lên biết bao vẻ đẹp về đạo lý, về nghĩa tình. Đó là tác phẩm thấm đẫm tình yêu con người. Họ là những con người ít may mắn trong cuộc sống nhưng tràn đầy nghị lực và tình yêu con người. Đó là niềm tin vào chính nghĩa, là sự thủy chung với cách mạng, dám hy sinh để đền nợ nước, trả thù nhà.

Gấp quyển sách lại tôi nhớ đến một câu nói của R.Tagore đại ý: hiện đại nhất là tự nhiên nhất. Trầm là một tác phẩm như thế. Đó là một tác phẩm giản dị, tự nhiên và chân thực. Ngôn ngữ xứ Quảng được vận dụng rất thuần thục, đem lại hiệu quả nghệ thuật cao. Tất cả tạo nên giá trị và vẻ đẹp của Trầm – Một tác phẩm văn học đích thực, cảm động và khó quên.

Nguồn Văn nghệ số 30/2022


Có thể bạn quan tâm