April 27, 2024, 1:47 am

Đọc Thư gửi Mẹ trong ngày linh thiêng

TRẦN ĐĂNG KHOA

Thư gửi mẹ

 

Mẹ ơi, có thể trong cuộc chiến đấu này

Con sẽ ngã xuống

Ngã xuống bình thường

Như bao đồng đội của con

Để mái nhà gianh mẹ được yên ả

Dưới sắc nắng vàng…

 

Và, có thể là, sáng mai bừng mắt ra

Mẹ sẽ nhận về một tờ giấy…

Như nhiều bà mẹ ở làng

Tờ giấy mỏng manh

Nhưng lại nặng hơn ngàn tấn bom

Trút xuống tuổi già của mẹ

Cho dù thế, mẹ cũng đừng khóc nhé

Con không chết đâu

 

Xin mẹ cứ đọc Kiều

Cho căn nhà trở lại yên tĩnh

Dưới bóng cây bảng lảng hoàng hôn

Xin mẹ cứ ngồi tựa cửa chờ con

Như những ngày xưa

Mỗi chiều con đi học về

Và mẹ lại lắng nghe

Tiếng bước chân bầy trẻ nhỏ

Chúng ôm sách, bá vai nhau,

                 rúc rích cười

                           đi ngang qua cửa sổ

Đi ngang qua chiều

Yên tĩnh.

 

Và đêm xuống

      Đầy nhà

                 Đầy vườn

                           Đầy cả bầu trời…

Đêm ấm áp và mượt như lụa

Xin mẹ đừng khép cửa

Để gió vào

Gió hát trong căn nhà của mẹ

Những khao khát của trời mây

Và mẹ sẽ thiếp đi lúc nào không hay

Đến nỗi mẹ chẳng biết được

Thằng con trai mẹ về

Trong làn gió mát

Làn gió đã đi khắp trái đất

Hát ru những bà mẹ không con…

                 Biên giới Tây Nam, 28/08/1978

Ngày “linh thiêng” ấy là ngày 27/7. Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa thì đó là ngày “giỗ đồng đội”. Đồng đội, theo quan niệm của nhà thơ Chính Hữu là “Hớp nước uống chung – Miếng cơm bẻ nửa – Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa – Chia khắp anh em một mẩu tin nhà – Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp – Chia nhau cuộc đời – Chia nhau cái chết” . Và cả khi đã chết rồi họ vẫn gắn bó với nhau, vẫn không rời nhau. Dù ngã xuống ở Điện Biên Phủ năm 1954, hay trước cửa ngõ Sài Gòn năm 1975, dù hi sinh trên Biển Đông hay biên giới phía Nam, phía Bắc, thời gian khác nhau, không gian cũng khác nhau, nhưng họ vẫn cùng chung nhau một ngày giỗ: Ngày 27-7.

Thật cảm động khi chúng ta đọc lại bài thơ “Thư gửi mẹ” của Trần Đăng Khoa trong ngày đặc biệt này. Bài thơ được viết từ năm 1978, khi nhà thơ theo bước chân bộ đội tình nguyện, tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam và tiêu diệt bọn diệt chủng Pôn Pốt, cứu đất nước Campuchia anh em.

Bài thơ là lời người lính trận tâm sự với mẹ mình trong tâm tưởng trước khi bước vào trận đánh. Cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt. Anh biết mình sẽ vĩnh viễn không còn được gặp lại mẹ nữa: Mẹ ơi, có thể trong cuộc chiến đấu này/ Con sẽ ngã xuống/ Ngã xuống bình thường/ Như bao đồng đội của con/ Để mái nhà gianh mẹ được yên ả/ Dưới sắc nắng vàng…

Thơ Trần Đăng Khoa, ở tuổi thiếu nhi và cả khi đã trưởng thành, trước sau đều nhất quán. Trần Đăng Khoa quan niệm: “Thơ hay là thơ GIẢN DỊ, XÚC ĐỘNG và ÁM ẢNH”. Tâm niệm này chi phối cả một đời sáng tạo của ông trong nhiều thể loại, nhưng rõ nhất là ở lĩnh vực thơ ca. Và nói như nhà thơ, nhà phê bình thơ Xuân Diệu, thì “Thơ Trần Đăng Khoa viết theo lối cổ điển. Cấu tứ chặt chẽ. Vần điệu nhuần nhuyễn, do biết lựa chọn câu chữ chính xác, nên thường không dàn trải, mà rất gợi”*. Tuy nhiên, bài thơ này, ông viết theo thể tự do, hoàn toàn bỏ vần. Một dạng thơ dường như ít gặp trong thơ Trần Đăng Khoa. Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, đúng như một bức thư người lính gửi cho mẹ, an ủi mẹ. Từng chữ bình thản, nhẩn nha, nhỏ xuống như những giọt máu, nóng ấm ở bên trong, nhưng lại lạnh lùng, bình thản ở vẻ ngoài: Và, có thể là, sáng mai bừng mắt ra/ Mẹ sẽ nhận về một tờ giấy/ Như nhiều bà mẹ ở làng.

Giấy gì vậy? Giấy báo tử. Đấy là nỗi kinh hoàng đối với mỗi bà mẹ, mỗi thành viên trong gia đình có người ra trận. Nhưng “Con không chết đâu”. “Con không chết”. Đó là lời khẳng định, cũng là lời động viên, an ủi mẹ của đứa con dù đã hy sinh. “Con không chết” vì mẹ không thể thiếu con. Và “con không chết” thì giấy báo tử không phải giấy báo tử. Nó là tờ giấy bình thường, mẹ nhận “Như nhiều bà mẹ ở làng”. Câu thơ nhẹ như không, mà cuộc chiến tranh liện lên lại rất khốc liệt. Bao nhiêu bà mẹ có chung một cảnh ngộ đau thương ở trong một làng nhỏ. Tờ giấy bình thường mà đâu có bình thường: Tờ giấy mỏng manh/ Nhưng lại nặng hơn ngàn tấn bom/ Trút xuống tuổi già của mẹ/ Cho dù thế, mẹ cũng đừng khóc nhé/ Con không chết đâu.

Con không chết. Vì mẹ không thể thiếu con, khi tuổi đã già. Làm sao con có thể chết khi mặt trời ngày nào cũng mọc? Làm sao con có thể chết khi ngày nào mẹ cũng thương con, nhớ con và khắc khoải chờ đợi con? Làm sao con có thể chết khi căn nhà ta vẫn thế, khu vườn ta vẫn thế, vẫn đầy ắp hình bóng con? Nhìn đâu mẹ cũng thấy con: Xin mẹ cứ đọc Kiều/ Cho căn nhà trở lại yên tĩnh/ Dưới bóng cây bảng lảng hoàng hôn.

Đây là những câu thơ đẹp nhất trong bài. Đẹp một màu buồn. Buồn mà không bi luỵ, không hiu hắt, hoang vắng. Rồi nhà thơ cùng bà mẹ mở ra cả một buổi chiều quê ở làng quê: Xin mẹ cứ ngồi tựa cửa chờ con/ Như những ngày xưa/ Mỗi chiều con đi học về/ Và mẹ lại lắng nghe/ Tiếng bước chân bầy trẻ nhỏ/ Chúng ôm sách, bá vai nhau,rúc rích cười đi ngang qua cửa sổ/ Đi ngang qua chiều/ Yên tĩnh.

Con đã trở về trong bước chân bầy trẻ thơ. Mẹ có con mà không phải con. Buổi chiều đẹp biết bao. Một làng quê thanh bình, yên tĩnh. Sự yên bình muôn thuở của làng quê, nhưng cũng là sự yên tĩnh tự tạo. Bà mẹ đã tạo ra bầu khí quyển yên bình ấy để sống với con, với tuổi thơ con. Câu thơ bung phá trong sự kìm nén. Tĩnh bên ngoài mà động ở bên trong. Ta cảm thấy ngạt thở trong một nỗi đau không có dấu vết. Rồi ta tiếp tục rợn ngợp. Vâng, đúng là sự rợn ngợp: Và đêm xuống/ Đầy nhà/ Đầy vườn/ Đầy cả bầu trời…

Bắt đầu là nhà, rồi dâng theo bậc thang ra đến khu vườn, tới bầu trời và cả một thế giới rộng lớn: Đêm ấm áp và mượt như lụa/ Xin mẹ đừng khép cửa/ Để gió vào/ Gió hát trong căn nhà của mẹ/ Những khao khát của trời mây/ Và mẹ sẽ thiếp đi lúc nào không hay/ Đến nỗi mẹ chẳng biết được/ Thằng con trai mẹ về/ Trong làn gió mát/ Làn gió đã đi khắp trái đất/ Hát ru những bà mẹ không con…

Xưa nay, chỉ có mẹ ru con thôi. Còn bây giờ thì con lại ru mẹ. Bà mẹ nào cũng sống vì con. Con là gia tài của mẹ, là tất cả cuộc đời mẹ. Và cũng chỉ có con mới ru được mẹ, mới làm đời mẹ được yên. Bây giờ, con của mẹ lại trở về “trong làn gió mát”:  Làn gió đã đi khắp trái đất - Hát ru những bà mẹ không con. Hóa ra không phải chỉ có mẹ và các bà mẹ ở làng quê nhỏ bé của chúng ta, nhiều bà mẹ trên trái đất này cũng có chung số phận, có chung cảnh ngộ như mẹ. Cuộc chiến tranh nào cũng tàn khốc và đau thương. Cuộc “đoàn tụ” với mẹ của người lính làm ta ứa nước mắt. Bài thơ hết mà thơ vẫn chưa hết. Nó vẫn còn ám ảnh chúng ta. Chúng ta càng yêu hơn, trân quý hơn những giây phút yên bình hôm nay. Bởi nó được đổi bằng bao nhiêu xương máu và nước mắt…

Nguồn Văn nghệ số 30/2020

_______

* Một em nhỏ làm thơ (Xuân Diệu - Tập tiểu luận Và cây đời mãi mãi xanh tươi)


Có thể bạn quan tâm