April 26, 2024, 9:55 pm

Độc đáo theo... TÂY

 

Tác giả Hoài Nam qua đọc một số tác phẩm văn học nước ngoài viết về chiến tranh đã được dịch ra tiếng Việt, nhận ra các nhà văn này đã nhìn chiến tranh từ phía hậu cảnh với sự lạ, độc đáo đã đem đến cho họ những giá trị lớn. Liên hệ đến văn học Việt Nam hiện nay tác giả cho rằng "... khai thác cái hậu cảnh ấy thế nào, thể hiện nó ra sao cấp cho nó những chiều kích triết lý tư tưởng gì... Tài năng, tính độc lập của người viết đương nhiên là một phẩm chất tối cần thiết để tạo nên sự "lạ" cho tác phẩm. Nhưng cũng cần thiết không kém là bản lĩnh nhân văn, là cái nhìn về chiến tranh hoàn toàn độc lập của nhà văn. Là sự không lệ thuộc, sự được "tẩy rửa" khỏi những áp đặt từ bên ngoài... Nếu được như thế, từ "lạ" đến "lớn", đối với một tác phẩm văn học mà xét, có lẽ không phải là một con đường quá dài (Nhìn chiến tranh từ phía hậu cảnh. Văn nghệ (Hội Nhà văn) số 28 ngày 13-7-2019. Trang 8.)

Ảnh minh hoạ . nguồn Internet

Đây là một gợi ý mở đường, khai phóng cho các nhà văn Việt Nam và hứa hẹn triển vọng rất tốt đẹp cho văn học Việt Nam, khi nhà văn đã tìm ra cái "lạ" theo cách của các tác giả nước ngoài thì cái "lớn" của tác phẩm là ở trong tầm tay.

Vậy cái nhìn hậu cảnh của tác giả nước ngoài là như thế nào?

Trước tiên là cuốn Bản giao hưởng Pháp của Irenne Nemirovsky (Lê Ngọc Mai dịch, Công ty Văn hóa Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn H. 2008). Tác giả là người Do Thái, đã chết trong trại tập trung Auschwitz năm 1942. Di cảo do con gái công bố năm 2004. Lập tức dược Giải Renaudot, một trong những giải thưởng văn chương danh giá nhất của Pháp.

Theo Hoài Nam, "điều lạ" thực sự của tác giả này là nằm ở cái nhìn về chiến tranh của tác giả... Không nhìn chiến tranh ở "mặt tiền", mà nhìn ở phía hậu cảnh, nơi chỉ có âm vang và dư chấn của bom rơi đạn nổ"... Từ cái nhìn đó nhà văn thấy ra "một tập hợp những mảnh vỡ của Paris trong cơn tháo chạy hoảng loạn khi nước Pháp bị quân đội Đức Quốc xã tấn công "... Trong cơn tháo chạy đó, tất cả các tầng lớp xã hội Pháp từ tư sản, nhà văn, công chức, gái điếm, thợ thuyền, người hầu... đã bộc lộ cái xấu, cái đớn hèn, và cả cái ác vốn lẩn khuất trong con người. Nhà văn đã "giải ảo" tính cách Pháp, tinh thần Pháp...

Hậu cảnh thứ hai là cảnh nhân dân ở một vùng nông thôn của nước Pháp chung sống với quân chiếm đóng... ở đây tuyệt nhiên không có sự miêu tả nỗi khiếp sợ và lòng căm thù của nhân dân Pháp... trái lại, tác giả viết về sự nỗ lực để thấu hiểu và thông cảm của cả hai bên... Nên thơ và cảm động nhất (theo Hoài Nam) là tình yêu giữa một thiếu phụ Pháp có chồng bị quân Đức bắt giam, cô Lucille Angellier, với viên sĩ quan Đức đẹp trai, tài hoa, đầy sức sống... nàng nhận ra "nếu không phải chịu ánh hào quang của Đế chế hắt lên số phận, chàng đã là một con người khác. Nàng yêu cái con người khác ấy ở viên sĩ quan Đức...

Hậu cảnh thứ bà là cái nhìn nghiêng của nhà văn Mỹ Joseph Heller qua tiểu thuyết Bẫy 22, để thấy: chiến tranh có thể là một sự kiện trớ trêu, ngu ngốc và nực cười đến thế nào, theo tác giả Hoài Nam.

Trong một hậu cảnh không có kẻ thù. Một đơn vị không quân Mỹ từ tướng tá đến binh sỹ đều có cái "thần thái" chung: Thần thái của những kẻ tâm thần. Một phi công khi được tuyên dương thì cởi trần truồng ra. Một phi công khác thì chơi trò liệng máy bay thật thấp đến mức phạt đứt đôi thân thể của một đồng đội. Một chỉ huy khác đòi hỏi ném bom phải thẳng hàng, cách nhau đều đặn vài xentimet để chụp ảnh cho đẹp...

Theo Hoài Nam thì cái thực tế tỉnh rụi và phi luân của chiến tranh là: Trong cuộc chết chóc kinh hoàng, sẽ có một đa số tan nát và một thiểu số trục lợi được chính từ sự tan nát ấy, nhân danh "vì Tổ quốc", "chiến tranh là một cú áp phe lớn", trích lời của văn hào Pháp Anatoli France.

Và Hoài Nam tiếp tục bình luận: chỉ có logic bị đánh tháo, lương tri và luân lý bị thủ tiêu, trong chiến tranh và do chiến tranh.

"Như bác sỹ tâm thần đi qua một phòng bệnh toàn thằng điên, như một nạn nhân đi qua một nhà tù toàn kẻ trộm".

Đó là kết luận buồn nản nhất của Joseph Heller về thế giới này, cái thế giới được sinh thành từ chiến tranh! (Hoài Nam).

Bài học nhìn chiến tranh từ hậu cảnh của Hoài Nam là như thế ư? Xin có sự bình luận:

- Hậu cảnh một: Bộc lộ một sự thật thảm hại của Nước Pháp thực dân. Mặt trái của văn minh Pháp. Nước Pháp thực dân hùng hổ đi xâm lược, áp bức các dân tộc khác, hợm hĩnh huênh hoang là đi "khai hóa" cho các dân tộc nhược tiểu. Nhưng đàn áp họ rất tàn bạo. Lịch sử chủ nghĩa thực dân Pháp chứng tỏ như thế. Nếu Hoài Nam chưa có điều kiện đến Côn Đảo hãy đọc Lịch sử nhà tù Côn Đảo (1862-1975). Nếu đang ở Hà Nội thì nên đến Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Tuần này đang có triển lãm về tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai ngụy quân ngụy quyền ở Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự.

Đây cũng là một yếu tố của lịch sử và văn hóa Pháp. Từ sau sự kiện Jan Đar - Nữ Anh hùng Pháp trong cuộc chống lại quân xâm lược Anh - thế kỷ 15 hay 16 gì đó, cho đến 1940, nước Pháp chỉ đi xâm lược và chiến thắng, họ chưa bị chiếm đóng bởi quân xâm lược. Có thể do vậy mà lương tri dân tộc ở một bộ phận lớn người Pháp đã tắt lụi. Và thậm tệ hơn, chính quyền của họ đã quỳ gối đầu hàng Chính phủ Pê-tanh đã đầu hàng Đức quốc xã. Và dân Pháp chỉ biết chạy loạn. Trong cuộc chạy loạn, họ bộc lộ bản chất vụ lợi đớn hèn nhất.

Hậu cảnh đó hoàn toàn khác với lịch sử - văn hóa Việt Nam. Từ năm 40 đầu công nguyên - và có thể sớm hơn, từ thời Thánh Gióng - người Việt Nam không cam chịu chạy loạn như người Pháp mà đứng lên chống lại kẻ xâm lược. Người Pháp đã trải nghiệm trọn vẹn từ 1858, trận đánh Đà Nẵng, cho đến 1954, đại bại ở Điện Biên.

Văn hóa của hai dân tộc Pháp và Việt khác nhau như thế. Cái nhìn hậu cảnh của Hoài Nam là đứng ở góc độ văn hóa Pháp, văn hóa của kẻ xâm lược mà nhìn cuộc chiến, không phải từ văn hóa dân tộc Việt Nam.

Hậu cảnh thứ hai. Nó vẫn bộc lộ mặt thảm hại của nước Pháp thực dân: chung sống với quân chiếm đóng. Bản chất của nó là vụ lợi. Chính quyền Pháp hay Đức Quốc xã đều chấp nhận được, miễn là được yên thân, thậm chí còn đáng yêu, nên thơ nữa, với một kẻ chiếm đóng tỏ ra hào hoa nữa.

Văn hóa Pháp không khắt khe về chuyện hôn nhân và tình yêu. Họ yêu theo bản năng hơn là lý trí. Nên mối tình của thiếu phụ Lucille với viên sĩ quan Đức là nên thơ và cảm động nhất. Văn hóa Việt Nam thì khác. Bà Trưng, Bà Triệu đặt Tự do và Tổ quốc lên trên không đặt bản năng yêu, bản năng loài lên trên hết. Với truyền thống văn hóa Việt Nam thì thiếu phụ người Pháp này là phản bội dân tộc và gia đình. Là một thứ đĩ rạc. Trong khi đất nước bị xâm lăng, chồng bị bắt làm tù binh mà lại đi yêu đồng đội của kẻ thù. Nếu có một thứ "bản lĩnh nhân văn" ở đây thì cũng là thứ nhân văn đĩ rạc mà thôi!

Cái hay của tiểu thuyết Bản giao hưởng Pháp của nhà văn Do Thái bị Đức quốc xã bắt giam và đã chết trong trại tập trung năm 1942 là Giải Renaudot - một giải thưởng danh giá của Pháp - đã chấp nhận, đã vinh danh cố tác giả Irene Nemirovsky, ở chỗ bà đã "giải ảo" tính cách Pháp, tinh thần Pháp. Mặt trái của văn hóa văn minh Pháp nó như thế đấy! Vào thế kỷ này mà người Pháp biết sám hối, biết nhìn vào bản chất quá khứ không hay ho gì của dân tộc mình là một sự can đảm đáng ghi nhận. Nếu có học tập được gì qua các hậu cảnh chiến tranh thì chính là ở chỗ đó. Đáng tiếc là Hoài Nam có nhận ra nhưng đã lướt qua, không thấy giá trị đích thực của Bản giao hưởng Pháp.

Hậu cảnh thứ ba: chiến tranh là một thứ Ap-phe, ngu ngốc và nực cười...

Người Mỹ họ tự trào, tự hài hước, diễu cợt như thế là chuyện của họ. Còn người Việt Nam hôm nay phải nhìn chiến tranh ở thực tế, ở bản chất của nó. Chiến tranh là một cú ap-phe lớn. Đúng như thế. Nhưng là áp-phe của bọn lái súng, tài phiệt tài chính, của bọn gây ra chiến tranh. Nếu đứng ngoài hành tinh, dưới chân chúa Trời... thì có thể thấy nó là trò ngu ngốc, nực cười... Nhưng dưới Trái Đất này, suốt lịch sử của nhân loại, thì chiến tranh không phải như Hoài Nam học được ở các bậc thầy hậu cảnh Pháp - Mỹ đâu. Chuyện rất dài. Tóm tắt thế này: chiến tranh bao giờ cũng là tiếp tục của chính trị. Chính trị chẳng bào giờ là ngu ngốc nực cười đâu, mà bản chất chính trị của các thế lực xã hội mới là vấn đề chính. Đời sống chiến tranh bất bình thường đến cao độ đẩy đến những trạng thái hoảng loạn, tâm thần ở một số (không ít) cá thể. Hội chứng Việt Nam ở nước Mỹ hôm nay là một minh chứng. Đó là những nạn nhân chiến tranh có ở cả hai phía. Nhưng bọn trùm chiến tranh, bọn lái súng... thì không bao giờ ngu ngốc, tâm thần đâu. Những kẻ đã làm ra bom A, ném xuống Nhật Bản năm 1945 đâu phải ngu ngốc, tâm thần. Những kẻ chế tạo, sản xuất ra chất độc đi-ô-xin - chất độc màu da cam - đem rải xuống Việt Nam đâu phải ngu ngốc, tâm thần.

Rõ ràng tác giả Bẫy 22, nhà văn Mỹ Joseph Heller và cả Hoài Nam chỉ nhìn thấy chiến tranh ở trạng thái của các nạn nhân, không nhìn chiến tranh ở tầng lớp thủ phạm như Hít-le, như Giôn-xơn và Ních-xơn, như trùm phát xít Nhật hay các chính quyền Pháp trong chiến tranh Đông Dương. Các tầng lớp này vừa ngu ngốc vừa không ngu ngốc. Họ không ngu ngốc trong mưu đồ xâm lược, chiến lược, chiến thuật chiến tranh. Nhưng họ ngu ngốc ở chỗ căn bản nhất, họ không ý thức được sức mạnh của nhân dân, của các dân tộc khi họ ý thức được giá trị của độc lập tự do và quyền chiến đấu vì độc lập dân tộc của họ. Thiên tài Napoleon đã rất ngu ngốc khi xâm lược nước Nga năm 1812. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Măc Namara cuối cùng đã thừa nhận: người Mỹ thất bại do không hiểu được văn hóa của người Việt Nam.

Dù nhìn chiến tranh từ hậu cảnh hay tiền cảnh, dù bản lĩnh nhân văn của nhà văn đến như thế nào, dù cái nhìn riêng, độc lập, không lệ thuộc áp lực bên ngoài như thế nào thì cũng phải nhìn thấy bản chất mới có thể hiểu và diễn tả "lạ", độc đáo, sinh động những hậu cảnh của nó.

 "... một thiểu số trục lợi được chính từ sự tan nát (của đa số) nhân danh vì Tổ quốc", Chiến tranh là một cú áp phe... Hoài Nam hãy nói điều đó với trùm chiến tranh Đức-Nhật-Pháp-Mỹ. Còn Hồ Chí Minh và đồng bào của ông tiến hành chiến tranh vì lẽ gì? Không nên mượn chuyện người để gửi gắm lòng mình.

Về hậu cảnh chiến tranh ở Việt Nam có rất nhiều điều các nhà văn cần biết. Chúng tôi sẽ hầu đáp ở các bài viết tiếp theo.

Nguồn Văn nghệ số 29/2019


Có thể bạn quan tâm