April 27, 2024, 7:51 am

“Đọc báo trước khi đi làm”

 

Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2017)

 

 

  Tôi tuy bận nhưng lúc nào cũng đọc báo trước khi đi làm. Nhiều vấn đề chúng ta phát hiện qua báo chí. Chính sách hình thành nên từ đây, từ kênh báo chí quan trọng”. Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 18/6, tại trụ sở Chính phủ, khi Thủ tướng gặp mặt Đoàn báo chí - doanh nghiệp đồng hành cùng APEC nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2017) do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

 

Cũng trong bài phát biểu ghi nhận sự đóng góp của báo chí, Thủ tướng đã khẳng định Đảng, Nhà nước luôn coi trọng vai trò của báo chí, tạo thuận lợi để báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Sâu sát với đời sống, thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp và lắng nghe báo chí, trong một chừng mực nào đó đã giúp Thủ tướng có những quyết sách kịp thời không chỉ cho từng nhóm đối tượng cụ thể mà còn góp phần tạo sự ổn định trong đời sống xã hội, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đặc biệt, tại một số thời điểm cụ thể, nhiều báo, đài, thậm chí mạng xã hội đã đồng loạt bày tỏ sự đồng tình và xem đây như những động thái tích cực của một Chính phủ kiến tạo, đồng hành và đổi mới, và cuộc gặp gỡ báo chí – doanh nghiệp vừa qua cũng không là ngoại lệ. Tất cả những điều này cho thấy Thủ tướng quan tâm và đánh giá rất cao vai trò của báo chí. Theo Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí do Văn phòng Chính phủ tổ chức trong buổi chiều ngày 16/6, thì có những ngày, gần 10 ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến việc kiểm tra thông tin báo chí nêu.

 

Việc xem báo chí như một kênh tiếp nhận thông tin của Chính phủ là một thái độ hoàn toàn đúng và nhạy bén. Thông qua báo chí, những thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh và những vấn đề quốc gia đại sự đã được thẩm thấu qua lăng kính của Thủ tướng. Chính vì lẽ đó mà một quán cà phê nhỏ bé xin chào, cho đến số phận nông dân, môi trưởng biển tại 4 tỉnh miền Trung (nạn nhân Formosa) đã trở thành mối quan tâm của Thủ tướng để rồi đích thân có những chỉ đạo kịp thời hợp lòng dân. Có thể kể ra đây một vài vụ việc điển hình như: quyết định giành gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng thúc đẩy công nghệ cao trong nông nghiệp,  về kiểm tra xử lý vụ gian lận trong đóng tàu vỏ thép, về 12 siêu dự án thua lỗ trên 80 nghìn tỷ đồng, là dự án sân bay Long Thành, cảng hàng không Tân Sơn Nhất, bán đảo Sơn Trà đang gây bão trong dư luận xã hội… Từ đó, tạo ra chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội nói riêng, nền kinh tế nói chung và một diện mạo mới cho đất nước, con người Việt Nam dần hé lộ.

 

Còn nếu xét trên bình diện thực tế, Thủ tướng khẳng định: Người ta có nói một ý là Chính phủ càng ngày càng hoạt động minh bạch hơn, đó là yêu cầu của xã hội lành mạnh. Và chúng tôi hoạt động theo hướng như vậy. Công khai, minh bạch chính là yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, và báo chí  chính là phương tiện để thực hiện xu hướng đó. Cứ thử hình dung, nếu những vụ việc tiêu cực được phát hiện, nhưng cứ “đóng cửa bảo nhau” không công khai trên báo chí thì hẳn là người dân, xã hội sẽ không giám sát được chính quyền, và một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động sẽ không thể có được nguồn sức mạnh lan tỏa trong đời sống xã hội như hiện nay. Chính vì vậy, việc Đọc báo mỗi ngày sẽ không chỉ như một thói quen hàng ngày mà còn là nhu cầu của xã hội, của mỗi người dân, của từng cơ quan, đơn vị. Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào về một nền báo chí chân chính mà ở đó báo chí không chỉ là người bạn, đối tác tin cậy, hợp tác bình đẳng, mà còn là người bạn đồng hành của Chính phủ, của Doanh nghiệp cũng như mọi tầng lớp nhân dân trên con đường vì sự phát triển chung của đất nước. Song đi liền với tự hào cũng còn là những đòi hỏi không nhỏ về trình độ, đạo đức và trách nhiệm mà người làm báo không thể một phút lơi là…

 

 


Có thể bạn quan tâm