April 26, 2024, 7:34 am

Đoạn dây thừng

Tháng tám âm lịch, trời đang khô ráo bỗng tối sầm lại, kéo theo trận mưa âm ỷ, lạnh và buồn. Bà cụ Điền ngồi ngóng ra phía cánh đồng. Màn mưa trắng đổ nghiêng. Nước từ mái nhà rơi xuống sân gạch kéo thành dây dài, tong tả. Gai ốc nổi lên từng đám trên làn da răn reo lấm tấm vết đồi mồi. Bà cụ khẽ rung mình. Nỗi sợ hãi những cơn mưa tháng tám kéo dài từ năm này sang năm khác, ám vào tiềm thức bà, dai dẳng như một nỗi đau.

Bước qua bậu cửa vào nhà, bà cụ Điền đến bên bàn thờ, đốt nhang. Ánh lửa đỏ lập lòe hiện lên trong căn phòng tối, soi rõ những gương mặt người trong ảnh. Ở vị trí thấp nhất là ảnh người trai trẻ đeo cặp kính có gọng tròn. Người đàn ông ấy đã dừng lại mãi mãi ở tuổi 26. “Tôi già lắm rồi, ông ạ. Mà sao ông cứ còn trẻ mãi?” Bà cụ lẩm bẩm hỏi rất khẽ. Người trong ảnh như đang mỉm miệng cười. Tia chớp hiếm hoi lóe lên ngoài sân, soi rõ tấm lụa đỏ thẫm. Bà cụ Điền run rẩy khẽ gỡ tấm lụa. Ánh nến mờ ảo, soi rõ đoạn dây thừng nâu xỉn, trông như mầu huyết đã khô. Khói tỏa âm âm, mùi nhang cồn cào, đưa ký ức dội về từ sâu thẳm.

*

Minh họa của NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

Cô Lựu về làm dâu nhà địa chủ Ba Tầm từ thuở mười hai, mười ba tuổi, trước một năm làng lâm vào nạn đói. Nhà ông Ba Tầm dệt bốn khung cửi, lại còn điền sản mấy mẫu ruộng tốt, mấy cặp trâu, con cũng béo khỏe, trong nhà lúc nào cũng trữ chín, mười cót lúa...

Vài mươi năm trước, Ba Tầm nghèo nhất xóm Đồng Ao. Ba Tầm mồ côi cha mẹ, sống trong cái lều gianh bé tí hin, trơ chọi ngoài đê. Được cái, trời cho sức khỏe hơn người, lại thêm nết hay lam hay làm, nên Ba Tầm cưới được vợ.  Ngày ngày, hai vợ chồng bảo nhau cặm cụi làm ăn, ai thuê gì làm đấy, không chê việc nào. Tối đến, Ba Tầm sục sạo khắp đồng Ông Hương cho tới Gò Xanh tìm con cua con cá. Đánh giậm, thả chúm, thả câu... đủ cả. Khắp xóm Đồng Ao, không ai có tài và sát cá như Ba Tầm.

 Chồng mò mẫm suốt đêm, sáng mai chị vợ lại mang rổ cá tôm ra góc chợ ngồi; bán không hết đem về ủ mắm, hoặc rạch bụng phơi khô, gác lên gác bếp, phòng ngày đói kém. Nhờ tài của chồng, thêm tính ki cóp đảm đang của chị Ba, hai vợ chồng không đói, lại còn để dư chút của nả. Về ở với nhau một năm, Ba Tầm mua cho vợ đôi lợn giống, thêm đàn gà dăm con. Hết năm thứ hai, Ba Tầm lợp được căn nhà tranh tre cao ráo, sắm khung cửi gỗ xoan đặt ngoài hiên cho vợ dệt vải và năm đứa con ra đời, không sài đẹn ốm đau, chỉ cần bú mớm, uống nước cơm sôi cháo loãng mà lớn như thổi. Cứ tòi thêm một đứa con, nhà lại càng thêm lộc. Ba Tầm mua được ruộng, tậu được trâu, cất được nhà ngói sân gạch. Cậu Cả Điền và hai đứa em trai út ít đều được lên thị xã học.

Thói thường, với phận nhà nghèo, Lựu không xứng làm dâu nhà này. Nhưng vì ông Ba Tầm giữ lời hứa thông gia thuở còn hàn vi với cha Lựu, mà chối cả lời đánh tiếng gả con của gia đình lý trưởng. Cô Lựu gầy nhẳng, ngực cau vừa nhú đường hoàng thành mợ Cả Điền, sống trong căn nhà ngói năm gian rộng rãi.

Làm dâu hôm trước, hôm sau, theo nếp nhà chồng, mợ Cả Điền cởi khoen tai vàng mười với áo cánh khăn nhiễu, mặc bộ áo thô nhuộm củ nâu, vác cuốc theo mẹ chồng ra đồng, chiều lại ngồi khung cửi. Tiếng là giầu nhất xóm Đồng Ao, nhưng ông Ba Tầm hôm nào cũng dậy từ đầu canh ba; khi khuấy nồi cám lợn, lúc soi đuốc đi thăm ao. Thỉnh thoảng vào mùa cá, ông vẫn cắp rậm cắp trúm ra đồng như thời trẻ ... Bữa cơm, dù no đủ hơn nhiều những nhà xung quanh, nhưng từ gia chủ đến hai đứa ở gái cũng chỉ cơm độn với rau luộc chấm mắm tép, mắm cáy, thỉnh thoảng mới có đĩa đậu phụ, cá khô.

Năm đói Ất Dậu, xóm Đồng Ao xơ xác. Chín, mười cót lúa với sắn khoai trong nhà Ba Tầm đã có bận mở ra, chia cho láng giềng cùng quẫn. Vậy mà...

*

Bà cụ Điền đưa tay lần tràng hạt. Mùi khói nhang vẫn thảng hoặc trong hơi mưa lạnh lẽo. Những lúc tâm không được tĩnh, bà thường ngồi nghe kinh Phật. Bao nhiêu năm qua, cảm giác thắc thỏm thường đến với bà trong những chiều mưa, đánh thức thứ ký ức ám ảnh. Mặt người giận giữ. Những bàn tay hình nắm đấm giơ lên. Tiếng la hét không ngừng. Có những lần, trong cơn mộng mị già nua, bà cụ Điền bị vây bủa bởi những hồi ức kinh hoàng ấy. Để rồi, khi bật dậy, mồ hôi đầm đìa, trống ngực đập thình thịch, bà nghe tiếng kinh chìm vào cơn mưa lòng buốt nhói.

Đó là năm 1955. Mùa thu, loa phát thanh ra rả kêu gọi nhân dân đánh đổ tầng lớp địa chủ gian ác. Không khí xóm Đồng Ao căng như dây đàn. Nghe đồn, trên mạn Bắc, người ta đã xử bắn xong mấy địa chủ rồi. Ông Ba Tầm biết tin, thất kinh, lăn ra ốm nặng. Bà Ba đội lễ lên Phủ Đồng Ao, phục ra chiếu vái lạy, kêu cầu thánh thần phù hộ cho chồng tai qua nạn khỏi mà không được. Sức ông cứ lả dần... Cái hôm Đội Tào hùng hổ dẫn người mang gậy gộc dây thừng đến định trói, ông Ba Tầm hộc lên rồi chết, mắt không nhắm được, trân trối nhìn Đội Tào. “A! Thằng địa chủ. Mày tưởng mày chết mà ông tha mày à! Tội mày với nhân dân còn đây. Mày không trả thì vợ con mày trả”. Đội Tào gầm lên, đạp vào bụng ông Ba, cái xác giẫy lên trên phản gỗ. Bà Ba Tầm líu lưỡi vừa khóc chồng, vừa van lạy Đội Tào. Khi hắn đi, cũng là lúc bà xỉu xuống cạnh xác chồng.  

Cậu Cả Điền trên thị xã tức tốc về chịu tang cha. Mộ ông Ba vừa lấp, Đội Tào mang người đến trói nghiến cậu Cả, lôi đi. Gia đình bị đấu tố. Ông Ba chết rồi, con trai phải chịu tội thay.

Mợ Cả Điền lúc ấy vừa sinh thằng Thành được hai tháng, người còn bấy như con cua lột. Thấy người ta đến lôi chồng đi, mợ bế con chạy theo chồng, vừa gào vừa khóc. Thằng con ngằn ngặt trong tay mẹ.

Ngày đầu tố ngoài cánh đồng, trời mưa lất phất.  Cậu cả Điền bị trói quặt tay lại phía sau, trên ngực đeo tấm bảng ghi rõ “Đả đảo đại địa chủ gian ác”. Người như sóng, tiếng hô như sóng. Mợ Cả Điền thấy luồng khí nóng ở đâu bốc lên đầu tựa như vừa uống rượu. Mọi thứ trước mắt mợ lảo đảo, nhòe đi, rồi lại rõ mồn một. Mợ cố nhìn ra giữa bãi, nơi cậu Cả đang bị trói đứng.

 Kìa, Đội Tào như con rắn hổ mang, phùng miệng giơ tay, liên tục cổ động mọi người đả đảo. Chẳng phải thằng Tào siêng ăn lười làm đấy ư? Chẳng phải thằng Tào mới mười lăm, mười sáu tuổi đã thạo nghề  trộm gà trộm chó khắp làng; có lần, đánh bả con chó Đen nhà ông  Ba Tầm, bị ông lột truồng  quất roi mây sưng vù mông đấy ư? Chẳng phải thằng Tào sâu rượu, đi ghẹo gái khắp làng trên xóm dưới đấy ư? Cái thằng cố cùng thất nhân thất đức, bị cả làng khinh ghét ấy hôm nay thành “ông Đội”. Nó hẳn không quên mối thù bị ông Ba Tầm sỉ nhục dạo nào, nó đang trút giận lên con trai ông đây mà.

Rồi kìa, lão Buồm, bố của cái Thuyền, đứa ở gái nhà cụ Ba Tầm đang nhổ nước bọt vào mặt cậu Cả Điền. Chẳng phải con bé Thuyền về ở nhà ông Ba Tầm từ lúc mới lên bảy, người choắt nhẳng như rẽ khoai, mũi dãi xanh lè đấy sao? Mẹ nó chết, bố nó nghèo quá không nuôi được, đến lạy lục bà Ba Tầm cho con được ở đợ. Bảy tuổi thì nên cơm cháo gì mà ở đợ? Chẳng phải bà Ba Tầm biết thế, nhưng xót con bé đói khát, lại có họ hàng xa, nên thẽ thọt với chồng bằng lòng cho nó ở đấy sao? Có cơm có gạo, con bé Thuyền phổng phao lên, biết quét cái sân, trông đống suốt, lùa được đàn gà vào chuồng... Mỗi lần đến thăm con, lão Buồm lạy tạ ông bà địa chủ như tế sao, sao giờ đã vội quên rồi?

Kìa nữa, mõ Túc đang ra sức kể tội “cả nhà thằng địa chủ Ba Tầm, Cả Điền gian ác, bóc lột xương máu đồng bào”. Óc mợ Cả càng choáng váng. Chẳng phải năm đói Ất Dậu, cả nhà nó lả đến nơi, lê vào tận sân nhà ông Ba Tầm xin ăn. Ông động lòng thương hại, bảo con dâu vét nồi cơm độn chan mắm cho ăn. Lúc về, ông còn cho mủng sắn khô, thêm đấu cám để cầm cự qua ngày. Nhà nó đã quên hết rồi sao?

Cổ họng mợ Cả Điền ợ lên thứ nước chua nồng, đắng gắt. Như người say, mợ cố để không ngã xuống. Trong ánh sáng lùng nhùng, mợ thấy cậu Cả bị lôi đi về phía Gò Xanh. Trời bắt đầu mưa sùi sụt. Gió thốc ngược vào tà áo, lạnh buốt. Chừng mươi lăm phút sau, dưới Gò vọng lên tiếng “đoàng” chát chúa.  Mợ Cả vật ra nền đất lạnh, mê man.

Mưa khiến cho con đường từ Gò Xanh trở về làng trở nên lầy lội. Chiếc xe bò buộc dây thừng, đầu kia cột vào cổ chân cậu Cả, kéo xác cậu trên con đường trơn trượt.

Mợ Cả Điền sau khi tỉnh dậy từ cơn chết giấc như trở thành con người khác. Không gào khóc, mợ lạnh lùng cố bốc vài nắm đất ném xuống huyệt nông cho chồng. Cạnh cái xe bò, sợi thừng đẫm bùn và máu nằm chơ vơ. Lén khi người ta không để ý, mợ dùng liềm trấu cắt nghiến một đoạn, giấu vào trong áo...

*

Bà cụ Điền ngước mắt lên nhìn bát hương, rồi lại khẽ cúi mắt nhìn xuống. Bên dưới, trong chiếc đĩa xanh ngọc, đoạn thừng nằm yên vị. Mầu máu và mầu bùn đều đã xỉn đi, hòa lẫn vào nhau. Đoạn dây cuộn tròn như thòng lọng. Đôi mắt bà cụ loang ướt, rồi rất nhanh, chút nước rịn ra chưa kịp thành hình, đã thấm vội đâu đó vào hốc mắt già nua. Những tủi nhục như vết bánh xe trong chiều mưa ấy, lặng lẽ ngược về.

Khi mợ Cả Điền giấu đoạn dây vào trong áo rồi trở về, căn nhà ngói 5 gian đã bị phá tanh bành. Đến cả mấy chum mắm cũng đều bị mang đi hết. Mợ khuỵu chân xuống như muốn ngã. Bà Ba Tầm ngồi bệt trong đống phân trâu, nở nụ cười ngớ ngẩn.

Mợ lôi bà mẹ chồng ra khỏi đống phân, gọi cô em chồng đang sợ rúm người, bảo thay quần áo cho mẹ. Đoạn, mợ tìm một mảnh ván bẻ đôi, lập cái bàn thờ ngay giữa sân, lấy khúc thân chuối non làm bát hương, cắm vài cây đóm giả làm hương lên trên, rồi rút sợi dây thừng ra, đặt lên bàn thờ.

“Lạy thầy, lạy bố nó phù hộ cho nhà ta tai qua nạn khỏi. Bố nó nhớ cho, tôi thề, khi nào tôi còn, cái dây thừng này còn. Con cháu nhà họ Bùi không quên ngày hôm nay”.

Không hiểu bằng cách nào, cuối cùng, mợ Cả Điền cũng gồng gánh gia đình vượt qua được những ngày tháng ấy. Bà cụ Ba Tầm mất, hai đứa em trai chồng theo họ hàng lên tuốt vùng mạn ngược, lập gia đình, kiếm được miếng cơm. Hai đứa em gái an phận ở làng, sinh con đẻ cái. Thằng Thành lớn lên, giống hệt bố nó. Nó vào bộ đội, rồi ra quân, làm thuê làm mướn, cuối cùng lại thành ông chủ. Một đời thờ chồng, chịu bao tủi nhục cay đắng, về già bà cụ Điền cũng được hưởng chút nhàn thân. Nhưng, đoạn dây thừng và câu chuyện cũ cứ hằn vào lòng bà như vết thắt, nhói đau. Trước, bà giấu đoạn dây trong chiếc hũ sành, cứ đến ngày giỗ chồng sẽ đặt lên bàn thờ, như một món đồ cúng. Sau này, khi không phải giấu giếm nữa, sợi dây thừng được đặt trang trọng trên chiếc đĩa sứ men xanh, phủ lụa đỏ chót, để quanh năm trên bàn thờ.

*

Bà cụ Điền vuốt ngực. Mới đó, mà đã mấy chục năm. Cuộc đời như một giấc mộng.  Có những điều bà những muốn quên đi, nhưng trí óc già mua cứ bắt bà phải nhớ. Bà nhớ bố mẹ chồng, nhớ ông Cả, nhớ hai đứa con chết non trước thằng Thành. Những cơn nhớ buồn nhiều hơn vui khiến không đêm nào giấc ngủ đến với bà một cách êm đềm. Bà tránh nhắc đến ký ức đau thương, cho đến ngày, thằng Công - cháu đích tôn quý hóa của bà dẫn đứa con gái ấy về ra mắt. Trời đất sụp dưới chân bà. Sét đánh ngang tài bà. Tròng mắt bà loang mầu đỏ. Đứa con gái, oan nghiệt thay, là cháu nội của Đội Tào - cái kẻ vì chút thù riêng mà làm tình làm tội nhà bà mười mấy năm không ngóc đầu dậy được. Cái kẻ đầu têu thêu dệt bao chuyện tàn ác về cả nhà bà. Cái kẻ tự tay đòi buộc sợi thừng vào chân chồng bà mà kéo lê đi. Bà lật tung tấm lụa điều, cầm đoạn dây thừng dứ vào mặt Công. Con bé người yêu rùng mình nhắm chặt đôi mắt.

“Mày có biết ông nội mày chết thế nào không, thằng vô phúc. “Nó” buộc xác ông mày trên xe bò, kéo lê qua con đường bờ đồng. Hôm ấy trời mưa, máu đỏ lòm, đọng thành vũng dưới vết bánh xe bò lầy lội. Vệt máu kéo dài từ Gò Xanh về đến đồng Ông Hương. Cứ đến đoạn đường mấp mô đá, xác ông mày lại bật lên đành đạch. Ông mày chết mà không nhắm mắt. Ông mày chết mà không nhắm được mắt đấy. Quân phản phúc. Phản phúc”.

Bà tức tưởi ôm chặt đoạn dây thừng lết về phía bàn thờ, vừa lết vừa gào khóc. Công và bạn gái nức nở quỳ ngoài sân. Bóng bà quay lưng lẫn giữa giữa khói nhang tỏa ra trên bàn thờ.

“Bà ơi, con lạy bà, con xin bà. Bà rộng lòng tha cho các cháu. Con bé có chửa ba tháng rồi”. Người con dâu nghẹn ngào lay vai mẹ chồng. Bà ngồi im như hóa đá.

“Cút hết đi. Cút! Đừng về đây nữa”.

Bà Cả Điền hất tay con dâu, rồi lạnh lùng khép cửa, bỏ mặc lũ con cháu ngoài sân.

Thằng Công làm đám cưới trên phố, không được đưa vợ về bái tổ. Rồi cái đứa dâu nghiệt súc ấy sinh cho nhà họ Bùi một đứa cháu trai. Hai năm rồi, cánh cửa nhà bà cụ Điền đóng chặt với vợ chồng chúng nó. “Có nó thì không có tao. Mày cho chúng nó về làm ô nhục cái nhà này, tao thắt cổ đi theo bố mày”. Nghe mẹ đe, vợ chồng ông Thành đành bấm bụng dạ vâng, không dám khuyên can gì thêm nữa.

*

Bà cụ Điền vẫn lần tràng hạt. Nào bà có muốn quan tâm gì tới  “quân phản phúc” ấy đâu, thế mà con mẹ Thành không biết ý, mỗi lần về thăm bà, lại cứ toang toang khoe: “Thằng cu cháu nhà tôi ấy à, kháu lắm, đẹp trai lắm, giống hệt ông nội nó”. Mà nó khoe rõ to, thành ra bà phải hóng. Nhiều hôm mải hóng, tí nữa thì bà bật ra hỏi thằng cu biết làm gì rồi, may mà kìm được.

Cắc cớ, cô em chồng thân như chị em ruột, cứ thỉnh thoảng lại vờ như vô tình, bắn tin về cái “quân phản phúc” ấy cho bà. Hôm qua, bà cô già ấy lại sang, dấm dúi cho bà tấm ảnh. Nhìn vào ảnh, lòng bà nghẹn lại. Bà như thấy khuôn mặt của chồng bà, khuôn mặt của thằng cu Thành lúc nhỏ hiện trên mặt thằng bé chắt. Máu mủ nhà bà là đây chứ đâu.  Cái sống mũi cao, cái má lúm đồng tiền, đôi lông mày rậm mà gọn như kẻ chỉ. Tay bà vô thức vê lên tấm ảnh, miết miết vào đôi má bầu bĩnh. Một nỗi vui xao trở về, như cái ngày bà đón thằng Công trên tay.

Trời đã ngớt mưa. Bà cụ Điền lần tay vào túi áo. Tấm ảnh vẫn còn nằm đó. Từ qua đến nay, bà xem đi xem lại cả trăm lần rồi. Hôm qua, đưa xong tấm ảnh, cô em chồng truyền lời: “Ngày mai, nhân giỗ bác Cả nhà mình, cả nhà thằng Công xin phép đưa chắt về tạ tội với cụ”. Nói rồi, bà cô già ấy thập thững chống gậy về, mà chẳng cần biết bà có đồng ý hay không.

Nhưng mà... nỗi hân hoan len lén trở lại lòng bà cụ bát tuần.  Ừ. Mình sắp xuống lỗ đến nơi rồi, cứ giận mãi thế này, nhỡ không được gặp chúng nó thì sao? Máu mủ nhà mình cả. Máu mủ nhà mình cả mà… Rồi bà nhìn quanh. Nhà cửa sao bề bộn thế này? Mai thằng chắt về, phải gọn gàng tí chứ. Bà cất đặt cái này, sắp xếp cái kia.

Rồi bà đến bên bàn thờ. Đoạn dây thừng vẫn đang nằm đó, im lìm trong lòng đĩa men xanh, bên cạnh tấm lụa điều. Trên bàn thờ, tấm ảnh của ông Cả Điền nhìn bà, đôi mắt ấm áp mỉm cười như khích lệ. Với cây đèn Hoa Kỳ, bà chắt chút dầu ra chiếc đĩa. Những vết máu, vết bùn khô gặp dầu nở ra. Bật que diêm đánh xòe, bà châm lửa. Ngọn lửa bốc lên rất nhanh, đoạn thừng quằn quại. Ánh lửa bùng lên vàng ruộm. Bùn, máu, và hình như đâu đó, nỗi đau của bà, dần tan ra thành tro bụi.

Ngoài trời, cơn mưa mùa thu đã tạnh hẳn. Chiếc radio nhỏ lảnh lót thông báo, ngày mai trời sẽ nắng.

Nguồn Văn nghệ số 09/2020


Có thể bạn quan tâm