April 26, 2024, 10:48 pm

“Điểm danh” những giải pháp sinh hoạt văn hóa thời Corona

Trước diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, khắp mọi nơi trên thế giới, các sự kiện văn hóa như: chương trình hòa nhạc, ra mắt phim, shwo diễn ca nhạc, thời trang, thậm chí các rạp chiếu phim, những trận thi đấu bóng đá, hội chợ sách… cũng bị đóng cửa… Song, để văn hoá đến được với công chúng, hình thức trực tuyến được lựa chọn là phương tiện chuyển tải hữu hiệu nhất để văn hoá không bị ngưng trệ trong thời corona.

Chủ động vượt khó 

Hội sách Tp. Hồ Chí Minh lần thứ XI đã không thể diễn ra vào tháng 3 như dự kiến, do dịch viêm đường hô hấp cấp đang có những diễn biến phức tạp, dù đây là sự kiện được đông đảo người yêu sách chờ đợi. Để đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả,  nhiều đơn vị đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và lựa chọn giải pháp “chuyển” lên online. Tiên phong cho giải pháp trực tuyến này phải kể đến Nhà sách Phương Nam. Trong thời gian từ ngày 1 đến 31/3, trên website nhasachphuongnam.com của Nhà sách Phương Nam đã chật ních những chương trình tri ân khách hàng với chương trình khuyến mãi tháng 3, giảm đến 50% hàng ngàn tựa sách do Nhà xuất bản Trẻ và Phương Nam Book ấn hành. Bên cạnh đó là hội sách giảm giá do Tiki tổ chức bắt đầu từ ngày 2 đến 31-3, với nhiều mức giảm giá được chia theo các khung thời gian khác nhau. Hội sách có sự đồng hành của một số đơn vị như Nhã Nam (giảm 40%), Tao Đàn (giảm 45%), Alphabooks (giảm 70%), Azbooks (giảm 80%). Diễn ra đồng thời với Tiki là hội sách Fahasa Online 2020 được thực hiện từ ngày 2 đến 29/3. 

Song song với văn hoá đọc, văn hoá nghe nhìn cũng chọn hình thức trực tuyến để không làm gián đoạn nhu cầu thưởng thức văn hoá của người dân. Tiên phong trong việc sử dụng Internet như một kênh chuyển tải chính thức thời corona, đạo diễn, biên đạo múa Lê Việt, Đoàn trưởng vũ đoàn Phương Việt, vừa ra mắt kênh YouTube Múa cùng Lê Việt, hướng dẫn các bài tập, kỹ thuật các thể loại múa dân gian dân tộc, cũng như trang phục đặc trưng của từng dân tộc trên đất nước Việt Nam… Theo giới chuyên môn đánh giá việc giảng dạy múa dân gian dân tộc trong Múa cùng Lê Việt, dưới hình thức trực tuyến là hình thức vô cùng mới mẻ và không dễ thực hiện do những yêu cầu về bản sắc, động tác, trang phục của múa dân gian dân tộc vô cùng khắt khe. Tuy nhiên Lê Việt đã khá thành công khi đưa ra được sản phẩm vừa kế thừa và phát huy nghệ thuật dân tộc truyền thống, vừa góp phần bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ mai sau. Đồng thời tô điểm thêm sắc màu phong phú, đa dạng cho nghệ thuật múa Việt Nam trên hành trình phát triển và hội nhập cùng văn hóa nghệ thuật thế giới. 

Sự lựa chọn của tương lai

Trước dạy múa, biểu diễn âm nhạc hay đọc sách online, hệ thống internet được giới kinh doanh khai thác triệt để qua hình thức bán hàng online hoặc Livestream trực tiếp. Và rất nhanh chóng Livestream trở thành “vũ khí” lợi hại để các kênh bán lẻ, các sa sĩ tiếp cận khách hàng- khán giả, đồng thời đo lượng tương tác trực tiếp. Nhận thấy hình thức tương tác có lợi thế thời corona, nhiều ngành nghề, trong đó có giáo dục, đã lựa chọn hình thức trực tuyến để chuyển tải sán phẩm (đối với doanh nghiệp), kiến thức (với giáo dục) đến cho đối tượng mình hướng đến. Công bằng mà nói, đây là cách tương tác tốt nhất thời dịch bệnh, nhưng mặt trái của nó cũng không phải không có. Đơn cử trong giáo dục, hình thức trực tuyến đã trở thành công cụ giảng dạy được Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo nên sử dụng tại thời điểm corona đang có diễn biến phức tạp. Ngay tại thời điểm này, nhiều quan điểm của các chuyên gia giáo dục đã ghi nhận, Hệ thống giáo dục của nước ta đã có những thay đổi đáng kể khi quyết định tiếp nhận và chấp thuận hình thức giảng dạy trực tuyến  cũng như kết quả (điểm số) của quá trình giảng dạy trực tuyến. Tuy nhiên, chưa có thống kê chính thức về hiệu quả của việc giảng dạy này thế nào đối với học sinh, nhưng những bất cập nảy sinh thì đã có. Những tương tác giữa người học và người dạy thông qua những dòng comment phản cảm đã ngang nhiên hiện lên phía dưới màn hình bài giảng… không khỏi khiến người dạy và người học bị phân tán, chưa kể những bài giảng được thầy cô thực hiện tại nhà riêng, ngoài lời thầy cô còn kèm theo những âm thanh mà người học không muốn nghe.

Corona đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả mọi ngành nghề, mọi tầng lớp dân cư hay nói đúng hơn không có ai là đứng ngoài sự tác động của cơn đại dịch đang tiến triển từng ngày trên khắp toàn cầu này. Tất cả những hoạt động văn hoá xã hội có quy mô dù to hay nhỏ đều bị chính quyền yêu cầu tạm dừng vô thời hạn và đây cũng là lý do khiến nhiều người ta lo ngại đến sự nghèo nàn về đời sống văn hoá. Mới đây, trên truyền hình chính thống (VTV1) có phát đi thông điệp, những phỏng vấn ngắn, trực tiếp đều được nhà đài thực hiện dưới hình thức trực tuyến và những phóng sự làm tại hiện trường đều phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ê kíp thực hiện)… Điều này cho thấy, sức mạnh của corona đã tác đông mạnh đến hoạt động sống của mỗi người khiến cộng đồng dường như co cụm lại. Học sinh không đến trường phải chịu sự tù túng trong bốn bức tường với máy tính, tivi. Người lớn không thể tụ tập cũng đành chọn điện thoại thông minh, tivi để thoả mãn nhu cầu giải trí…. Và các hoạt động văn hóa thong qua phương tiện nghe, nhìn, tăng lên có thể được thống kê một cách rõ ràng thông qua tương tác qua mạng internet.

Như vậy có thể thấy, văn hoá không “đóng băng” mà đã tìm được “cửa” để đến với công chúng.

Tuy nhiên, không phải loại hình nào cũng có thể chọn hình thức trực tuyến để đến với công chúng. Hiện, người ta đang lo ngại hệ thống thư viện công cộng, thư viện nhà trường, thư viện các Bộ, ngành đang gặp khó khi không thể hút khách đến với thư viện. Với chức năng, cung cấp tài liệu tới bạn đọc thì các thư viện được sao chép, cho phép kết nối, chia sẻ tài liệu cho các thư viện khác trong trường hợp thư viện là chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan của tài liệu đó. Thư viện cũng được sao chép, cho phép kết nối, chia sẻ tài liệu cho trong trường hợp tài liệu đó hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan hoặc trong trường hợp có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Nhưng trong thời điểm hiện tại, hình thức trao cứu thông tin trực tiếp (tại thư viện) hay qua mạng internet đều gặp khó khăn do hệ thống kết nối chưa đồng bộ, và lệnh cấm tụ tập đông người đã hạn chế phần nào hoạt động của thư viện.

Nói như vậy không có nghĩa là những người làm công tác thư viện hay những  người có nhu cầu tra cứu thông tin không thể tìm ra những giải pháp thay thế. Có thể, công tác số hoá dữ liệu thông tin sẽ được đẩy mạnh nhưng cần phải có những cơ chế ưu đãi riêng về kinh phí tra cứu để người thụ hưởng và nhà cung cấp đều hài hoà về mặt lợi ích. Giống như Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cầu không thu bất kỳ khoản kinh phí nào khi trường tổ chức học trực tuyến là một quy định hết sức chính đáng. Bởi khi học sinh tiếp nhận hình thức này thì bản thân gia đình các em đã phải chi trả tiền dịch vụ mạng internet rồi, nếu chi phí phát sinh từ việc giảng dạy, hẳn sẽ là quá tải đối với không ít gia đình khi thời corona đang khiến cho hàng nghìn lao động mất việc làm.

Sẽ có nhiều hình thức mới để các sản phẩm văn hoá, văn nghệ đến với công chúng, và chúng ta có quyền hy vọng về một sức sống mới của văn hoá thời corona không thể bị đóng băng như bấy nay nhiều người lo lắng. Và giống như đạo diễn, biên đạo múa Lê Việt, mong mỏi, với sản phẩm của mình Múa cùng Lê Việt, sẽ là một kho tài liệu cần thiết và hữu ích dành cho bạn trẻ say mê nghệ thuật múa, biên đạo trẻ đang theo đuổi nghề múa. Nó sẽ giúp các bạn hiểu đúng, múa đúng về nghệ thuật múa dân gian dân tộc, cùng chung tay góp sức quảng bá nét đẹp đặc sắc, độc đáo của văn hóa nghệ thuật truyền thống các dân tộc Việt Nam trong đời sống xã hội. Và hình thức trực tuyến sẽ là lựa chọn của tương lai.

Nguồn Văn nghệ số 12/2020


Có thể bạn quan tâm