April 26, 2024, 11:54 am

Đề xuất sửa đổi vì ... “nhiều vấn đề chưa hợp lý”

 

Không nên đánh đồng giữa đào tạo trung cấp chuyên nghiệp nghệ thuật 4 năm, 6 năm, thậm chí 9 năm với trung cấp 18 tháng ở những ngành nghề khác. Ngoài ra, nếu không có những cơ chế, chính sách đào tạo đặc thù cho nghệ thuật sẽ khiến các cơ sở đào tạo nghệ thuật gặp vô vàn khó khăn, với nguy cơ  mất nguồn nhân lực khi không được đào tạo liên thông từ trung cấp… là những bất cập đã được những nhà nghiên cứu đầu ngành kiến nghị với Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương về khảo sát việc thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN, do ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) thực hiện.

Theo đó, hệ đào tạo Trung cấp âm nhạc hiện nay tại Học viện là mô hình được thiết kế trên cơ sở kế thừa từ mô hình đào tạo của các nước XHCN (cũ). Bởi nó thể hiện được tính ưu việt và hiệu quả cao, có chất lượng tốt, đáp ứng cho nguồn tuyển sinh đại học trong suốt 64 năm phát triển của Học viện.

Chính vì vậy, trong giai đoạn trước mắt thì việc đào tạo hệ trung cấp vẫn rất cần thiết. Chỉ cần nhìn vào 5 năm trở lại đây, số lượng hơn 200 giải thưởng cao tại các cuộc thi tài năng âm nhạc chuyên nghiệp ở khu vực và thế giới mà học sinh hệ trung cấp của Học viện đạt được đã chứng minh việc đào tạo bậc trung cấp là hoàn toàn phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Còn nếu thực hiện đúng theo yêu cầu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) thì việc đào tạo hệ trung cấp của Học viện sẽ không còn nữa, trong khi nguồn học sinh thuộc hệ này chiếm đến 70% số học sinh đang đào tạo tại Học viện. Vì thế, Học viện và nhiều cơ sở đào tạo ngành nghệ thuật khác mong muốn được duy trì mô hình đào tạo bậc trung cấp như một khâu, một quy trình đào tạo đặc thù, chuyên sâu trong trường đại học.

 Do đó, phía Học viện cho rằng, không nên đánh đồng giữa đào tạo hệ trung cấp nghệ thuật với các ngành nghề khác vì thời gian đào tạo của học sinh nghệ thuật có thể lên tới 9 năm. Phương thức đào tạo nghệ thuật hệ trung cấp cũng hoàn toàn không giống một cơ sở thông thường. Hình thức dạy một thầy một trò, thậm chí 2 thầy với một trò. Các thầy phải tự soạn giáo trình riêng cho từng em, tuỳ thuộc vào năng lực, tài năng của các em. Đào tạo nghệ thuật là một chặng đường rất dài, việc phát hiện năng khiếu tài năng từ nhỏ vì vậy mô hình đa cấp, đa ngành đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật như Học viện ÂNQGVN là vô cùng cần thiết. Đây  cũng là xu hướng phù hợp với nhiều quốc gia có nền nghệ thuật tiên tiến trên thế giới vẫn duy trì việc đào tạo phương thức đa cấp từ trung cấp đến đại học trong một cơ sở đào tạo như ở Mỹ, Nga, Đức, Australia… Nếu, đưa đào tạo hệ trung cấp nghệ thuật về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là không hợp lý. Không thể ép và bó buộc việc đào tạo nghệ thuật chỉ trong thời gian từ 1 đến 3 năm như các ngành nghề khác. Tôi đề nghị, trong lĩnh vực này nên thống nhất để hai Bộ quản lý, đó là Bộ VHTTDL và Bộ GD&ĐT. Chính phủ cần xem xét, xây dựng thành một Nghị định riêng quy định cho các cơ sở đào tạo nghệ thuật, có như thế các cơ sở đào tạo về lĩnh vực này mới thật sự yên tâm.

 Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo TƯ) Nguyễn Đắc Hưng, Trưởng Đoàn công tác cho biết, Đoàn sẽ ghi nhận, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thầy cô Học viện Âm nhạc. “Từ những vướng mắc trong đào tạo nghệ thuật, Đoàn công tác thấy rằng các văn bản quy định pháp luật về giáo dục vẫn chưa thực sự cụ thể đối với các ngành đào tạo năng khiếu nghệ thuật. Bộ VHTTDL cần có văn bản kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể đối với lĩnh vực đào tạo đặc thù cho nghệ thuật”, ông Hưng nhấn mạnh.

MH

 

Có thể bạn quan tâm