April 27, 2024, 2:51 am

Để “công nghiệp văn hóa” trở thành tài sản chiến lược quốc gia

Những ngày vừa qua, chương trình “Bồi dưỡng nâng cao kiến thức về phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam” do Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm không chỉ của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, mà còn của đông đảo người dân về tiềm năng, cơ hội và thách thức để công nghiệp văn hóa có thể trở thành tài sản chiến lược quốc gia.

ĐỊNH VỊ NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA

Về câu hỏi tại sao phải phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam? PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của các quốc gia ngày càng ảnh hưởng lẫn nhau, các ngành công nghiệp văn hóa chính là một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia. Công nghiệp văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa và hiện đại hơn cho đất nước.

Công bằng mà nói, trên thực tế chủ trương xây dựng nền công nghiệp văn hóa trở thành tài sản chiến lược quốc gia đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) tại Hội nghị lần thứ 9 thông qua Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Phần nhiệm vụ thứ 5, Nghị quyết 33 nhấn mạnh “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển; Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa; Nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội. Củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi quyền tác giả từ Trung ương đến địa phương. Những căn cứ pháp lý đầy đủ nói trên đã được cả hệ thống chính trị - xã hội thực hiện trên tinh thần sớm đưa văn hóa trở thành một phần của nền kinh tế, sau đó có thể tiếp tục phát triển trở thành tài sản mang tầm chiến lược quốc gia, thành công như Trung Quốc, Hàn Quốc, thậm chí là Mỹ.

Tuy nhiên, về lý thuyết là vậy, trên thực tế ngành văn hóa nói chung, từng lĩnh vực văn hóa nói riêng đang  phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, và ngày càng cho thấy đây là ngành rất dễ tổn thương nếu như không có những bước đi cụ thể trong quản lý, phát triển. Chỉ lấy một ví dụ gần đây, sự bùng nổ của đại dịch Covid-19, đã khiến cho toàn ngành lao đao khi hàng loạt các thiết chế văn hóa không thể duy trì, không gian công cộng, bảo tàng, trung tâm văn hóa nghệ thuật phải đóng cửa... Một mặt không chỉ tác động đến doanh thu hoạt động của ngành văn hóa, mặt khác còn kéo giảm các hoạt động kinh tế, xã hội nói chung khi gián tiếp tác động đến chất lượng cuộc sống (tinh thần) của người lao động.

Phản ứng dây truyền này cho thấy, sự quan trọng của văn hóa nói chung, nghệ thuật nói riêng trong từng thực thể sống - con người là không thể phủ nhận. Nhưng, để văn hóa có thể thực hiện được sứ mệnh là món ăn tinh thần của người dân, việc đầu tư vào văn hóa được cho là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, tại báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020, tại kỳ họp thứ 9 quốc hội khóa XIV đã cho thấy thực trạng đầu tư cho văn hóa của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, thậm chí chưa tương xứng với lĩnh vực được xem là nền tảng tinh thần của xã hội này.

Ông Lê Thanh Vân (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) đã không ngần ngại cho rằng “Ngoài vốn đầu tư cho tăng trưởng là tài nguyên, tài chính, nhân lực, công nghệ, thể chế thì văn hoá là một trong những yếu tố tác động đến sự tăng trưởng. Vì văn hoá là bao gồm cả những ứng xử trong đạo đức sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo niềm tin, động lực cho các đối tác khi xúc tiến đầu tư, kinh doanh. Vì thế mối quan hệ văn hoá, đạo đức không chỉ phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người mà còn chi phối trong các hoạt động kinh tế... Vì vậy đầu tư cho văn hoá là đầu tư cho con người và việc phát triển nền văn hoá bền vững, không chỉ có trách nhiệm của riêng ngành văn hoá mà còn là của toàn xã hội”.

 

MỘT CƠ CHẾ THÍCH HỢP

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, về đường lối, cương lĩnh, chúng ta luôn đặt văn hoá ở vị trí rất cao, là bó đuốc soi đường, là động lực để phát triển. Nhưng trên thực tế ta vẫn coi văn hoá là một cái gì đó thượng tầng, vẫn theo nguyên lý cổ hủ là “phú quí sinh lễ nghĩa”. Nhưng hình như thế giới đã đi ngược lại rồi, các nước phát triển đều đầu tư tỉ lệ % đủ lớn để đầu tư cho văn hoá. Còn ta, nhiều địa phương đầu tư cho văn hoá cũng ít. Họ có thể thấy ngay hiệu quả khi đầu tư cho một con đường nhưng họ không bao giờ suy nghĩ được về những cái liên quan đến tâm hồn con người, giúp con người hình thành nhân cách. Đó là những thứ không cân đong, đo đếm được.

Đầu tư cho văn hóa trong một chừng mực nhất định không cho thu hồi vốn nhanh lại càng không thể cho nhà đầu tư những khoản lãi kếch xù, nhưng lại là thứ đầu tư phi lợi nhuận. Để tiếp thêm sức mạnh cho văn hóa nói chung, những loại hình nghệ thuật nói riêng, chủ trương xã hội hóa văn hóa đã được thực hiện. Từng lĩnh vực chuyển động theo cơ chế thị trường, sẵn sàng thử nghiệm để đi đến thành công. Từ mô hình Nhà nước đặt hàng các sản phẩm văn hóa chuyển sang mô hình công - tư như đã và đang diễn ra đối với mọi thành phần kinh tế. Quá trình hợp tác ngày càng phát triển và mở ra cơ hội cho tư nhân tự đầu tư vào các sản phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, để văn hóa trở thành ngành công nghiệp, ngoài kế hoạch đầu tư bài bản, cần có sự thay đổi trong tư duy quản lý, tinh gọn bộ máy quản lý. Phát huy tính tự chủ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khuyến khích đầu tư của xã hội vào văn hóa, nhằm giảm sự chồng chéo và quan liêu trong điều hành quỹ văn hóa và các thiết chế văn hóa.

Việt Nam vốn được thế giới biết đến là một quốc gia có bề dày lịch sử, sở hữu nhiều di sản trở thành báu vật của nhân loại... nếu biết quảng bá, phát huy thế mạnh của những di sản đang sở hữu, chắc chắn nguồn lợi kinh tế sẽ không hề nhỏ. Đây cũng chính là cơ sở giúp Việt Nam từ định hình đến khai thác tiềm năng, phát triển nền văn hóa trở thành ngành công nghiệp trụ cột của nền kinh tế. Hay nói như PGS.TS Bùi Hoài Sơn, cần “Định vị ngành công nghiệp văn hóa và nền kinh tế sáng tạo mang tính tổng thể như một chương trình nghị sự trọng điểm trong phát triển của tất cả Bộ, ngành với tầm nhìn đến 2030. Điều này nhằm bảo đảm một cách tiếp cận phối hợp ở các lĩnh vực: Văn hóa, kinh tế, xã hội, giáo dục cũng như với các chương trình nghị sự quan trọng khác về phát triển”.

 Nếu làm được điều này, tin rằng “Công nghiệp văn hóa” sẽ sớm trở thành tài sản chiến lược quốc gia.

Nguồn Văn nghệ số 34/2020


Có thể bạn quan tâm