April 26, 2024, 2:20 pm

Dạy văn không chỉ là truyền thụ kiến thức văn chương

 

Từ xưa đến nay, môn Văn vẫn luôn được xem là môn học chính, đóng vai trò quan trọng trong chương trình đào tạo của ngành Giáo dục phổ thông. Thế nhưng vấn đề dạy văn, học văn trong hơn một thập niên gần đây đã khiến toàn xã hội phải quan tâm, suy nghĩ.

Thực trạng học sinh không còn hứng thú, đam mê với môn học ngày càng gia tăng. Cùng với đó, số lượng học sinh lựa chọn nghề nghiệp gắn bó với văn chương lại càng giảm sút đến mức báo động. Thêm nữa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang từng ngày “xâm nhập” vào nhiều lĩnh vực, dần dần thay đổi thế giới và quan niệm về thế giới. Giảng dạy văn chương không nằm ngoài bức tranh biến chuyển đó.

Do vậy, việc xác định đúng đắn mục tiêu dạy học Ngữ văn trong bối cảnh mới là rất quan trọng. Nó không chỉ giúp những người giáo viên tháo gỡ được những khó khăn trước mắt, đó là tình trạng học sinh thờ ơ với môn học, mà còn giúp việc dạy văn chương làm sao vừa phát huy được bản chất đặc thù, vừa đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Là một giáo viên ngữ văn đã có hơn 10 năm giảng dạy văn học trong nhà trường Trung học phổ thông, tôi xin chia sẻ đôi điều về công việc dạy văn trong nhà trường phổ thông hiện nay.

 

Ảnh minh hoạ bài viết. Nguồn Internet

Văn chương cần khơi dậy sự thấu cảm

Có thể thấy, điều khiến văn chương còn neo đậu lại trong trái tim của người đọc chính là giá trị chân - thiện - mĩ của nó. Khác với những bài học chuẩn mực về đạo đức của môn học khác, con đường giáo dục của văn học đi từ tình cảm, cảm xúc. Văn học lay động lòng người bằng những vẻ đẹp của hình tượng, từ đó giúp người đọc tự thanh lọc, tự giáo dục, tự hướng thiện bản thân. Với ý nghĩa đó, ta phải khẳng định rằng, điều số một của dạy văn vẫn là phải khơi dậy những tình cảm, cảm xúc tích cực của học trò: có vui, có buồn, có giận dữ, căm thù, có thứ tha, và đặc biệt là vun đắp được năng lực thấu hiểu, thấu cảm. Nhà văn Ai Cập, Alaa Al Aswany đã từng nói: “Văn chương trao cho chúng ta một dải phổ rộng của những khả năng con người. Nó dạy chúng ta làm thế nào để cảm nhận sự đau đớn của người khác. Khi bạn đọc một cuốn tiểu thuyết hay, bạn quên đi quốc tịch của nhân vật. Bạn quên đi tôn giáo của nhân vật ấy. Bạn quên đi màu da của anh ta hay cô ta. Bạn chỉ hiểu con người. Bạn hiểu đây là một con người, cũng như chính chúng ta thôi. Và vì thế đọc những tiểu thuyết vĩ đại chúng ta trở thành những con người tử tế hơn nhiều”. Alaa Al Aswany đã cho ta thấy rằng từ trước đến nay, văn chương luôn mang đến cho chúng ta thế giới của những con người khác, với tất cả sự khác biệt của “họ”, chúng ta đối chiếu với sự hiện diện của bản thân để khơi dậy, phát triển những phẩm chất tốt. Thông qua sự đồng cảm với nhân vật, con người hiểu hơn về cuộc sống xung quanh, lấy đó để soi chiếu bản thân mình rõ hơn. Có thể nói, thấu cảm chính là sức mạnh và sứ mệnh của văn chương, bởi lẽ nhu cầu hiểu về thế giới bên trong của con người là vô hạn.

Tuy nhiên, cách dạy văn từ nhiều năm trở lại đây, giáo viên vẫn nặng về việc truyền đạt cho học sinh những thông điệp, tư tưởng, bài học đạo lí… được rút ra từ tác phẩm văn học, thay bằng việc gợi mở để học sinh tự cảm nhận, tự xúc động, để rồi tự vỡ lẽ và thấu cảm. Hãy để học sinh tự trải nghiệm những cảm xúc của mình với nhân vật bằng kinh nghiệm nhân tính của chính các em, đừng lấy cảm xúc của thầy cô rồi định hướng, dẫn dắt cảm xúc của trò. Chỉ có như thế hiệu quả tác động giáo dục của văn học mới thấm sâu, lâu bền, mãnh liệt. Muốn làm được điều đó thì người giáo viên thay bằng việc chỉ khám phá nhân vật ở con người công dân, con người xã hội, cần hướng tới những yếu tố bên trong con người. Cách dạy về “tính điển hình” giờ đây không còn hấp dẫn nữa, nó sẽ tạo ra thói quen phân loại con người. Mọi khung phân loại đều làm đơn giản hóa con người và đó cũng không phải chủ đích của văn học. Văn chương khơi gợi sự đồng cảm đa dạng hơn rất nhiều. Mặt khác, nhận thức, cái nhìn của học sinh giờ cũng rất khác, các em đã có những thái độ đồng tình, không đồng tình, chất vấn lại với các nhân vật, mà mọi sự khu biệt của người dạy đều là bất khả.

Vì lẽ ấy, trong chương trình Ngữ văn mới, bên cạnh việc lựa chọn những tác phẩm giúp ích cho việc hình thành con người công dân, thì cũng cần bổ sung những tác phẩm giàu giá trị nhân bản. Nói như Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu (Đại học Sư phạm Hà Nội) trong bài viết “Hướng đến sự thấu cảm trong việc dạy- học văn ở nhà trường phổ thông”, là: “Những tác phẩm giàu giá trị nhân bản ấy sẽ “dần dần đưa học sinh tiệm cận sự phức tạp, sự bí ẩn khôn cùng của thế giới và con người, từ đó trân trọng, bảo vệ chính điều ấy. Tác phẩm văn chương luôn có tiềm năng khơi dậy khả năng thấu cảm, trắc ẩn… nhưng cần phải tìm được góc độ và phương pháp khai thác.” 

Như vậy, thiết nghĩ, điều quan trọng nhất của công việc dạy văn mọi thời chính là phải khơi dậy được sự thấu cảm của học trò. Và đặc biệt trong thời đại kĩ thuật số, “thế giới phẳng” ngày nay, khi mà các công nghệ dần thay thế sự giao tiếp bằng ngôn ngữ; phim ảnh, truyện tranh, Facebook… thay thế sách đọc… khiến đời sống tinh thần của con người dễ bị nghèo nàn, xơ cứng đi, thì việc đánh thức sự thấu cảm mãnh liệt của học trò là những giây phút vô cùng có giá trị. Nó không chỉ tỉnh thức thời điểm đó, mà còn dư âm theo các em trong những khoảnh khắc của cuộc đời.

 

Rèn tư duy độc lập và khả năng “phản biện” văn chương

 Không quá khó khăn để bạn có thể tìm thấy các ý kiến, bài viết, chia sẻ trên các báo chí, trang mạng, Facebook… về trường hợp hàng trăm, hàng nghìn bài văn “na ná giống nhau”. Hiện tượng văn mẫu, học sinh học thuộc lòng văn vẫn tồn tại như một cái gì đó bình thường của cuộc sống. Sở dĩ có điều này là vì giáo dục của chúng ta vẫn chú trọng đến nội dung kiến thức nên khi dạy phần đa giáo viên chỉ quan tâm cung cấp tất cả những kiến thức liên quan cho học sinh để đảm bảo các em thi tốt thay vì rèn tư duy độc lập, kĩ năng tự khám phá. Cách dạy học này làm hạn chế ở học sinh khả năng sáng tạo, hệ lụy của nó là tạo thói quen nói và làm theo theo người khác. Mặt khác, ngay bản thân nhiều giáo viên cũng có phần nào đó tựa như học trò khi lệ thuộc vào các tài liệu hướng dẫn, tham khảo các bài nghiên cứu của các Giáo sư, Tiến sĩ, những người đi trước. Từ đó gần như “đóng khung”, cố định những cách giảng, cách hiểu về tác phẩm văn học hết năm nay qua năm khác, hết thế hệ này qua thế hệ khác.

Trong khi đó, chúng ta nên hiểu rằng: một tác phẩm văn học lớn là lúc nào cũng có thể khiến người ta muốn đối thoại lại với nó. Nó luôn thách thức ta vốn hiểu về đời sống và về chính văn học. Vì thế, khi dạy cho học trò, ngoài việc cung cấp những chuẩn kiến thức, kĩ năng, cần phải đặc biệt thúc đẩy những năng lực tiềm ẩn của học trò, đăc biệt là tư duy phản biện, cách đặt câu hỏi, và thường xuyên chất vấn những mệnh đề, chi tiết của văn chương, vì biết đâu còn có “những câu chuyện khác” để nghĩ tiếp và nghĩ khác. Chỉ có như thế, văn chương mới thực sự có đời sống theo đúng nghĩa, học sinh mới hứng thú học văn vì chúng được quyền cất lên tiếng nói của mình, và chúng ta cũng tránh lối dạy áp đặt.

Không phải ngẫu nhiên câu chuyện về người Mỹ dạy “Cô bé lọ lem” đã từng được chia sẻ rất rộng rãi như một sự tỉnh thức để người ta nhìn nhận lại cách dạy truyện cổ tích “Tấm Cám” ở Việt Nam. Thông thường, chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế trong truyện cổ tích đều chẳng phải người tốt vì họ luôn hắt hủi, đối xử tệ bạc với con riêng của chồng. Nhưng thầy giáo người Mỹ đã cho học sinh tự khám phá ra rằng: thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ họ lại rất tốt với con mình. Họ chưa hẳn đã là người xấu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình. Đây chính là những “câu chuyện khác” mà giáo viên cần gợi mở để học trò phát hiện, suy ngẫm, bày tỏ, thay vì chỉ đóng khung một cách hiểu theo một ý thức hệ nào đó.

 

Tăng tính thực hành, gắn với nhu cầu thực tiễn

Trong bối cảnh hiện nay, giảng dạy văn chương không đơn thuần chỉ là công việc giới thuyết những giá trị nghệ thuật mà cần tạo ra một sự vận hành để người học có thể áp dụng vào cuộc sống. Trong chương trình Sách giáo khoa hiện nay và đặc biệt Chương trình Giáo dục Phổ thông tổng thể mới sắp tới, khái niệm văn bản giảng dạy trong nhà trường đã có sự mở rộng. Bên cạnh văn bản nghệ thuật đã có thêm văn bản thông tin, văn bản nhật dụng. Phần Làm văn bên cạnh nghị luận văn học đã có nghị luận xã hội. Đề thi cũng đã thay đổi, phần Đọc - hiểu văn bản ngoài chương trình chiếm gần 1/3 số điểm toàn bài. Tất cả những nỗ lực ấy là để việc dạy văn xích lại với đời sống.

Tuy nhiên, một thực trạng xảy ra là nhiều học sinh tốt nghiệp THPT, thậm chí cả sinh viên Đại học lại rất loay hoay trong việc trình bày một văn bản, viết một tờ đơn, một biên bản cuộc họp, hay bày tỏ ý kiến còn rụt rè, lúng túng, ngôn ngữ không rõ ràng, mạch lạc, tối nghĩa, không biết đi từ đâu đến đâu… Nguyên nhân của nó là lâu nay khi dạy văn, chúng ta vẫn nghĩ đến dạy văn chương nghệ thuật là chính chứ không quan tâm nhiều đến việc rèn kĩ năng đọc hiểu, viết lách nhiều văn bản khác mà học sinh sẽ gặp trong đời sống. Chúng ta thiên về cung cấp kiến thức mà quên phát huy năng lực của học trò. Dạy phần Tiếng Việt, Làm văn vẫn theo kiểu lý thuyết hàn lâm chứ ít chú trọng thực hành.  

Do vậy, cần phải tăng cường tính thực hành để người học không chỉ nói hay, viết giỏi, mà còn làm hiệu quả. Cần xác định mục tiêu của dạy văn còn là phải thích ứng với thực tế, phải làm sao để môn Ngữ văn đúng với tên gọi của nó- ngôn ngữ và văn chương. Tức là học sinh phải được phát triển toàn diện, không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, không chỉ “bồi dưỡng tâm hồn” mà còn là “công cụ” để người học có thể vận dụng được những kiến thức, kĩ năng đã học ứng dụng vào cuộc sống và công việc. Và chỉ khi ấy, việc dạy học Ngữ văn mới thực sự hiệu quả.

…………………..

 (*) Thạc sĩ Văn học, Trường THPT Nguyễn Thái Học, TP. Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc

Nguồn Văn nghệ số 48/2019


Có thể bạn quan tâm