April 26, 2024, 11:20 am

Đảo Trường Sinh. Truyện ngắn của Hoàng Hạnh

Hoàng Hạnh tên thật: Hoàng Thị Hạnh. Sinh năm 1993. Hiện đang sinh sống và làm việc tại Hưng Yên. Tác giả đã có một số bài viết đăng trên tạp chí Phố Hiến, tạp chí Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh; trang van.vn và một số bài thơ phát trên kênh VOV 6. Viết về mình thật ngắn gọn nhưng truyện “Đảo Trường sinh” của cô gái trẻ hé lộ một triển vọng vì tình yêu của cô dành cho văn chương. Vâng, yêu rồi sẽ được đền đáp. Văn chương là con đường dài, của kiên nhẫn, nỗ lực, tài năng và cả may mắn nữa...

(Trầm Hương)

Mạng sống của con người có giới hạn nên mới đáng quý. Bởi vì nó ngắn ngủi nên người ta mới cố gắng sống thật tốt và trân trọng.

Đây là câu chuyện tôi muốn ghi lại về những gì đã xảy ra xung quanh một người bạn thân của tôi có biệt danh là Đỏ. Có thể đó sẽ là một câu chuyện khó tin về dòng họ kì lạ của anh – một dòng họ đã sống trường sinh qua nhiều thế hệ và kéo dài đến nhiều thế kỉ.

Minh họa: Lê trí Dũng

Theo như những gì anh ta kể lại, mọi chuyện có lẽ đã bắt đầu từ việc ông cố của anh – một ngư dân ven biển trong một lần đi lạc đã đặt chân đến một hòn đảo kì lạ. Tại nơi đây ông cố của Đỏ đã phát hiện ra một loài cỏ có khả năng kéo dài mạng sống cho con người. Tuy nhiên, loài cỏ này chỉ có thể mọc được trên vùng đất ấy và cứ mười năm người ta lại phải ăn nó một lần mới có thể kéo dài sinh mạng. Ông cố của anh đã đưa cả vợ và con đến vùng đất ấy sinh sống và họ vẫn sống ở đó cho đến tận bây giờ.

Trong suốt nhiều thế kỉ, những người trong gia đình Đỏ nhờ vào tác dụng của thứ thuốc trường sinh mà đã không già đi. Họ sinh thêm nhiều người con, những thế hệ cháu chắt chút chít cũng lần lượt nối tiếp nhau ra đời. Trên hòn đảo nhỏ bé ấy, số người sống cứ đông dần lên. Nhưng cũng vì sự phụ thuộc vào thứ thuốc trường sinh bất tử và vì không muốn bí mật về loại thuốc kéo dài sự sống này bị nhiều người biết được, những người trong gia đình Đỏ đều hạn chế đi ra khỏi đảo. Ngày ngày, họ sinh tồn bằng những thứ thực phẩm tự cung tự cấp, chỉ có những đồ dùng thật sự cần thiết, người trên đảo này mới thay phiên nhau ra đất liền để đổi về.

Đó là năm Đỏ được sáu tuổi. Anh theo cha ra đất liền bán thực phẩm và đổi lấy đồ dùng đem về trên đảo. Thế giới bên ngoài nhiều màu sắc và kỳ thú hiện lên trong đôi mắt trẻ thơ của cậu bé sáu tuổi khi ấy. Anh tò mò và hiếu kì về thế giới bên ngoài, nơi có những khu chợ sầm uất, những đồ dùng lạ mắt và những gương mặt luôn rạng ngời hớn hở. Ở trên hòn đảo nơi Đỏ được sinh ra, dường như người ta đã bỏ quên mất nụ cười. Họ đã sống quá lâu để cảm nhận được những điều tốt đẹp. Đỏ nhớ lại hình ảnh ông cố của anh luôn luôn ngồi trầm ngâm trên hè đá với đôi mắt đượm buồn. Chẳng hiểu sao khi ấy, trong tâm trí của anh, bóng dáng ông đã hiện lên thật cô độc.

Năm Đỏ hai mươi hai tuổi, anh rời đi khỏi đảo mà không nói một lời. Đỏ không muốn sống giống như những người thân trên đảo. Anh muốn tự mình khám phá thế giới bên ngoài, tự mình cảm nhận được những thứ xúc cảm bình thường nhất mà một con người nên có.

Đỏ cho tôi xem bức tranh về gia đình mình. Khi rời khỏi đảo, anh ta đã vẽ lại một bức tranh để nhớ về những người trong dòng họ. Đỏ vẽ khá đẹp. Những nét vẽ sắc sảo, sống động y như thật. Nhưng có một điều làm tôi chú ý hơn, đó là gương mặt của những nhân vật trong bức tranh ấy dường như vô hồn.

Tôi từng nghĩ rằng đó chỉ là do Đỏ không thể vẽ tốt hơn được mà thôi. Nhưng sự thật lại không phải như vậy.

Đỏ chỉ vào hình vẽ một cậu bé đứng ở góc bên phải bức tranh và giới thiệu:

“Đây là con trai của dì tôi với ông nội của tôi.”

Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Đỏ khẽ cúi gằm mặt xuống.

“Lạ lùng lắm phải không? Tôi cũng không biết phải gọi cậu bé ấy là gì nữa? Ở trên hòn đảo, mọi người đã phải sống quá lâu để có thể không cảm thấy phiền hà về những việc như thế.

Khi anh không thể già đi hoặc là chết đi. Người ta sẽ buồn chán đến độ bất cứ việc gì cũng sẽ được coi là bình thường.”

Đỏ nhìn trân trân vào một khoảng không trống rỗng. Có lẽ trong đôi mắt anh khi ấy, biết đâu, có một thứ gì đó thuộc về ký ức đang dần nhen nhóm trở lại. Và tôi cho là như vậy.

Đỏ thích ngắm trời mưa. Đỏ thích nhìn người ta khoác tay nhau đi trong mưa. Đối với anh được khoác tay một ai đó đi trong mưa đã từng là một ước mong xa xỉ.

Tôi mời Đỏ về nhà chơi. Ngày hôm ấy, ba tôi bị ốm. Mẹ săn sóc ba đang nằm trên giường bệnh. Đỏ nói với tôi rằng, từ lúc anh ta được sinh ra, chưa bao giờ anh thấy mẹ lo lắng cho ba của mình như vậy cả. Bởi vì khi người ta nghĩ rằng mình sẽ sống bất tử, chẳng có ai muốn dành thời gian để quan tâm đến người khác vì chúng chỉ được coi là những điều thừa thãi.

Nhưng Đỏ lại khao khát những điều ấy.

Và thực ra Đỏ hơn tôi mười tuổi. Ngoại hình của anh ta lại chỉ giống như người vừa mới ngoài hai mươi. Trong nhóm của chúng tôi còn có thêm một người bạn khác nữa. Đó là Lam.

Lam là một cô gái vô tư, năng động. Khác với Đỏ, Lam lúc nào cũng hồn nhiên, vui vẻ với những nụ cười tinh nghịch. Thực chất, Đỏ và Lam giống như hai thái cực trái ngược nhau. Trong khi Đỏ luôn chất chứa những nỗi niềm tâm sự thì Lam lại không như vậy.

Lam luôn sống hết mình. Cô ấy đã không bỏ lỡ bất cứ điều gì cho tới khi cô ấy ra đi ở tuổi hai mươi – độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời.

Lam đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng về một cô gái luôn tràn đầy nhiệt huyết. Khoảng thời gian ngắn ngủi đó giữa chúng tôi, có lẽ là những kỉ niệm đẹp đẽ nhất của Đỏ. Dường như khi ấy, ánh mắt anh ta đã vợi bớt đi khá nhiều những muộn phiền ủ dột.

Từ nhỏ Lam đã mắc một căn bệnh quái ác. Cô biết mình sẽ không sống quá hai mươi tuổi nhưng mỗi một ngày sống trên thế gian này, tôi biết, đối với cô đó đều là những tháng ngày hạnh phúc và vui vẻ nhất của cuộc đời.

Ngày Lam mất, tôi và Đỏ đã đứng cùng nhau giữa trời mưa. Những cơn mưa mát lành đầu mùa hạ, thuần khiết và tinh khôi như những tháng năm thanh xuân rực rỡ.

“Chắc chắn rồi Lam sẽ đợi chúng ta ở nơi thiên đường.”

Tôi nhìn lên trời và nói với Đỏ.

“Không biết cảm giác cận kề cái chết sẽ như thế nào nhỉ? Tôi cũng rất muốn biết.”

Đỏ bỏ lại tôi đứng đó, anh ta lững thững bước về phía trước. Nếu như biết được sau ngày hôm đó, tôi không còn được gặp lại Đỏ, tôi nhất định sẽ túm anh ta lại. Chỉ có điều, giống như một kẻ độc hành trên hành trình phía trước, anh ta cứ thong thả, chậm rãi bước từng bước một cho tới khi khuất dạng.

Đỏ để lại một lá thư cho tôi để từ biệt. Anh nói đã từ lâu anh chưa trở lại nơi hòn đảo mà anh đã từng sinh ra và giờ anh muốn quay lại nơi đó. Tôi biết Đỏ muốn đối diện với thực tại. Anh ta không còn muốn chạy trốn, ít ra là không còn muốn chối bỏ nơi mà anh ta đã từng sinh trưởng và lớn lên.

Rất lâu sau đó, tôi không còn biết một chút tin tức gì về Đỏ.

“Hòn đảo đó nằm ở đâu nhỉ?”, “Liệu khi quay trở lại đó, cuộc sống của Đỏ sẽ ra sao?” “Liệu anh ta có tiếp tục chấp nhận cuộc sống giống như những người thân của mình đang lựa chọn?” Trong đầu tôi đã từng xuất hiện rất nhiều câu hỏi về Đỏ. Thế nhưng anh ta vẫn cứ bặt vô âm tín.

Đâu có ai biết được gì về hòn đảo đó đâu. Bởi vì nếu có người biết được, có lẽ cuộc sống của một dòng họ ấy cũng không còn những tháng ngày yên bình giống như bây giờ nữa.

Khi đã trở thành một người đàn ông ngoài năm mươi, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về cái chết. Sự sống là một sợi dây ràng buộc con người ta với thế giới thực tại. Nếu như sợi dây ấy không bao giờ đứt, giống như những người trong dòng họ của Đỏ, thì liệu chúng ta có cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hay không?

Một buổi chiều, trời cũng mưa to giống như cơn mưa của mùa hạ năm đó, tôi nhận được một lá thư không có địa chỉ của người gửi. Và tôi đã vô cùng ngỡ ngàng khi nhận ra bức thư đó do ai gửi đến. Vẫn là những nét chữ quen thuộc của ba mươi năm về trước. Thời gian như gió thoảng, chớp mắt đã vụt qua. Tôi run run hồi hộp đọc từng dòng chữ của Đỏ.

Gửi Cam!

Đã lâu rồi, kể từ ngày tôi trở về hòn đảo. Có lẽ giờ này anh đã có một gia đình êm ấm và một cuộc sống như mong ước. Ở nơi đây, tôi vẫn luôn tin vào điều đó.

Nếu anh đang đọc lá thư này, tôi cảm thấy thật vui vì anh vẫn còn mạnh khỏe. Và cũng thật may vì anh vẫn chưa thay đổi chỗ ở. Tôi đã rất băn khoăn khi gửi thư cho anh, nhưng tôi có một linh cảm rằng, anh chắc chắn sẽ đọc được bức thư này.

Sau cái ngày tôi trở về hòn đảo, đã có quá nhiều chuyện xảy ra. Những chuyện vui và cả những chuyện không vui. Tôi đã cố gắng giải quyết hết nó nhưng phải đến bây giờ tôi mới có thể kể với anh được. Có lẽ hơi muộn màng nhưng tôi tin rằng anh sẽ vẫn vui vẻ mà bỏ qua.

Khi tôi trở về sống trên đảo, những người thân của tôi vẫn mười năm lại sử dụng thứ cỏ ấy một lần. Họ kéo dài những mối liên hệ của mình đối với thế gian mà quên đi rằng mình chỉ đang tồn tại. Đúng. Không phải sống mà là tồn tại. Tồn tại như những thân xác không có linh hồn.

Họ ngày càng héo mòn trên đảo. Những tiếng cười trở nên khan hiếm và thưa thớt. Họ quên cả việc mình từng sống trên đời này để làm gì. Cứ ngày ngày những chiếc bóng ấy lặng lẽ đếm thời gian trôi qua rồi lại đếm thời gian trôi lại. Và tôi cũng giật mình nhận ra mình đang dần giống như họ.

Cho đến một ngày, người chú của tôi bỗng dưng phát điên. Ông không còn khống chế được bản thân, tìm cách dùng dao làm tổn thương những người khác trên đảo. Chúng tôi đã trói ông lại và nhốt ông trong một cái hang sâu. Những điều tồi tệ lúc ấy mới chỉ thực sự bắt đầu.

Đất trên đảo đã không còn màu mỡ. Nguồn lương thực cũng ngày càng ít ỏi. Dân số trên đảo vẫn không ngừng gia tăng. Cái đói luôn thường trực kéo dài. Một trong số chúng tôi đã bắt đầu trở nên hoang tưởng. Họ đánh nhau, cãi nhau, làm tổn thương đến những người còn lại. Một số khác lại lặng lẽ như những chiếc bóng. Họ đánh mất cả bản năng bảo vệ những người thân yêu nhất của mình.

Ông cố của tôi hằng đêm vẫn ngắm nhìn vườn cỏ Trường Sinh. Sức sống của nó vẫn mạnh mẽ và mãnh liệt. Nhưng nó trái ngược lại hoàn toàn với chúng tôi. Có lẽ cái giá phải trả cho sự bất tử chưa bao giờ rẻ. Có lẽ ông cũng đã nhận ra rằng, nếu như ngày ấy, ông không đặt chân lên hòn đảo này, có lẽ cuộc sống của chúng tôi sẽ không giống như bây giờ. Cuộc sống có giới hạn mới là cuộc sống đáng quý. Bởi vì nó có giới hạn, người ta nên người ta mới biết trân trọng.

Đêm hôm ấy, ông cố của tôi dùng một mồi lửa đốt sạch vườn cỏ Trường Sinh. Sáng hôm sau, mọi người vô cùng sửng sốt khi vườn cỏ xanh mướt giờ đây đã cháy rụi. Cuộc sống vô cùng vô tận của chúng tôi từ nay đã bắt đầu chấm dứt. Thế nhưng, có lẽ bây giờ mới chính là lúc thực sự bắt đầu cho một cuộc đời cần phải nâng niu và gìn giữ.

Và thật tốt, từ giờ trở đi, tôi đã có thể hi vọng vào một viễn cảnh nơi thiên đường, có lẽ Lam đang chờ chúng ta ở đó.

Tôi gấp lại lá thư của Đỏ và tưởng tượng ra hình ảnh của anh đang mỉm cười. Biết đâu đấy, chúng tôi sẽ gặp lại nhau ở Thiên Đường.

“Liệu trên đời này có Người Bất Tử không anh nhỉ?”

Vợ tôi với lấy điều khiển mở lại bộ phim quen thuộc mà nàng cực kì thích xem. Nàng ngả đầu vào vai tôi thủ thỉ:

“Giá mà sau này chúng ta có thể sống mãi cùng con cháu thì hay biết mấy anh nhỉ?”

Tôi nắm lấy đôi bàn tay nàng. Đôi bàn tay đã đồng hành cùng với tôi trong suốt gần nửa chặng đường đời. Suy cho cùng, cuộc sống này dài hay ngắn, chỉ cần bên cạnh ta luôn có một người đồng hành và lo lắng cho ta, như vậy là quá đủ.

“Anh không cho rằng bất tử là một điều gì hạnh phúc. Mạng sống của con người bởi vì có giới hạn cho nên mới đáng quý. Bởi vì ngắn ngủi nên người ta mới biết trân trọng.”

Và có lẽ ở nơi đó, Đỏ cũng đang nghĩ giống như tôi vậy.

Nguồn Văn nghệ số 24/2022


Có thể bạn quan tâm