April 26, 2024, 10:31 am

Dáng Quỳ

Văn Công Hùng

Dáng Quỳ

 

Trước cuộc bia kỷ niệm Quân đoàn

bạn tôi trang nghiêm thắp nhang

khấn đồng đội

trước khi say cùng gào lên và hát

chân nhang im lìm cứa ngang niềm vui

 

Nghĩa trang Ayun Pa

mộ chí đè lên mộ chí

viên đạn xuyên qua cuộc đời rất trẻ

trước giờ chiến thắng chỉ vài giây

 

Từ mọi miền đất nước các anh về đây

nuôi cỏ mềm quấn tượng đài cao vút

và trời xanh cứ như là không có thật

cứ như là vô tận cõi bình yên

 

Nghĩa trang Pleiku

ông bố vượt trên ngàn cây số vào đào trộm xác

con để mang về gần họ hàng xóm mạc

tưởng chúng tôi là người gác nghĩa trang

ông quỳ xuống lạy và hối lộ bao thuốc Zet

“các anh ơi tha cho cháu nó về!...”

 

Những chiếc xe du lịch loáng qua

xe cup loáng qua

ông bố già quỳ như tượng

tay ông lạy rạch ngang trời như chớp giật

nước mắt không còn để ông khóc cùng tôi

Bạn ơi tượng đài kia thiếu dáng quỳ hôm ấy

để thêm một lần ta hiểu giá chiến tranh...

Trang Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 27-7-2015

 

Lời bình của Trịnh Thu Tuyết

Tên bài thơ khiến tôi tò mò không rõ sẽ là một khắc họa chân dung nhân cách hay thân phận. Đọc rồi mới ngậm ngùi nhận ra cả thân phận và nhân cách trong đó, thân phận của “dáng quỳ” và nhân cách những con người xung quanh “dáng quỳ” ấy. 

Trước hết là thân phận con người và trùng điệp những nỗi đau. Nỗi đau khi những cuộc đời còn rất trẻ, vĩnh viễn dừng lại dưới dãy mộ chí chen chúc, im lìm. Những sự im lìm ấy, lẽ ra đã có thể hiện hữu là người yêu, là chồng, là cha của ai đó; là những dáng lam lũ trong dòng người cuồn cuộn trên đường phố ta vẫn gặp hàng ngày, hôm nay; là những cụ già tóc bạc đang ngồi trên ghế đá ngắm màu xanh thăm thẳm trầm mặc của hồ Gươm mỗi sáng...

Nỗi đau tăng lên bởi cảm giác tiếc hận cay đắng khi “viên đạn xuyên qua cuộc đời rất trẻ/ trước giờ chiến thắng chỉ vài giây” – người ta thường tiếc buồn khi việc gì đó lỡ muộn, dở dang, nhưng câu thơ này lại là nỗi uất hận của sự sớm, viên đạn đã đến sớm vài giây, trời ơi, giá như ngón tay bóp cò hoặc điên loạn, hoặc thờ ơ nào đó trễ lại vài giây để con người đủ tỉnh táo nhận ra ván cờ đã hết nước, xác người đã chất chồng, máu đã loang chảy đầm đìa, đẫm ướt mặt đất, bàn tay tê dại cần nhấc khỏi cò súng, những ngón tay cần duỗi ra lau nước mắt cho nhau, như ý trong một ca từ của Bob Dylan: “Yes, how many deaths will it take till he knows/ That too many people have died? (Tạm dịch: Loài người còn cần thêm bao nhiêu nấm mồ/ Mới nhận ra đã quá nhiều máu đổ?).  

Có một sự thật bất nhẫn về nỗi đau của chiến tranh mà ít người nỡ nói ra, đó là cảm giác về nỗi đau ấy, phần lớn thuộc về cảm nhận của những người còn sống. Dưới những mộ chí im lìm kia là hư vô vĩnh hằng, hư vô không buồn vui sinh tử, hư vô không yêu nhớ tiếc hận, hư vô không nhận ra đau đớn, hư vô chỉ là hư vô, trống không, hoang rỗng! Tất cả nỗi đau dưới và trên mộ chí đều là của người sống. Và Dáng quỳ khắc họa một bức tượng đài về nỗi đau ấy – nỗi đau tận cùng của một người cha nếm trải sự bất hạnh của cánh lá vàng rũ mềm vẫn buộc phải sống, để xót, để đau, để bơ vơ giữa mặt đất mênh mông, mặt đất ấy, mỗi ngày đều tưới đẫm bia và chật chội tiếng gào phấn khích say men, chỉ quạnh vắng những chân tình.

Người cha đã trải qua nỗi lo buồn khi tiễn con bởi cảm giác sợ hãi “Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi”; đã vò võ chờ tin con, đợi mỏi mòn một bóng dáng thân yêu, lành lặn xuất hiện trên bậc cửa nhà đã mòn gót chân cha, tuyệt đối chẳng bận tâm mấy sao mấy gạch trên vai áo hay mấy huân huy chương trên ngực; cha cũng đã chịu nỗi đau thấu trời đất khi nghe tin con hi sinh – ước mơ của cha cứ nhỏ bé dần, tội nghiệp tới thảm hại khi không thể mong con còn sống, chỉ còn có thể mong rước đón được hài cốt con về với đất tổ, quê cha, để được ngày ngày chăm sóc nâng giấc con trong làn khói hương ước lệ!

Và đỉnh điểm nỗi đau, nút thắt đau đớn trong dòng tự sự của bài thơ trữ tình đẫm nước mắt là nỗi hoảng loạn sợ hãi khi người cha “tưởng chúng tôi là người gác nghĩa trang ông quỳ xuống lạy và hối lộ bao thuốc Zet/ “các anh ơi tha cho cháu nó về!..! Đôi góc khuất của cuộc sống thời hậu chiến không chỉ chen chúc “mộ chí đè lên mộ chí” mà còn bức bối cảnh người đè nén người, kiếm tiền, vụ lợi từ nỗi đau của đồng loại thấp thoáng hiện ra trong sự sợ hãi lầm lẫn tội nghiệp của người cha – không rõ bao năm tháng ở hậu phương chờ đợi con trở về, ông đã gặp, đã sợ, đã bao lần phải “hối lộ” kẻ có chức quyền, dẫu chút quyền cỏn con của những kẻ cỏn con, nhưng vẫn có thể làm khó dễ, vẫn khiến những phận nghèo như ông phải khổ sở, để tới giờ, như một phản xạ có điều kiện, thấy vài bóng người quan tâm tới việc làm “khuất tất” của mình, ông đã sợ hãi, khốn khổ, thảm hại đến thế. Tôi có cho học sinh đọc bài thơ này và yêu cầu các em tìm câu thơ/ hình ảnh thơ tương phản với hai câu: “và trời xanh cứ như là không có thật/ cứ như là vô tận cõi bình yên”. Khoảng 80% học trò tôi tìm ra sự tương phản từ hai câu thơ: “ông bố già quỳ như tượng/ tay ông lạy rạch ngang trời như chớp giật” bởi lý giải: hai câu trên nói về cảm giác bình yên vĩnh hằng của bầu trời xanh êm đềm, dịu dàng; còn hai câu dưới lại là nỗi đau thấu tận trời xanh ngay trong “dáng quỳ” của người cha đau khổ, không phải xin cho con về mà chỉ là xin được mang hài cốt con về - và các em kết luận – sự tương phản khiến người đọc nhận ra trời xanh đấy mà mưa giông chớp giật trong lòng người, đâu có bình yên, đâu có êm đềm! Có một thời, chúng tôi không được đối mặt với những nỗi đau, còn học trò tôi hôm nay thì hiểu: dù ta quay mặt, nhắm mắt trước nỗi đau thì nỗi đau vẫn cứ tồn tại đó, nó đâu biến mất!

Tôi đã hỏi nhà thơ về chữ “tha” trong lời van lạy của người cha: “các anh ơi tha cho cháu nó về!...” - có lẽ sự thận trọng khiến câu trả lời của ông thật mơ hồ, kín đáo, ông coi đó là từ buột miệng trong dòng tâm tưởng, dẫu đọc lại, chính ông  cũng thấy lạnh, thấy sợ - tôi cho rằng đây là từ thật nhất cho tâm thức những người làm cha mẹ trong hoàn cảnh đó, quên đi những văn bản được viết sẵn để đọc trong ngày “hội” tuyển quân, sự “buột miệng” khiến nhà thơ làm bộc lộ nỗi khát khao chân thành, chính đáng mà bao lâu nay, người cha khốn khổ vẫn phải giấu trong cõi sâu kín của chính lòng mình, tới khi van xin, tiềm thức mới bất ngờ hé lộ.

Từ “tha” trong lời van xin của người cha khiến tôi chợt nhớ tới câu chuyện Nguyễn Quang Thiều kể về một người mẹ: “Năm 1993, lần đầu tiên tôi đến Mỹ theo lời mời của Trung tâm William Joiner, một trung tâm nghiên cứu hậu quả chiến tranh thuộc trường Đại học Massachusetts thông qua văn học. Trong một buổi tọa đàm về chiến tranh, tôi đã kể với những người Mỹ câu chuyện về một bà mẹ. Bà mẹ này gửi đứa con trai thứ nhất của mình ra mặt trận, đứa con hy sinh. Bà mẹ lại gửi người con trai thứ hai của mẹ ra mặt trận, đứa con thứ hai hy sinh. Bà mẹ lại gửi đứa con trai thứ ba của mẹ ra mặt trận, đứa con trai thứ ba hy sinh. Người mẹ lại gửi đứa con trai thứ tư của mẹ ra mặt trận... Khi tôi nói đến đó, một người Mỹ đứng dậy khóc và kêu lên: “Xin đừng gửi nữa, xin đừng gửi nữa...”. Họ không thể nào chịu đựng được sự khủng khiếp ấy. Và thực tế, trên đất nước chúng ta có những bà mẹ đã hy sinh đến chín người con trong chiến tranh. Một lịch sử kinh hoàng nhất của nhân loại trong thế kỷ hai mươi vừa mới đi qua”.

Đoạn cuối lại là nỗi đau của những người chứng kiến. Trước hết là nỗi đau trước sự vô cảm, thờ ơ, dửng dưng của đoàn người xe sang trọng lấp loáng, nhấp nhoáng lướt qua: “… Những chiếc xe du lịch loáng qua/ xe cup loáng qua/ ông bố già quỳ như tượng…”.  Mỗi người đều có cuộc sống riêng và những nỗi bận tâm riêng của mình, nhưng có thể lướt qua một “dáng quỳ” thảm hại đau khổ đến thế của một người cha thì quả thật trái đất này đã lạnh lẽo tới đáng sợ.

 Tôi hơi băn khoăn về cách hiểu hai câu kết bài: “Bạn ơi tượng đài kia thiếu dáng quỳ hôm ấy/ để thêm một lần ta hiểu giá chiến tranh...” – có thể hiểu: “dáng quỳ” và nỗi đau đớn của người cha mất con khiến chúng ta hiểu thêm về cái giá của chiến tranh khi nỗi đau không chỉ là sự hi sinh dưới chất chồng mộ chí mà còn là sự cô đơn và nỗi thống khổ của những người còn chút ngày cuối cùng ở trên mặt đất! Nhưng nếu căn cứ vào cấu trúc ngôn từ của hai câu thơ, có thể hiểu theo một cách khác chăng: Khu tượng đài nguy nga, “cao vút”, tráng lệ của nghĩa trang Pleiku “thiếu dáng quỳ hôm ấy” của người cha bất hạnh, có phải đó cũng là một phần trong cái “giá chiến tranh” – nỗi đau của chiến tranh là cái chết của người lính, là sự cô đơn của thân nhân các anh, và còn là sự lãng quên của cuộc đời khi tượng đài chỉ thấy sự vinh danh vẻ đẹp hào hùng, bi tráng mà lãng quên chia sẻ những nỗi đau của người ở lại.

Tôi có nói về nhân cách của những con người xung quanh “dáng quỳ” của người cha trong nghĩa trang liệt sĩ – nhưng bây giờ có lẽ không cần nói thêm, khi nhân cách ấy đã gián tiếp hiện ra khi chúng ta thấu hiểu một phần những nỗi đau của người cha. Và thông điệp cũng lặng lẽ thấm vào tâm thức, lương tri mỗi con người, khi ta được sống tiếp, bên những im lìm vĩnh hằng. 

Nguồn Văn nghệ số 32/2022


Có thể bạn quan tâm