April 26, 2024, 8:24 am

Đặng Anh Đào - Người con gái lãng mạn của nhà họ Đặng…

KHOẢNG LẶNG CHO NHỮNG  NGƯỜI ĐI TRƯỚC MÙA XUÂN

Năm nào cũng vậy, khi những giọt mưa Xuân còn chưa kịp đắm đuối tận hiến những làn hơi ẩm ướt cuối cùng để đánh thức dậy những tràn trề căng nhức từ bên trong những cỗi cằn xơ xác; để gột rửa tinh khôi lại những bụi bặm nhọc nhằn của một năm vừa hết; để vạn ngàn cây lá bùng ra xanh mướt những lộc non, để con người trào lên say đắm những khát khao của sáng tạo và dâng hiến...; thì giữa bao hồ hởi tươi mới khát khao ấy, lại vẫn có những chuyến ra đi lặng lẽ như không muốn làm kinh động đến mùa Xuân đang náo nức ngoài kia. Như những chiếc lá đã hết mình xanh, những cánh hoa đã vắt kiệt mình mà thắm thả mình về cội đắp điếm cho đời; những nhà thơ, nhà văn sau khi đã tận hiến những truân trải, những đam mê vào trang viết để lại cho đời; lại lặng lẽ gói ghém hành trang cho một hành trình cuối cùng đi vào vĩnh cửu giữa muôn ngàn chồi non lộc biếc, để lại những khoảng trống quạnh hưu mà mãi đến một ngày, sau bao nhiêu tất tả bận rộn mới chợt nhận ra, họ đã vội vàng đi trước cả một mùa Xuân…

Vậy là bà đã ra đi sau nhiều ngày giành giật từng giây phút sự sống. Chúng ta sẽ còn lâu mới tìm lại được một nhà giáo, nhà nghiên cứu, một con người say mê cuộc sống, tận tuỵ, chan hoà cởi mở với học trò, nghiêm túc và sâu sắc với học thuật và nhiều nhiều thứ nữa…, như bà. Bà là Đặng Anh Đào, một trong 5 người con gái yêu và lịch lãm của dòng họ Đặng…

Vợ chồng nhà văn Trần Hinh tặng hoa nhà văn, nhà giáo Đặng Anh Đào nhân ngày 20/11/2020

Phải đến khi được tin chính thức bà ra đi, tôi mới hốt hoảng vì kỷ niệm với bà ùa về không kịp thu gọn lại. Thực ra tôi không phải học trò chính thức của bà. Chỉ là vì cùng làm văn học phương Tây, lại là học trò cô Đặng Thị Hạnh, chị gái bà, mà giữa chúng tôi nhóm trẻ bên Tổng hợp thân thiết với bà. Có thể cũng còn vì bà vốn là người chu đáo, tận tình trong giao tiếp, nên thành ra chúng tôi trở thành người gần gũi với bà hơn. Thỉnh thoảng lại gặp nhau, ăn uống, “Anh hùng tụ nghĩa”. Tôi biết, trong cuộc sống, bà là người thích hoạt động, thích giao du, không chịu được sự cô đơn, nhất là khi trung tướng Hồng Sơn, bạn đời của bà ra đi. Thỉnh thoảng bà lại gọi: “H. ơi, ra đây ăn cơm với cô đi”, “H. ơi, sao mãi chẳng thấy tổ chức cuộc Anh hùng tụ nghĩa tại nhà mà H. đã hứa thế?”. Cũng có hôm, bà gọi vào buổi tối: “H. ơi, có sắp xếp thời gian đi chơi với cô được không?” - “Đi đâu hả cô?” - “Đi Pháp”. Tôi giật mình. Đi Pháp mà bà nói cứ như đi Bờ hồ Hoàn Kiếm vậy. Tôi biết từng có lần cậu con trai bà, để chiều mẹ đã buộc bỏ hết công việc đang làm, mua thêm vé, đi cùng mẹ, vì sợ để bà đi một mình không yên tâm. Ngoài 75 tuổi, “máu xê dịch” vẫn không rời bỏ bà. Khi thì châu Âu, khi thì Sài Gòn. Không đi xa được thì đi gần. Đi lại với bà, giống như một thú vui sống. Tôi cũng nhớ, thậm chí, bà kể trong hồi kí Hoài niệm và mộng du, có lần đang lang thang ở Pháp, nghe báo tin trung tướng Hồng Sơn ốm nặng nằm trong viện 108, bà tức tốc quay về: “Sau một đêm thức trắng trên máy bay, tôi đi thẳng từ sân bay đến khoa Cấp cứu viện 108. Để thấy một người khác hẳn: nằm thẳng đơ, trần trụi, chỉ có những sợi dây nhằng nhịt cắm khắp người. Từ đó đến ngày 27/8, chỉ có một lần anh tỉnh dậy, nói những câu cuối cùng với gia đình. Tối hôm15, khi mọi người thăm anh phải ra về, anh nói thều thào: về nhà thôi, ở đây buồn lắm!”. Bà cũng thế, những ngày cuối cùng, trên giường bệnh, dây rợ cũng nhằng nhịt quanh người, những lúc may mắn tỉnh, bà đòi mang đến cho mình những thứ này thứ kia bà thích. Nhưng sau đó lịm hẳn không đòi về nhà, mà đến thẳng khu nhà lạnh viện 108. Khi còn sống khoẻ mạnh, bà cũng có thích ở nhà đâu, chỉ thích được lang thang đâu đó. Trong cuốn hồi ký của mình, bà nhắc tên nhiều ngôi nhà của gia đình. Cụ thân sinh bà, có lẽ vì công việc mà luôn được phân và chuyển những ngôi nhà mới. Bà đã kể những câu chuyện tình đầy hấp dẫn trong cuốn sách, mà có lần sau khi in sách cho bà, tôi tặng một anh bạn cũng viết văn, anh mê mệt những đoạn tả mối tình bị cấm đoán hồi trẻ với một chàng trai của bà, quyến rũ đến nỗi anh bạn tôi đọc thuộc từng đoạn, cứ mỗi lần gặp tôi, anh lại nhắc tên bà, rồi đọc lại cả đoạn văn mùi mẫn đó. Bà là cả một kho chuyện đậm đặc về một người trí thức lịch lãm, nhiệt thành, hồn nhiên, chân thực hiếm có…

Tôi đã dự định sẽ viết một bức chân dung đầy đủ về bà. Song sự ra đi quá đột ngột của bà, khiến tôi chưa kịp thực hiện được bài viết đó. Chân dung hình của bà đã được đăng đâu đó rất nhiều. Chỉ xin được đăng ở đây một bức hình mới cách đây 2 năm, khi tôi đã cùng người bạn đời của mình đến tặng hoa bà nhân ngày 20/11. Bà cười rạng rỡ khiến nhìn nhìn lại bức hình, tôi muốn trào nước mắt, khi biết rằng kể từ đây, chúng tôi không bao giờ còn được nhìn lại gương mặt mang nụ cười rạng rỡ ấy nữa…

Trần Hinh

Nguồn Văn nghệ số 7/2023


Có thể bạn quan tâm