May 2, 2024, 4:26 am

Dân chủ là phải biết chấp nhận


THANH THẢO


Trong bất cứ cuộc bầu cử nào, nếu đúng là bầu cử dân chủ, thì người thua cuộc đều công nhận mình đã thua và gửi lời chúc mừng người thắng cuộc. Đó là phép lịch sự của dân chủ.

Dù không có điều kiện làm như vậy, vì đây là cuộc bầu cử Ban Chấp hành gồm nhiều người, nhưng ở Đại hội Nhà văn vừa rồi, người thất cử Ban Chấp hành đều vui vẻ chấp nhận, và không có trường hợp nào khiếu nại ban bầu cử. Theo cách nói khá nhàm chán ở ta, thì cuộc bầu cử này đã “thành công tốt đẹp”. Tôi chỉ tiếc, trong số 6 thành viên của Ban Chấp hành mới lần này, không có nhà văn nào đại diện cho miền Trung - Tây Nguyên và Nam bộ. Tp. Hồ Chí Minh cũng không có. Nhưng biết làm sao, khi cuộc bầu cử là dân chủ, ai đủ số phiếu thì người đó trúng cử. “Cơ cấu vùng miền” chỉ là một mơ ước, dù chính đáng, nhưng không thể vượt qua khuôn khổ một cuộc bầu cử dân chủ.

Nhân đây, tôi cũng có ý kiến về slogan của đại hội, là “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo”. Đó đều là những ngôn từ đẹp. Nhưng còn điều này nữa, đó là “đoàn kết” ở một góc độ nào đó phải được nhìn nhận là một sự “hợp tác” thì mới đầy đủ ý nghĩa. Lâu nay ta cứ hô hào đoàn kết, nhưng “đoàn kết” nghe vừa chung chung, vừa khó thực hiện trong bất cứ tổ chức nào. Trong khi “hợp tác” lại hoàn toàn có thể, và hợp tác để làm việc thực sự không chỉ còn là mục tiêu mà còn là động lực của tất cả mọi sự phát triển. Ban Chấp hành mới của Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX chỉ có 6 người, nhưng nếu biết hợp tác để làm việc thì không chỉ giúp giải quyết tốt nhiều việc trong Hội, mà còn có thể giúp cho văn học phát triển. Ngược lại, khi sự hợp tác không được làm tốt, hoặc chỉ ở mức thấp, “bằng mặt mà không bằng lòng”, thì không chỉ cơ quan Hội khó làm việc, mà hội viên cũng thấy khó thông cảm. 

Từ suy nghĩ đó, hợp tác, theo tôi, cũng chính là chấp nhận dân chủ. Nhiều người nói Đại hội Nhà văn vừa rồi “quá dân chủ”. Tôi không đồng tình với khái niệm này, vì thực tế chỉ có “dân chủ” thôi là đủ, chứ không bao giờ có khái niệm “quá dân chủ”. Vậy nên Đại hội Nhà văn vừa rồi, nói theo rất nhiều nhà văn tham dự, đã diễn ra “một cách dân chủ” là hoàn toàn chính xác. Có sự chặt chẽ trong khâu tổ chức, nhưng chặt chẽ là để bảo đảm cho dân chủ được thực thi. Từ việc sắp xếp chỗ ngồi mà tôi rất không thích nhưng phải chấp nhận, bởi đó cũng là sự chấp nhận để có dân chủ. Bởi dân chủ không đồng nghĩa với hỗn loạn; Tới các bước chuẩn bị cho bỏ phiếu bầu cử, cũng vừa nghiêm ngặt vừa tuân thủ dân chủ và công bằng. Để cuối cùng, có được cuộc “xếp hàng bỏ phiếu” trong trật tự. Dân chủ chính là như thế. Một khi ban kiểm phiếu đã làm việc khoa học và minh bạch, thì kết quả kiểm phiếu được công bố đã mang lại sự hài lòng cho đại đa số các đại biểu dự đại hội, và hoàn toàn không có một “cuộc họp” để “dàn xếp” nào diễn ra trước đó. Có thể nói ở Đại hội IX, sự dân chủ là cả một quá trình, và phải trải qua rất nhiều đấu tranh mới tới sự hợp tác như vậy.

Và khi đã có dân chủ, thì tất nhiên cũng phải biết chấp nhận những “luật lệ” của dân chủ. Đó là chuyện giá như các đại biểu biết nhường nhịn, biết tập trung phiếu cho một số ít ứng cử viên sáng giá, thì chắc chắn những khu vực ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, ở Nam bộ và Tp. Hồ Chí Minh đã có những nhà văn đại diện của mình. Đó cũng là dân chủ. Và khi cầm lá phiếu trên tay, hay đứng lên đề cử một ai đó, thì mỗi người cần phải biết rằng mình đang thực hành dân chủ, chứ không phải là chỉ biết ngồi chờ kết quả của dân chủ.  

Nguồn Văn nghệ số 31/2015
 

Có thể bạn quan tâm