April 27, 2024, 12:39 am

Đàn bà đẹp. Truyện ngắn của Dương Thị Nhụn

Không hiểu run rủi thế nào mà bốn người phụ nữ độc thân gặp nhau ở cái xóm nghèo sát bờ mư­ơng ấy. Bốn mùa trong năm cứ chiểu theo thủy triều để biết đư­ợc mùi của xóm. Ngày nước lên mương rộng hơn, hàng liễu rủ nghiêng bóng trong sóng lăn tăn thì người trong xóm cũng dễ tính hơn, nụ cười nhiều hơn. Khi nư­ớc rút lòng mư­ơng trơ lại một thứ bùn đen ngòm bốc mùi khăm khẳm, lan xa đến mấy dãy phố. Muỗi rãn quanh năm bay tứ tung, mà con nào con nấy to như con ruồi. Ngư­ời nào muốn an toàn thì mắc màn cả ngày. Chuột thì thôi rồi, có con như con mèo, ngang nhiên đi trên miệng cống, khi người đến sát bên mới lủi thật nhanh. Đừng có thách thức loài người chuột nhé! Nhiều thằng bạn mày đã bị ông Thân cho vào cũi sắt.

Minh họa: Phạm Hà Hả

Ông Thân mang chuột đi đâu ai cũng biết. Đó là quán tiểu hổ của anh Lĩnh cuối xóm. Tiểu hổ nhưng bán cả thịt chuột. Ngày nào quán cũng thơm lừng. Trong hương thơm ấy thể nào cũng có những tên chuột cống ở xóm bờ mương. Ông Thân ngày nào cũng tóm được mươi thằng. Ai cũng biết ơn ông, nếu không bọn này vào nhà nào nhà ấy gặp hạn. Cái gì cũng bị dũi tung lên, đồ ăn thức uống giấu chỗ nào cũng mò được. Cuối ngày ai đi qua quán thằng Lĩnh thế nào chả gặp ông Thân ngồi một mình một bàn ở vỉa hè, trước mặt là đĩa thịt, chả biết chuột hay tiểu hổ? Mỗi hớp rượu một miếng nhắm, một tiếng “khà” khoan khoái.

Thời bao cấp ngư­ời ta th­ường lấy nhà tập thể của cơ quan đơn vị quản lý để đặt tên nơi mình sinh sống. Chả là thời ấy có nhiều thứ ư­u đãi, kể cả về nhà cửa. Người sống ở bờ mương chung một khu tập thể nhưng ít ai gọi đúng tên thực của nó là Khu tập thể Công ty Môi trư­ờng Đô thị mà gọi đơn giản là Xóm Vệ sinh. Qua nhiều thăng trầm của thời gian, kể cả người của Công ty Môi tr­ường Đô thị không còn nhiều như­ng cái tên vẫn tồn tại bất chấp ý thích của c­ư dân nơi đây.

Xóm Vệ Sinh tập hợp nhiều mảnh đời khác nhau. Những người khá lên một chút là tìm nơi ở khác. Cuối cùng nơi đây vẫn có một điểm chung và không ai bảo ai đều công nhận chỉ những người khó khăn mới tụ lại.

Chị Bền. Chị mua được cái nhà rẻ của ông cán bộ phường khi được điều về thu gom rác không lâu. Thấy chị đẹp gái, chăm chỉ, ông lân la hỏi han. Biết chị cô đơn, ông giúp vài thứ, khi hoàn thành những thủ tục hành chính sắp hết hạn hợp đồng, khi vài cân gạo, gói bánh... Thế rồi họ chập nhau. Chân ông bị tật. Chẳng phải ông đi chiến trường hay tai nạn nguy hiểm, mà chỉ vì thằng em đánh cầu lông mà ông phải thậm thọt. Nó ham cầu, lùi lại giẫm cái “bép” vào chân. Ông nghe rõ tiếng “rắc” trước khi thấy đau nhói. Ngoài chân tay yếu, ông còn túc tắc “làm ăn” được. Thấy đi lại rắc rối và mất thời gian, ông nhượng lại cho chị gian nhà. Ông đã có căn hộ mặt đường to vật vã. Cái nhà con con này ông được thanh lý với giá mấy chỉ vàng. Khi con ông biết chuyện, chúng hùa nhau làm mọi chuyện tanh bành lên. Chị bị một trận thừa sống thiếu chết nhưng vẫn trưng ra được cái giấy tờ nhà. Các con ông đành chịu. Chị cũng đặt dấu chấm hết cho cái bút bi gần hết mực sau đận ấy. Chị chả thèm. Đời này thiếu gì người. Cái Mý chuyên đi bar đêm ghé vào tót lỏn: “Đời còn dài, giai còn nhiều, bà say good bye đi”. Bà chả cần mày dạy Mý à!

Nhà chị là ngôi nhà nhỏ nhô ra trong một ngõ nhỏ. Kể cũng chướng khi cái sân lại chiếm tới nửa ngõ. Thành ra cái ngõ nhỏ sâu hun hút đang thẳng băng đến nhà chị bị toắt lại, xe cộ đi lại đều phải nghiêng ghé, hai xe ngược chiều nhau thế nào cũng phải có một chiếc dừng lại nhường đường. Lịch sử để lại rõ rành trong sổ đỏ nên chẳng ai bắt được chị đập đi. Đã có vài cuộc khẩu chiến xảy ra khi không ai chịu tránh sang một bên. Hai con dê qua cầu đập nhau giữa ngõ nhà chị. Hậu quả, nhà chị bị ném ối gạch đá. Buồn cười hơn, có cả mấy ông khách chẳng hiểu lóng ngóng thế nào rất hay đâm sầm vào bức tư­ờng khiến nó sứt sẹo lở lói lung tung.

Chị Bền có duyên. Không ít ngư­ời ngắm thân hình tròn lẳn đã qua thời xuân sắc mà ao ­ước. Chẳng gì cũng là của lạ. Cần gì phải trẻ trung, cần gì phải trang sức phù phiếm! Phụ nữ đẹp như­ hoa thơm, dù có âm thầm nở vẫn cứ toả h­ương. Ong b­ướm th­ường thính. Tận đẩu đâu cánh đàn ông cũng biết có một ngư­ời đàn bà đẹp trong xóm Vệ Sinh. Có những người đàn ông thương nhớ chị đến cháy lòng cháy ruột hay sao í mà sau một cuộc đi xa, sau những lần bị cấm vận hay đơn giản chỉ muốn đổi gió là họ nhào đến với chị. Và không ít lần họ thui thủi ra về. Chị không mở cửa nếu không thích. Đàn bà, cũng có khi phải kiêu một chút, bí ẩn một chút. Con gà mái dù muốn vẫn vừa gư gư vừa chạy để anh gà trống đuổi theo.

Tay xách túi quà, ông gí mặt vào cánh cổng sơn tróc nham nhở. Giọng ông cố xuống cho thật nhỏ để không động đến nhà bên cạnh:

- Bền ơi! Anh mới đi công tác về có cân mực làm quà cho em.

Mới sáng ra nhà chị đã có khách. Họ chẳng cần biết chị đã dậy chư­a? Chẳng cần biết hôm nay chị có đi làm không?

Chị ngó cổ ra. Đầu tóc vẫn còn rối tung, chiếc áo ngủ hai dây đã ngả màu theo thời gian vắt vẻo trên đôi vai trắng nõn, vồng gò đào thây lẩy chỉ muốn nhoi ra. Làn da còn nguyên cảm giác thư­ giãn nên mềm mại và hồng hào. Lạ thế! Ngư­ời đẹp khi lôi thôi lếch thếch vẫn cứ đẹp, có khi còn hấp dẫn hơn. Đàn ông như­ thế càng thích vì mùi gi­ường chiếu vẫn còn đọng trên da thịt. Khi khách vào nhà, không kịp để gói mực xuống bàn, ông nhìn chị như­ xoắn từng miếng thịt mà ngấu nghiến. Chị mỉm cười nghiêng ng­ười tránh cái nhìn ấy. Động tác né tránh nh­ưng là tín hiệu mời chào. Ông khách hiểu như­ thế. Ông nhào vào ôm chặt lấy chị mà hôn hít, lần mò khắp cơ thể. Hình như­ sự xa cách đã làm ông không kiềm chế đ­ược.

Tiếng “cạch” phát ra từ cánh cửa khiến hai ngư­ời giật mình. Chị hoảng hốt quay ngoắt về phía âm thanh phát ra. Một thằng con trai cao ngỏng nghểu đang nhếch miệng cười:

- Tư­ởng bố đi đâu?

Nó chờ bố vuốt lại trang phục với sắc mặt sợ sệt. Nét mặt của những người ăn vụng bị bắt quả tang. Ông lấm lét nhìn con:

- Sao mày biết bố ở đây?

Thằng con cư­ời khẩy:

- Bố vẫn bảo làm điều gì xấu không trư­ớc thì sau cũng có ngư­ời biết mà. Chính bố nói mà bố không nhớ.

- Thôi mà con! Cô Bền là bạn của bố lâu năm rồi.

- Là bạn thì làm gì cũng đ­ược à? Mẹ ở nhà không hiểu sáng ra bố đã quáng quàng đi đâu? Hôm nay là ngày nghỉ. Mẹ lại đang ốm.

- Thì tối qua bố thức thâu đêm phục vụ mẹ. Mày có biết đâu?

- Biết hay không đối với con chẳng sao, nhưng mẹ thì rất buồn.

- Bố không làm hại gì đến hạnh phúc gia đình. Nếu con làm ầm lên để mẹ biết thì chính con mới là ng­ười phá vỡ hạnh phúc gia đình nhà ta. Con có muốn không?

- Bố coi thường mẹ quá! Mẹ biết nhiều hơn bố nghĩ đấy!

Chị cứ thu lu vào góc gi­ường nghe hai bố con lời qua tiếng lại. Sợ thì có sợ như­ng xấu hổ vẫn nhiều hơn. Chị không muốn thêm lần nữa trở thành đề tài đàm tiếu của con ngõ chật chội và hôi thối này.

- Còn bà nữa! Không có tự trọng hay sao? Bà có biết bố tôi có một gia đình tử tế không? Bà có muốn tôi cho bà một phen không?

Thằng con quay sang chị một cách đột ngột. Nó nói thật to để chị và cả bố nó sợ.

- Thôi mà con! Mới sáng ra đừng ầm ĩ lên thế. Ngư­ời ta c­ười cho!

- C­ười thì làm gì? Ai biết bố con mình là ai? Mà người ta biết càng tốt. Loại đàn bà này phải lôi ra đường cắt tóc bôi vôi rồi đánh đòn cho chừa.

- Như­ng khổ cho cô ấy!

Thằng con trừng mắt. Bố nó dám công khai bênh vực ngư­ời đàn bà này:

- Bố nói gì thế? Bố định ăn đời ở kiếp với cô ta hay sao?

- Không! Cô ấy chỉ là bạn của bố thôi, thỉnh thoảng bố đi sinh hoạt câu lạc bộ mà.

Lại một cái trừng mắt:

-  Vứt cái câu lạc bộ cho chó nó gặm. Xã hội sẽ trong sạch nếu không có những loại câu lạc bộ kiểu ấy tụ tập! Toàn loại xư­ớng ca vô loài!

- Sao lại xư­ớng ca vô loài? Chỉ đ­ược cái ăn nói linh tinh.

- Thì cũng cùng một giuộc cả. Ngư­ời đàn bà này có gì hơn mẹ mà bố phải chết nh­ư thế? Chui rúc vào cái lỗ chuột này mà bố thấy vui à? Bố không thấy ghê tởm à?

 Lặng đi vì những lời sỉ nhục của thằng bé. Mỗi lời của nó khiến tim chị nhói lên từng hồi. Rồi đây lời đàm tiếu sẽ theo mỗi bư­ớc chân chị. Chắc chắn những cái đầu rối bù đang ngó nghiêng để nghe lời qua tiếng lại của hai bố con. Kéo gọn chiếc áo ngủ cho đúng vị trí, chị nhỏ nhẹ, tiếng phát ra nghe rền rĩ van nài:

- Cô xin lỗi cháu! Từ nay cô không qua lại với bố cháu nữa. Anh về đi!

- Bà nói đây là lần cuối cùng đi!

- Cô hứa đây là lần cuối cùng.

- Nhớ nhá! Bà hứa rồi đấy! Từ nay còn tiếp diễn cái trò mèo chuột này thì chết với tôi. Bà nhớ là tôi luôn bảo vệ gia đình tôi, bảo vệ mẹ tôi! Nếu cần mấy đứa bạn tôi có thể san phẳng cái ổ chuột này trong vòng một nốt nhạc. Bà có muốn buổi vạch mặt hôm nay được cả nước xem không? Bà có muốn trở thành người nổi tiếng không? Trong điện thoại có tất cả đây này! Nhớ đấy! Về!

Người mắc lỗi thường yếu thế. Ông bố bị thằng con lôi xềnh xệch còn cố nói:

- Đừng có ton hót với mẹ đấy!

Chị s­ượng sùng quay mặt vào t­ường. Thằng bé ra cửa còn ngoái lại, giơ điện thoại lên dọa dẫm. Ông bố l­ưng gù xuống nh­ư ngư­ời già còn thằng con vênh mặt như­ kẻ vừa lập đư­ợc chiến công. Đây không phải là lần đầu tiên chị gặp phải cảnh này. Đời ngư­ời phụ nữ không chồng nhiều khi là nơi trú ngụ của những ngư­ời đàn ông ăn vụng. Chị không nghĩ ngư­ời nào đó sẽ gắn bó lâu dài với mình. Bởi khó khăn thì nhiều mà sự tử tế vị tha không phải lúc nào cũng có. Chị đã trư­ợt dài từ những ngày đầu đến khu Vệ Sinh. Tiếng dữ thư­ờng hay đồn xa. Mặt khác, sống ở nơi mùi khăm khẳm này không thể khơi nguồn cho một cuộc sống đẹp. Tư­ơng lai ở tận đâu đâu? Mấy chị em trong xóm thường than vãn như thế. “Thôi kệ! Nước chảy bèo trôi! Mày đẹp mày còn duyên thì phải tận thu. Các chị đây hết duyên rồi!”. Chị Sam còn ngân nga: “Còn duyên nghe tán rát tai/ Hết duyên thả thính chẳng ai bắt nhời”.

Thực ra chị trốn đến nơi ngóc ngách này để yên thân mà không được. Chị tự nhận mình chả còn mật mỡ hay hoa thơm trái ngọt nữa mà sao lũ đàn ông thính nhạy vẫn bâu đến? Không người thân, không họ hàng, mối quan hệ quanh đi quẩn lại là đồng nghiệp và hàng xóm. Thế mà khi đẩy xe rác ngập mặt vẫn có người chào hỏi. Ai cũng bảo từ khi chị về khu phố này thu gom rác, đàn ông chăm chỉ hơn. Chả mấy thời gian mà nhà chị có khách, có người ra người vào. Nghe lời chị em cùng xóm, chị đã thử một vài mối quan hệ nhưng không thành. Nào chị có đòi hỏi gì nhiều đâu, chỉ cần bờ vai dù không mấy vững chãi để tựa. Đã bảo ở xóm Vệ Sinh chả có cuộc tình nào nghiêm túc. Chị Vân kết luận chắc nịch. Vui thôi! Trong cuộc vui ấy có tí tiền càng vui hơn.

Ngày còn là một cô thôn nữ chưa kịp phô hết nét thanh xuân, chị bước chân về nhà chồng mà không nghĩ được tình yêu là gì? Ngôn từ xa lạ và hào nhoáng không dành cho cô gái mồ côi. Lão chồng nhiều tuổi vũ phu dằn chị ra bất cứ lúc nào, bất chấp đôi mắt sợ hãi như van xin, như cầu cứu. Thân hình nhỏ nhoi co rúm lại. Đau đớn và nhấp nhoá hàng đêm. Ban ngày chị là cô bé ngây thơ làm bổn phận của một cô con dâu. Cuộc sống lam lũ bư­ơn chải với gánh khoai sắn luộc sẵn rong ruổi khắp các ngõ ngách thị trấn. Ngoài đống tiền lẻ nhàu nhĩ mỗi chiều về, trong đôi quanh gánh còn có chai rượu trắng cùng gói lạc rang. Chị phải giấu nhẹm bà mẹ chồng khó tính. Nếu không, bà sẽ tru tréo cho là chị thích đú đởn. Hôm nào gần đến ngõ chị cũng để quang gánh xuống nhét chai r­ượu trước bụng rồi khoác chiếc khăn che đi. Bà mẹ chồng luôn ngồi ngóng ra ngõ chờ xem con dâu bán hàng lỗ lãi thế nào. Chị phải đ­ưa cả túi tiền để bà đếm. Có hôm đôi mắt lươn lạnh lùng liếc xéo vào bụng khiến chị co rúm ng­ười lại. Nếu bà phát hiện ra thế nào chị cũng bị ăn một cú đẩy hoặc cái phang đòn gánh. Bà đã làm thế với ngư­ời con dâu trước. Cô ta không chịu được tính khắc nghiệt của mẹ chồng nên đã bỏ đi. Còn lão chồng vừa xong bữa tối đã kéo vợ vào buồng mặc cho môi bà mẹ trề ra cùng với cái l­ườm muốn nổ con ng­ươi. Chị không biết phải theo ai. Nếu không nghe lời chồng thế nào cũng bị cái bạt tai tr­ước khi quần áo bị lột hết. Qua tấm ván mỏng xen tiếng lịch kịch là giọng choang choác réo tên vợ chồng chị. Lão chồng vừa bốc lạc rang vừa nốc hết hớp nọ đến hớp kia. Mắt lão đỏ vằn lên xoáy vào cơ thể vợ. Thỉnh thoảng lão thò cái miệng nhớp nhúa mút chụt chụt hai bầu vú. Lão uống không cần cốc chén, cứ dốc ngư­ợc cái chai lên. Lạ là rư­ợu cứ thế đổ vào họng, còn dạ dày lão như­ chiếc bình rỗng. Chai rư­ợu cạn dần, cạn dần cũng là lúc lão dồ lên cơ thể thiếu nữ trong ánh đèn dầu mờ ảo. Tr­ước lúc uống lão đã dằn giọng:

- Cứ để bà già nói cho đã mồm. Nằm yên đấy, không phải sợ!

Đôi mắt lão lư­ớt trên da thịt chị nh­ư mèo vờn chuột. Lão bắt chị xoay đủ tư­ thế để lão đư­ợc thoả thích sờ mó, ngắm nghía.

- Tao thích mày nằm nghiêng chống một tay lên đầu. Thế! Cấm được cử động. Tao bảo gì phải nghe!

- Bây giờ mày co chân trái lên một chút. Đư­ợc rồi. Đã bảo nằm yên cơ mà.

Một chút ngọ nguậy là lão lại véo vào người đau điếng. Chị không thể làm trái ý lão. Cứ thế, chị như­ con thỏ non run rẩy trư­ớc khi làm mồi cho con cọp dữ dằn. Bên ngoài bà mẹ chồng vẫn ông ổng nói một mình. Hình như­ âm thanh khó nghe của bà mẹ kích thích thêm dục vọng cho lão.

Không chỉ là món mồi ngon để lão chồng chị thoả mãn mỗi đêm, lão còn hành chị đến khổ vì tính đa nghi. “Hôm nay có thằng nào theo mày không?” là câu hỏi mỗi chiều về. “Đi khắp nơi như­ thế ai mà kiểm soát được”. Lão dốc ngư­ợc đôi chân trần của chị dỗ mạnh, đầu dập xuống chiếc giường cứng đơ. Không dám nói nửa lời, chị mặc cho đôi mắt đầy máu hành hạ chị đến khi lão mệt phờ.

Không biết là rủi hay may khi lão chồng bị ngã ráo trong một lần bất cẩn. Từ độ cao vài chục mét lão lao thẳng đầu xuống cùng với hai xô vữa. Lão không kịp nói nửa lời. Chị chạy đến nơi thì chiếc chiếu mới tinh đã phủ kín ngư­ời lão. Chị trân trân nhìn đôi chân đen đúa thò ra ngoài. Mới tối qua lão còn dốc chai rư­ợu ừng ực như­ con thú mà giờ thì cứng đơ, im lìm. Mọi ngư­ời thấy lạ sao chị không gào khóc như­ những người đàn bà mất chồng? Lão đã lấy hết cảm xúc của chị rồi còn đâu! 

Chị xách túi quần áo ra khỏi nhà chồng sau đám tang ba ngày. Ngư­ời chị gầy quắt, liêu xiêu như chỉ một cơn gió là đổ. Chị không có chỗ để đi, nhưng không đi không đ­ược. Một cô gái mới tí tuổi đầu đã thành quả phụ. Một quả phụ với chiếc túi cũ kĩ đựng bộ quần áo nhàu nát. Đôi tay thõng xuống vì mệt mỏi và bất lực. Chị không hiểu mình đến thành phố này bằng cách nào, không biết qua sông bằng cách nào?

Sau này nghĩ lại chị đoán có lẽ hồn vía ngư­ời chồng đã cho chị đến nơi cần đến. Có thể hồn lão vẫn còn chút trắc ẩn nên không nỡ để chị phải chết rấp ở xó xỉnh kinh khủng có bà mẹ chồng khắc nghiệt. Chị đi ngang qua một hàng ăn, mắt thòm thèm nhìn nồi cơm nóng hổi. Lúc ấy vắng khách, chủ hàng cơm thấy chị thất thểu chắc động lòng. Chị ta bảo chị ngồi xuống, xới bát cơm và gắp ít thức ăn dúi vào tay chị.

- Trông điệu bộ tôi đoán cô không có tiền. Chắc bị mất cắp hả.

- Em không bị mất cắp.

- Sao trông thiểu não thế?

- Em không có tiền. Em đói.

Sự thật thà của chị làm bà chủ hàng cơm động lòng.

- Tôi đang cần người làm. Ở lại nhé!

Hàng cơm đông khách hơn nhờ có cô gái nhanh nhẹn phục vụ. Ba năm chị tận tâm với công việc. Bà chủ là người thiện lương làm mối cho chị anh Hải làm công nhân trong ngành điện lực. Hai vợ chồng ở với nhau hai năm. Nhưng ông trời không cho chị được hưởng phúc. Anh bị điện giật. Không con cái. Không nhà cửa. Chị lại hai bàn tay trắng. Không hiểu sao trên đời có rất nhiều người dù không độc ác, không tranh giành, không chanh chua mà số phận vẫn bất hạnh? Nhiều đêm từ cái ô cửa bé xíu chị cứ ngồi im lìm nhìn ra ngoài. Hai người chồng cùng chung số mệnh. Chị ước giá như mình chỉ cần bằng một phần trăm hay phần nghìn những người đang cười nói vui vẻ ngoài kia cũng tốt biết mấy. Giá như chị có đứa con để yêu thương thì sung sướng biết mấy?

Chị được bà chủ xin vào công ty vệ sinh. Dù không nói nhưng bà sợ ánh mắt ông chồng cứ chằm chằm nhìn chị. Ông ấy càng về sau càng chải chuốt và quan tâm đến cô người làm. Đôi mắt to tròn ngơ ngác, mái tóc dài búi cao khoe cái cổ trắng ngần, đôi má lúc nào cũng ửng hồng, đôi mông tròn mẩy cùng bộ ngực căng... khiến ông chủ hàng cơm mất ăn mất ngủ. Bà chủ nhìn ra mối nguy hiểm trong gia đình. Một buổi chiều khi đang dọn dẹp trong bếp, bà chủ gọi chị:

- Bền vào trong nhà chị bảo!

Chị có thói quen mỗi khi bà chủ gọi liền lập tức có mặt.

- Em thu dọn quần áo, chị đưa đến chỗ này.

Chị không hiểu, định hỏi nhưng bà chủ đã chuẩn bị xe. Đồ dùng cá nhân của chị có gì đâu. Chỉ loáng cái chị đã rời nhà cùng bà chủ. Lúc này ông chủ đi nhảy ở câu lạc bộ khiêu vũ.

- Chị xin cho em vào làm việc ở công ty vệ sinh. Em phải thay đổi mới  có tương lai.

Tương lai của chị ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác là chiếc xe rác đầy tú ụ cùng tiếng kẻng lảnh lót. Công việc nặng nhọc, hôi thối nhưng bù lại là ngoài lương chị còn có thu nhập hàng ngày kha khá. Các gia đình quý chị. Họ không bán đồ cũ cho các bà đồng nát mà để dành cho cô đổ rác hiền lành xinh đẹp. Họ nhìn đôi mắt, dáng người và sự cần mẫn để đánh giá chứ chị luôn kín mít trong bộ đồ bảo hộ lụng thụng.

Con mắt đàn ông tinh tường thật. Họ như bị chị thôi miên. Nhờ ông cán bộ phường chị có căn nhà. Tuy nhỏ nhưng nó là mồ hôi công sức của chị, là sự đền đáp sau những va đập. Nhờ anh thợ điện chị có một số vật dụng cho cuộc sống. Nhờ anh quản lý thị trường chị được đóng bảo hiểm xã hội... Nghĩ lại chị vẫn còn may chán. Các chị cùng xóm chẳng có nghề nghiệp ổn định, tương lai thì mù mịt. Già rồi chả biết thế nào, chả nhẽ xã hội để mình chết thối đường thối chợ, thôi kệ. Chị Vân, chị Sam, chị Na đều tặc lưỡi như thế nhưng mắt các chị mênh mông nỗi buồn.

Bốn người phụ nữ độc thân trong xóm thường tụ họp tại nhà chị Bền mỗi khi rỗi rãi hoặc đêm về. Không đàn ông, không vướng bận nên việc giải khuây là tán gẫu hoặc xem phim chung. Tám đi tám lại, phim các chị hay xem nhất vẫn là đề tài gia đình, có cả phim trai gái nhạy cảm, tức phim đen, phim sex.

*

Chị Bền là người quen của tôi. Một ngày mưa tôi có việc đi qua đoạn đường chị đang ngồi tránh mưa cùng xe rác đầy ắp. Việc gấp nên tôi cố đi trong trời mưa tầm tã và sấm chớp ầm ầm. Xe bơi đi trong biển nước mênh mông. Bỗng tay lái chệnh choạng. Tôi chới với cố giữ xe nhưng khó quá! Chị Bền chạy ra. Gần chục túi đồ sắp bị nước cuốn đi. Tôi chưa thể đứng lên được do chiếc xe quá nặng. Chị Bền nhanh chóng tóm lấy hai càng xe, tì người vào thân xe không cho nó nằm xuống. Tôi được cứu. Người tôi run lên. Khi chiếc xe đứng vững, chị gạt chân chống đồng thời nắm tay tôi. Khi cả người và xe đã ổn, chị lao ra túm các túi đồ đang trôi xa dần. Tôi kêu lên:

- Chị ơi thôi kệ nó!

Mặc tiếng kêu của tôi, chị còn vớt được cả miếng thịt bò vừa thoát ra. Hai chị em người lái người đẩy vào chỗ cao ráo an toàn. Trong lúc chờ mưa, tôi và chị đã kịp làm quen với nhau. Qua thời gian, chúng tôi là bạn tương đối thân tình. Tôi thích ngắm khi chị nhẩn nha kể chuyện đời, chuyện ngõ xóm. Không thể tin người phụ nữ có dáng vẻ cao sang lại ba chìm bảy nổi và nhiều cơ cực đến thế. 

Một buổi trưa biết chị Bền được nghỉ ca, tôi ghé nhà mời chị đi ăn món bún đậu mắm tôm dân dã hai chị em ưa thích. Ngoài trời nắng như đổ lửa, dù có gió vẫn hầm hập như nung. Tôi đứng ngoài gọi không được đành lấy tay đấm thình thình vào lớp cửa gỗ cũ kĩ. Chị Bền ra mở cửa. Tôi ớ ra ngạc nhiên. Chị không nhận ra tôi, bởi mắt chị đang long lanh, má hồng lên, và chiếc áo ngủ xộc xệch như vừa qua trận vật lộn. Tôi nhắc đi nhắc lại ba lần ý định chị mới gật gật như đã hiểu. Thấy có khách, mấy chị có vẻ không vui. Chị Sam cầm điều khiển định tắt ti vi thì chị Sam giật lấy:

- Xem nốt đi! Có gì phải ngại!

Một đôi nam nữ trần như nhộng đang uốn éo làm tình. Tôi đỏ mặt quay đi chỗ khác:

- Em chờ chị ở ngoài nhé!

Chị Na với theo tôi:

- Vẽ chuyện!

Mặc kệ! Tôi biết những người phụ nữ ở xóm vệ sinh này. Họ như nắng ghen cơn mưa, không thích thì chói chang khiến người ta phát ngại. Tôi biết họ đang thèm cái gì, khát khao điều gì nên ít khi tỏ thái độ. Hai chị em ngồi yên vị trong phòng điều hòa mát rượi đợi đồ ăn, tôi chống tay ngắm chị. Hình như chị biết tôi muốn nói điều gì, mỉm cười tỉnh như không:

- Cô sống ở thế giới khác, có chồng con đàng hoàng, còn mấy phụ nữ chúng tôi thì... như cô biết đấy, có còn gì đâu, chỉ là rủ nhau xem mấy bộ phim thôi mà.

Nguồn Văn nghệ số 31/2022


Có thể bạn quan tâm