April 27, 2024, 11:50 am

Đại hội của niềm tin và khát vọng hùng cường

 

Sáng ngày 26/1, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức khai mạc. Đại hội diễn ra trong 8 ngày, từ 25/1 đến 2/2/2021, với chủ đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ 21 nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ bước vào phiên trù bị Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 25-1-2021 tại Hà Nội

Đại hội XIII của Đảng có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII gắn với đánh giá tổng quát tiến trình đổi mới; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Để hiện thực hóa chủ đề Đại hội, phương châm của Đại hội XIII đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định ngay trong báo cáo về văn kiện Đại hội XIII, đó là “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, đồng thời nhấn mạnh, Đại hội không chỉ xác định phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tiếp theo, mà còn định hướng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Khí chất Việt Nam- Tinh thần Việt Nam

Bước vào Đại hội XIII, Đảng ta xác định tiềm lực, vị thế cũng như những thách thức trong tương lai mà Việt Nam sẽ phải đối mặt phía trước là không hề nhỏ, đúng như nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phát biểu khai mạc đại hội: Đại hội Đảng lần thứ XIII diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đứng trước nhiều thời cơ, thách thức đan xen, nhiều vấn đề chiến lược mới đặt ra cần giải quyết. Từ tình hình quốc tế, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường đến các thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và cả những thành tựu ngoạn mục của những tiến bộ khoa học công nghệ đã tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống kinh tế-xã hội của đất nước ta cũng như toàn thế giới.

Nhấn mạnh, những thành quả nhiệm kỳ XII, Thủ tướng cho rằng, nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, góp phần tô đậm những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020. Đồng thời chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, những vấn đề cần khắc phục, vượt qua trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, hiện thực hoá khát vọng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

Theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế Việt Nam đã đạt hơn 340 tỷ USD - đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chặng đường 5 năm (2016-2020), Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, bỏ qua ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới (từ1929-1932), kinh tế nước ta vẫn duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều xuống dưới 3%. Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng về đạo đức được nâng cao, hàng loạt vụ án, đối tượng tham nhũng được chỉ đạo xử lý quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Chưa dừng lại ở việc đấu tranh làm trong sạch Đảng, Việt Nam còn thành công khi hai lần dập tắt đại dịch Covid-19, nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm 2 loại vacxin ngừa Covid-19 mang nhãn hiệu Madein VietNam... không chỉ từng bước tạo niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ mà còn từng bước ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống chính trị trong nước và sự vững tin của kiều bào ta ở nước ngoài. Đây được xem là nguồn lực nội tại đưa đất nước ta, dân tộc ta từ chỗ định hình đến định vị vững chắc trên bản đồ thế giới, đúng như nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Vững bước trên con đường đã chọn

Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta. Do đó những kỳ vọng về hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như đẩy mạnh chiến lược phát triển văn hóa con người Việt Nam tầm nhìn 2020-2030. Trong đó, đột phá chính là năng suất, chất lượng, hiệu quả cũng như nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh. Bên cạnh đó là đổi mới giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Đưa ra 5 bài học kinh nghiệm đã được rút ra từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng  từ đó, tiếp tục xây dựng chiến lược tổng thể và đề ra 6 trọng tâm phát triển đất nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, với việc phát huy ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc, sự thống nhất của “ý Đảng, lòng Dân,” chúng ta quyết tâm thực hiện thật tốt hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp mà các văn kiện trình Đại hội XIII đã đề ra để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Một tầm nhìn mới đã và đang được hình thành từ những bài học kinh nghiệm và cả những sai lầm đã được Đảng ta nghiêm túc nhìn nhận trong báo cáo kiểm điểm Đại hội trong suốt nhiệm kỳ XII và xa hơn là 35 năm đổi mới đất nước sẽ nhanh chóng được triển khai để đưa đất nước phát triển trong một tương lai mới, kỷ nguyên mới.

Văn nghệ

Nguồn Văn nghệ số 5/2021

 


Có thể bạn quan tâm