April 27, 2024, 5:04 am

Đà Nẵng đóng góp gì cho kinh nghiệm đẩy lùi “giặc COVID-19” ?

 

Đường phố đông đúc phương tiện,  giao thông nhộn nhịp, người dân tràn ra phố hay đến công viên đạp xe, tập thể dục mỗi sớm chiều.. Toàn bộ các chốt kiểm soát đã được gỡ bỏ từ ngày 30/9/2021. Giấy đi đường trong những ngày thắt chặt các biện pháp “ai ở đâu, ở yên đó” cũng đã tự hết hiệu lực vào ngày 2/10. Sân bay Đà Nẵng bắt đầu đón các chuyến bay thương mại trở lại. Bệnh viện dã chiến Đà Nẵng cũng ngưng hoạt động do số bệnh nhân còn quá ít (tính đến ngày 14/10, Đà Nẵng chỉ còn 19 bệnh nhân COVID-19, được điều trị tập trung tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng).

Tất cả như một thông điệp của tinh thần đã sẵn sàng để mở cửa, sống thich nghi và an toàn với Sars-cov-2. Đà Nẵng sẽ linh hoạt trước mọi tình huống, không ngăn sông cấm chợ, nhưng chủ động kiểm soát sự quay trở lại của COVID-19.

 

Đà Nẵng sẵn sàng thích ứng linh hoạt, chung sống và kểrm soát, sẵn sàng ứng phó dịch bệnh COVID-19.Ảnh Trần Ngọc

150 ngày vây bắt “giặc”

 

Ngày 3/5/2021, Đà Nẵng công bố ca nhiễm đầu tiên (BN 2982) của đợt dịch năm 2021. Tính đến ngày  14/10/2021, Đà Nẵng có tổng cộng 4.931 trường hợp dương tính với Sars-cov-2, trở thành bệnh nhân COVID-19. So với đợt dịch từ ngày 24/7 đến 30/08/2021, với 550 bệnh nhân, số lượng đã tăng xấp xỉ đến 9 lần. Toàn thành phố có hơn 30 chuỗi lây nhiễm. Số bệnh nhân tử vong cũng gấp gần 2 lần so với mùa dịch năm ngoái (69 ca, tính đến 11/10/2021 ; năm 2020 là 35 ca).

Vào những ngày cao điểm của dịch bệnh, tại Đà Nẵng, trường học phải đóng cửa và trở thành điểm lấy mẫu xét nghiệm, nhiều trường học còn được trưng dụng để làm khu cách ly (hơn 1 tháng thực hiện đợt giãn cách “ai ở đâu, ở yên tại đó”, đến ngày 18/9/2021, Đà Nẵng còn đến 23 cơ sở cách ly tập trung). Và trường học sau đó, cũng là điểm trưng dụng để tổ chức tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh người dân mang cả cửa gỗ, cửa sắt, tấm chắn đủ các loại và tận dụng mọi loại dây để dựng phòng tuyến “chống COVID-19”, có nơi còn huy động cả lốp xe ô-tô (đã qua sử dụng của một gara gần đó), dựng thêm ở chốt cứng. Lại có nơi, chính quyền đã nhờ chủ phương tiện đưa cả xe cần cẩu loại trung, đậu chắn ngang 1 ngã ba đường. Chỗ nào trống thì lại tìm ván ghép lại, che chắn. Hình ảnh gợi nhớ chiến lũy chặn bước tiến của giặc hồi chiến tranh.

Quyết định đầu tiên tạm dừng hoạt động tại các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (công văn số 2707/UBND-KGVX) tại địa bàn Đà Nẵng, có hiệu lực từ 12 giờ 00 phút ngày 7/5/2021. Với người dân Đà Nẵng, Sars-cov-2 đã quay trở lại thành phố quê hương, sau nhiều tháng yên ắng. Trạng thái bình thường mới kéo dài từ giữa tháng 9/2021 đến dịp lễ 30 tháng 4, 1 tháng 5 đã mang lại đà hồi sinh cho nhiều ngành dịch vụ và các cơ sở sản xuất, nhà máy xí nghiệp. Ngành Du lịch đón được nhiều đoàn khách và đã lên kế hoạch cho cả mùa du lịch biển 2021, nhiều sự kiện quốc  gia và quốc tế tái khởi động.

Ngày 9/6/2021, sau hơn một tháng áp dụng các biện pháp chống dịch (7/5/2021-8/6/2021), Đà Nẵng đã quay lại trạng thái bình thường mới. Tuy không được “mở cửa kinh doanh, cung ứng dịch vụ quá 21h mỗi ngày, chủ cơ sở và người phục vụ phải xét nghiệm COVID-19, phải thực hiện khai báo y tế hằng ngày và có cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch”, với các cơ sở kinh doanh đều này cũng đỡ hơn là phải đóng cửa im ỉm suốt hơn một tháng qua.

Tuy nhiên niềm vui người Đà Nẵng chỉ kéo dài trong 11 ngày, từ 12h trưa ngày 20/6, hàng quán dịch vụ tại Đà Nẵng lại cùng nhau dọn dẹp đóng cửa, dịch COVID-19  bùng phát trở lại với ca đầu tiên là một nhân bảo vệ ở Chi nhánh một Công ty Nhựa.

 

Tuyến phố sầm uất, mật độ giao thông cao của Đà Nẵng – đường Lê Duẩn, hướng lên Cầu Sông Hàn – không một bóng người trong những ngày giãn cách nghiêm ngặt, ai ở đâu-ở yên đó (kể từ 8giờ sáng ngày 16/8/2021). Ảnh: Trần Ngọc

Chống dịch không cực đoan

 

Lãnh đạo thành phố khẳng định,  do diễn biến quá xấu của tình hình dịch bệnh, ngày 14/8/2021, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phải đi đến ra quyết định (số 2788/QĐ-UBND), áp dụng biện pháp cứng rắn “Ai ở đâu, ở yên tại đó” kể từ 8giờ sáng ngày 16/8/2021.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng trong phát biểu tại kỳ họp HĐND thành phố (sáng 12/8/2021) cũng như trong các phiên họp sau đó, đều nhắc đi nhắc lại rằng “Đây là quyết định mà lãnh đạo thành phố không hề mong muốn. Bản thân tôi đã rất khó khăn khi phải chỉ đạo thực hiện biện pháp này”.

Còn theo Chủ tịch UBND thành  phố Lê Trung Chinh “Trước khi đưa ra quyết định này, quyết định áp dụng biện pháp mạnh hơn cả Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và các ngành liên quan đã họp, hội ý cân nhắc rất nhiều lần và rất cẩn thận. Lãnh đạo thành phố biết rất rõ khi áp dụng những biện pháp cứng rắn, tác động đối với người dân là rất lớn. Nhưng nếu không làm như thế, thì mục tiêu cao nhất là không để Đà Nẵng rơi vào tình trạng mất kiểm soát dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, sẽ khong thực hiện được”.

Vì sao Đà Nẵng quyết định “đóng băng” mọi hoạt động, có phải đây là quyết định “cực đoan” của cấp chính quyền khi mọi biện pháp đã áp dụng đã không thể khống chế dịch bệnh ?

Giải thích với các cơ quan báo chí tại buổi họp báo diễn ra chiều 22/8 (trước khi quyết định tăng thêm thời gian giãn cách nghiêm ngặt), bà Ngô Thị Kim Yến (lúc đó là Giám đốc Sở Y tế, nay là Phó Chủ tịch UBND thành phố) giải thích: Đà Nẵng có khoảng 2.500 giường để thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Các đơn vị hồi sức tích cực (ICU) có khoảng 300 giường được trang bị thiết bị lọc máu, ECMO, các hệ thống trợ thở và cả hệ thống khí nén oxy cho 300 giường. Trong tình huống Đà Nẵng có khoảng 6.000 bệnh nhân COVID-19, tỷ lệ trường hợp bệnh nặng chiếm 5% ca, hệ thống Y tế có thể đáp ứng điều trị cho tối đa 300 bệnh nhân (nặng). Còn khi vượt quá (tức trên 6.000 bệnh nhân), hệ thống y tế sẽ quá tải. Điều này sẽ dẫn đến mất khả năng kiểm soát tình hình dịch bệnh. Mọi biện pháp cần thiết tại thời điểm này là nhanh chóng phát hiện, khống chế, chặt đứt và bẻ gãy càng sớm, càng tốt các chuỗi lây nhiễm, giảm số ca dương tính. Muốn vậy phải hành động quyết liệt, mạnh mẽ”.

Sau thời điểm 23/8/2021, Chính quyền Đà Nẵng đã quyết định gia hạn thêm 3 ngày (quyết định số 2836/QĐ-UBND, đến 26/8), rồi 10 ngày (đến 5/9), sau đó kéo dài thêm qua các tuần 11/9, 18/9, 25/9, cho đến 30/9/2021. Nếu tính từ thời điểm bắt đầu kiểm soát việc ra đường (từ 13 ngày 22/7/2021),  cho đến thời điểm Chỉ thị 05 của UBND thành phố bắt đầu có hiệu lực (từ 18h ngày 31/7); Đà Nẵng đã có đến 60 ngày áp dụng các biện pháp rất nghiêm ngặt nhằm kiểm soát cho được tình hình dịch bệnh (31/7 đến 30/9/2021).

Ngày từ thời điểm bắt đầu từ 18h chiều tối 31/7, người dân Đà Nẵng đã được yêu cầu “không ra khỏi nhà, chỉ ra khỏi nhà trong những trường hợp thực sự cần thiết, thực sự cấp bách”, và có hẳn quy định là trường hợp nào. Người dân cũng không được ra khỏi thành phố trong thời gian thực hiện Chỉ thị 05, đồng thời cũng chỉ được phép di chuyển vào thành phố với lý do công vụ, phòng, chống dịch, vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Chốt kiểm soát bắt đầu được thiết lập khắp thành phố để kiểm soát công lệnh, giấy đi đường, thẻ đi chợ. Trừ 9 nhóm ngành dịch vụ và các hoạt động sản xuất thiết yếu, các dịch vụ đáp ứng nhu cầu hằng ngày cho dân sinh, mọi dịch vụ, hoạt động khác đều phải đóng cửa.

Cao điểm nhất của “trận đánh lớn” là từ 8h sáng ngày 16/8/2021, trừ những lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch và bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an sinh, không ai được phép ra khỏi nhà.

Các lực lượng tuần tra liên tục làm nhiệm vụ. Một người dân dù chỉ ngồi (một mình) trước cửa nhà mình nhưng quên mang khẩu trang, hay ra đến cổng ngõ để hỏi thăm nhà hàng xóm phía đối diện và cũng không mang khẩu trang, đều được xem là vi phạm. Lập tức được nhắc nhở. Một số trường hợp đã bị xử phạt. “Ai ở đâu ở yên đó” nghiêm ngặt đến mức “ở yên hẳn trong nhà, ở trong phạm vi những bức tường”…

Từ một thành phố trẻ sôi động, , có năm tháng, gần như mỗi ngày Đà Nẵng lại khởi công một công trình; thành phố này cũng từng đón đến gần 8,7 triệu lượt du khách (trong năm 2019) … Đà Nẵng cũng là đầu mối giao thương, được trao sứ mệnh là “Đô thị động lực” cho cả vùng. Nhưng rồi Đà Nẵng cũng phải chọn phương án chấp nhận hy sinh phát triển kinh tế, người dân chỉ biết phải ở yên trong nhà, phố xá trong nhiều ngày vắng lặng, im ắng như toàn bộ người dân đã phải sơ tán …

Một hình ảnh và một không gian chưa hề có kể từ sau tháng 3/1975 đến nay. Tất cả chỉ để đánh cho được giặc COVID-19. Và Đà Nẵng thực sự đã  hy sinh phát triển kinh tế để giành thế chủ động trong trận đánh lớn này.

Báo cáo tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 5 diễn ra ngày 12/10 cho biết, tính đến cuối tháng 9/2021, tăng trưởng của Đà Nẵng đã phải chịu mức âm 1,25%, lĩnh vực kinh tế âm sâu nhất là dịch vụ.

Du lịch - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố - sụt giảm nghiêm trọng nguồn khách, doanh nghiệp du lịch phải tạm dừng hoạt động. Sản xuất công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy.

Toàn thành phố có 542 doanh nghiệp phải giải thể, 2.297 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Sau 5 tháng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, Đà Nẵng phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp, việc làm không ổn định. Nhiều vấn đề an sinh xã hội cần phải tập trung giải quyết.

Ròng rã nhiều tháng liền, dù đã cố gắng để bảo đảm thực hiện 2 mục tiêu kép, tránh gây nên những xáo trộn lớn đến hoạt động cung ứng dịch vụ, sản xuất kinh doanh và sinh hoạt, đời sống của nhân dân. Đà Nẵng không tránh khỏi một chỉ số âm. Đây là lần thứ hai, Đà Nẵng phải chịu chỉ số tăng trưởng âm như năm 2020. Còn nhớ, 6 tháng nửa năm 2021, GRDP trên địa bàn thành phố ước đạt 52.857 tỷ đồng, tăng 4,99% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 1,05% so với 6 tháng đầu năm 2019. Tình hình kinh tế thành phố trong 6 tháng nửa năm 2021, từng được ghi nhận đang dần khôi phục.

Tĩnh tâm nhìn lại, Chính quyền Đà Nẵng đã không hề cực đoan khi đưa ra các biện pháp phòng chống dịch.

Ngày 11/5, hơn 1 tuần sau khi ca bệnh đầu tiên của mùa dịch 2021 được công bố, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố, ông Lê Trung Chinh, vẫn chia sẻ rằng “Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiện tại, phù hợp với tình hình thực tế và đang mang lại hiệu quả trong kiểm soát dịch bệnh. Lãnh đạo thành phố chưa có chủ trương – không như một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội – là Đà Nẵng sẽ phải sớm thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Đến ngày 9/6/2021, như đã nói, sau hơn một tháng áp dụng các biện pháp chống dịch (7/5/2021-8/6/2021), nhiều hoạt động ở Đà Nẵng đã mở cửa bình thường trở lại. Dù chỉ bình thường trở lại trong 11 ngày.

Tháng 7/2021, Chính quyền thành phố căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh còn cho phép người dân được tắm biển trở lại (kể từ 4giờ30 sáng ngày 10/7, trước đó, tại công văn số 3770/UBND-KGVX ngày 19/6, người dân không được phép tắm biển).

Tuy các dịch vụ như tắm (lại) nước ngọt và nhiều dịch vụ khác (cũng như hoạt động thể thao) tại bãi biển, các khu vực công viên, vỉa hè ven biển chưa được bình thường như trước; người dân phải đeo khẩu trang trước và sau khi tắm, chỉ được tắm  từ 4h30 đến 8h và từ 16h30 đến 19h, đồng thời, phải rời bãi biển ngay sau khi tắm … Nhưng với người dân Đà Nẵng “một chút nới lỏng” như thế cũng quý lắm rồi. “Thành phố có bờ biển đẹp, xanh sạch mà dân Đà Nẵng lại không được tắm biển thì bức bối lắm. Tắm biển có lợi cho sức khỏe. Dân mà khỏe thì cũng góp phần đẩy lùi COVID-19” – một người dân chia sẻ qua mạng xã hội.

Không cực đoan trong các biện pháp chống dịch, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Đà Nẵng cũng đồng tình với quyết định của UBND Quận Thanh Khê, chỉ phong tỏa hẹp khu “tam giác” với 3 tuyến đường Hoàng Hoa Thám – Lê Duẩn và Lý Thái Tổ (nơi có chuỗi lây nhiễm với ca đầu tiên công bố chiều 18/6. Tổng cộng chuỗi này có 98 bệnh nhân COVID-19). Các khu vực khác của thành phố vẫn hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Đà Nẵng đã thực hiện “thu hẹp vùng cách ly ở phạm vi nhỏ nhất, có thể, tránh xáo trộn đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất – kinh doanh”.

 

Trong bối cảnh dịch bệnh, Đà Nẵng vẫn tổ chức an toàn Ngày hội toàn dân - Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, thứ hai từ bên phải sang, đến thăm và tặng quà lực lượng làm nhiệm vụ tại điểm bầu cử ở Khu cách ly tập trung đông nhất thành phố. Ảnh: Trần Ngọc.

Những kỳ tích 

 

Bác sỹ Lê Thành Phúc – Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chia sẻ “Khác với mùa dịch 2020, năm 2021, thành phố Đà Nẵng “tự lực cánh sinh” từ tầm soát phát hiện ca nhiễm đến phương án phong tỏa, cách ly, thu dung điều trị kịp thời và đồng bộ các biện pháp dập dịch”.

Năm 2020, Đà Nẵng nhận được sự chi viện lớn của cả nước (từ Bộ Y tế, đến các đoàn y, bác sỹ nhiều bệnh viện lớn, tuyến đầu của Hà Nội, Huế, Sài Gòn). Năm 2021, Đà Nẵng “tự lực cánh sinh” trong bối cảnh biến chủng DELTA lây lan rất nhanh và bệnh đi vào sâu trong cộng đồng dân cư. Số bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân có sẵn nhiều bệnh nền khá nhiều. Điều này dẫn dắt đến tình huống số bệnh nhân chuyển nặng, rồi diễn biến xấu, tiên lượng tử vong cũng nhiều hơn cả về số lượng lẫn mức độ nguy kịch.

“Đặc biệt nhiều bệnh nhân có chuyển biến xấu rất nhanh, khó lường. Nhất là nhóm bệnh nhân cao tuổi lại có sẵn nhiều bệnh nền hoặc thể trạng béo phì.  ” – bác sỹ Phúc phân tích thêm.

Nếu nói kỳ tích lớn nhất, phải nói đến nỗ lực kìm hãm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 của Đà Nẵng. Nếu tỷ lệ tử vong trên cả nước là 2,5%, thì tại Đà Nẵng luôn giữ ở mức < 1%.

Để có được kết quả này, tập thể y, bác sỹ Điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Phổi Đà Nẵng – nơi thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 từ nặng đến rất nặng, đã không kể đêm ngày, thầm lặng, miệt mài, chấp nhận nhiều hy sinh. Miễn là giành giật được sự sống cho người bệnh.

Nhiều bệnh nhân nặng và rất nặng được điều trị tích cực, đã không chỉ vượt qua diễn biến xấu, vượt qua giai đoạn nguy kịch, sinh tử mong manh, thoát khỏi lưỡi hái của tử thần hồi sinh, nhận giấy ra viện như bao trường hợp đủ tiêu chuẩn khỏi bệnh khác. Trong đó, có 1 cụ bà đã 101 tuổi ; 1 bệnh nhân “lập kỷ lục” trong số ngày phải chạy VV-ECMO (34 ngày) và tổng thời gian điều trị dài nhất trong tất cả bệnh nhân của 2 mùa dịch (75 ngày),một trường hợp rất đặc biệt trong tất cả các bệnh nhân COVID-19 của thành phố Đà Nẵng”. Có cả bệnh nhân đã 82 tuổi, bị tăng huyết áp, tai biến mách máu não, liệt nửa người trái, đã nằm tại chỗ và phải thở qua khai khí quản gần 1 năm, khi đã là bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân này từng được tiên lượng tử vong, cũng hồi phục xuất viện. Có cả bệnh nhân COVID-19 bị khuyết tật về trí tuệ, thậm chí bệnh nhân béo phì phát triển trí tuệ, hay trước đó đã phải mở khí quản.

 

Lưu luyến tạm biệt nhau (bệnh nhân “lập kỷ lục” trong số ngày phải chạy VV-ECMO và tổng thời gian điều trị dài nhất trong tất cả bệnh nhân của 2 mùa dịch xuất viện). Ảnh Trần Ngọc.

“Kết quả trên cũng cho thấy khả năng đã làm chủ quy trình điều trị của Ngành Y tế Đà Nẵng đối với bệnh nhân COVID-19 nặng, có nguy cơ tử vong cao. Và không thể không nhắc đến sự phối kết hợp trong hội chẩn, đưa ra các chỉ định kịp thời của tập thể bác sỹ Bệnh viện Đà Nẵng – Bệnh viện Phổi Đà Nẵng” – bác sỹ Phúc nhấn mạnh.

Ngay trong đợt bùng phát dịch đầu tiên (tháng 5/2021), Đà Nẵng đã chủ động kế hoạch xét nghiệm bằng phương pháp Realtime-PCR đáp ứng đòi hỏi xét nghiệm diện rộng có chủ đích vào những đối tượng có nguy cơ, qua đó, phát hiện sớm trường hợp lây nhiễm, truy vết nhanh. Kết quả này cũng cho phép Ban chỉ đạo phòng chống dịch quyết định áp dụng biện pháp khoanh vùng, cách ly y tế phù hợp, có thể hạn chế tới mức thấp nhất, hẹp nhất, không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, cũng như mọi mặt hoạt động đời sống xã hội, phát triển kinh tế.

Trong đó, Đà Nẵng đã kế thừa kinh nghiệm ứng phó dịch năm 2020 để áp dụng cho các “trận đánh” của 2021: Thực hiện ngay phương pháp gộp mẫu 5, 10.

Tính từ ngày 8 đến ngày 23/8/2020, (chỉ trong 16 ngày), 97.103 người dân đã được lấy mẫu xét nghiệm.Một báo cáo liên quan đến “mô hình xét nghiệm mẫu gộp” của UBND thành phố Đà Nẵng (năm 2020), đã cho biết, trong đợt dịch thứ hai (tháng 7-8 năm 2020), phương pháp lấy mẫu gộp 5 đã khẳng định ý nghĩa tiết kiệm rất to lớn trong chi phí xét nghiệm (giảm xuống còn gần 12 tỷ đồng thay vì hơn 55,4 tỷ đồng nếu xét nghiệm mẫu đơn).

Dẫn chứng (số liệu do Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đà Nẵng công bố) còn cho thấy, trong đợt dịch khởi phát từ ngày 3/5/2021, tính đến ngày 13/5,  đã lấy được mẫu xét nghiệm cho 69.544 lượt người (áp dụng 10 mẫu đơn/1 ống chứa mẫu gộp). Qua xét nghiệm 7.386 mẫu gộp (sau đó xét nghiệm sàng lọc từ các mẫu gộp nghi ngờ), đã phát hiện được 8 ca dương tính. Ước tính, phương pháp này cũng đã tiết kiệm tối đa đến 20 lần chi phí xét nghiệm so với xét nghiệm từng mẫu đơn lẻ. Thay vì chi phí hơn 39,7 tỷ đồng nếu xét nghiệm mẫu đơn, chi phí mẫu gộp 20, chỉ còn hơn 2,7 đồng và khoi so sánh với mẫu gộp 5, mẫu gộp 20 còn giảm được một nửa chi phí về trang thiết bị và nhân lực.

Năm 2021, Đà Nẵng quyết định nâng mức gộp tối đa 20 mẫu. Từ số lượng mẫu dịch hầu họng được gộp tối đa là 10 mẫu/ống chứa mẫu gộp (được thực hiện ngay tại điểm lấy mẫu), CDC Đà Nẵng thực hiện bước 2, gộp hai ống chứa mẫu gộp que/thành 1 mẫu gộp dung dịch (thực hiện tại phòng xét nghiệm). Sau 2 lần gộp lượng mẫu tối đa đưa vào xét nghiệm là 20 mẫu/phản ứng.

Vừa đạt hiệu quả cao trong yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch,  khi tiến hành gộp để xét nghiệm 20 mẫu/phản ứng, Đà Nẵng đã giới thiệu một cách làm mang lại lợi ích cho ngân sách.

Theo Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thành công việc xét nghiệm mẫu gộp 5, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm rất đáng kể thời gian, phát hiện rất nhanh ca bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng. Ghi nhận đóng góp của Đà Nẵng “đã trở thành kinh nghiệm cho các địa phương khác”, ngày 16/5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có quyết định (số 715/QĐ-TTg) tặng Bằng khen (thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19) cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng.

Tận dụng tối ưu lợi thế này trong xét nghiệm, tính từ ngày 16/8/2021 đến 30/09/2021, ngành Y tế Đà Nẵng đã có 8 đợt xét nghiệm diện rộng bao phủ toàn dân, tầm soát liên tục và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Trong đó, từ ngày 16/8 đến ngày 06/09/2021. Trong 20 ngày đầu thực hiện chủ trương “Ai ở đâu, ở yên đó”; Đà Nẵng đã tầm soát, sàng lọc phát hiện 2.400 ca mắc (chiếm 56,2% số ca mắc tính từ đợt dịch thứ ba, ngày 10/7 đến ngày 6/9).

 

Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thành công việc xét nghiệm mẫu gộp, mở ra khả năng xét nghiệm diện rộng với số lượng mẫu xét nghiệm lớn. Ảnh: Trần Ngọc

Tưởng chừng Đà Nẵng đã có nguy cơ “vỡ trận”, nhiều người dân bắt đầu mất niềm tin khi càng giãn cách, càng cách ly nghiêm ngặt, số ca dương tính vẫn cứ tăng chóng mặt. Hơn 1 tháng giãn cách nghiêm ngặt, câu chuyện lo cái ăn cho hơn 1 triệu dân và điều trị người bệnh COVID-19 trở thành gánh nặng tưởng chừng không thể gánh vác nỗi. Ngay trong những ngày chống dịch căng thẳng, các cấp chính quyền còn đối mặt với nguy cơ cơn bão số 5 đổ bộ trực tiếp vào Đà Nẵng. Ước tính gần 6.000 nhân khẩu cần phải sơ tán đế tránh bão. Chưa có địa phương nào cùng lúc chịu áp lực vừa chống dịch, vừa chống giặc như thành phố biển này …       Giờ đây, khi Đà Nẵng dần trở lại trạng thái bình thường mới, không thể không nhắc đến những áp lực vô cùng nặng nề mà các cấp chính quyền, các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, các cơ quan có trách nhiệm đã phải gánh chịu. Đó là vừa bảo đảm an sinh cho một thành phố có hơn 1 triệu dân trong những ngày “nội bất xuất – ngoại bất nhập”, vừa phải trả lời câu hỏi mà nhiều người dân đặt ra vì sao càng giãn cách nghiêm ngặt, số lượng ca dương tính lại càng tăng ?. Nếu tính từ ngày 16/8/2021 đến ngày 23/8/2021, tròn 1 tuần áp dụng giãn cách nghiêm ngặt cao nhất, số ca dương tính phát hiện và công bố lần lượt là 79 – 98 – 126 – 136 – 169 – 167 – 197 và 183 ( so với 15 ngày trước đó, thấp nhất 61 ca và cao nhất 93 ca). Không phải không có ý kiến hoài nghi về biện pháp chống dịch mà Chính quyền thành phố đưa ra. Đỉnh điểm căng thẳng nhất là vào ngày 27/8/2021, 11 ngày kể từ khi áp dụng biện pháp giãn cách xã hội ở mức cao nhất, thắt chặt nhất, Đà Nẵng ghi nhận đến 202 trường hợp nhiễm Sars-cov-2 (đây cũng là đỉnh dịch của Đà Nẵng trong mùa dịch 2021).

 “Quyết định áp dụng các biện pháp giãn cách quyết liệt và rất nghiêm ngặt đúng thời điểm, bên cạnh đó là cách thức xét nghiệm, Đà Nẵng đã cơ bản bóc tách, kiềm chế được sự gia tăng của các F0, bẻ gãy chuỗi lây nhiễm không còn lan sâu vào cộng đồng. Thành công của một chiến dịch kéo dài để kiếm soát tốt dịch bệnh còn nhờ vào sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân. Khi ý thức chấp hành của người dân đã trở thành thói quen, đáp ứng được những yêu cầu cấp bách và cũng rất khắt khe trong phòng, chống dịch, Đà Nẵng đã kiểm soát tốt được tình hình.

Từ đầu tháng 10 đến nay, Đà Nẵng có nhiều ngày ghi nhận không còn ca dương tính ngoài cộng đồng, thậm chí, có ngày không ghi nhận trường hợp dương tính nào” – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhìn nhận.

Tròn 1 tháng kể từ ngày dụng biện pháp cứng rắn nhất để phòng chống dịch, ngày 16/9, Đà Nẵng ghi nhận ngày đầu tiên không có ca dương tính ngoài cộng đồng và ngày 18/9 là ngày đầu tiên Đà Nẵng không ghi nhận ca dương tính nào. Tính từ ngày 16/9 đến 13/10, rải rác, Đà Nẵng có 6 ca ngoài cộng đồng (trong các ngày 17/9 , 20/9, 21/9, 26/9 và 1/10); từ 2/10 đến 13/10, Đà Nẵng không còn ghi nhận ca dương tính nào ngoài cộng đồng. Niềm vui người Đà Nẵng vỡ òa khi chiều ngày 14/10, toàn bộ 56/56 xã, phường của Đà Nẵng đều là vùng xanh  (trích Nhật ký phóng viên Văn nghệ online).

 

Chiến dịch bao phủ vaccine cho cộng đồng Đà Nẵng, một chiến dịch tiêm chủng chưa từng có. Ảnh: Trần Ngọc.

“Thắng giặc COVID sẽ xây dựng hơn 10 ngày nay” – đó là tinh thần của một Đà Nẵng ngày mới. Một Đà Nẵng “đầu sóng – đầu ngọn gió” trong biết bao biến cố lịch sử của dân tộc, nhất định sẽ bắt tay tái thiết lại quê hương sau những ngày bị “giặc COVID-19” tàn phá, xứng đáng với truyền thống tiên phong trong những năm đánh giặc ngoại xâm, vững bước trên hành trình đổi mới và hội nhập.

Mới đây, ngày 11/10/2021 tại Milan (Ý), trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển đường bay thế giới (World Routes) với hơn 1.000 đại biểu hàng không - du lịch, các cơ quan truyền thông toàn cầu tham dự, Đà Nẵng - Việt Nam đã được công bố là thành phố đăng cai chính thức sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022 (Routes Asia 2022).Có lẽ Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước, đón nhận niềm vui về một sự kiện lớn như thế này, ở thời điểm vừa mới đẩy lùi giặc dịch bệnh.

Cơn bão dịch vừa mới quét ngang qua thành phố này, nhưng bạn bè muôn nơi có niềm tin dành cho Đà Nẵng “một điểm đến hấp dẫn và thực sự an toàn của Việt Nam”. Đô thị trẻ bên bờ biển Đông ở miền Trung Việt Nam nhất định sẽ sớm chứng minh tính thích nghi cao trong bối cảnh chung sống và kiểm soát hữu hiệu COVID-19./.

 

Có thể bạn quan tâm