April 27, 2024, 8:18 am

Cựu binh Micheal Phillips: Vẫn không nguôi niềm hy vọng sẽ trở lại Việt Nam

Năm 2019, qua lời giới thiệu của Tiến sĩ Edward Tick, giáo sư đại học và tác giả của nhiều sách, báo về việc hàn gắn vết thương chiến tranh và trị liệu rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD), là người đồng sáng lập tổ chức SHI (Soldier’s Heart - Trái Tim Người Lính); chúng tôi đến Porland, Oregan gặp ông Micheal Phillips (Magroo) - một cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam với tên gọi thân mật là Magroo. Magoo đã nhiều lần trở lại Việt Nam, để tự chữa lành căn bệnh PTSD. Để có cuộc gặp này, Magroo lái xe 6 tiếng đến Portland, từ đêm trước. Sau khi đưa chúng tôi đi thăm một vài di tích lịch lịch sử ở Porland, chúng tôi có cuộc trò chuyện thân mật với ông tại khách sạn Ramanda. Ông đã trải lòng trong một buổi sáng cuối mùa hè năm 2019...

Cựu binh Micheal Phillips (Magoo) thăm một trường mầm non ở miền Nam Việt Nam năm 2009. Sau đó, ông nhiều lần trở lại Việt Nam, gần nhất là năm 2015

* Trầm Hương: Ông đến Việt Nam nhiều lần, trong chiến tranh và hoà bình. Chắc hẳn ông có nhiều kỷ niệm ở Việt Nam?

- Magoo: Tôi có rất nhiều, rất nhiều kỷ niệm vì tôi có cơ hội trở về Việt Nam vài lần. Tôi đã bỏ lại nơi đó hầu hết những kỷ niệm xấu mình từng trải qua khi phục dịch trong thời chiến. Okay. Tôi không đeo mang những điều đó nữa. Dĩ nhiên, có những kỷ niệm mà tôi sẽ mang theo suốt cuộc đời. Một số kỷ niệm rất đẹp. Một số khác lại rất khó khăn. Một phần trong sự chữa lành của tôi, không chỉ là trở về Việt Nam mà còn liên hệ với Soldier’s Heart (Trái Tim Người Lính), tôi có cơ hội để diễn tả những kỷ niệm xấu đó và giải quyết nó cùng một nhóm người ở một nơi mà người Mỹ Bản Địa gọi là “đất thiêng”. Ở nơi đó, các cựu binh cùng gia đình và các chuyên gia chữa lành có cơ hội gặp nhau, và cởi bỏ rất nhiều cảm giác tiêu cực. Và tôi đã từng tham gia hàng chục trải nghiệm như thế trong vòng mười năm, nên tôi có thể gạt đi bao nhiêu ký ức tồi tệ…
* Khi trở lại Mỹ sau cuộc chiến tranh Việt Nam, ông có những khó khăn gì để hoà nhập với cuộc sống bình thường?

- Có, rất nhiều. Như tôi đã nói, tôi nghiện thuốc trên ba mươi năm. Tôi nghiện rượu trên bốn mươi năm. Tôi bắt đầu như thế từ khi trở về từ Việt Nam, nhiều người lính đã làm vậy. Nhiều người Mỹ từng phục vụ ở Việt Nam chọn cách thoả mãn bản thân bằng ma tuý đã trở nên nghiện ngập khi về nước. Vậy là, trong gần bốn thập kỷ, tôi không nghĩ về gia đình. Tôi không nghĩ về những trải nghiệm ở Việt Nam. Tôi không nghĩ về việc tìm lại các cựu binh Việt Nam khác, kể chuyện cho nhau, và giúp nhau hàn gắn. Tôi chỉ chuyên tâm chơi thuốc và uống rượu. Cho tới hôm nay, tôi rất hối tiếc, nhưng tôi thấy mình may mắn vì vẫn còn sống. Từ khi tôi trở về, tôi đã sống không nhà đến bốn lần. Lần cuối cùng là 26 năm…

* Khi nãy ông nói là có nhiều cựu chiến binh ở Mỹ không có nhà. Ở Việt Nam cũng vậy. Nhưng ông đã nỗ lực như thế nào để có cuộc sống thế này ngày hôm nay? Trông thần thái ông rất tốt.

- Rất nhiều, rất nhiều. Tôi lớn lên trong một gia đình quân đội, sau đó lại phục vụ trong quân ngũ,  rồi lại du lịch không chỉ để trở về Việt Nam mà còn tới rất nhiều nơi khác trên thế giới, tôi nhận ra rằng một phần lớn người Mỹ đang bị chiều hư. Và họ cũng rất ngây thơ. Họ chưa từng có chiến tranh ngay trên thềm cửa của họ. Chỉ có khoảng hai hay ba phần trăm dân số phục vụ trong quân đội. Thế nên, gia đình quân đội, tôi vẫn thích gọi như thế, là một nhóm rất gắn kết với nhau. Và họ, theo một cách nào đó, khá tách biệt với công chúng. Chúng tôi có rất nhiều người không nhà ở Mỹ, và chúng tôi có quá nhiều cựu binh không nhà. Không nhà vì hai lý do: thứ nhất, cũng như tôi, họ bị nghiện thuốc và rượu, và vẫn còn như thế. Thứ hai, họ không nhận được hỗ trợ tài chính để có nhà, hoặc họ không biết đến những cơ hội có thể giúp họ hồi phục mà Veterans Administration (Cơ quan Quản trị Cựu binh) cung cấp. Thực ra, khi tôi trở về từ Việt Nam, mãi đến khi tôi có bệnh tim năm 1999 thì tôi mới biết mình đủ chuẩn để được chính phủ Mỹ giúp đỡ. Thế nên, từ 1971 đến 1999, tôi không hề biết mình có đãi ngộ cựu binh. Tôi đã được giải thích về những điều đó khi tôi giải ngũ, nhưng tôi không lắng nghe. Lúc đó, những gì tôi quan tâm tới là được rời đi và về nhà…
Các cựu binh trong đất nước này có những vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Chúng tôi có khoảng 22 cựu binh hoặc người đang trong quân ngũ tự tử mỗi ngày. Điều này hoàn toàn không chấp nhận được, và tôi cảm thấy rất may mắn, kể từ khi bắt đầu quá trình hồi phục, tôi có cơ hội được trở lại Việt Nam, được làm quen với tổ chức Soldier's Heart, được tham gia nhiều chương trình hồi phục trên đất nước Việt Nam, đi đến nhiều nơi khác nhau trên thế giới để thấu hiểu nền văn hoá và trải nghiệm quân sự của các dân tộc…
* Ông có bị thương lần nào ở Việt Nam không? 
- Không. Tất cả các vết thương của tôi đều ở trên này (chỉ vào đầu). Một lần nữa, tôi thấy thật buồn khi ta gọi hiện tượng này là PTSD - chứng rối loạn stress sau sang chấn. Đó không phải là một chứng bệnh. Đó là một thuơng tích, một thuơng tích trong tâm hồn. Và một trong các khó khăn mà Cơ quan Quản trị Cựu binh gặp phải khi giúp đỡ các cựu chiến binh chiến đấu tại những địa điểm khác trên thế giới, là Cơ Quan không được thiết kế hay trang bị đầy đủ để giúp đỡ cựu binh chữa lành về mặt tinh thần. Và một trong những điều mà tôi luôn luôn ngưỡng mộ về Việt Nam là văn hoá Á Đông và văn hoá Việt Nam. Đa số những cựu chiến binh người Việt mà tôi gặp không có những vấn đề tâm thần, vì cộng đồng chung quanh họ không chỉ từng là một phần của cuộc chiến, mà cộng đồng đó vẫn hiện diện để giúp đỡ họ phục hồi. Không như ở Hoa Kỳ, quá trình hồi phục có phần đơn độc hơn.
* Ông nghĩ gì khi rất nhiều người Mỹ, quân nhân Mỹ chết và bị thương?
- Tôi có nỗi đau là đã mất đi một vài người bạn rất, rất thân thiết ở Việt Nam. Đó cũng là một trong những vết thương sâu mà qua thời gian, qua tất cả những trải nghiệm mà tôi đã chia sẻ, tôi đã có cơ hội giải bày. Đặc biệt là đối với đại chúng, thấu hiểu được nỗi mất mát về nhân mạng luôn rất khó. Nếu bạn thuộc về một gia đình có truyền thống quân sự, cho dù có muốn hay không, bạn cũng hiểu được một phần trách nhiệm của mình. Tôi không còn nói "Cảm ơn vì sự phục vụ" (Thank you for your service), bởi vì tôi đã học được trong lúc trò chuyện với rất nhiều cựu binh đã mất một người bạn hay người thân, rằng không phải lúc nào họ cũng hài lòng với những việc đã làm lúc phục vụ trong quân ngũ.
Tuy nhiên, tôi phải công nhận, hầu như không có ngoại lệ, là tôi chưa từng gặp một cựu chiến binh nào mà không tự hào rằng họ đã phục vụ tổ quốc. Cho nên, thay vì nói, "Cám ơn vì sự phục vụ," tôi nói, "Cảm ơn vì đã phục vụ". Và, lần nữa, tôi nghĩ ý tưởng của Soldier's Heart về một lộ trình hồi phục toàn diện, giúp đỡ cựu binh gột rửa tâm hồn và tinh thần, là còn rất cần thiết tại Hoa Kỳ khi nói đến việc giúp thấu hiểu sự mất mát trong xung đột. Người Mỹ sẽ nói "Chúng ta chiến đấu vì cái gì? Tại sao chúng ta phải mất đi một mạng người ở đây?”. Và đó là những câu hỏi rất chính đáng. Nhưng những cựu binh thì không nghĩ vậy. Họ nghĩ rằng: "Tôi ở đây để làm nhiệm vụ mà chính phủ của tôi gửi tôi đến làm". Nhưng gia đình của họ rất khó để vượt qua một ngày mà không biết người bạn đời của mình có ổn không. Nói chuyện với con cái cũng rất khó, và những đứa trẻ cũng khó giao tiếp với nhau, trừ khi cũng đứa con cũng học ở một ngôi trường bên trong căn cứ quân sự thì những đứa trẻ khác chung quanh nó sẽ không thể hiểu được những gì mà đứa con của một quân nhân phải trải qua. 
* Sau chiến tranh, trở lại Việt Nam, ông đã được đón nhận như thế nào?
- Việt Nam đã đón nhận tôi rất đầm ấm. Ồ, tôi đã làm quen rất rất nhiều bạn bè. Đó là một trong những lý do tôi về thăm Việt Nam nhiều lần. Vì người Việt đối xử với tôi bằng sự thân thiện và ấm áp mà tôi cứ muốn về thăm Việt Nam, để có lại được cảm giác đó, và để được gần gũi những con người tại đây. Tôi có một vài cháu trai và cháu gái. Khi tôi hiều một chút về văn hoá châu Á, tôi bỗng trở thành chú, bác của rất nhiều người…
* Ông thấy Việt Nam có thay đổi nhiều khi ông trở lại không?
- Có. Một trong những điều làm tôi sửng sốt khi về lại Việt Nam là hầu như không có vết tích nào của một cuộc chiến tranh đã từng xảy ra tại đó cả. Trong khi Việt Nam có quân đội, ta rất ít khi thấy sự hiện diện của các hoạt động quân sự. Thứ nổi bật nhất mà tôi thấy, mà tôi biết là được xây bởi người Mỹ khi họ ở Việt Nam, là các phần của những công trình như sân bay Tân Sơn Nhất tại thành phố Hồ Chí Minh mà Vietnam Airlines hiện đang sử dụng... Khi chúng tôi thăm Đắk Tô, vết tích duy nhất còn thấy được của cuộc chiến và sự hiện diện của người Mỹ trong quá khứ là một phần đường băng còn lại. Ở Phúc Vinh, Quảng Ngãi cũng tương tự như vậy. Có thể thấy những vết tích nhỏ về sự hiện diện của người Mỹ, nhưng hầu như không có vết tích nào của một cuộc chiến tranh từng xảy ra. Và Việt Nam là một đất nước tuyệt đẹp. Tôi có nghe rất nhiều cựu binh nói rằng: "Anh biết không, khi tôi chiến đấu ở Việt Nam, tôi thấy một đất nước tươi đẹp như vậy, nhưng lại chưa từng có cơ hội chiêm ngưỡng vì tôi quá bận làm nhiệm vụ của mình."
* Ông có điều gì muốn nói với các cựu chiến binh Việt Nam?
- Tôi có dịp gặp gỡ nhiều người, cả Việt Cộng lẫn quân đội chính quy Bắc Việt. Cho nên, một cơ hội về Việt Nam thăm tất cả những người mà tôi đã rất may mắn được gặp là có ý nghĩa rất đặc biệt đối với tôi, bởi vì, như tôi đã nói ở  trên, gia đình các quân nhân là một gia đình khá nhỏ, và chúng tôi trân trọng và tôn vinh tất cả những người đã từng phục vụ tổ quốc của họ. Kể từ khi tôi trở về từ chuyến thăm lại Việt Nam, tôi cảm thấy khác biệt, rất khác biệt. Bởi nhiều lý do, mà tôi nghĩ lý do lớn nhất là mình thu được rất nhiều thông tin tích cực, rất nhiều điều hay và câu chuyện đẹp để chia sẻ với các cựu binh khác, những điều mà tôi không có được trước khi đi thăm lại Việt Nam. Điều đó không những giúp tôi hiểu hơn về cuộc chiến, mà còn giúp tôi học hỏi rất nhiều về con người Việt Nam. Bằng cách đó, tôi có cơ hội chia sẻ những câu chuyện và thông tin cho những người bạn cựu binh của tôi và giúp họ phục hồi.
* Cảm ơn ông đã mở lòng cho chúng tôi hiểu được những nỗ lực để một cựu binh vượt qua những thời khắc khó khăn về cuộc đời của mình.

Buổi chiều hôm ấy, trước khi về Việt Nam, tôi tổ chức buổi tiệc nhỏ tại ngôi nhà trọ ở Portland, tự tay làm món chả giò đãi Magoo. Thiếu nguyên liệu, bánh không được giòn nhưng ông cứ tấm tắt khen ngon. Ông sắp đặt nhiều kế hoạch về Việt Nam năm 2020. Tôi cũng hẹn gặp lại ông ở Portland vào mùa hè năm sau, sẽ cho ông xem bộ phim tài liệu về những cựu binh Mỹ mà tôi được gặp. Nhưng dịch Covid-19 làm đổ vỡ mọi thứ. Tôi gửi email hỏi tình hình sức khoẻ của ông. Thật vui khi ông sốt sắng trả lời. Ông vẫn không nguôi niềm hy vọng sẽ trở lại Việt Nam vào năm 2021, để thăm lại những con người đã giúp ông chữa lành vết thương sâu trong tâm hồn.

Trầm Hương thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021

    


Có thể bạn quan tâm