April 27, 2024, 8:58 am

Cùng vươn về ánh sáng

Đôi uyên ương ấy là giảng viên đại học, Hoàng Thị Bình và Nguyễn Văn Ngọc. Bình-Ngọc còn hợp duyên nhiều cùng: sinh tháng 3 năm 1984, bảo vệ luận án tiến sĩ (TS) tại Nhật Bản năm 2016, giảng dạy Trường Đại học (ĐH) Đà Lạt từ 2006 đến nay...Họ cùng đam mê nghiên cứu và đạt nhiều công trình lĩnh vực Sinh học; cùng tỏa ấm ngọn lửa nhân ái để trao truyền cho sinh viên (SV).

Niềm khát khao của tuổi trẻ

Hoàng Thị Bình quê ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An còn Nguyễn Văn Ngọc quê ở xã Nga Hải, huyện Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Học lớp Sinh học khóa 26, Trường ĐH Đà Lạt, Ngọc lớp trưởng, Bình lớp phó. Năm 2006, bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp, cả hai đều được giữ lại Trường. Riêng Bình tốt nghiệp loại Giỏi, tuyển thẳng học thạc sĩ. Hồi đó, qua bạn người là Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh Lương Văn Dũng, thầy giáo của Bình và Ngọc, tôi tìm hiểu khá kỹ về đề tài của Bình, đó là lĩnh vực màu nhuộm tự nhiên của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng. Mê hoặc với văn hóa thổ cẩm, kết tinh từ tri thức dân gian đặc sắc nên giữa tôi và Bình có nhiều cuộc đàm đạo. Kết quả nghiên cứu của cô sau đó được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đặt hàng để triển khai thành đề tài cấp tỉnh và bảo vệ loại Tốt vào năm 2012. Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phối hợp với ThS Hoàng Thị Bình nhân rộng đề tài bằng dự án ứng dụng vào đời sống thông qua các làng nghề truyền thống trong tỉnh; đồng thời xuất bản cuốn sách với 36 loài thực vật cho các màu nhuộm tự nhiên ở Lâm Đồng cung cấp các địa phương. Từ đó, Hoàng Thị Bình vừa giảng dạy trên giảng đường đại học vừa nghiên cứu các đề tài khoa học cấp Bộ và cấp trường.

Còn Nguyễn Văn Ngọc khi là SV được biết nhiều hơn ở uy tín và năng nổ của một cán bộ Đoàn. Năm thứ 3, Ngọc đã làm Bí thư Đoàn Thanh niên khoa, vị trí mà hầu như do giảng viên đảm nhận. Năm 2005, Ngọc tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh” của Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức tại vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai. Nguyễn Văn Ngọc là 1 trong 5 SV được kết nạp Đảng ngay hiện trường trước chứng kiến của lãnh đạo Tỉnh ủy, Tỉnh Đoàn và Trường ĐH Đà Lạt. (Trường hợp Hoàng Ngọc Bình cũng đặc biệt, cô được kết nạp Đảng tại tỉnh Fukuoka, Nhật Bản khi còn làm nghiên cứu sinh). Năm 2008, Nguyễn Văn Ngọc được bầu làm Chủ tịch Hội SV Trường ĐH Đà Lạt; cuối năm, anh kiêm Giám đốc Trung tâm hỗ trợ SV để giúp những cơ hội cho SV dân tộc thiểu số nâng cao năng lực các kỹ năng mềm thông qua vay vốn Ngân hàng thế giới. Năm 2009, Ngọc kiêm luôn Bí thư Đoàn trường, ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn Lâm Đồng; năm 2013, kiêm nhiệm Phó trưởng phòng Công tác Chính trị SV của Trường…Hoạt động xã hội thành công nhưng không vì thế mà lơ là chuyên môn. Nguyễn Văn Ngọc bảo vệ luận án thạc sĩ lĩnh vực cây thực phẩm ở Lâm Đồng năm 2010 và đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao trình độ tại nước ngoài. Khi tự trang bị đủ vốn tiếng Anh, Ngọc tìm cơ hội nghiên cứu sinh. Năm 2014, anh đủ điều kiện nhận học bổng của Chính phủ Việt Nam tại Trường ĐH Kyushu Nhật Bản và một mình khăn gói lần đầu tiên xuất ngoại để thi đầu vào. Dù phải tự bỏ tiền, bỏ công việc ổn định và cả vợ trẻ ở nhà. Trước hội đồng khoa học người Nhật và Hoa Kỳ, Nguyễn Văn Ngọc bảo vệ đề cương đầu vào thành công.

Duyên tình với họ Dẻ

Họ Dẻ còn gọi là Sồi (Quercus), cây gỗ lớn, loài thực vật chiếm ưu thế trong rừng nhiệt đới từ thành phần loài, không gian, số lượng cá thể đến vai trò hiệu suất sinh thái rất cao, tầm ảnh hưởng lớn trong môi trường sinh thái…Gỗ Dẻ còn có tính ứng dụng rất cao trong cuộc sống. Trong khoảng 1.000 loài Dẻ, nhiều loài thuộc danh lục Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Những đặc điểm trên trở thành mối quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học. Tôi cũng vinh dự được tham dự khá nhiều hội thảo khoa học quốc tế và khu vực cùng TS Nguyễn Văn Ngọc và TS Hoàng Thị Bình. 

Hoàng Thị Bình dí dỏm chia sẻ với tôi: “Quan điểm của em là chồng đi trước vợ đi sau, chứ vợ đi trước, chồng đi sau sẽ là nguy hiểm” (cười). Và chỉ sau 6 cô cũng xin được học bổng sang Nhật Bản làm nghiên cứu sinh (NCS) để…“giữ chồng”. Vợ chồng thắm duyên lại càng duyên. Cùng ở bên nhau làm NCS tại Trường ĐH Kyushu - một trong 7 trường ĐH hoàng gia của Nhật Bản; cùng đề tài đánh giá đa dạng sinh học khu vực Đông Nam Á do giáo sư (GS) danh tiếng hướng dẫn là Tetsukazu Yahara. Đôi uyên ương Ngọc - Bình vừa khảo sát thực địa Đông Nam Á, vừa làm thực nghiệm tại phòng nghiên cứu ở Nhật Bản. Theo yêu cầu, mỗi NCS phải có 3 năm học tại trường, hội đủ các điều kiện 2 bài báo khoa học đăng tạp chí chuyên ngành quốc tế và các chứng chỉ. Nguyễn Văn Ngọc sẽ kết thúc vào tháng 4/2018, còn vợ phải sau 6 tháng. Không muốn ở lại một mình và lại để…“giữ chồng”, Hoàng Thị Bình tiếp tục đưa mục tiêu cán đích sớm hơn. Cô đặt vấn đề với GS hướng dẫn. Câu trả lời từ GS là, chưa có tiền lệ này, kể cả học viên Nhật, phải 3 năm, thậm chí hơn 4 năm. Nếu muốn bảo vệ trước thời hạn quy định, cô phải vượt chỉ tiêu về bài báo quy định, nghĩa là công bố được từ 3-4 bài. Bình nổ lực vượt bậc và hoàn thành, đủ cơ sở để GS Tetsukazu Yahara bảo vệ trước hội đồng khoa học. Với đề tài nghiên cứu bằng phương pháp hình thái kết hợp phân tử hiện đại về chi Sồi ở Việt Nam, Hoàng Thị Bình bảo vệ thành công cùng thời điểm với chồng. Thành tích nghiên cứu xuất sắc đó đã đưa đến cô phần thưởng lớn bằng tiền từ nhà trường…

Thành tích của hai vợ chồng còn giúp bước tiếp con đường khoa học. Bình và Ngọc được GS Tetsukazu Yahara chọn là làm cộng sự đắc lực. Nhờ vậy mà hai nhà khoa học trẻ Việt Nam này đã tham gia nhiều năm nay trong các nhóm nghiên cứu với các nhà khoa học khác Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc…Cặp đôi TS Ngọc - Bình còn viết dự án “Đánh giá đa dạng sinh học và xây dựng hệ thống bảo tồn ở khu vực miền núi phía Nam của Việt Nam”, nơi đa dạng thực vật cao nhất châu Á, trong đó đặc biệt là Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà. Dự án tiếp tục có GS Tetsukazu Yahara đồng hành, tìm tài trợ từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Mong muốn của vợ chồng Ngọc-Bình là qua Dự án, sẽ mang lại hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cho Trường ĐH Đà Lạt. Hai vợ chồng cũng được phê duyệt 2 dự án cấp nhà nước từ Quỹ Khoa học Công nghệ quốc gia (NAFOSTED), nghiên cứu cây Sồi ở Việt Nam, thực hiện từ 2019-2022, mỗi dự án trên 1,1 tỷ đồng. TS Nguyễn Văn Ngọc và TS Hoàng Thị Bình đã công bố nhiều loài Dẻ-Sồi mới ở Việt Nam cho thế giới. Trong đó có Dẻ Đạ Huoai (Lithocarpusdahuoaiensis) được Ngọc phát hiện sau đúng 10 năm tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh” quay lại. Đó còn là Dẻ mới ở Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh; Dẻ ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng...

Trao lửa tri thức, truyền lòng nhân ái  

Tôi được kể nhiều câu chuyện cảm động về việc vợ chồng TS Bình-TS Ngọc hỗ trợ học tập và nghiên cứu cho SV Trường ĐH Đà Lạt và học sinh THPT tỉnh Lâm Đồng. Ví dụ, trường hợp hai SV Sinh học, Nguyễn Thị Minh Phương năm thứ 4 và Nguyễn Thị Anh Thư năm thứ 3 được nhận học bổng toàn phần của Nhật Bản để tu nghiệp tại Trường ĐH Tohoku và Trường ĐH Kyushu. TS Ngọc cùng qua hướng dẫn và phiên dịch. Đặc biệt hơn, Nguyễn Thị Minh Phương, người Đà Lạt, có căn bệnh nan y, nhờ thầy Ngọc hướng dẫn đã bảo vệ luận văn tốt nghiệp đạt á khoa. Sau tu nghiệp, Phương càng có động lực mạnh mẽ để vượt qua bệnh tật, tiếp tục học cao học và đạt thủ khoa đầu vào ngành Sinh học thực nghiệm năm 2019. Sức khỏe của Phương tiến triển đến mức các bác sĩ và gia đình phải ngỡ ngàng. Khoa học như là phác đồ điều trị đặc biệt…   

TS Bình vốn ưa thích sản phẩm tinh dầu tự nhiên. Qua Nhật, cô đề nghị Trường tiếp tục sáng đèn phòng thí nghiệm của mình để giúp SV nghiên cứu. Các sản phẩm do SV chiết xuất bán ra thị trường, nhất cử lưỡng tiện, tạo đam mê nghiên cứu và góp phần thu nhập và chi phí nghiên cứu của SV. Trong số SV này, trường hợp Lê Minh Tâm, cũng ở Đà Lạt, có hoàn cảnh đặc biệt khác. Tâm không may mất cả bố và mẹ do tai nạn giao thông. Anh được cô Bình giao đảm nhận điều hành phòng thí nghiệm và hướng dẫn qua internet gần 3 năm khi cô ở Nhật. Phòng thí nghiệm đã trở thành mô hình như ở Nhật Bản, duy trì cho đến nay để các cựu SV và SV tham gia. Vợ chồng Ngọc-Bình còn tích cực làm cầu nối kéo các nhà khoa học quốc tế đến Trường nghiên cứu, tạo điều kiện SV nâng cao vốn tiếng Anh. Kết quả nghiên cứu của SV và học sinh do vợ chồng hướng dẫn đã đạt nhiều giải thi và doanh nghiệp đặt hàng. Còn cử nhân Minh Tâm có việc làm tại một cơ quan khoa học ở Đà Lạt. Để tiếp tục động viên anh vượt qua hoàn cảnh khó khăn, cô giáo Bình giúp đỡ 100% kinh phí cho Tâm học cao học và đã đạt á khoa đầu vào ngành Sinh học thực nghiệm. TS Bình nói: “Em sẽ định hướng cho bạn ấy làm đề tài tốt nghiệp về các hợp chất tự nhiên để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thân thiện với môi trường và sức khỏe của con người”. Bình còn chia sẻ “cơ duyên màu” với tôi về một doanh nhân Thụy Sỹ, ông Edward, người thành công mô hình cà phê thân thiện ở Lâm Đồng đã tìm đến cô để kết hợp xây dựng làng nghề dệt truyền thống- du lịch khép kín, tạo sinh kế đồng bào dân tộc thiểu số…

Thành tựu nối thành tựu

Ưu thế của vợ chồng TS Ngọc và TS Bình là được học hỏi các nhà khoa học giỏi, thực nghiệm bằng phương pháp công nghệ phân tử hiện đại từ điều tra, xử lý tư liệu đến công bố bài báo khoa học. Hiện Nguyễn Văn Ngọc là thành viên Hiệp hội Khoa học Sồi-Dẻ thế giới, là một trong 2 nhà khoa học Việt Nam thuộc Nhóm chuyên gia cây toàn cầu IUCN/SSC (GTSG). Đầy là mạng lưới toàn cầu gồm các chuyên gia, góp phần việc bảo tồn các cây bị đe dọa toàn cầu; thành viên của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN). TS Ngọc được tham gia dự án nghiên cứu các loài thực vật các nước khu vực Đông Nam Á từ năm 2015, kết thúc năm 2019. Anh đến với nhiều hội thảo khoa học quốc tế tại nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Lào, Trung Quốc...Mỗi lần lên diễn đàn, TS Nguyễn Văn Ngọc say sưa và tự hào công bố: “Thế giới có 9 chi Dẻ, Việt Nam chúng tôi có 6 chi. Chi Dẻ đá (Lithocarpus) thế giới có khoảng hơn 1.000 loài còn tại Việt Nam khoảng gần 300 loài”. Đa dạng sinh thái rừng Việt Nam càng có lực hút bạn bè quốc tế. Tôi cũng từng được GS Tetsukazu Yahara giới thiệu về TS Nguyễn Văn Ngọc với niềm tự hào và tin tưởng khi giao cho anh đại diện nhóm nghiên cứu Nhật-Việt báo cáo kết quả. Dĩ nhiên để có được những “quả ngọt” như vậy, các nhà khoa học như TS Nguyễn Văn Ngọc và TS Hoàng Thị Bình phải vượt qua rất nhiều gian khổ, từ thực địa đến thực nghiệm. Nhất là để phát hiện một loài mới, có thể phải đánh đổi cá tính mạng khi đặt chân đến những nơi lam sơn chướng khi…    

Thông tin từ Phòng Nghiên cứu khoa học và Quan hệ quốc tế của Trường ĐH Đà Lạt cũng cho tôi biết: Năm 2018, toàn trường được công bố 24 bài báo khoa học quốc tế, trong đó vợ chồng TS Ngọc - Bình có 7 bài. Từ 2016 đến nay, hai vợ chồng đã công bố 13 bài với tư cách tác giả hoặc đồng tác giả cùng các nhà khoa học quốc tế. Vợ chồng Ngọc - Bình còn xây dựng được phòng lưu trữ tiêu bản được số hóa, khoảng hơn 11.000 tiêu bản thực vật thu được tại 17 tỉnh, thành phố Việt Nam, từ Lào Cai đến  Đắc Nông. Trong đó Dẻ-Sồi có khoảng 1.000 tiêu bản, đủ cả 6/6 chi. Mong muốn của vợ chồng là thực hiện bảo tàng thực vật online, lưu trữ, tra cứu, đánh giá, phân loại toàn diện về hình thái phân tử, để tư vấn những chính sách chiến lược bảo tồn cụ thể và hữu hiệu...Tính vượt trội của phương pháp này là vừa công bố trên tạp chí khoa học thế giới về loài thực vật, vừa chia sẻ dữ liệu và lưu giữ, bảo quản cả tiêu bản gốc tại Việt Nam; đánh giá da dạng không chỉ bằng chứng hình thái mà kết hợp cả bằng chứng phân tử, đánh giá mức độ di truyền.

Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, TS Lê Minh Chiến ghi nhận ngắn gọn về vợ chồng Ngọc-Bình với tôi: “Nói về vợ chồng TS Ngọc-Bình thì có thể nói đây là các nhà khoa học trẻ của Trường, có năng lực nghiên cứu tốt, được đào tạo bài bản, có trách nhiệm cũng như khả năng hợp tác quốc tế tốt”. Người thầy và đồng nghiệp nhiều lương duyên của vợ chồng Ngọc-Bình là TS Lương Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh nhận xét: “Ở hai bạn ấy có những phẩm chất rất đáng quý, đó là sự nghiêm túc, tính trung thực trong khoa học và đó là lòng đam mê với nghiên cứu”. Tôi cũng nói thêm, mặc dù hoàn cảnh gia đình của đôi vợ chồng nhà khoa học ấy hiện giờ vẫn còn hiếm muộn con, nhưng những thành quả đã phần nào gom góp niềm hạnh phúc bình dị nơi mái ấm ấy. Hai bạn chia vui với tôi, cuối tháng 9 vừa rồi, TS Hoàng Thị Bình được Quỹ Môi trường tự nhiên Nhật Bản (NAGAO) phê duyệt làm chủ nhiệm Dự án “Nghiên cứu các loài thảo dược tự nhiên được sử dụng bởi đồng bào dân tộc thiểu số tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbian”. Họ lại neo vào tri thức dân gian của người bản địa để thực hiện trong 2 năm (2020-2021). Họ không ngừng mê say hướng về phía ánh sáng, như mỗi khi vượt mọi trở ngại trong đại ngàn. Ở đó, có sức cháy mãnh liệt của ngọn lửa tri thức. Ở đó, có nồng nàn và nhân ái của cuộc sống tin yêu…

                                                   Đà Lạt, tháng 10 năm 2020


Có thể bạn quan tâm