April 26, 2024, 11:11 pm

Cứ viết thì thành...

Nếu không được gặp và trò chuyện - đúng hơn là nghe chuyện, với nhà văn Thanh Châu, chắc tôi chỉ biết chứ chả hiểu được bao nhiêu về cuộc đời và một ít đặc sắc trong văn nghiệp các nhà văn khác như Bùi Hiển, Hồ Dzếnh và Vũ Đình Liên, Phan Khắc Khoan...

Nhà thơ Ngô Quân Miện và nhà thơ Vân Long hẹn đưa tôi đến với nhà văn Thanh Châu, như đọc được vẻ băn khoăn của tôi, vào hai lần khác nhau, hai anh đều nói như hỏi tôi một câu, đại ý: “Sao lại không biết ông Thanh Châu nhỉ?”. Tôi không tiện trả lời, vì sự biết của mỗi người, liệu đã được coi là đủ chưa? Mà khi cảm thấy chưa đủ, thì cứ hồi hộp và ngần ngại thế nào.

Tôi tìm đọc thêm tác phẩm của Thanh Châu đã. Bây giờ sách báo nhiều, dễ tìm, chứ ba, bốn chục năm trước, đâu có thuận. Đây là may cho tôi, lại do chính văn tài và cái khối tình đời nồng hậu của các ông - lứa nhà văn tiền bối khả kính của nền văn chương mới ở nước ta mang lại: Số là, tôi tìm gặp, hỏi lần qua người này, tiếp đến các vị khác, có ông là văn sĩ, thi gia, có người không sáng tác, mà chỉ đọc - đọc bền bỉ những Thanh Châu, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài... dễ đã nửa thế kỷ nay, dưới bom đạn chiến tranh với mấy lần tản cư, sơ tán, qua bao tháng bao ngày đi chiến dịch, làm dân công hay bộ đội, viên chức... Thì ra, những bậc cha chú này đã “nghiền” văn phẩm của các đấng bậc kia từ bao giờ! Họ cất giữ những trang in tác phẩm Thanh Châu từ thời Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) và trước nữa rồi chuyền tay nhau đọc; họ còn nhờ ai đó chép tác phẩm của Thanh Châu (đâu như khoảng những năm 1950) vì bản in đã ố cũ quá rồi. Tôi mê mải đọc các truyện: Bó hoa quá đẹp, Cơn giông, Hoa tigôn, Rước xuân vào, Cái ngõ tối... từ các bản in cũ, từ các bản chép tay. Tôi như được gặp lại - đúng là gặp lại cuộc sống và tâm sự của cha mẹ mình, cô cậu chú bác mình thêm một lần nữa. Cái cách gọi quá đẹp (bó hoa, lời nói, việc làm...) tưởng mới quen dùng ở các năm 80,90 của thế kỷ XX này, hóa ra, đã được nhà văn dùng thật đắc địa, thoải mái từ 1934, 1936 trên tạp chí Tiểu thuyết thứ bảy rồi.

Ngày nhà văn Văn Tâm còn đi dạy học và chấm thi học sinh giỏi văn cấp III (tức trường PTTH bây giờ) có lần gặp tôi, ông kể và tán bình rất say sưa những văn phẩm, giai phẩm (từ của Văn Tâm) của Thanh Châu với Thạch Lam, Nguyễn Tuân, với Vũ Trọng Phụng rồi ông so sánh và trầm ngâm: Văn Thanh Châu quá đẹp, là giai phẩm cả... nhưng là văn giải trí, nhắc đến sầu thương mà vẫn là giải trí. Tôi bị cuốn hút theo sự say mê của người đồng nghiệp tài hoa. Sau này có lần nói lại với anh: Có lẽ anh nói chưa hẳn đúng, văn Thanh Châu buồn thương da diết mà ngụ ý nhiều lắm, không phải là giải trí đâu..

Ngồi với các nhà văn đích thị là văn nhân nhiều lần ở nhiều nơi với các bối cảnh khác nhau, dần dần tôi nghiệm ra một điều: Chính các ông - những tác giả lừng danh như những chủ tướng của văn đàn thì họ lại là những người rất ít nói chuyện kĩ thuật viết văn, dựng truyện. Gạn hỏi mãi, lựa lời ướm lời dẫn dụ vòng vèo mãi, như nể quý và “thương cho đời tạm”, các ông mới kể cho đôi đoạn với một vài nguồn cơn - cái mà các thầy cô giáo dạy văn gọi là hoàn cảnh (xuất xứ) tác phẩm. Thế thôi, tôi đành liều dấn tiếp:

- Hình như trong nhân vật hoạ sư Lê Chất hay cái cậu bé trong truyện Cơn giông có nguyên mẫu?

Thanh Châu mỉm cười xa xăm:

- Cậu giáo về gặp ông Lam Hồng, ông Song Ngư mà hỏi. (Lam Hồng là cậu ruột tôi, Song Ngư là ba tôi).

Thấy tôi im lặng như háo hức, như bồn chồn nhà văn nói tiếp:

- Cậu đừng ngại, đừng sợ gì, mà ngại và sợ cũng chả được nào! Hay là gặp ông Bùi Hiển mà nghe.

Nhà văn Bùi Hiển vui vẻ và “thật thà” hơn, ông nhẩn nha:

- Cái thằng bé hay làm nũng hay hờn dỗi bà cô rồi về sau lại ân hận ấy là hình bóng ông Châu “lay” (tức ông Lam Hồng - NA); ngày ấy con nhà công chức khá giả đều thế cả. Truyện của ông Thanh Châu là kiểu tự truyện, có chất nguyên mẫu khá đậm, một lứa học trò trường Quốc học Vinh như bọn tôi, sau ra Hà Nội học tiếp ít nhiều đều thành nhân vật của ông ấy cả.

- Thế có ai thích, ai bực tác giả không?

- Có cả. Nhưng thích thì nhiều hơn. Cái buồn tủi cực khổ của thân phận mình, cái bồng bột non dại của mình... đều được nhà văn kể ra với một tấm lòng thông cảm, ưu ái cả đấy chứ.

- Nhà văn thì chả thù hận ghét bỏ gì đời?

- Không hẳn thế, nhưng viết văn là để giúp cho đời trong đẹp hơn. Đấy, đọc lại cái truyện anh Hai Tích vào cái đêm giao thừa mà xem.

Hai Tích là một thợ cắt tóc dạo trong truyện ngắn Rước xuân vào. Truyện này hình như đuợc đăng lần đầu trên tạp chí Tiểu thuyết thứ bảy số Tết - đầu năm 1941. Truyện ngắn gọn, viết khéo về quá trình tâm lý - ý nghĩ - tình cảm của một người thợ nghèo có lúc phẫn chí, và của cả vợ anh ta. Truyện ngắn đủ độ, và dường như chả thừa chi tiết nào, câu nào, chữ nào. Nhà văn đã gửi vào đấy bao nhiêu là thương quý, cảm thông và cả một niềm tin ở tính thiên lương, lòng vị tha vốn có ở những người nghèo khổ.

- Hình như bác viết truyện này để đưa ra một đối sánh?

- Anh nghĩ thế à? (Dạo ấy bác Thanh Châu không gọi tôi là cậu giáo, anh giáo nữa). Cũng có thể, nhưng là suy luận của nhà nghiên cứu thôi. Khéo mà xã hội học dung tục máy móc như người ta nói đấy! Tôi thì tôi cứ thấy và nghĩ sao thì viết ra vậy. Tôi đã đi lại ở cái xóm đê sông Lam, sông Hàm Rồng và sông Hồng Hà ở đoạn gần cập phố nhiều lần, nhiều năm. Người ta nghèo khổ mà bao bọc nhường nhịn cho nhau lắm, họ không bon chen và “vô sự” như dân trong phố...

Như chợt nhận ra mình bỗng nhiều lời, nhà văn nói lại, vẻ tâm sự:

- Bảo cho cậu hay nhé, đừng vội tin ở mấy ông văn nghệ mà thích làm chính trị suông, gọi cách viết này là chủ nghĩa cách viết kia là trường phái tư tưởng. Văn sĩ là phải làm việc tả chân chính từng mảnh đời xung quanh mình chứ còn làm gì nữa, tả và kể cho người ta biết đời, hiểu đời và đừng nản lòng để mà sống tiếp. Cậu ngẫm mà xem…

Vâng, tôi đã theo lời ông, đã đọc lại, đọc tiếp truyện của ông sáng tác từ trước năm 1945 và sau đó, đọc cả các nhà văn cùng thời với ông và sau ông ít nữa... thì thấy là cái cách bênh vực người thấp cổ bé họng của ông và Nguyễn Công Hoan hay Ngô Tất Tố cũng khác nhau; cái cách cảm thông lớp người túng quẫn ở phố huyện hay thôn quê của ông với Thạch Lam, và cả Nam Cao cũng khác nhau.

Tôi nhớ lại, đâu như vào khoảng năm 1965-1966, ba tôi có kể lại là vào mấy năm 1957-1960 đang xốn xao chuyện Nhân văn - Giai phẩm, nhà văn Thanh Châu có gặp ba tôi, ngỏ ý muốn cùng nhau từ Hà Nội vào Vinh, qua Thanh Hóa và Diễn Châu chơi một chuyến cho đỡ căng thẳng, cho đỡ nhớ… Chẳng là ông vốn tên Ngô Hoan, Ngô là họ, Hoan là Diễn Châu, thủ phủ mấy trăm năm trước của châu Hoan. Nhà văn tương lai đã trải qua thời ấu nhi trường huyện trường tỉnh xứ Nghệ và nuôi mộng thơ văn từ buổi ấy. Khi viết đã thành, ông lấy bút danh Thanh Châu, là chữ ghép của Thanh Hóa (nơi sinh - quê mẹ) với Diễn Châu là quê cha. Tên khai sinh do cha mẹ định, còn bút danh do ông tự đặt ra thế, đủ biết con người này nặng tình xứ sở thế nào! Nhưng chuyến đi cũng không thực hiện được, ba tôi vào thăm mẹ ông tại thị xã Thanh Hóa, trong căn nhà vườn sạch sẽ, ghé vào cả phủ Diễn, rồi đến Vinh, dạo mấy nơi hồi đi học các ông thường qua lại. Sau đó ra kể cho ông hay. Nhà văn bần thần: “Biết lúc nào nhỉ, biết bao giờ đây…”. Ba tôi cũng kể: Thanh Châu rất thích trồng cây, nhất là cây có hoa, có hương thơm, ông trồng rau húng, rau mùi mà chỉ để hưởng hương chứ ít khi hái vào ăn. Cái thói quen này là từ bé, rất hiếm có thời ấy. Không biết có phải vì thế mà ông viết ra truyện Hoa tigôn, và trước đó là Bó hoa quá đẹp thơm lâu đến vậy? Thích làm vườn, nên dễ gần với đời sống cần lao của lớp bình dân là thế chăng?

Tôi thưa với bác Thanh Châu: Bác nhìn đời và kể, tả chuyện đời nghèo có phần giống nhà văn Hồ Dzếnh hơn? Có phải vì bác và ông ấy có tuổi ấu thơ và có cảnh li quê na ná như nhau? Nhà văn nhẹ nhàng:

- Thật thế à? Ở những truyện nào?

- Bàng bạc ở nhiều truyện, nhưng đậm nhất là ở cái truyện mà như một tản văn là truyện Về quê, rồi chuyện Cơn giông...

Nhà văn ngồi yên lặng, mấy ngón tay tì miết nhẹ góc bàn, đoạn ông cất giọng đều đều:

- Tôi cảm ơn anh. Nhưng ông Hồ Dzếnh viết sau tôi, ông ấy da diết với người quê cảnh quê đìu hiu lắm, thương vô cùng.

Nghe ông nói thế, tự nhiên tôi nhớ đến một đoạn trong truyện Về quê:

“Một vài ông khách đến chơi nhằm vào lúc đó, mân mê cái áo dệt bằng thứ gấm Tàu rất tốt mà khen ngợi mãi. Thực là cảm động! Thực là buồn, cái cảnh một bọn người hèn kém bám vào cái huy hoàng cũ của một người đã khuất để mà kiêu hãnh và thèm thuồng, giữa một cảnh đã suy vi nhưng vẫn cố giữ lấy nếp thế gia...”.

Văn truyện của Thanh Châu hay có những đoạn luận đời xen vào như thế. Có đoạn như viết cho mai sau, mà bây giờ đọc vẫn gợi ý nghĩ suy. Đó là chỗ khác của ông với Hồ Dzếnh hay Thạch Lam.

Chuyển mạch chuyện, tôi định hỏi ông về những ngày tháng tham gia đợt tập kết 300 ngày giữa ta và quân Pháp với chính quyền Việt thân Pháp các năm 1954-1955, ông đã viết khá kịp thời hai truyện ký - phóng sự là: Những ngày trao trả tù binh (1954), Không rời quê hương (1955), ông đã cảm và nghĩ thế nào, để rồi sau đó chừng một năm, ông viết xong bài Mua hàng mậu dịch, thì như ngừng viết hay xuất bản luôn... nhưng gấp sổ tay lại, ngước nhìn lên, thấy nhà văn vẫn ngồi yên lặng như nãy giờ chưa ai nói với ai điều gì... Tôi băn khoăn, có phải mình đã làm ông chìm vào xa vắng?…

Nếu đọc lại hai bài ký sự Những ngày trao trả tù binh Không rời quê hương của anh/ ông bộ đội cầm bút Thanh Châu, ta sẽ thấy là cái cách nhìn đời của nhà văn so với hơn hai mươi năm trước thì thấy đề tài và nhân vật đã có chuyển hoá rộng mở hơn, người dân quê trong tác phẩm của ông đã có những vẻ đẹp mới do kháng chiến và kiến quốc thành công buổi đầu đem lại, dẫu cuộc sống vẫn bộn bề, bút pháp của ông cũng nhanh hoạt hơn. Tuy vậy, vẫn ngờ ngợ một điều: Viết nhanh để phục vụ nhiệm vụ chính trị hình như là một trách nhiệm ông gắng hoàn thành, chứ văn ấy, có lẽ không phải là con đẻ của ông, không thích hợp với ông lắm. Về sau, có bữa tôi đem ý nghĩ này nói với ông. Nhà văn cười, vẻ không ra vui cũng chẳng buồn đau gì, bảo:

- Anh đoán thế thật à? Anh dám nói cho ai biết ý nghĩ ấy nữa đây?

Tôi chỉ biết thưa:

- Dạ, cũng là vừa đọc vừa tìm vừa đoán thôi bác ạ.

Nhà văn đưa tay ra cho tôi bắt, ông nói: “Biết thế, biết thế”.

Thực ra, chuyện không viết tiếp in thêm trên văn thi đàn vốn cũng là sự thường. Một đôi khi hình như chúng ta đã nghĩ quá thì phải? Sau nhà văn Thanh Châu ít lâu, đâu như từ khoảng 1968 - 1970 trở đi, nhà văn Kim Lân cũng chẳng sáng tác gì, nhà văn lão thành Nguyễn Công Hoan còn viết và đăng truyện ngắn về đề tài thành thị miền Nam đến mãi sau ngày Việt Nam thống nhất rồi cũng ngưng... Tất cả, âu cũng là hiện tượng nên coi là bình thường. Chỉ không bình thường là khi đã cạn vốn, vơi duyên mà cứ muốn có mặt, phải không? Lòng tự trọng và sự nâng niu bạn nghề nhắc nhở người cầm bút sự xuất hiện trên văn đàn sao cho phải. Ấy là tôi nghĩ thế. Tôi lại mang ý nghĩ này hỏi ông, xem có nghe được không. Nhà văn Thanh Châu bảo:

- Các anh nghĩ thế là chúng tôi mừng.

Rồi ông im lặng, gương mặt bình thản.

Mãi nhiều tháng năm về sau, và chắc là còn lâu lâu nữa, nhớ lại cái buổi sáng ngồi với ông trước ngày ông vào thành phố Hồ Chí Minh “Ở lâu lâu chưa biết lúc nào lại về Vinh, về Thanh hay ra Hà Nội...”, tôi cứ thấy trang nghiêm và ấm áp mãi.

Thanh Châu là đại diện cuối cùng của lứa văn nhân làm nên cuộc cải cách - đổi mới hiện đại hoá văn học Việt Nam ta từ đầu những năm 1930... Vào Sài Gòn, ông được nhiều bạn văn nghệ và bạn đọc tìm đến thăm hỏi vui vẻ. Song ông vẫn luôn nhớ Hà Nội, vẫn nhắc nhiều chuyện của Hà Nội và muốn ra chơi.

Khi biết tôi đang chuẩn bị làm một tập chân dung nhà văn xứ Nghệ, Thanh Châu rất vui. Trong thư viết ra, ông động viên và gợi ý lưu ý. Riêng phần mình, ông tự giới thiệu:

Tôi là người viết ở thế hệ 1930-1945, cùng thời với Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng (họ đều đã là người thiên cổ). NXB Khoa học Xã hội và Văn học trước đây đã in tuyển tập lớp 1930-1945, bạn đọc đã có thể đánh giá chúng tôi từ một số tác phẩm trong đó.

Lớp sau chúng tôi (như Bùi Hiển, Tô Hoài, Kim Lân) cũng đã có nhận xét công bình qua sáng tác trên sách báo về tôi trước và sau Cách mạng Tháng Tám.

Lớp trẻ bây giờ viết thật hay. Họ có hạnh phúc hơn những người viết trước cách mạng. Chắc chắn sẽ còn nhiều tác phẩm xứng đáng với Nhân dân, Tổ quốc ta.

Ở tuổi 95 như hiện nay, tôi còn tâm huyết với nghề là điều may mắn.

(Đoạn này tôi có chép lại rồi đưa vào cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, 2010, trang 937)

Thư ông gửi tôi khá dài, chữ đẹp, tuy nhìn kỹ thấy đã có nét hơi run. Tôi hiểu là từng chữ trong câu “Ở tuổi 95... là điều may mắn”, ông đã rất cân nhắc. Tính ông thế, nên văn ông mới đọc, cứ ngỡ là thơ thới lắm, song thực ra chi tiết nào, đoạn văn nào câu chữ nào cũng có ý riêng cả, rồi có mặt trong thiên truyện qua sự sắp đặt trước - sau của ông, chúng làm nên phong cách của ông: Hiền hoà tự nhiên, đôn hậu nghiêm trang, mà chặt chẽ.

Trở lại con đường đi tìm những đặc sắc của văn phẩm và con người nhà văn Thanh Châu, tôi muốn nhắc đến một kỉ niệm: Sau vụ cháy kinh hoàng như thiêu rụi một phần ba thị xã Vinh vào mùa hè 1960, nhà tôi dọn đến một khu chung cư mới, ở cạnh nhà một anh Hoa kiều tên là Sáng. Anh Sáng chừng ngót 40 tuổi, bị gù. Ngày ấy gần 40 tuổi mà chưa có vợ, thật là kinh hoảng lắm rồi. Anh Sáng hát véo von như giọng nữ, thỉnh thoảng còn múa võ. Bọn trẻ chúng tôi gọi anh là “chú” nhưng mẹ anh bảo: Không được gọi thế, gọi Sáng là anh thôi. Một bữa tối, anh Sáng gọi tôi ra thì thào: Anh vừa đi Vân Nam về. Mấy củ cala thầu muối với trứng vịt muối là anh mang về đấy! Anh vừa gặp cái ông chồng cô Mai Hạnh yêu hoạ sĩ Lê Chất. Ông Lê Chất quen ba em phải không? Giờ ông ấy ở đâu? Tôi nghe mà chả hiểu mô tê gì. Vinh đầu những năm 1960, lo rần rật lửa cháy nhà, lo bố phòng bảo an vì bọn biệt kích Mỹ - Diệm sắp trà trộn ra phá hoại... Tôi lo lo thêm chuyện này mà chả dám kể với ai. Hè 1965, chúng tôi đi sơ tán khỏi thành phố Vinh. Anh Sáng gặp tôi trên đường về quê vợ, anh nói như khóc: Em tìm được họa sĩ Lê Chất thì báo cho anh ngay nhé, ông chồng cô Mai Hạnh nhờ anh mãi đấy!

Năm tôi học đại học năm thứ hai, hỏi cậu tôi, ba tôi, hai ông đều bảo: Tội nghiệp cái thằng Sáng và thật thương cho cái ông ở Vân Nam. Ông Thanh Châu viết chuyện đời thấp thoáng chuyện ai ai mà sao cứ vận vào mình thế nữa!?

Tôi lại kể cho bác Thanh Châu nghe. Nhà văn bùi ngùi: “Thì chính tôi cũng cứ bồn chồn bao nhiêu năm về cái truyện Hoa “Tigôn” này mà. Thực thực ảo ảo là do mình thấy thế, cho là thế thì viết ra thôi, nào ngờ”.

Bác Thanh Châu viết truyện, tả cái thực mình thấy thế mình cho là thế. Viết chân thành tận cùng nên có văn khí, tạo được dư vang. Bây giờ thời đương đại, nghệ thuật kỹ thuật viết truyện có nhiều tân kì hơn bác là phải thôi. Nhưng đọc truyện bác mà đối chiếu dọc ngang, biết là nhà văn đã dung hợp được thực và hư thành hình tượng thì thấy có hai ý đáng nói:

1. Cứ viết thì thành; còn lúc nào định “làm văn”, là y như chỉ có chuyện mà không có truyện, tác phẩm không sống lâu được.

2. Tác phẩm của Thanh Châu vốn là chuyện đời bình dị bình thường nhưng qua tay ông mà có sức ám ảnh, dẫn gợi về lẽ sống, cách sống sao cho tử tế, phải chăng. Tài và tình ông hoà quyện đáng nể là vì thế.

Nguồn Văn nghệ số 16/2022


Có thể bạn quan tâm