April 26, 2024, 8:19 am

Cứ ứa ra từng giọt

 

Trong bài Tự vấn, Nguyễn Hoa nhận: “Tôi - người - cao tuổi lơ mơ/ Ngác ngơ, ngơ ngác bài thơ chưa tròn”. Ông viết thế để nhắc nhở mình, chứ thơ ông vẫn tròn chữ, nặng tình, sâu nghĩa. Như cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét: “Đó là sự ngơ ngác thi sĩ”. Tuy không ào ạt, nhưng Nguyễn Hoa vẫn viết và đăng thơ trên các báo, tạp chí và xuất bản sách. Không xô bồ, sống giản dị, chân thật, hòa đồng cùng bè bạn, Nguyễn Hoa vẫn bảo: “Tôi chỉ là tôi chính con người”.

Chả thế mà thơ Nguyễn Hoa cũng như con người thi sĩ: “Sự chân thật/ Con đường thẳng nhất/ Của ngôn từ/ Tới thơ” (Tới thơ). Bất cứ nhà thơ nào, để tới được thơ, ngoài khả năng trời phú, đều cần tới vốn sống, đối với Nguyễn Hoa, vốn sống ông không thiếu, hơn mười năm trong quân ngũ sau đó chuyển về công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam cho đến nay đã cho ông tích lũy sự đời, gom góp việc đời, việc thơ. Đến 2020, ông đã có mười tám tập thơ, tập nào cũng để lại dấu ấn trong lòng bạn bè và người đọc yêu thơ. Riêng thơ ngắn, Nguyễn Hoa đã chọn lựa xuất bản ba quyển, tổng cộng hơn hai trăm năm mươi bài thơ ngắn. Trong tập Thơ ngắn Nguyễn Hoa - Quyển ba (Mưa về sáng) xuất bản tháng 11/2020, gồm hơn một trăm ba mươi bài. Nếu xét về câu, tập thơ có Chùm thơ một câu, Chùm thơ hai câu, những bài thơ ba câu và nhiều nhất là bài bốn câu, chỉ có một bài năm câu (Hồ Kim Đồng) và một bài mười câu (Hoàng Sa). Nếu xét về chữ, nhiều bài “dè sẻn” đến kinh ngạc, chỉ có sáu đến mười chữ. Chữ ít, câu ngắn, bài ngắn, dường như Nguyễn Hoa đã niêm chặt ý tứ vào từng câu, từng chữ trong mỗi bài đến mức không thể ngắn hơn được nữa. Không biết sức sáng tạo thơ ngắn của Nguyễn Hoa “Cứ ứa ra từng giọt/ Như mật ong giữa đời” (Người trong tôi) có còn cuốn hút nhà thơ nữa không mà ông bảo đây là tập thơ ngắn cuối của ông. Đấy là dự định, còn đối với thơ “trọng chữ kiệm lời” làm nên tên tuổi Nguyễn Hoa có cho ông dừng lại không lại là chuyện khác. Cuộc sống phong phú và niềm thơ vẫn còn thôi thúc Nguyễn Hoa: “Những thao thức lòng ta lại gọi/ Nào rừng xanh, biển sóng, con đường…/ Khí thở, mây bay lấp vùi quên lãng/ Bỗng sáng bừng cả ngọn cỏ, giọt sương!” (Lại gọi). Mỗi nhà thơ thường chọn cho mình một phong cách riêng, Nguyễn Hoa cũng vậy, ông chọn thơ ngắn làm phong vị riêng cho thi pháp của mình và được người đọc đón nhận với sự trân quý như đã mặc định trong tâm thức. Vốn bản tính thận trọng, tự tin, ông không lạm dụng sự tín nhiệm mà sa đà, dễ dãi, làm thiếu tính khái quát liên tưởng thâm thúy trong thơ. Đọc thơ ngắn Nguyễn Hoa, nhiều người có cảm nhận tác giả đã vượt qua sự ràng buộc số lượng câu chữ mà kiến tạo để câu chữ có kiếp sống, chuyển tải được nỗi dằn vặt số phận qua ngữ nghĩa của ngôn từ. Nguyễn Hoa không lặp lại lối thơ của bất kỳ ai, ông đã tạo cho thơ mình có lối đi riêng, ông khẳng định “Tôi chỉ là tôi chính con người”. Đó là cảm nhận, là nỗi niềm đau đáu về thơ với đời để ông chọn đường thơ cho mình, đưa được âm hưởng độc đáo có độ suy tưởng cao, mang nhịp thở của triết tự vào thơ. Vì thế, nhiều câu trong “Chùm thơ một câu”, “Chùm thơ hai câu” tựa như những câu tục ngữ, thành ngữ được đúc kết từ cuộc đời và miền thơ của tác giả sau nhiều trải nghiệm, nhưng lại là nỗi niềm chung của bao người mà Nguyễn Hoa là người đại diện. Câu chữ trong thơ ngắn Nguyễn Hoa không tỉa tót gượng gạo, cũng không rườm rà mà thực thể như tai nghe, mắt thấy và cách nói hàng ngày giản dị, ngắn đọng mà vẫn đủ đày thi ảnh, nhịp điệu của thơ. Có thể một trong những lý do kiệm chữ, kiệm lời trong thơ là cuộc sống sôi động thời đại công nghiệp hóa, hội nhập sâu rộng như chất xúc tác vào tiềm thức thi nhân tiết kiệm tối đa khi gieo chữ, bởi, ông quan niệm “Gieo chữ giản mộc/ Mọc/ Cây thơ thiêng” (Cây thơ thiêng). Cây thơ thiêng mà Nguyễn Hoa tôn thờ là sự kìm nén đến cùng kiệt về nhân tình thế thái “khi con chữ/ tự nguyện/ đứng nhận/ vào số phận/ bài thơ”. Số phận con chữ do nhà thơ định đoạt. Ngôn từ và sự xếp đặt con chữ trong thơ ngắn Nguyễn Hoa là một nghệ thuật. Tằn tiện câu, bủn xỉn chữ mà nghĩa rộng, ý sâu khiến người đọc sững sờ. Ví như các bài Dãi yến, Hào quang, Sóng cười, Trái tim, Khi bên em, Tươi thịt đất, Tuổi cốm xanh, Trong đêm xuân, Cây thơ thiêng… ngắn đến mức không thể ngăn hơn được nữa, đủ đến độ không thể thêm một chữ nào nữa. Nguyễn Hoa bảo “Tôi không lệ thuộc dài ngắn mà tôi cốt là những bài đó có hay không và còn lại gì với thời gian”. Thơ cũng như con người có số phận rõ ràng, thơ là người, luôn gắn với cuộc đời và tâm hồn con người, phản ánh cuộc sống của con người từ quá khứ đến hiện tại nên thời gian tồn tại của thơ là thước đo sự giá trị cao thấp của thơ: “Sông thời gian chảy sóng/ Đò sang có lúc chiềng/ Phận thơ cánh buồm mỏng/ Mưa nắng là kiếp duyên!” (Phận thơ). Chắc chắn rằng phận thơ của Nguyễn Hoa không “mỏng mảnh” nhưng cũng có “những khóc cười” để “Mong có câu thơ thành cá/ Hồi hộp nỗi niềm người câu!” (Hồ Kim Đồng).

Không hồi hộp sao được khi đọc thơ Nguyễn Hoa luôn cần có cái phao của sự rung cảm, sự suy luận của tư duy để hiểu thấu sự minh triết của ký tự trong thơ ngắn Nguyễn Hoa, tuy ngắn chữ nhưng dài nghĩa, Đơn cử trong bài Dãi yến, Nguyễn Hoa chấm bút: “Dãi yến/ Tổ quý/ Dãi người”, bài thơ chỉ vẻn vẹn sáu chữ là cả một vấn đề xã hội cần suy ngẫm về sinh thái và sự chiếm dụng của con người đối với tự nhiên. Trong thời buổi “thế giới ngày nào cũng động” hiện nay: Chiến tranh, khủng bố, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… khiến “phập phồng, thon thót trái tim” mà tác giả cùng hơn bảy tỷ người đang sống là sự thách thức toàn cầu hằn sâu trong sự lo toan của mỗi người đến nỗi nhà thơ phái thốt lên: “Hành tinh đang nóng dần lên/ Tình sao vơi mát dịu êm, hỡi Giời!”. Nói thế, không phải người thơ Nguyễn Hoa chỉ viết những điều lớn lao, to tát mà quên đi những điều kỳ diệu gần gũi xung quanh. Tình cảm nhà thơ dành cho thiên nhiên, những nơi từng sống, từng đến, những người thân yêu từng gắn bó vẫn là hồn cốt tập trung trong thơ ông. Trong Thơ ngắn Nguyễn Hoa - Quyển ba (Mưa về sáng) có đến gần hai chục bài viết về bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, hơn chục bài viết về các địa danh mọi miền đất nước và nhiều bài viết về cha, mẹ, bạn bè… bài nào cũng chứa chan tình yêu thương, lẽ sống ở đời ẩn sâu trong từng câu chữ. Nguyễn Hoa là vậy, thơ ngắn nhưng tình yêu thơ, yêu người, yêu quê hương đất nước bền chặt dài lâu khó dứt, khó rời. Trong ông “Bài ca chỉ tắt/ Khi không phải lòng mình hát lên”. Nguyễn Hoa ơi! Bạn đọc vẫn chờ ông tiếp tục “ứa ra từng giọt” từ “lòng mình hát lên” những bài thơ ngắn dâng đời.

Nguồn Văn nghệ số 11/2021


Có thể bạn quan tâm