April 26, 2024, 4:07 pm

Công nghiệp văn hóa còn nhiều thách thức

Công nghiệp văn hóa là một ngành quan trọng trong nền kinh tế - văn hóa hiện đại của nhiều quốc gia. Đây là một ngành kinh tế bao gồm nhiều lĩnh vực, như: Quảng cáo; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Xuất bản; Thời trang; Triển lãm; Các ngành nghệ thuật; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa v.v…

Du khách nước ngoài nghe giới thiệu và trải nghiệm chơi nhạc cụ dân tộc truyền thống tại Đại Nội Huế. Ảnh: TL
 

Trong công cuộc Đổi mới và hội nhập, Công nghiệp văn hóa ở nước ta đã có những bước phát triển, nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và sự quan tâm của các nhà đầu tư. Các sản phẩm Công nghiệp văn hóa của Việt Nam đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Có thể điểm qua thành tựu ở một số lĩnh vực, như: Trong Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016, chỉ tiêu đến năm 2020 của ngành Điện ảnh là khoảng 150 triệu USD, tuy nhiên đến năm 2019, ngành Điện ảnh Việt Nam đã đạt doanh thu 176 triệu USD, vượt qua mục tiêu đề ra. Trong lĩnh vực Xuất bản - In ấn và Phát hành, năm 2022, doanh thu ở lĩnh vực này ước đạt 96.433 tỉ đồng, tăng 5% so với năm 2021. Các Nhà xuất bản lớn của Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường với nhiều tác phẩm được ra mắt. Về Nghệ thuật biểu diễn, sau hai mùa “ngủ đông” vì đại dịch Covid-19, năm 2022 đã có sự bùng nổ với nhiều Liên hoan và Chương trình nghệ thuật đặc sắc, quy mô lớn, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thưởng thức của người dân. Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và các đơn vị liên quan đã tổ chức thành công 7 kỳ Liên hoan các loại hình sân khấu chuyên nghiệp; qua đó đã phát hiện nhiều tài năng trẻ, cho thấy nghệ thuật nước nhà đã trở lại trạng thái bình thường và có những bứt phá sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngành Du lịch cũng có nhiều giải pháp để phát triển, trong đó tập trung đào tạo nhân lực du lịch để phục vụ khách quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp thị thực điện tử và gia hạn thời gian lưu trú để hút khách quốc tế. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2022 có 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và trên 101,3 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng. Các hoạt động, sự kiện du lịch ngày càng sôi động và mở rộng về quy mô với các chủ đề phong phú, đặc sắc. Năm Du lịch quốc gia 2023 được tổ chức tại Bình Thuận với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Đây là chuỗi sự kiện kinh tế - văn hóa - xã hội, không chỉ tạo động lực phục hồi ngành du lịch Việt Nam sau thời gian chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, mà còn là cơ hội để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam.

Tuy nhiên, sự nghiệp phát triển Công nghiệp văn hóa ở nước ta hiện tại cũng còn rất nhiều hạn chế và bất cập. Chẳng hạn như hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể nắm được doanh thu của toàn ngành nghệ thuật biểu diễn hằng năm là bao nhiêu. Điều này chứng tỏ việc quản lý ngành này với tư cách một ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn rất hạn chế. Hoặc như trong lĩnh vực Điện ảnh, cơ chế Nhà nước “đặt hàng” vẫn còn nhiều vướng mắc, lúng túng, hiệu quả thấp và quan niệm “phim Nhà nước”, “phim tư nhân” vẫn còn khá nặng nề. Đặc biệt, vấn đề bản quyền và kiểm duyệt là một trong những thách thức lớn đối với Công nghiệp văn hóa Việt Nam. Các sản phẩm văn hóa cần phải đáp ứng các quy định về bản quyền và kiểm duyệt của nhà nước để đảm bảo tính hợp pháp và chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó, với sự phát triển của kỹ thuật số, các sản phẩm văn hóa từ nước ngoài ngày càng dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam. Do đó, Công nghiệp văn hóa Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm văn hóa quốc tế. Đồng thời, Công nghiệp văn hóa Việt Nam còn thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm và kỹ năng để sản xuất các sản phẩm văn hóa chất lượng cao. Điều này đòi hỏi ngành này phải đầu tư nhiều hơn vào đào tạo và phát triển nhân lực. Mặt khác, Công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tài chính từ nhà nước. Vì vậy, nguồn tài chính đủ để phát triển các sản phẩm văn hóa mới và tăng cường quảng bá sản phẩm trên thị trường vẫn thường xuyên trong tình trạng “ăn đong”. Ngày nay, các công nghệ trong Công nghiệp văn hóa đang phát triển rất nhanh, trong khi Công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa đủ nguồn lực đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm văn hóa chất lượng cao, thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng và cạnh tranh cả trên thị trường trong nước lẫn thị trường nước ngoài. Cùng đó, thị trường văn hóa Việt Nam đang phân mảnh và còn chưa đủ lớn để hấp dẫn các nhà đầu tư. Điều đáng nói nữa là các ngành Công nghiệp văn hóa của Việt Nam đang hoạt động một cách riêng rẽ, thiếu sự gắn kết và điều phối chung trong một thể thống nhất. Đó là do các ngành này thường hoạt động độc lập, mỗi ngành/lĩnh vực có cách quản lý, điều hành và phát triển khác nhau, cũng như không có chính sách và quy định chung để định hướng và hỗ trợ cho nhau cùng phát triển.

Những bất cập và yếu kém trên đây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam, gây ra sự phân mảnh và mất cơ hội hợp tác, đồng thời cũng làm giảm sức cạnh tranh của ngành văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Muốn Công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển bền vững, cần đầu tư nhiều hơn vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và kinh nghiệm để sản xuất các sản phẩm văn hóa chất lượng cao. Đồng thời, cần tạo điều kiện thu hút các nhân tài đang hoạt động ở hải ngoại về chung tay thúc đẩy ngành Công nghiệp văn hóa nước nhà. Cùng với các biện pháp tăng cường quản lý và kiểm soát bản quyền để đảm bảo tính hợp pháp và chất lượng của các sản phẩm văn hóa, cần có sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng, Nhà sản xuất và người tiêu dùng để giải quyết vấn đề bản quyền trong ngành Công nghiệp văn hóa. Đồng thời, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong ngành Công nghiệp văn hóa có thể tiếp cận các công nghệ mới và sử dụng chúng để sản xuất ra các sản phẩm văn hóa chất lượng cao. Cùng đó là xây dựng và phát triển hệ thống quản lý chất lượng để đảm bảo tính chất lượng của các sản phẩm văn hóa và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hệ thống quản lý chất lượng cần được thiết kế sao cho phù hợp với đặc thù của ngành Công nghiệp văn hóa, bao gồm các tiêu chuẩn về quản lý sản xuất, kiểm soát chất lượng, bảo quản và vận chuyển sản phẩm.

Vấn đề quảng bá và “thương hiệu hóa” các sản phẩm văn hóa để tạo được sự nhận diện và tin tưởng của khách hàng là một yếu tố hết sức quan trọng. Theo đó, cần quan tâm đầu tư nhiều hơn vào hoạt động quảng bá, bao gồm các chiến dịch quảng cáo, sự kiện và các hoạt động truyền thông khác. Đồng thời, cần tạo ra các thương hiệu văn hóa có giá trị và uy tín để tăng cường thị phần và giá trị thương hiệu. Ngày nay, phát triển các sản phẩm văn hóa kết hợp với du lịch và truyền thống văn hóa để tạo ra giá trị kinh tế cao là cách phổ biến nhằm thúc đẩy phát triển bền vững của ngành Công nghiệp văn hóa. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc tạo ra các sản phẩm văn hóa đặc trưng cho các địa điểm du lịch và các sự kiện văn hóa, tạo ra các trải nghiệm du lịch độc đáo và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Việc xây dựng các chính sách và quy định chung để định hướng và hỗ trợ cho các ngành trên đây là hết sức cần thiết. Ngoài ra, các tổ chức và hiệp hội ngành nghề cũng cần đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sự kết nối giữa các ngành, tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm. Các hoạt động đa ngành như sự kết hợp giữa công nghiệp điện ảnh với du lịch, truyền thống văn hóa… cũng là một cách để thúc đẩy sự gắn kết giữa các ngành Công nghiệp văn hóa. Việc tạo ra các sản phẩm văn hóa kết hợp với các sản phẩm khác cũng là một giải pháp để tăng cường hợp tác giữa các ngành.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đây là giải pháp căn cơ giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và thúc đẩy phát triển bền vững của ngành này. Việc đưa ra các chính sách và hỗ trợ cho ngành Công nghiệp văn hóa cũng rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành này trong tương lai.

TS. Phạm Việt Long

Nguồn Văn nghệ số 15/2023


Có thể bạn quan tâm