April 27, 2024, 7:53 am

Cõng chữ lên ngàn

 

Chúng tôi đã có một ngày trải nghiệm thực sự ấn tượng ở Kể Cả và Háng Tày - hai điểm trường thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Chế Tạo, cũng là hai điểm trường xa nhất của xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải. Thôn Kể Cả và thôn Háng Tày thuộc khu 2 của xã Chế Tạo. Hơn mười năm trước, lên đây phải mất cả ngày đi xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh ẩm ướt…

Giữa đại ngàn heo hút, thôn Háng Tày không có học sinh nào bỏ học giữa chừng

Khi chúng tôi đến điểm trường Háng Tày, học sinh cũng vừa tan học. Phòng học ở đây còn tuềnh toàng và chắc sẽ rất khó khăn khi những ngày đông sương mù dày đặc, mưa rét, gió lùa. Cơ sở vật chất thiếu thốn, nên các thầy cô phải mượn cả nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn để làm lớp học. Thế nhưng, thật khâm phục tinh thần hiếu học của các cô, cậu bé người Mông giữa đại ngàn heo hút còn biết bao khó khăn nhưng không có em nào bỏ học giữa chừng. Và càng khâm phục hơn với nhiệt huyết “cõng chữ” lên ngàn của các thầy cô giáo vùng cao ở Mù Cang Chải. Thầy giáo trẻ Giàng A Hình, quê ở ngay xã Lao Chải lần đầu tiên lên nhận nhiệm vụ tại thôn Háng Tày, đi qua những con đường dốc đá, vực sâu, ngã xe đến 4 lần, đã rớt nước mắt và có lần muốn bỏ cuộc. Vậy mà, từ miền xuôi Hà Tây (Hà Nội) lên đây, thầy Nguyễn Văn Dũng đã có 6 năm gắn bó với vùng cao này. Thầy Dũng nhớ lại buổi đầu: “Lúc ra trường, em hồ hởi lên đường, bởi lúc đó rất vui vì đã được làm việc đúng ngành mình học. Nhưng lên đây, tất cả không giống như suy nghĩ. Đường sá đi lại vô cùng gian nan, điện không có, sóng điện thoại cũng không, mình như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Buồn, rồi cũng cố gắng vượt qua chính mình. Và hơn hết, em nghĩ mình phải mang đến cho trẻ em nơi này con chữ để các em có kiến thức thoát khỏi cái nghèo quẩn quanh”. Rào cản trong sự bất đồng về ngôn ngữ đã được thầy khắc phục bằng cách xuống nhà dân để học hỏi, kể cả phong tục, để vận động, tuyên truyền cha mẹ phụ huynh cho con đến lớp. Để thầy trò hiểu được nhau đã khó, việc truyền đạt những kiến thức trong sách vở, những nếp sinh hoạt vệ sinh lạ lẫm không giống như trò chơi chắt chuyền, đánh quay hàng ngày của các em mới là thử thách sự kiên nhẫn và tình yêu con trẻ.

Ngày nối ngày, mọi cố gắng được đền đáp, các em đến lớp chuyên cần, luôn coi các thầy cô như người cha, người mẹ thứ hai của mình. Điểm trường Háng Tày có tất cả 6 giáo viên, trong đó hai giáo viên nữ đang dạy lớp mầm non ghép 3, 4, 5 tuổi gồm 35 trẻ. Một cô do xa nhà, điều kiện cơ sở vật chất của điểm trường không có nên phải thuê nhà ở với giá 300 ngàn đồng/tháng. Theo Trưởng thôn Giàng A Dờ thì với 100% là đồng bào Mông, lại là thôn xa nhất của xã nên cuộc sống người dân còn rất khó khăn khi mà toàn thôn có 66 hộ với 370 nhân khẩu thì có đến 48 hộ nghèo, còn lại là hộ cận nghèo. Tuy nhiên, nhận thức của đồng bào ở đây đã có sự thay đổi lớn khi các thầy cô đến tận nhà vận động và bà con ở đây hiểu được thành quả của cơm no, áo ấm chính là từ học chữ mà nên. Trẻ đến trường đầy đủ, chuyên cần, bà con cảm ơn các thầy, các cô rất nhiều. Những câu chuyện cởi mở về tình người, con chữ nơi núi cao cho chúng tôi thấy một niềm tin, niềm hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn cho những đứa trẻ vùng cao khi mà nhận thức về “sự học” ở nơi này đã có sự chuyển biến rõ rệt. Chúng tôi xuống thăm nhà bếp đúng lúc các em vào bữa ăn chiều. Bữa cơm có thịt, có canh - một bữa ăn ngon khi mà đồ tươi sống đến được nơi này rất hãn hữu. Kết quả đó, là do các chính sách hỗ trợ trẻ đến trường ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh được tích cực triển khai.

            Sáu rưỡi chiều, núi thẳm rừng xa, bóng tối ập xuống nhanh hơn. Thôn chưa có điện lưới quốc gia, các thầy cô ở thôn Kể Cả và Háng Tày vẫn đang phải sử dụng điện bằng sức nước nên ánh sáng cứ hiu hắt. Vật bất ly thân đối với các thầy cô là chiếc đèn pin để thuận tiện trong việc đi lại. Đêm ở lại thôn với các thầy cô mới thấy được sự khao khát có điện của mỗi người. Đêm đó, tôi ngủ cùng với cô giáo Hảng Thị Háng - người thôn Trống Tông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải. Lập gia đình đã 7 năm, nhưng một năm ở với nhau chẳng được là bao. Một mình không điện, không điện thoại, chỉ có bức vách gỗ làm bạn trong bao đêm vò võ nhớ chồng. Và những dòng tâm sự được cô viết trên vách như những dòng nhật ký để vơi đi nỗi buồn trong lòng: “23h30 phút. Nhớ chồng yêu nhiều, không ngủ được”. Lại nhớ tâm sự của thầy giáo Dũng lúc chiều: “Em giờ vẫn chưa có người yêu! Mà cứ như thế này thì không biết bao giờ mới có”. Nghe mà thấy chạnh lòng thương cảm! Thế nhưng: “Dù những vui buồn cũng đã thấm đủ, em vẫn nguyện gắn bó với nơi này, bởi chúng em thường nói với nhau rằng, yêu trẻ, thương trẻ trước khi yêu nghề. Đặc biệt, 25 trẻ mầm non của lớp lúc nào cũng duy trì đủ sĩ số. Học sinh rất chăm học và đi học đúng giờ. Đó là động lực cho chúng em cố gắng” - cô giáo Hảng Thị Háng tâm sự. Chợt nghĩ, có biết bao thầy cô như thế ở vùng cao, như cô giáo Háng, như thầy giáo Dũng? Nhờ thế mà Chế Tạo hôm nay là xã có rất nhiều gia đình người Mông hiếu học. Dòng họ Giàng đã vinh dự được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam ghi nhận có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập…

Trong câu chuyện với Bí thư Đảng ủy xã - Giàng A Lềnh, chúng tôi biết, toàn xã có 7 thôn (xa nhất là 2 thôn Háng Tày và Kể Cả) với 328 hộ và 2.192 nhân khẩu, 100% dân số là đồng bào Mông với hai dòng họ Giàng, Sùng. Đảng bộ xã có 9 chi bộ với 104 đảng viên. Anh Lềnh cho biết: “Với sự cố gắng của Đảng ủy, chính quyền, nhân dân cùng sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của nhân dân Chế Tạo đã có những đổi thay to lớn. Diện tích lúa nước năm nay đạt 158,5 ha, tăng 35,5 ha so với năm 2010 nhờ khai hoang mới, năng suất bình quân đạt 34 tạ/ha; diện tích ngô nương 55 ha, tăng 4 ha so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người trên 6,6 triệu đồng/năm, tăng 3,1 triệu đồng so với năm 2011. Đến nay, xã đã đạt 5/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới”. Bí thư Lềnh khoe: “Xã đang cho trồng thử nghiệm một số diện tích lúa hai vụ”. Chuyện này là bình thường ở các xã vùng thấp nhưng trên non ngàn tít tắp với khí hậu, thời tiết khắc nghiệt thì đó là một sự thay đổi tư duy, nhận thức và quyết tâm rất lớn của cán bộ và bà con. Chế Tạo của ngày xa xưa là 4 không: không điện, không đường, không trường, không trạm y tế. Nay nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chế Tạo đã không còn heo hút, lạc hậu và nghèo nàn như trước. Có trường, có đương đi lại và điện lưới đã về đến trung tâm xã, bà con nơi đây vui mừng và vươn lên làm kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. Đó chính là sức mạnh của sự hòa hợp giữa ý Đảng - lòng dân. Và một điều đặc biệt, hôm nay có những thầy cô giáo người Mông sinh ra và trưởng thành ở chính quê hương Chế Tạo đã và đang làm nhiệm vụ “ươm mầm” những ước mơ cho thế hệ trẻ, góp phần để cuộc sống của đồng bào mình ngày càng đổi thay, sớm thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chia tay những con người ở hai thôn Kể Cả, Háng Tày, xã Chế Tạo, đọng mãi trong tôi là câu hát trong trẻo, hồn nhiên của những học sinh vùng cao: "Hôm nay đi học xa/Đường tương lai, đường gần…”. Chúng tôi tự nhủ, sẽ trở lại Chế Tạo trong một ngày không xa. Ngày mai, ánh điện lưới quốc gia sẽ thắp sáng khắp các thôn bản làng, sóng điện thoại sẽ phủ khắp núi rừng, đường bê tông sẽ đến tận thôn, trường lớp học sẽ khang trang… Chế Tạo sẽ không còn xa nữa!

Nguồn Văn nghệ số 45/2019

 


Có thể bạn quan tâm