April 27, 2024, 3:13 am

Còn đây tiếng trống trận năm nào

Nói tới vùng quê này, người ta nhớ ngay tới một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Huy Thục, trong đó có câu “Tiếng trống trận từ Gio An vọng tới. Rừng núi ta ơi hãy hát vui chung cùng bản làng, mừng thắng trận Gio An

. Địa danh được nhắc đến trong bài hát chính là xã Gio An, một xã phía Tây, thuộc vùng Trung du bán sơn địa ở huyện Gio Linh. Tôi từng đến Gio An đôi lần. Và lần nào âm hưởng của bài hát cũng vang lên, lay động trong tôi một nỗi niềm rưng rưng khó tả. Dù chiến tranh đã trôi qua, tất cả đã trở thành quá khứ, một trang mới của cuộc sống đang được mở ra từng ngày. Nhưng mỗi khi nghe bài hát ấy, tôi thấy mình như được trở về với những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trở về với quân và dân ta nơi vùng quê một thời khói lửa, đạn bom này. Còn đây trong bốn bề không gian tĩnh lặng của núi đồi, làng mạc… tôi như vẫn còn nghe vang lên tiếng trống trận năm nào.

 

Giếng cổ Gio An

 

Ai chưa đến Gio An thì thôi, chứ đã đến là chỉ muốn đi cho hết những quả đồi hình bát úp, để “mục sở thị” cho bằng được những cái giếng cổ ở đây. Không biết từ bao giờ, nơi này đã hình thành, tọa lạc nên những cái giếng cổ có sức hấp dẫn lạ lùng. Giếng không sâu, không rộng, nhưng nguồn nước lênh láng, tràn trề quanh năm. Những năm hạn hán khủng khiếp nhất, ruộng đồng nơi này chỗ kia có thể bị khô cạn, nứt nẻ, không còn lấy một giọt nước, thì ở đây, trong lòng những cái giếng cổ, nước vẫn ăm ắp, trong xanh tận đáy. Những ghềnh đá án ngữ xung quanh như những bức tường, để rồi từ trong những ghềnh đá này nước cứ rỉ rả chảy ra quanh năm không lúc nào ngưng nghỉ. Nước ở giếng cổ Gio An vì thế mà rất trong, rất mát. Người con gái làng những chiều hè có thể ra đây giặt giũ, soi gương chải tóc. Từ giếng cổ, nước theo những con máng, con mương đổ ra cánh đồng rau liệt, loài rau không một nơi nào trong tỉnh, trong huyện trồng được, mà duy nhất chỉ có ở xã Gio An. Vào thời nhà Nguyễn, rau liệt Gio An được đưa vào Huế chế biến thành món ẩm thực dâng vua, coi như là đặc sản quý hiếm của miền sơn cước... Ngày nay, rau liệt ở Gio An đã mang lại cho người trồng rau trong xã nguồn lợi không nhỏ.

*

Trong kháng chiến chống Mỹ, Gio An là chiến trường ác liệt, là nơi các đơn vị chủ lực của ta như Trung đoàn 24, Trung đoàn 27, thuộc Sư đoàn 325, từng có mặt trực tiếp chiến đấu tại đây. Người dân Gio An đã cùng bộ đội anh dũng chiến đấu để giữ gìn từng tấc đất quê hương. Nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra. Nhiều đồng chí, đồng bào của chúng ta đã anh dũng hy sinh. Sau chiến tranh, nhiều cựu chiến binh ở các tỉnh đã tìm về Gio An thăm lại chiến trường xưa, tìm lại những đồng đội du kích đã cùng họ vào sinh ra tử, những người dân từng nuôi nấng, giúp đỡ họ trong những ngày tháng cam go. Và cũng có những người lần đầu đến Gio An chỉ là để tìm lại người thân của họ đã hy sinh tại đây. Không phải ngẫu nhiên mà vào năm 1998, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến Gio An và tự tay trồng một cây đa ở thôn Gia Bình để tưởng niệm các đồng đội hy sinh. Trong cuộc đời trận mạc của ông, có nhiều năm ông từng nếm mật nằm gai ở đây, nhiều trận đánh ông tham gia cũng tại đây. Ông trưởng thành trong quân ngũ, trở thành vị tướng tài danh chính là ở chiến trường Quảng Trị, trong đó có Gio An, mảnh đất nặng tình nặng nghĩa này.

Sau chiến tranh kết thúc và kéo dài hàng chục năm về sau, Gio An như một vùng đất chết, mặt đất chồng chất hố bom, hố pháo, lau sậy um tùm. Người dân tứ tán khắp nơi, trở về dựng lên những chiếc lán trong cảnh hoang tàn đổ nát ấy để sinh sống và sản xuất. Ngày ấy Gio An thưa thớt, vắng vẻ, đi hàng cây số mới thấy một vài nhà dân. Mấy chục năm trôi qua, cuộc sống của người dân Gio An giờ đây đã thay đổi rất nhiều. Đi qua các thôn An Nha, An Hướng, hay Gia Bình, Tân Văn, đâu đâu cũng thấy nhà xây mái ngói, đường bê tông; đâu đâu cũng thấy xanh biếc một màu hồ tiêu, cao su… Trong sự đổi thay của Gio An hôm nay, có sự đóng góp không nhỏ của những người lính trở về sau chiến tranh.

Ông Hồ Văn Kha là một trong những người lính từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sau giải phóng xuất ngũ trở về địa phương công tác ở Nông trường Cao su Trường Sơn, khi nghỉ hưu làm việc thôn, việc xã, và giờ là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Gio An. Gặp ông, chuyện đầu tiên ông kể với chúng tôi là chuyện tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn xã. Ông kể, năm 2014, thực hiện kế hoạch của Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị về thông tin tìm kiếm mộ liệt sĩ trên địa bàn, Hội Cựu chiến binh xã Gio An đã triển khai kế hoạch đến toàn thể hội viên và nhân dân trong xã. Đây là việc làm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” nên ai cũng tích cực tham gia. Kết quả là chỉ sau đó không lâu, Hội Cựu chiến binh xã đã nhận được khá nhiều thông tin cung cấp nơi chôn cất liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ ở nhiều vị trí khác nhau trên địa bàn xã. Hội tập hợp danh sách báo cáo lên cấp trên. Và công việc tìm kiếm theo những thông tin cung cấp bắt đầu được tiến hành một cách tích cực và khẩn trương.

Có thể nói không có công việc nào khó khăn, gian khổ, đòi hỏi phải bỏ nhiều công sức và sự kiên trì, nhẫn nại như công việc thiêng liêng này. Dẫu rằng đã có những thông tin cung cấp vị trí nơi các liệt sĩ an nghỉ, bên cạnh những thông tin tuyệt đối chính xác, vẫn có những thông tin chỉ là tương đối, thậm chí sai lệch, thiếu chính xác. Một phần do thời gian hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã trôi qua trên dưới nửa thế kỷ, cảnh vật, địa hình đã thay đổi rất nhiều so với thời chiến tranh. Một phần do trí nhớ của người trong cuộc chỉ là “ang áng” nơi mai táng liệt sĩ trước đây. Vậy nên trong quá trình tìm kiếm không tránh khỏi những khó khăn, tốn nhiều công sức, thời gian. Được cái, công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, từ anh bộ đội, người cựu chiến binh, cho đến người dân trong xã, ai cũng nhiệt tình. Ai cũng xem công việc như việc nhà, chẳng ai chần chừ, toán tính. Lại nữa, do làm tốt công tác tuyên truyền từ trước, nên khi vào cuộc, sự phối hợp giữa các đơn vị khá suôn sẻ, nhịp nhàng. Chính vì vậy mà các đợt tìm kiếm, đơn vị đã được nhân dân trong xã tạo mọi điều kiện về nơi ăn chốn ở, thăm hỏi, động viên về mặt tinh thần. Những bát nước uống giữa ngày hè nóng nực hay chiếc bánh bột lọc lúc giữa ca làm đều được người dân Gio An lo lắng chu đáo. Nhân dân cũng sẵn sàng để đơn vị đào xới tìm kiếm ngay trong vườn tược, nương rẫy của mình, sẵn sàng chịu hư hỏng, mất mát về hoa màu, cây cối, mà không cần phải đền bù thiệt hại. Ông Lê Văn Ngư ở thôn An Nha đã chấp nhận để đơn vị xới tung cả vườn sắn rộng 2,5 hécta của gia đình vẫn vui vẻ, không chút tiếc nuối. Bà Hoàng Thị Liễu và nhiều hộ dân khác trong xã cũng có những suy nghĩ và việc làm tương tự. Hay như Nông trường Cao su Trường Sơn cũng tạo điều kiện cho đơn vị tìm kiếm trong vườn cao su của nông trường. Ai cũng mong sao tìm cho bằng được các liệt sĩ, trả lại tên tuổi, quê hương bản quán cho các anh, đưa các anh về an nghỉ cạnh gia đình, người thân, để sớm hôm được hương khói như bao Anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc…

Những đợt tìm kiếm cứ vậy tuần tự tiếp diễn. Dù vất vả nhưng ai cũng phấn chấn với nhiệm vụ được giao. Công việc càng về sau càng trở nên nhanh chóng và hiệu quả. Hương hồn người đã khuất như cũng phù hộ độ trì cho công việc linh thiêng, cao cả này. Tính từ năm 2014 đến nay, Hội Cựu chiến binh xã Gio An phối hợp với Đội quy tập 584 của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hàng chục đợt thăm dò, tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Và họ đã phát hiện, cất bốc được tổng số 71 bộ hài cốt đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Gio Linh. Theo cán bộ địa phương, thì số hài cốt này chủ yếu là anh em bộ đội thuộc các Trung đoàn 24 và 27 của Sư đoàn 325 hy sinh trong các trận đánh hồi Xuân Mậu Thân 1968. Nhiều tấm gương cựu chiến binh xã Gio An đã hết mình với công việc trong suốt các đợt tìm kiếm hài cốt liệt sĩ như các ông Nguyễn Trường Cẩm, Hồ Văn Phúc, Lê Văn Ngư ở thôn An Nha; ông Nguyễn Thành Luân, bà Hồ Thị Cháu ở thôn An Bình. Bà Cháu dù đã ngoài 80 tuổi nhưng rất năng nổ trong công việc. Không tham gia cùng anh em được, bà dành thời gian đi nơi này chỗ kia trong xã, rồi cố nhớ lại nơi an táng anh em bộ đội hy sinh trước đây mà bà từng chứng kiến, từ đó cung cấp thông tin cho đội quy tập. Những trường hợp được bà cung cấp thông tin phần lớn có độ chính xác cao nên việc tìm kiếm cũng trở nên thuận lợi, chính xác hơn.

*

Sau những nhiệm vụ đột xuất, người cựu chiến binh lại trở về với công việc thường ngày. Gio An là xã phát triển khá mạnh cây công nghiệp dài ngày, trong đó hồ tiêu và cao su là hai loại cây chủ lực. Tiêu ở Gio An không thua kém bất cứ xã nào trong vùng từ diện tích đến năng suất sản lượng. Nhà nào cũng có vườn hồ tiêu. Cao su cũng đã được phát triển mạnh từ hàng chục năm trước, đến nay phần lớn diện tích đã cho khai thác mủ. Ở Gio An vào những năm giá hạt tiêu và mủ cao su được giá, nhiều gia đình nông dân đã giàu lên nhanh chóng, làm được nhà, mua sắm được các loại tiện nghi sinh hoạt, phương tiện sản xuất. Ai đến Gio An cũng cảm nhận được sức vươn của một vùng quê từng là trận địa khốc liệt của chiến tranh, từng bị cái khổ cái nghèo đeo bám trong suốt những năm dài sau ngày đất nước thống nhất. Người dân nơi vùng quê bán sơn địa này đã biết đoàn kết, chung lưng đấu cật trên mỗi chặng đường đi tới. Những người lính trở về sau chiến tranh bây giờ lại được cống hiến sức lực trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Trong chiến đấu thì phải mất mát, hy sinh, trong sản xuất thì phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, hơn thế, còn phải có trình độ, năng lực, mới chiến thắng được chúng. Các cựu chiến binh Gio An đã trồng được 99 hécta cao su tiểu điền, trong đó có 60 hécta đã cho khai thác mủ, hơn 50 hécta hồ tiêu, ngoài ra còn chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi cá và trồng rau liệt… Nguồn lợi mang lại cho hội viên hàng năm khá cao. Nếu tính giá như những năm trước đây, chỉ riêng cao su và hồ tiêu, mỗi năm anh em Cựu chiến binh toàn xã thu về trên 15 tỷ đồng. Có khoảng 150 hộ mỗi năm có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng. Đặc biệt có 15 hộ thu nhập từ 120 đến 250 triệu đồng. Ông Hoàng Văn Vinh ở thôn Hảo Sơn, vừa trồng cao su, hồ tiêu, rau liệt, nuôi lợn nái, nuôi cá, mỗi năm trừ các khoản chi phí có lãi trên dưới 100 triệu đồng. Ông Lê Văn Lưỡng ở thôn Tân Văn cũng nuôi lợn, trồng tiêu, cao su, thu nhập khoảng 150 triệu đồng một năm. Ông Lê Phước Hoạch ở thôn An Nha là sĩ quan Bộ đội Biên phòng nghỉ hưu có vườn hồ tiêu năm cao nhất đạt 1,4 tấn, năm được giá thu về gần 300 triệu đồng. Ông Phạm Hồng Thanh ở thôn Xuân Hòa mỗi năm có thu nhập bình quân 200 triệu đồng từ trang trại nuôi lợn rừng, kết hợp với nuôi cá và trồng cây công nghiệp… Chưa bao giờ một không khí thi đua lao động sản xuất lại được mọi người hưởng ứng tích cực như bây giờ. Ở đâu cũng nghe bàn bạc phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất trong sản xuất? Có làm, có đúc rút kinh nghiệm, rồi phải có phương hướng cho từng mùa vụ thì nhất định hiệu quả sản xuất của năm sau sẽ cao hơn năm trước. Gio An giờ đây không còn là vùng quê bán sơn địa nghèo khó của mươi, mười lăm năm trước nữa. Tất cả đã đổi thay và vẫn đang chuyển mình mạnh mẽ từng ngày.

Và đâu đó trong không gian tĩnh lặng, vẫn như còn vang lên tiếng trống trận năm nào.

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2020


Có thể bạn quan tâm