April 27, 2024, 11:05 am

Cô Rêu và cái “tâm” để ở trẻ Đạ Nhar

Khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt to và sáng, miệng cười duyên, và đặc biệt tiềm tàng một năng lượng của tự tin, nhiệt tâm và nhân ái. Cũng như tất cả sơn nữ dân tộc Mạ ở Tây Nguyên, thành tố để trọn mỗi cái tên là chữ Ka, Ka Rêu, nhưng ai cũng gọi tên cô giáo ấy rất trìu mến, cô Rêu. 

Cô giáo Ka Rêu với giờ học nhóm của học sinh lớp 5

Năm học này cô Rêu bước sang năm thứ bảy nhưng đã là đảng viên chính thức, nhiều năm là giáo viên (GV) giỏi cấp huyện. Cô được Nhà trường chọn vào vùng giáo dục khó khăn nhất, đó là thôn Đạ Nhar, thôn vùng III, “đặc biệt khó khăn” của xã có hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số, nằm ở cuối của huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Phân hiệu Đạ Nhar có 5 lớp học, với hơn 120 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 5 do cô Rêu làm phân hiệu trưởng. Xuất thân trong gia đình nông dân dân tộc Mạ khó khăn, nhưng 3 anh em nhà Rêu đều tốt nghiệp đại học chính quy, anh trai K’Xuyên là GV Lịch sử THCS, bí thư Đoàn trường, em gái Ka Thanh Thanh là GV Mầm non và Ka Rêu (sinh năm 1990). Năm 2013, Ka Rêu tốt nghiệp ngành Giáo dục Tiểu học hạng Giỏi của Trường Đại học Tây Nguyên tại Đăk Lăc. Về lại Lâm Đồng, Rêu được phân công dạy Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Đạ Tẻh 2 năm và sau đó điều động vào Trường Tiểu học Quốc Oai từ 2015, phụ trách lớp 4 lớp 5. Là vùng giáo dục khó khăn nhất huyện, phân trường Đạ Nhar được Nhà nước quan tâm đặc biệt về cơ sở vật chất; cùng đó, Ban giám cử đội ngũ cốt cán đứng lớp. (Trường có 7 GV là đảng viên thì Đạ Nhar có 4 người, gồm tổ trưởng khối 3, tổ trưởng khối 4-5, bí thư chi đoàn trường và cô Ka Rêu). Thầy Nguyễn Phúc Nguyên hiệu trưởng Nhà trường nhận xét: “Cô Rêu là GV tốt nghiệp đại học chính quy chuyên ngành, có năng lực và nổi bật, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm rất cao, tâm huyết với học trò. Tôi dự giờ phát hiện ở cô Rêu trong giảng bài là luôn phải tìm mọi cách để học trò hiểu cho được kiến thức, nghĩa là rất tận tâm. Phẩm chất chính trị và năng lực tốt. Cô Rêu có tiềm năng phát triển và đã được quy hoạch nguồn cán bộ quản lý trong tương lai”.

Các thành tích và danh hiệu

Còn nhiều lời khen về cô giáo Ka Rêu nữa, khi tôi tiếp xúc với các cộng sự của cô: anh Nguyễn Đức Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Oai, Tổ trưởng Tổ Dân vận Đạ Nhar; K’Tiến - Bí thư thôn; Ka Du - Trưởng thôn... Cô Rêu là hạt nhân quan trọng của Tổ Dân vận và cầu nối không ai thay thế được trong hoạt động thúc đẩy giáo dục thôn Đạ Nhar. Cô trở thành “người nhà” của đồng bào Đạ Nhar mỗi ngày, từ lên lớp đến những hoạt động xã hội như vận động học sinh ra lớp, làm sạch môi trường thôn…Dù nhà cách xa hơn 10 km nhưng hàng ngày đến 6 giờ chiều cô Rêu mới rời những nếp nhà của đồng bào người Mạ. Những ngày nhà trường phải nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, cô nhắn trên trang cá nhân: “Phụ huynh lớp 5c-Đạ Nhar cũng như các em học sinh tại phân hiệu Đạ Nhar không cần quá lo lắng, sợ con lỡ mất ngày học nhé. Khi nào đi học lại nhà trường và GVCN sẽ thông báo đầy đủ đến phụ huynh ạ. Tạm thời nghỉ cho đến khi có thông báo mới. Sáng mai cô vô Đạ Nhar để giao bài tập thêm cho các em 5C về làm nhé”. Cô đặt tâm mình vào vùng đất này, bởi ở đó dân trí còn thấp; nhiều gia đình phụ huynh chưa no cơm, ấm áo; ở đó còn mấy chục căn nhà ọp ẹp vì là vùng đất hàng năm phải chịu những cơn lốc đi qua…Rêu chia sẻ trên trang cá nhân: “Xa trường thì nhớ trường mà gần trường thì nhớ chồng”. Sự tự bạch, tự động viên của một cô giáo có chồng nhưng chưa được làm mẹ (chồng là bác sĩ dân tộc Mạ đang công tác tận tỉnh Đắc Nông)…    

Sự nhẫn nại ấy cùng với luôn rèn luyện, trau dồi và học hỏi từ đồng nghiệp, từ tài liệu đã giúp cô giáo Ka Rêu gặt hái nhiều thành công. Cô biết vận dụng hai năm dạy học sinh dân tộc Kinh để “nhìn nhận những ưu điểm, những tồn tại của HS người Mạ và từ đó có những phương pháp cụ thể dạy HS dân tộc thiểu số (DTTS) học tập tốt lên” như cô nói. Để thoát khỏi áp lực lo lắng của năm đầu tiên đảm nhận lớp 5, lại là 100% HS dân tộc thiểu số, cô Rêu vừa học các GV nhiều kinh nghiệm vừa tìm hiểu cả những GV trẻ để tránh những gì hạn chế mà họ mắc phải. Ka Rêu đồng thời học kinh nghiệm quản lý từ cô Loan và thầy hiệu trưởng. Năm 2020, Ka Rêu hoàn thành xuất sắc chương trình bồi dưỡng chuyên viên quản lý nhà nước được nhận giấy khen của Trường Đại học Nội vụ. Tâm niệm của cô Rêu về phương pháp nâng cao chất lượng giáo dục DTTS là bản thân GV ngoài nổ lực trong chuyên môn còn tích cực, nhiệt tâm trong công tác chủ nhiệm. Cô nói: “Em đến phụ huynh phần vì trách nhiệm mình là phân hiệu trưởng, phần khác rất thương học trò, họ không học được là em buồn lắm”.

Ka Rêu rất hiểu ngôn ngữ là phương tiện của tư duy, đặc biệt với HS DTTS bậc tiểu học càng cần phát triển vốn tiếng Việt thì mới tiếp thu bài giảng được. Cô vận dụng linh hoạt các phương pháp bằng thông qua ngôn ngữ Mạ, vừa tạo gần gũi, thân thiện với HS, vừa phát triển tư duy cho các em, thông qua nhiều hoạt động, từ giảng dạy trên lớp đến các hoạt động ngoài giờ... “HS phải coi cô giáo như người thân trong gia đình. Tạo sự gần gũi thì HS mới chia sẻ, tuy nhiên cần có sự nghiêm nghị trong đó, phải có khoảng cách giữa GV và HS”, Rêu nói. Các HS như K’Miệt, K’Tuấn, K’Quân và nhiều HS khác nữa đã được cô dìu bước trong hành trình đi tìm cái chữ thật cảm động. Những kinh nghiệm mà cô Ka Rêu đúc kết đã cho những quả ngọt về kết quả nâng cao chất lượng giáo dục cũng như duy trì chuyên cần trên lớp đối với HS là DTTS. Thế mạnh này của Ka Rêu trở thành đề tài của “Sáng kiến kinh nghiệm” trong các cuộc thi GV giỏi và được đánh giá xuất sắc.

Những bước đi của cô giáo Ka Rêu đã có những đích đến: nhiều năm là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; các danh hiệu GV Dạy giỏi, GV Chủ nhiệm giỏi và GV giỏi Nghiệp vụ sư phạm trẻ cấp huyện. Rêu còn là thí sinh GV giỏi cấp tỉnh; thí sinh đạt giải Khuyến khích cuộc thi “Cán bộ công đoàn giỏi” của huyện; thí sinh kể chuyện hay nhất về Bác Hồ cuộc thi “Tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Huyện ủy tổ chức…Năm 2020, Ka Rêu là một trong 13 cá nhân tiêu biểu tại Hội nghị Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kết thúc năm học 2019-2020, cô giáo Ka Rêu là “Chiến sĩ thi đua cơ sở” của huyện và được vinh danh là “Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020” do Tỉnh Đoàn Lâm Đồng trao tặng. Đúng như cô chia sẻ: “Chỉ cần đặt cái tâm vào mọi việc bạn làm, bạn sẽ gặt hái được quả ngọt”.

MINH ĐẠO

 


Có thể bạn quan tâm