April 27, 2024, 4:38 am

CỔ PHẦN HÓA NHÀ MÁY LỌC DẦU DUNG QUẤT

Sau 9 năm hoạt động rất an toàn và hiệu quả, từ tháng 2/2009 đến nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã sản xuất và xuất bán gần 50 triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu 862,5 ngàn tỉ đồng (~38 tỉ USD), nộp ngân sách Nhà nước hơn 143,1 nghìn tỉ đồng (gần 7 tỉ USD). Các chỉ số tài chính của Công ty BSR trong 11 tháng 2017 đều ở mức cao với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ ROE là 21,12%; Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ROS là 10,56%; Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ROA là 11,9%.

Như thế, các tỷ suất lợi nhuận ở mức cao trong năm 2017 đã minh chứng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang ở đỉnh cao của một nhà máy làm ăn có lãi. Đó là cơ sở để Nhà máy lọc dầu Dung Quất đề xuất phương án cho phép cổ phần hóa.

 

Ngày 8/12/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký Quyết định 1978/QĐ-TTg về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Lọc Hóa dầu Bình Sơn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo đó, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn có vốn điều lệ hơn 31 nghìn tỷ đồng. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cổ phần Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ tại BSR là 1.333.214.835 cổ phẩn, chiếm 43% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 6.483.000 cổ phần, chiếm 0,21% vốn điều lệ; 241.556.969 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 7,79% vốn điều lệ; 1.519.244.812 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 49% vốn điều lệ. Nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ theo quy định.

Như thế, khi cổ phần hóa, nhà nước Việt Nam cùng người lao động và đối tác nội địa vẫn giữ 51% cổ phần chi phối, tạo sự ổn định trong sản xuất và kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường có nhiều cạnh tranh. Những kinh nghiệm sau 9 năm hoạt động của Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho phép phía Việt Nam tin tưởng rằng cổ phần hóa là bước tiến để nhà máy phát triển bền vững. Vì thế, sau khi gửi thư mời quan tâm, BSR đã nhận được phản hồi tích cực và làm việc trực tiếp với 17 quỹ đầu tư và 5 đối tác, là các tập đoàn lớn muốn tham gia làm đối tác chiến lược, trong đó có hai công ty nước ngoài kinh doanh lĩnh vực hóa dầu định mua tối đa cổ phần cho phép (ở mức 49%), gồm World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum (châu Phi). Tiến trình đàm phán đang tiếp diễn nhưng khả năng đi tới kết luận mua cổ phần và hợp tác vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất là rất khả quan.

 

Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hiện nay là một tất yếu, nhưng phải kiên quyết bảo vệ vốn và tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa cũng là một yêu cầu bắt buộc. Không thể vì cổ phần hóa mà nhà nước phải chịu thiệt hại, không thể định giá thấp hơn thực tế tài sản nhà nước trong cổ phần hóa, và nhất là, không vì cổ phần hóa mà định hướng sản xuất bị đảo lộn, mang tới những thiệt hại cho tất cả cổ đông. Cổ phần hóa là để phát triển, để làm lợi hơn cho tất cả các phía tham gia, và bảo đảm ngày càng tăng doanh thu, lợi nhuận và phần nộp ngân sách. Kinh nghiệm những doanh nghiệp nhà nước thành công sau cổ phần hóa, tại Quảng Ngãi điển hình là Công ty Đường Quảng Ngãi, đã mang lại nhiều kinh nghiệm và sự tự tin cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong tiến trình cổ phần hóa này.

Sự minh bạch trong cổ phần hóa cũng là điều kiện tiên quyết để các đối tác có sự tin tưởng một khi muốn hợp tác. Vì thế, ngay trước khi có Quyết định cổ phần hóa Công ty BSR, các Tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới như Rosneft - nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, Tập đoàn SK (Hàn Quốc), PTT - công ty lớn nhất của Thái Lan, và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Kuwait đã đánh tiếng mua cổ phần của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Bên cạnh các đối tác nước ngoài, Tập đoàn Petrolimex cũng mong muốn trở thành đối tác chiến lược thông qua việc mua cổ phần của BSR, và ưu tiên tiêu thụ tối đa sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Như thế, các đối tác từ trong nước tới nước ngoài đều thật sự quan tâm tới việc mua cổ phần tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, và đó là thuận lợi trong tiến trình đàm phán để đi tới kết quả cuối cùng.

Chính vì trong 9 năm nay Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã vận hành an toàn tuyệt đối và tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận qua từng năm, điều khiến các đối tác muốn đàm phán mua cổ phần cảm thấy yên tâm, mà khả năng thành tựu của công cuộc cổ phần hóa tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất là rất khả quan.

 

Toàn bộ cán bộ công nhân viên Nhà máy lọc dầu Dung Quất tin tưởng chắc chắn rằng, sau cổ phần hóa, nhà máy và Công ty của mình sẽ tiếp tục phát triển thuận lợi, cả nhà nước, đối tác cổ phần hóa, và chủ thể là Nhà máy lọc dầu Dung Quất đều được hưởng lợi từ việc cổ phần hóa này. Thực tế từ Công ty Đường Quảng Ngãi cho thấy, sau cổ phần hóa, thu nhập của cán bộ công nhân viên Công ty đã tăng gấp nhiều lần, và đời sống của người lao động đã khá giả tới mức mà trước khi cổ phần hóa họ không bao giờ dám nghĩ tới.

 


Có thể bạn quan tâm