April 26, 2024, 7:25 am

Có những cuộc đời vượt qua tiểu thuyết...

 

Ai đó nói rằng mỗi con người ta là một thế giới, hiểu được đã không hề đơn giản, viết cái sự hiểu ấy cho ra tấm, ra món, chinh phục được người đọc lại càng khó hơn nhiều. Đó cũng là thử thách đối với những nhà báo, kể cả ký giả chuyên nghiệp ở một thể loại phi hư cấu nghiêm ngặt như ký sự báo chí. Theo lẽ ấy mà nói thì 21 nhân vật trong tập sách này, mỗi người một vẻ đã cộng hưởng làm nên một tiểu thiên hạ sinh động và thu hút không chỉ với riêng Trần Tuấn.

21 nhân vật với những nhát cắt cuộc đời, những biến cố số phận hay chỉ là cuộc sống đời thường được lựa chọn và lột tả...cũng phong phú, đa sắc, đa thanh như mọi sự xảy ra dưới vòm trời này (thiên hạ) bằng lao động truyền thần chữ nghĩa. Từ gia đình ông lão cần lao gánh nước thuê ở phố cổ Hội An cho đến ông nguyên cán bộ cao cấp chỉ đứng sau mấy vị nguyên thủ quốc gia mang dáng dấp của Bao Công thời đương đại; rồi có nhân vật từ cuộc đời bước vào tiểu thuyết, lại cũng có người từ tiểu thuyết bước ra lại với cuộc đời mang theo những nổi chìm thế sự đa đoan...với đủ các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố... và nhiều khi cũng đầy bất ngờ như chính sự thể thiên biến vạn hóa cõi hồng trần.

Kể chuyện người gánh nước thuê tưởng chẳng có gì để nói nhiều về một công việc vất vả lại có phần đơn điệu, thế nhưng vẫn có những điều đọng lại về sự-nhọc-nhằn-lương -thiện. Cụ Nguyễn Đường tuổi ngoài tám mươi gánh nước giếng Bá Lê như thể có đôi chân vạn dặm đi khắp các ngõ ngách ở Hội An hơn 40 năm ròng rã. Rồi một ngày được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là “Người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất tại Việt Nam”, được lên sóng VTV3, được du khách Tây chụp ảnh lưu niệm...Trở thành “người nổi tiếng” thì cụ vẫn ở trong ngôi nhà chật chội, vẫn tiếp tục đi gánh nước thuê, gánh luôn cả một phần ký ức và hồn vía phố cổ nơi này. Và ký sự kết thúc bằng những ngẫm ngợi mở ra thêm cánh cửa rộng thoáng chân trời liên tưởng tinh tế và thức nhận sâu đằm: “Gánh nước giếng Bá Lê như chợt kéo cho phố thấp xuống ngang mái đầu con người. Khung cảnh cũ kỹ, chậm rãi, thấp nhỏ hiền hòa của những trăm năm trước. Nghe từng ngọn rêu xuân bung nở đầu tường, trên mái ngói. Nghe từng ô cửa trở mình men theo vạt nắng xiên ngang... Những thứ mà người đời vì vội vã đang để rơi vãi, mất mát quá nhiều. Khi đổ xô chạy theo thời cuộc với bao thứ hồ nghi bóng nhoáng mà nhễ nhại...” (Kỷ lục của người gánh nước).

Cả ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư, chủ tịch Hội An cũng nổi tiếng cả nước vì tấm lòng thành với quê hương và cả tính cách góc cạnh, quyết đoán được báo chí nói nhiều cũng hiện ra dưới ngòi bút Trần Tuấn một cách ấn tượng từ một góc nhìn riêng biệt. Thần thái và phần nào tâm can của một con người đã hiện ra sinh động chỉ trong mấy câu giáo đầu chấm phá:

“Khi lũ nhà báo chúng tôi leo lên thuyền từ bến Trần Phú ở phố cổ, Nguyễn Sự-khi ấy là Chủ tịch thị xã Hội An hay tin chạy tới. Hốt hoảng trước cảnh bốn bề nước lũ bời bời, cuồn cuộn, “lão” Sự vội quơ mũ khỏi tay lạy sống cả đám: “Lạy các cụ, các cụ đừng có đi, bỏ mạng cả đám bây chừ! Để mai bớt nước hẵng tính”. Vẫn kiên quyết nhỏ neo, lão rơm rớm nước mắt: “Tụi bây không thương tau à?”. Vẫn đổ lỳ, lão đổ sang bài vừa lẫy vừa hù: “Tui bây đi thì bỏ lại thẻ phóng viên lại hết đây, tau gom lại để có ảnh mà... thờ”. Chẳng ai sợ, vẫn đi, nhìn theo lão còm rom tơi nón đứng trên bờ... khóc!”. (Ông Sự).

Nếu hai con người vừa rồi khá tương thích với góc nhìn đời thường hoặc sự kiện, tạm gọi nghiêng về là tuýp “nhân vật báo chí” dù vẫn là “của để dành” của văn học thì hai số phận sắp nói dưới đây với những thăng trầm, góc khuất quanh co, khúc khuỷu không dễ gì nói hết mới thực sự là những số phận của tiểu thuyết, thậm chí nói như tác giả là còn hơn cả tiểu thuyết, “Vượt qua tiểu thuyết”.

Có lẽ đọc tác phẩm nổi tiếng “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc nhiều người nhớ đến hai nhân vật: thứ nhất là anh hùng Núp, hẳn rồi, thứ nữa là anh Thế, cán bộ người Kinh, người giác ngộ cách mạng cho anh Núp. Tưởng nhân vật này chỉ có trong tiểu thuyết và tồn tại thì chắc ở đâu đó xa vời.  Hóa ra nhà báo Trần Tuấn đã gặp nguyên mẫu bằng xương bằng thịt. Thế nhưng sao tác giả lại mở đầu bài viết hồi cố bằng sự tự vấn lương tâm khiến độc giả không khỏi bất ngờ và lòng người bỗng dưng se thắt:  

“Tôi chẳng bao giờ tha thứ nổi cho mình. Từ cái buổi trưa nắng gắt của nhiều năm về trước ấy. Giá như tôi kiên trì hơn, nhiệt tình hơn, giá như tôi cất lên tiếng nói kịp thời, giá như...thì có lẽ nơi ngã ba đầu làng của cái miền quê Trung Bộ nghèo nàn, suốt nhiều buổi chiều không có một ông lão 80 tuổi tóc bạc phủ vai với đôi mắt hoang dại lảm nhảm độc thoại, cười nói với mình...” (Đi tìm anh Thế)...

Muốn thấu tỏ ngọn ngành, khúc nhôi chỉ còn cách đọc từ đầu đến cuối.

Hay như ông Lê Công Cơ (Lê Phương Thảo) người sáng lập Đại học dân lập Duy Tân (Đà Nẵng), nguyên mẫu của tiểu thuyết từng xôn xao dư luận một thời “Học phí trả bằng máu “ của nhà văn Nguyễn Khắc Phục cũng được tái hiện trong ký sự Trần Tuấn như “một số phận mang chứa trong đó nhiều thân phận” đầy kịch tính éo le chìm nổi. Hãy đọc một đoạn về ông trong ký sự Vượt qua tiểu thuyết:

“... Đó có lẽ là chương đời dữ dội nhất với Lê Công Cơ. Tháng 9/1978 học xong khóa Cao cấp chính trị tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Hà Nội, ông buộc phải chuyển công tác từ Bình Trị Thiên về Uỷ ban MTTQVN tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Ngay sau đó ông bị đình chỉ công tác, chịu sự “kiểm tra”, thẩm vấn của tổ chức. Với nghi vấn ông là... CIA của Mỹ (?!). Suốt 3 năm 8 tháng sau đó, ông phải viết đến 800 trang tự thuật. Cứ viết đi rồi viết lại. Lương thì bị cắt. Đói. Đau nhất là vợ con...”.

Cuộc đời của nguyên mẫu “Anh Thế” hay ông Lê Công Cơ không chỉ nói riêng cho chính họ mà còn là ý nghĩa điển hình hóa, mang bóng dáng của lịch sử, đại diện của nhiều số phận cùng thời, qua giọt nước có thể thấy tiếng gào thét của biển cả và cả những lặng im sấm sét không nói, không thể nói hoặc chưa thể nói. Chỉ có những ai tâm hồn trắc ẩn, lại chịu khó dấn thân ngụp lặn giữa cuộc đời mới có thể sẻ chia và thấu hiểu. Nói như nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Những tấn kịch thánh thần sa nước mắt/Thế gian này cũng chuyện đùa thôi...” (Khúc ngâm đùa chơi).

Cũng may là nhiều số phận chịu oan khiên, khuất lấp và cả sự lãng quên, vô cảm, cả những người dám đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực lại gặp được cán bộ tâm huyết, thương yêu đồng bào như ông Đỗ Quang Thắng từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiêm tra Trung ương. Ông tâm sự với tác giả điều mình trăn trở và cũng thời sự nóng hổi của hôm nay: “Có hai vấn đề là tôi coi nhức nhối nhất hiện nay, đó là chống tham nhũng và công tác cán bộ. Trung ương đều đã có nghị quyết về những vấn đề này, nhưng đã làm đến nơi đến chốn chưa. Theo tôi là chưa...”. (Ông Năm Thắng).

Bài viết này cũng chỉ là đôi nét thoáng qua về vài nhân vật trong tập sách. Với họ còn nhiều điều cần người đọc khám phá qua những trang viết thấm đẫm nhân tình. Và còn nhiều nhân vật cũng rất đáng “gặp” mà bài viết nhỏ này chưa kịp nói đến. Đó có thể là một người dân quê nặng lòng với làng biển Nam Ô, giải thích tên làng còn chính xác hơn cả người thức giả (Nam Ô miên man); hay là “dị nhân” vất vả nhưng rất đáng yêu luôn sống vì người khác (Lại Phiền Hà);  cũng có thể là “người lính già đầu bạc” gần đất xa trời nhưng vẫn chưa lúc nào yên lòng với bạn chiến đấu của mình đã hy sinh (Người lính già 80 tuổi online với cựu binh Mỹ đi tìm đồng đội), hoặc có khi là cựu binh từ bên kia nửa vòng trái đất tự nguyện muốn làm vơi bớt nỗi đau thời hậu chiến (Mẹ Việt Nam anh hùng của cựu binh Mỹ), hoặc một doanh nhân tâm huyết đóng góp cho địa phương gần cả tỷ USD được người dân và cả Thủ tướng ghi nhận, cả những số phận ngả nghiêng trong ba đào thế sự (Đoạn kết có hậu của một đời người giông bão)...Tất cả hiện lên chân thực qua một sự lao động báo chí nghiêm cẩn bằng một bút lực dụng công, tài hoa và tinh tế. Dù đơn giản hay phức tạp thì: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử” (Evtushenko). Vì thế nhiều ký sự không chỉ có giá trị thông tin thời sự nhất thời đã được khẳng định mà sẽ còn được đọc đi đọc lại, có thể được luận bàn, tranh cãi vì chạm đến chiều sâu thân phận còn người và cả những sự kiện lịch sử hệ trọng cần giải mã.

Tác giả đã gom nhặt và lựa chọn những ký sự nhân vật tâm đắc nhất của mình trong trong khoảng 20 năm qua từng ký thác thành những trang viết gan ruột. Phần còn lại tùy thuộc vào cảm nhận của người đọc và sự lắng đọng với thời gian.

Phạm Xuân Dũng

Nguồn Văn nghệ số 53/2022


Có thể bạn quan tâm