April 27, 2024, 8:44 am

Có một lứa văn chương mang tên “NHÓM BÚP”

 

Cách đây 43 năm, vào mùa hè năm 1976, khi đất nước vừa thống nhất , Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình là tỉnh đầu tiên trên cả nước đã khởi xướng việc mở lớp “Đào tạo, bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học” vào các tháng hè.

          Ngày ấy, học trò chưa có lệ học thêm. Các em được “triệu” về Hội, thường một tháng. Có năm hai tháng. Hoặc, ít nhất cũng ba tuần. Học trò về lớp được tỉnh chu cấp toàn bộ kinh phí ăn ở, học tập đến các cuộc tham quan, thâm nhập thực tế trong và ngoài tỉnh.

        Có tới hơn chục năm trời, từ Hà Nội, các nhà văn Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Võ Quảng, Định Hải, Phong Thu ... được mời về Thái Bình cùng các nhà văn địa phương tham gia giảng dạy.   

        Với cái khó ở Lớp đào tạo “các Nhà văn nhí” là,  làm thế nào để giản dị hóa những phức tạp của thuật ngữ, nội dung, thi pháp sáng tác ở các bài sơ giảng về lý luận văn học. Từ cảm xúc, hình ảnh - hình tượng. Từ cụ thể hóa đến trừu tượng hóa, khái quát hóa. Rồi, đề tài, chủ đề tư tưởng...   

        Thực ra, trên thế giới, không có trường lớp nào có thể đào tạo được nhà văn. Bởi, tài năng văn chương mang đặc điểm hết sức đơn nhất. Mỗi nhà văn, họ là những vũ trụ riêng biệt. Vậy thì, cái “Lò luyện văn chương” của Thái Bình với các thầy Tô Hoài, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Bút Ngữ, Kim Chuông, Lê Bính ... Thầy, chỉ là người khơi nguồn, tạo nên những giây phút cho các nghệ sĩ thăng hoa, khai sáng hồn mình.

       Hơn mười năm trời. Hơn một trăm “Nhà văn nhí” đi qua các lớp học, các em đã có trên 700 bài văn thơ, được chọn in trên Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, Báo Thái Bình. Rồi, các báo Thiếu niên Tiền Phong, Văn nghệ, Tiền Phong, Tuyển tập thơ Văn Thiếu nhi Thái Bình. Buổi phát thanh Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam v.v... Đặc biệt, số Tạp chí Văn nghệ Thái Bình mang tên Búp trên cành chỉ chuyên giành cho việc đăng tải các sáng tác của các em viết. Rất nhiều năm, “Búp trên cành” của Văn nghệ Thái Bình đã làm nên thương hiệu riêng. Gây được tiếng vang. Nhiều Hội VHNT trên cả nước đã tìm đến Thái Bình trao đổi, học tập kinh nghiệm tổ chức trại lớp

        Hơn mười năm tổ chức lớp, các em Thái Bình đã tham gia 15 cuộc thi viết trong nước và quốc tế. 23 em đã giành từ một đến hai giải, như : Bùi Lan Anh, Vũ Huy Thông, Trần Thu Huê, Phạm Lan Anh, Nguyễn Nga, Nguyễn Thị Toán, Thúy Hằng, Hồng Oanh, Biên Linh, Đào Thanh Bình, Trần Thị Minh Hạnh, Lê Kim Hạnh ... Các em Đỗ Mai Hương, Bùi Thanh Huyền đoạt 3 giải. Riêng Trần Huyền Tâm 4 giải, trong đó có hai giải Nhất – Nhì. Đặc biệt, Lê Quang Đôn được UNESCO trao giải Nhất Thơ với bài thơ Bạn gió mùa hè.       

        Nhận xét về văn chương của các em Thái Bình, nhà văn Tô Hoài, Vũ Tú Nam, từng viết: “Do được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, nhiều năm qua, ở nhiều cuộc thi, các em ở Thái Bình đều chiếm nhiều giải cao. Văn thơ của các em Thái Bình hay, trội vượt ở cảm xúc. Ở sự cảm nhận tinh tế. Ở hình ảnh, hình tượng nghệ thuật...”.   

      Từ mùa hè 1976, đến nay, đã đi qua 43 năm, trước cuộc đời rộng lớn, nhiều em đã ngoặt sang lỗi rẽ khác. Nhưng, khá nhiều em trở thành nhà giáo giỏi, dạy văn. Những Phóng viên báo chí. Những nhà nghiên cứu phê bình Văn học, Điện ảnh. Sáu cây bút đã trở thành Hội viên các Hội VHNT trên khắp miền Nam Bắc. Bốn tác giả đã có tới hàng chục đầu sách trình làng. Vài ba tác giả đã nhiều lần đoạt Giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tác Văn học trên phạm vi cả nước.

          Từ “Lò luyện văn chương” được “tụ nghĩa” thuở ấy, có thể gọi đây là điểm sáng, là sự kiện lịch sử văn chương không dễ vùng đất, tháng năm nào, có được. Khi tháng7/ 2019 này, tập văn thơ Búp và Hoa, sách dày 424 trang, của 23 tác giả được tập hợp, ra mắt công chúng bạn đọc.

        23 tác giả của 43 năm trụ lại, từ khắp miền đất nước, họ vẫn hò hẹn, tìm về những cuộc “tụ hội văn chương.” Họ có riêng “trang Báo mạng” mang tên Búp trên cành. Họ thường xuyên đăng tải những sáng tác mới. Những trao đổi, góp ý. Những kế hoạch in chung, in riêng cho các tác giả trong nhóm.     

        Với bốn tác giả Huyền Tâm, Biên Linh, Hồng Oanh, Thúy Hằng đã có ba bốn tập sách trình làng. Rồi, Đào Thanh Bình, Bùi Biên Linh đã hoàn thành hai cuốn tiểu thuyết đang chờ thời cơ công bố, Búp và Hoa là quãng dài của bước chuyển tiếp, đổi khác. Khi một thuở, thơ văn của các em với nét trội là cậy nhờ vào ngoại giới. Thơ của thi nhãn. Của cái Nhìn, cái Gặp. Của khả năng ôm trùm một thế giới bề mặt.                      

            Qua quãng dài dãi lọc, văn chương của “Nhóm Búp” đã là sự đổi thay của cả một không gian rộng lớn, của chiều sâu hồn người cầm bút.

Vẫn là nguồn mở của cảm xúc bùng nổ, thơ Bùi Lan Anh, Phạm Lan Anh, Nguyễn Thị Toán, Phạm Hồng Oanh, Bùi Thanh Huyền, Thuý Hằng, Đỗ Thị Huệ, Diệu Liên, Phạm Minh Châu, Minh Hương, Trần Minh Hạnh, Minh Yến... đã quay về tầng chìm sâu của năng lực tư duy. Thơ từ đại giác được dẫn về đại mộng, gợi hơn, thấm loang hơn ở những thi ảnh giàu và đẹp. Ví như : “Bồi hồi gió ngược bờ đê/ Lòng rưng rưng với bộn bề Xa – Sau/ Trăng tàn huyền hoặc đêm sâu/ Còn ta huyền hoặc bằng câu ru mình” (Lê Kim Hạnh.)

Rõ ràng, thơ của họ đi từ “Cảnh sinh Sự. Sự sinh Cảnh ... Rồi Cảnh và Sự sinh Tình”.  Trên mạch nguồn này, thơ Bùi Thanh Huyền khá giàu cảm xúc. Ngôn từ lung linh, cao đẹp. Bùi Thanh Huyền có những câu thơ thật riêng, thật “cá thể hóa”. Ví như: “Mẹ ơi/ Con sợ lúc nào có một chàng trai đến đón con/ Con sẽ nhớ người ta nhiều hơn nhớ mẹ.” 

Hoặc, với Nguyễn Thị Toán, ngay từ buổi đầu “vào lớp”, bài thơ lớn hơn vóc dáng cô bé mới hơn mười tuổi đầu đã trội vượt ở sức nghĩ. “Ông ơi vì sao/ Giọt nước biển quê mình mặn chát/ Chẳng khác giọt mồ hôi và nước mắt/  .... Nỗi buồn hiện lên mặt ông/ Nếp nhăn nhiều hơn mắt lưới/” Đấy là bài thơ Cháu hỏi ông. Còn hôm nay, trong nhiều bài viết, thơ của Nguyễn Thị Toán vẫn giàu cái nghĩ ấy với “cái Cảm” quyện hòa:

       Rồi, với Bùi Thái Phúc. bài thơ Nói với con thật cảm động ở cảnh ngộ, cảnh huống.

Dễ thấy, đọc Búp và Hoa, phải nói, mỗi bài thơ, trang văn đều ra đời từ sự đốt cháy, sự nổi loạn của con tim người viết. Cái khác chăng? Là năng lượng chuyển vận của cảm xúc. Là cách tiếp cận thế giới ngoại cảnh. Là cách biểu hiện, kết cấu. Là cách lập tứ. Là kỹ xảo, ma mị ngôn từ thuộc về mỗi tài năng...

Cùng với phần lớn là sáng tác thơ, mảng văn xuôi cũng khá phong phú, với các tác giả : Vũ Huy Thông, Bùi Biên Linh, Trần Thị Thu Huê, Lã Thị Bắc Lý, Đào Thanh Bình, Trần Vân Hương, Nguyễn Nga, Trần Thị Minh Hạnh ... Trong đó có 13 tác giả vừa có sáng tác thơ và văn xuôi.

Vài ba tác giả “xông” vào lãnh địa Lý luận - Phê bình. Song, Lã Thị Bắc Lý, một Nhà giáo, Nhà nghiên cứu văn học đang giảng dạy ở một trường Đại học đã có đóng góp nhiều hơn ở những bài đăng tải trên các số tạp chi với những phát hiện, những phẩm bình tinh tế. Đáng kể, bốn tác giả, có thành tựu trội vượt, làm nên bề dày hơn, như: Bùi Thị Biên Linh. Với hai tập thơ Ý nghĩ ban mai Khoảng xanh miền nắng. Rồi, tập Bút ký Gửi lại dấu yêu, đã giành được hai giải thưởng của Liên hiệp Các Hội VHNT Việt Nam cho một tập văn xuôi và một tập thơ vào các năm 2016-2018. Rồi, một Giải Nhất chùm Bút ký của Báo Sinh viên và Trung ương Đoàn, trong số 15 nghìn bài dự thi trên cả nước, làm nên hiện tượng quý hiếm trong lịch sử văn chương của tỉnh Bình Phước, nơi nhà văn đang sống.

Trường hợp, Trần Huyền Tâm, cũng là một hiện tượng. Tâm viết nhiều, viết hay khi bước vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”. Trong vòng gần ba năm qua, Trần Huyền Tâm liên tiếp cho ra đời hai tập thơ và một tập Tản văn.

Thơ và văn xuôi của Trần Huyền Tâm “luôn nồng say, da diết. Luôn làm nên vệt đậm ở cảm thức, ở khuynh hướng tư tưởng nghệ thuật. Ở sự bồi đắp niềm tin, niềm yêu thương, hòa ái. Ở nguồn chủ đạo là hướng về cái “Tịnh”, cái “Minh triết”, đời người...”.

        Với Phạm Hồng Oanh, một tài năng trẻ sớm được hình thành. Oanh viết đều, viết khá hay cả Truyện ngắn và Thơ. Phạm Hồng Oanh đã nhiều lần giành được Giải thưởng ở các cuộc thi vùng miền, khu vực. Năm 2018, tập thơ “Hoa nở không mùa” của Oanh được Giải thưởng của Liên hiệp Các Hội VHNT Việt Nam, khẳng định: Phạm Hồng Oanh, một trong đôi ba nhà văn xứng đáng ngôi vị hàng đầu trong đội ngũ những người cầm bút đang sống và viết ở Thái Bình.

       Người đọc nhớ thơ Oanh, với những câu:  “Gỡ xong ngày tháng vô tình/ Lòng ai chừng đã nổi thành váng chua” / Hoặc: “Chợt gần gũi đã xa xôi/ Trái tim sống được bởi nuôi nỗi buồn”...                                                                                                                    

          Cùng lứa với Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Thúy Hằng, đã khẳng định bút lực ở cả hai mảng Văn xuôi và Thơ. Thơ Thúy Hằng giàu  chất thi sĩ với những câu gây ấn tượng khó quên. Ví như: “Hãy yêu như lũ tràn đầy/ Mặc thuyền tan, cánh buồm gầy xác xao”/ Hoặc: “Biết rằng đã khuất đò ngang/ Sao còn xuống bến lội sang một mình”/  Hoặc: “Lung linh một mảnh trăng gầy/  Treo lòng em nỗi đắng cay bên trời” ...

            Là “Thầy Chủ nhiệm” gắn với các khóa đào tạo (1976-1987), tôi biết, nhiều “Búp Văn” đang khá giàu “lưng túi”, các em đang chuẩn bị công bố các tác phẩm của mình, ngõ hầu làm “Thi đàn Nhóm Búp” sẽ sáng lên vẻ đẹp trước “một lứa bên trời,” trước tháng năm họ sống.

        Trong khiêm nhường những gì đang có, tổ chức Lớp “Đào tạo bồi dưỡng năng khiếu sáng tác Văn học của Hội VHNT - Thái Bình” từ 43 năm trước, tiền thân của nhóm “Văn Búp” hôm nay. Với thành tựu này, so với các nhóm Văn Bút trước nó, ai dám bảo rằng nhỏ? Ai dám bảo nó dễ mất bóng trưóc năm tháng, ngày đi? Khi gương mặt này, tác phẩm ấy... Họ đã và đang gửi tới mai sau ...

Nguồn Văn nghệ số 30/2019


Có thể bạn quan tâm