April 26, 2024, 11:15 pm

Cỏ miên hương

                                                  

… Lần mất trí thứ năm

Khuôn mặt ông lão nhúm nhó.

Cái miệng trẻ thơ cười ngây dại.

Đôi bàn tay như lá khô cứ vàu vò vào nhau khi thấy đám tang đi qua.

“Hoa đẹp quá. Nhiều ô tô. Nhà giầu quá”.

Ông lão cứ xít xoa liên tục.

Một cô gái tiến sát ông, nói nhỏ: “Về nhà đi bác”.

Ánh mắt ông lão trở lên mờ đục. Đất dưới chân ông bỗng chín nhừ. Ông lão khụy xuống, ôm riết chiếc bao tải dứa, hằn rõ bên trong có nửa quả bí đao. Chiếc que sắt gắp than tổ ong. Main máy tính..., nửa cây truyền xê-zom.

Lúc trước, xe ô tô máy lạnh chở quan tài cách nghĩa trang Thịnh Chịa hai cây số rưỡi thì phải chuyển “quan sang chiếc xe bánh sắt. Từ đây vào đến huyệt phải rước trên một đoạn bờ mương, khấp khểnh như đưa võng. Đi đằng trước Đại Dư là chấp hiệu Xênh, trước chấp hiệu Xênh là Án Thực và thằng thanh niên trông như một con nghiện phụ trách chấp hiệu Linh Danh. Dăm chiếc kỳ héo rệch rạc bước lẫn với mấy cụ già đội Cầu, tua rua sặc sỡ. Chấp hiệu Lệnh thỉnh thoảng điểm vài tiếng tùng… tùng... ung tai. Ông lão mắc bệnh tâm thần bỗng ngất lịm khi chợt nhìn thấy tấm ảnh người đàn bà đặt trên Án Thực. Cơ thể ông lão ấp cứng lên chiếc bao tải dứa, gia sản ông cụ sưu tầm chẳng biết từ bao giờ.

 … Mười hai tiếng đồng hồ sau ông lão mới tỉnh lại trong bệnh viện.

Kỳ lạ. Điều đầu tiên ông lão cất lời với chị y tá đang cúi xuống kiểm tra huyết áp cho ông là hỏi về cô con gái.

  • Chị bảo cái Hoa lo việc nhà ấy, không phải vào trông tôi nữa.
  • Hoa nào hả ông?
  • Hoa con gái tôi đấy. Chị làm ơn đi.
  • Vâng. Ông cứ nghỉ. Cháu sẽ nhắn.
  • Chị nhớ nhé. Một chốc nữa nó vào. Nó mang canh cua đồng cho tôi ăn, mà.

Buổi chiều, buổi tối đó, suốt cả ngày hôm sau, cả lần trực kế tiếp chị y tá vẫn không thấy bóng cô con gái mang canh cua đồng cho cha cô. Chị đoán chắc ông lão chỉ nói lẩn thẩn, còn ông thì khẳng định và vẫn cứ chờ con mình hơn là chờ một bát canh cua.

- Bác tên gì nhỉ?

- Tôi là Quyền.

- Thế mà bệnh án ghi, bác mất trí nhớ.

- Ồ.

Ông lão cũng vô cùng ngạc nhiên khi buột miệng nói ra tên mình. Kỳ lạ thế. Ông trau mày lục lọi xem có gì thêm nữa trong cái đầu luôn nhức nhối và buồn vảng vất. Tuyệt nhiên không, hoàn toàn rỗng rễnh. Có lúc ông còn cảm giác trong đầu đang chứa khối keo đặc quánh màng một màng ni lông dai nhoanh nhoách, không thể xuyên thủng. Nhìn ánh mắt ông lão, anh bác sỹ trẻ măng dường hiểu: “Ông già thực sự không còn nhớ gì cả”.

-  Trong não của bác hiện giờ đang có vật cứng khu trú. Nguyên nhân buốt đầu, bị mất trí nhớ là do dị vật này.

       -  Dạ. Chỉ buốt đầu...?!

       -  Không. Phim chụp cắt lớp, vật cứng có xu hướng di chuyển - Anh bác sỹ ngừng nói, giơ tay đặt lên vai ông già - Khó khăn bây giờ là bác không có người thân ở đây. Bác cân nhắc đi, ca mổ sẽ nan giải đấy.

-  Tốn phí nhiều không bác sỹ?

Ông Quyền khẩn khoản.

Anh bác sỹ mỉm cười.

-  Bác có thể tự ký giấy cam đoan không?

-  Bác sỹ cho tôi suy nghĩ thêm. Thưa ạ.

-  Vâng tuỳ bác.

 

 

Lần mất trí thứ hai…

“Ha ha... cứu được Toàn rồi. Pằng pằng... pằng pằng... chết đi. Chúng mày tưởng ngon à. Không đâu, không dễ thế đâu. Pằng pằng”.

Ông Quyền nấp vào chum nước, vào gốc cam, lúc lại nằm nghiêng hướng đầu chiếc đòn gánh ngược lên.

“Xung phong, anh em ơi lên đi. Tôi yểm trợ cho. Pằng pằng... pằng”

 -  Mẹ ơi, các bác ơi, cứu bố con với.

Mặt con Hoa trắng bệch.

Nước mắt nước mũi chảy ròng ròng.

Chiều, rong rẩy nắng lên mấy mảng mây hình vẩy cá.

Ngôi nhà trên quả đồi nườm nượp màu xanh vải thiều, nhãn, cam, nuốt thỏm tiếng kêu của người cựu binh và tiếng khóc, rên la của cô con gái ông. Vết sẹo như chiếc lá na trên đầu ông Quyền đỏ tía lên. Hai tia máu ở thái dương bên phải giật tang tang thế mà ông vẫn hăng hái “bắn súng”, xung phong, bò, toài. Được một lúc thì ông giấc sức, thỉu, thẳng dẵng giữa sân nhà. Con Hoa lập cập vơ vất xoa bụi đất dính như trát trên người cha nó.

“Bố ơi, ngủ thế này à. Cứng kèo như cây chuối ấy”.

Xoa mãi, rồi con Hoa cũng mệt, thừ người ra. Hai tay nó chống cằm đăm đăm nhìn ra cổng. Bà thì cứ ốm mãi không về đi. Mẹ ơi! Con Hoa gạt vẩy nước mắt đọng khô trên má rồi khẽ khàng nằm xuống cạnh cha, ngủ thiếp trong bóng chiều nhập nhoạng.

Hương cỏ miên dìu dịu tràn kín khoảng sân và ngôi nhà ba gian mái ngói.

  • Tội nghiệp con tôi. Sao người lấm lem thế này?!

 Ông Quyền gợ bàn tay, đỡ con lên hè. Thấy người bạo bực khô rang như có lửa bên trong, ông Quyền bước ra bờ giếng, quẳng cái gầu oàm xuống. Nước giếng đồi rời rợi tran khắp cơ thể, ngấm vào từng lỗ chân lông làm mềm làn da như gỗ mun của ông. Tắm xong, ông Quyền đi vào, ngồi xuống, xoa xoa đầu đứa con gái.

- Nào dậy đi, cục vàng. Ngủ vạ vật giờ này?

 Con Hoa bừng mắt. Hai tay nó bỗng co rúm.

- Ơ, nhìn bố thế? Gớm, cua đồng mẹ bắt, gạch chắc ơi là chắc.

- Bố - Con Hoa oà khóc. Lúc nẫy bố như bị động kinh ấy.

 Ông Quyền ngó con âu yếm.

- Bố bắn súng, la hét. Con sợ quá.

 Mắt ông Quyền bỗng rỡ lên. Ký ức trận chiến cuối cùng lại hiện về.

   ... Trận đánh tiếp theo trên điểm cao 566 không cân sức. Tiểu đội đặc công K774 tiêu diệt gần nửa đại đội lính dù và gọn lẻm một trung đội Đại Hàn. Pháo sáng từ cứ điểm Thúc Dí bỗng phụt lên trời liên hồi. “Sắp pháo bầy”. Mọi người cơ động xuống chân điểm cao thì những ánh chớp xanh lè loé lên, kèm mấy chục tiếng nổ inh tai. Quả đồi như chao võng, từng mét đất bị đạn pháo xóc xới như vằm. Pháo kích vừa dứt đã đen kịt bóng áo rằn.  Tiểu đoàn Con Ó từ cao điểm 115, dâng sang như lũ. Tiếng AR15, Cạc-pin đì đọp. Thủ pháo trên tay Cang, Thực vung liên tục. Toàn thấy tê dại bên chân phải, không còn chủ động điều khiển được nữa. “Em bị rồi anh Cang”. “Cố lên Toàn”.  Xung quanh vẫn đen đặc sắc rằn ri. Toàn tựa mình vào tảng đá màu trắng ngà, dốc sức quạt AK. “Anh Cang và mọi người rút đi. Em gửi lời chào anh em..., anh Quyền”. Ba quả thủ pháo trên tay Toàn vung lên một lúc.

 Bầu trời quẩng màu lửa đỏ!

 Quyền và một số anh em dồn hoả lực uy hiếp vòng ngoài cho hai tiểu đội đặc công thọc sâu tiêu diệt quân địch đang chiếm giữ đồi Lậc Lèng, nghi binh cho đánh lớn Tây Khe Ngoàm ba ngày sau đấy. “Toàn bị thương. Ở lại cản địch” Tiểu đội trưởng Cang buồn rầu nói với Quyền. Chưa nghe hết câu, Quyền đã vùng xách AK lao lên điểm cao. Chín anh em không ai bảo ai phóng theo, rồi tả xung hữu đột, cuối cùng mọi người cũng lôi được Quyền bất tỉnh về điểm tập kết. Một tuần sau Quyền mới tỉnh lại. “Có cứu được Toàn không anh Cang?”. “Quyền à... anh em an táng Toàn cẩn thận rồi. Suýt nữa cậu làm mọi người thương vong thêm. Thôi, yên tâm điều trị đi”. Máu trên đầu Quyền lại rỉ ra, thấm đẫm mảng băng vừa thay. “Cậu ruột em dặn lúc nhập ngũ, sống chết phải bảo vệ nó, phải đưa được nó về nguyên vẹn anh Cang à. Toàn ơi?”.

Quyền khóc rống, rồi ngất lịm.

 

 

Lần mất trí thứ nhất…

 “Bà Doanh ơi sang trại ăn dưỡng Cầu Cất. Thằng Quyền nó về rồi đấy”.

  Toác.

Bà Doanh buông rơi chiếc chậu sành.

Gạo lép, thóc thối, ruột bầu, mai cua loang cả ra cửa chuồng trâu.

Bà lặng lẽ bệt xuống nền đất ẩm mùi giun dế. Gió chiều ào ạt từ cánh đồng Quán Dương quật phần phật tấm giấy dầu lợp chuồng trâu. Con trâu cái già trố mắt như cái chôn bát nhìn bà rồi nó cọ sừng đánh cộc gióng chuồng. Bà Doanh tong tưởi vào nhà, nghiêng sảnh gạo vét sạch vào cái dùi tượng. Tần ngần một lúc, bà lại đổ xoà đấu gạo xuống sành. Giời ơi. Ruột gan mình hôi hổi thế này. Bước vội ra thềm, bà lập cập vấp binh một cái vào bậu cửa, móng chân muốn bung ra.

 Bịch, bịch.

 Đường cũng vừa đi làm đồng về. Chị thang lang cái cuốc vào góc chuồng trâu rồi ngồi thụp xuống sân. Mẻ ốc vặn vứt tạch ngay bên cạnh. Chị gỡ cái nón, búi cao đụm tóc, hở cái cổ mịn giòn. Về đến đầu ngõ, Đường đã nghe ông Thược báo tin hôm qua gặp Quyền ở trại điều dưỡng Cầu Cất. “Anh bị thương sao không biết? cách nhà vài cây số mà không chịu nhắn một tiếng về”. Vẫn cái thói gan lì. Chẳng biết ai chạc chìu tóc dài tóc rối từng đêm.

 Tùng, tùng.

 Trống báo giờ tan học.

- Con Hoa!

 Đường thẳng thốt.

 Bà Doanh đứng từ nẫy quan sát bộ dạng bất thường của con dâu. Điều gì đang nhong nhổi trong lòng nó? Ôi dào. Nó chả biết tin của chồng trước cả mình ấy chứ. Ruộng ải. Đúng quá. Bà phì cười, kéo chiếc vạt áo gụ ụp lên mặt, cẩm như thèm lắm mùi đất cát dính tựa phết vào.

Ngoài cổng, tiếng chân người gấp gáp. Không nhìn, nhưng hai mẹ con đều biết người đàn ông mà họ đỏ mắt cạn ngày đi qua cả giấc mơ ngủ buổi trưa của họ đã trở về.

- U

 Quyền gọi nhẹ bẫng như vừa xa nhà vài bữa.

Bà Doanh dấn đến, ấp khuôn mặt đẫm nước mắt vào khoảng ngực vâm váp của con trai. Cây xoan đào cạnh sân trải hoa đầy trước mặt. Râm ran tiếng trẻ như đàn chim sáo ngoài ngõ. Con Hoa ào vào, tươi rói. Nó trố mắt nhìn mẹ, nhìn bà rồi lại thô thố ngó bác bộ đội to cao xuất hiện trong sân nhà mình. Quyền quay ra như thôi miên đứa trẻ. Con bé giống Đường như tạc.

Trời.

Quyền không nói được lời nào.

Anh gỡ tay mẹ, lê bước lại thềm nhà như người mất hồn.

Đường nhao đến bên chồng, được vài bước thì khựng lại. Đôi mắt chị cứ trân trân, đủ thứ neo vào. Rồi chị khóc oà, chạy thụt vào trong buồng như một cơn gió.

 Bà Doanh cứ giang hai cánh tay, phấp phới. Như cố quén mọi xúc động, cay cực của các con vào đáy lòng mình.

- Hoa, bố đấy con.

Bà Doanh thúc giục.

Con Hoa mếu máo, bước từng bước lập bập lên hè, tần ngần nhìn bố.

Đúng rồi.

Bố trong lời mẹ kể và tưởng tượng non nớt của mình đây. Mà sao bố không giơ tay đón. Con Hoa quay nhìn bà nội cầu cứu, rồi lại quay sang bố. Nó muốn lao đến ôm lấy cổ, hôn hít lên khuôn mặt đen cháy của bố nó kia, nhưng lại thấy ngại ngần, sờ sợ sao ấy. 

Rồi bất chấp ánh mắt thúc giục của bà nội, con Hoa rợm bước vào buồng với mẹ.

Mồ hôi Quyền toá ra khắp cơ thể.

Bà Doanh te tái nghiêng nồi, chắt cho con bát nước vốt đầy. Quyền đưa lên miệng uống một hơi tựa như mấy ngày hôm nay không được uống nước. Thần sắc Quyền bỗng dại đi. Trước mắt anh hiện từng quồng vàng sáng loang loáng như ánh chớp của thủ pháo. Đầu óc lại quay cuồng, bên trong như có một cơn bão lớn.

Bất giác Quyền vật người xuống hiên nhà, mắt trợn trừng, chân tay co rúm.

 

… Lần mất trí thứ ba

Chiều chảng vảng.

Con chim bói cá thu lu trên mỏm cầu ao, thỉnh thoảng lại phóng chủm xuống mặt nước ngấn ánh vàng.

Chủm mãi mà con bói cá chẳng bắt được chú cá nhỏ nào.

Ông Quyền ngồi như tượng đếm không biết bao nhiêu số lần con chim bắt mồi. Ông ngóng con gái đi học về. Trống trường điểm gần một tiếng đồng hồ rồi mà chưa thấy nó nhảy chân sáo vào cổng. Không gian ngột ngợp, báo hiệu sắp có cơn giông. Mùi cỏ miên ngào hăng hắc tràn vào ngực không làm dịu cảm giác bời bời ngập trùng sương đang xâm chiếm lòng ông.

Thế là ngôi nhà bây giờ chỉ còn ba người, ba thế hệ.

 

*

… Bà cụ Doanh phát bệnh, cứ vận người thổ từng búng huyết. Đã lâu lắm bà mới thấy người yếu thế này, cũng tại mấy hôm nay bà cố bóc nốt bẹ cái vườn mía. Bà làm giấu khi Đường  bận ngoài đồng. “Tội nghiệp con bé việc gì cũng đến tay, trước ở bên nhà, nó đâu vất vả thế”. Rồi bà thúng thắng ho, gây gấy sốt, cảm như có hòn đá chèn trong ngực. Bà cố vươn người đẩy nó ra, không được. Đường phải đưa mẹ nhập viện ngay. Mấy ngày liền trông nom  mẹ chồng, Đường phờ phạc cả người.

…“Thế bác đã đỡ chưa?”.

Vừa đạp xe Nhiện vừa nhỏ nhẹ.

“Cám ơn anh. Đã qua nguy kịch, nhưng bệnh này chẳng biết sao. Em ân hận quá. Bà cụ có bao giờ uống viên thuốc nào đâu”.

“Phải tin bệnh viện chứ. Chứng lao đã có thuốc chữa. Cốt nhất là bồi bổ. Anh Quyền nhà chị có về cũng chẳng giải quyết được gì, lại rối lòng thêm”.

“Hôm nay không có anh. Đi bộ về đến làng chắc tối. Lúc này mới thấy thiếu bóng đàn ông...”

Đường thở dài đánh thượt.

“Trạm máy kéo gần bệnh viện, thiếu thốn gì chị cứ nói, đừng ngại, mình là người làng”.

    Thế là vài ba ngày Nhiện lại qua thăm bà Doanh. Việc chăm mẹ chồng, rồi đồng áng đang kỳ chiến dịch, Đường không biết xoay sở sao. Có ngày chị phải nhờ Nhiện nhảng sang, nấu cho bà Doanh bát cháo, lấy hộ phích nước sôi. Tháng đầu qua đi, Nhiện trở nên thân tình với bà Doanh. Phần, bà cảm thấy Nhiện không ngại chứng lao của bà, phần neo người quá đành phải phiền. “Anh là người nhà bà Doanh?”. “Không, là người làng”. Ông bác sỹ già nhíu mày “Anh nói lại, người nhà hay người làng?”  Nhiện lúng túng: “Dạ cháu là người nhà”. “Bà Doanh  thiếu máu, hồng cầu còn hơn một triệu. Viện hết máu nhóm B, anh gọi người nhà đến thử để tiếp cho bà, nếu không sẽ nguy” Nhiện hoảng lên. Có ai đâu. Mà mình chỉ trông hộ bà cụ. Bất giác, anh chìa tay cho bác sỹ “Thưa... có thể lấy máu của cháu không?”. “Thế máu anh nhóm nào?”. “Dạ, cũng nhóm B”. Bà Doanh  được cứu. Hôm sau đến, thấy sắc diện Nhiện thay đổi Đường mới hay chuyện. Ắng hàng tuần không thấy Nhiện qua, bà Doanh giục con dâu sang trạm máy kéo xem thế nào. Đường ngại. Bà Doanh bảo lần thứ ba Đường mới đi.

    Căn nhà tập thể vắng vẻ. Mọi người trong cơ quan chiều nay xuống xã. Đường ngập ngừng đến gian nhà Nhiện ở. Bên trong bừa bộn áo quần, mấy cái bát ăn cơm vứt chỏng chơ. Chiếc màn một mắc xùm xụp. Nhiện đang sốt cao không dậy được, hơn một ngày nay anh nhịn đói. Thương cảm dậy lên trong lòng Đường. Phút chốc, lòng tốt, sự mang ơn và cả cái trống chải bao ngày... ào đến. Thèm khát bùng lên khi Đường cầm chiếc khăn mặt ướt ấp lên trán người con trai. Chỉ khi cơn giông ập tới, quăng tấm tôn trên mái nhà xuống cái sân trước cửa, hai người mới giật mình...!

    Bà Doanh khỏi bệnh, cũng là lúc Đường lăn ra ốm. Mệt mỏi, buồn khổ, khiến Đường phờ phạc chẳng thiết gì. “Phải kể hết anh ấy biết”. Ý nghĩ phục thiện giúp chị gượng dậy. Đường ra ga tầu hoả tìm đến nơi Quyền đóng quân. Chị đi được hai ngày thì trở về.

“Nó khoẻ không con?”.

Bà Doanh đứng ở đầu ngõ nửa buổi rồi chờ con dâu.

“Anh ấy khoẻ mẹ ạ. Con đến nơi vừa kịp lúc anh Quyền vào B... cập rập quá.”.  

Bà Doanh càng vui hơn khi thấy cổ con dâu cứ ngẳng ra sau lần đi thăm chồng.

    Đường nhận được lá thư thứ ba khi Quyền vừa dứt trận đánh ở Cồn Tiên. Vài dòng nguyệch ngoặc trên tờ giấy bạc bao thuốc lá Tam Đảo, Quyền viết ngay trên trận địa. Tối đó, Đường đẻ con Hoa. Nhiện ít về làng, anh ngại phải gặp Đường. Nhiện biết giữa anh và Đường chẳng “phải lòng” nhau. Chút mềm lòng đã không ngăn được dòng thác tình cảm nhất thời. Một năm sau đấy Nhiện có quyết định điều động đến một trạm máy kéo tận dưới Quảng Ninh. Rồi anh lấy vợ. Vợ Nhiện bán hàng điện tử trong chợ đường biên. Thời gian dần qua đi cũng làm vợi niềm ân hận trong anh. Chuyện về cái làng mới Kim Đôi, về một chiều giông gió cũng phai nhoà trong tâm trí Nhiện. Chỉ có điều, tất cả đang vô tình dồn đổ vò xé ruột gan Đường mà Nhiện đâu hay biết gì.

 

*

 

- Quyền à, con thu xếp ra Móng Cái cảm ơn anh Nhiện. Không có anh ấy, hôm nay u chỉ còn là đống đất. Người tốt như anh Nhiện, thật hiếm.

Mỗi lần bà Doanh nhắc đến Nhiện, khuôn mặt Quyền lại dại đi,  trên trán như thêm nếp nhăn. Quyền không biết phải làm gì trong hoàn cảnh hiện tại. Ngày Đường vào thăm, anh vừa đi B, đâu còn ở Hoà Bình. Nhiện là ân nhân cứu sống mẹ vừa là kẻ xen vào làm hỏng hạnh phúc gia đình anh. Cái Hoa thì cứ như ngô, như ngỗng. Lại quện cha suốt ngày cũng bởi ở nhà mẹ luôn nhắc đến anh mỗi khi nựng nó. Ngày ngày bấm đốt như bước giật lùi. Quyền không khác gì cây vông già đứng im lìm đầu ngõ. Không thể vô tình và cũng không thể nào nguôi ngoai mặc cảm. Có lúc Quyền muốn đi thật xa, muốn trở lại chiến trường nhưng còn mẹ và chẳng dối  mình, anh vẫn rất yêu thương vợ. Đành vậy, tháng ngày rồi sẽ vơi mọi chuyện. Thời gian sẽ làm mọi điều ấm lại. Quyền thường tự vấn. Nghĩ thế, nhưng sao khó. Quyền vẫn lạnh lùng, chuyện gối chăn chồng vợ anh chẳng thể nào làm được.

... một ngày, đường ray tầu hoả đổ dài bóng người đàn ông bước thấp bước cao cố theo dấu đoàn tầu xa khuất. Ở trên đó có người vợ yêu thương vô cùng, trách cứ vô cùng đang xa rời ông. Sự ghẻ lạnh, dằn lòng, cả buộc lòng nữa. Sự ích kỷ, không mở lòng đã chẳng cho ông cơ hội gầy nắm tro những đêm Đông lạnh. Để mãi nhiều năm sau này, tâm can ông Quyền chẳng thể khoá, chẳng thể đóng chặt được nắp hòm tâm tưởng.

 

… Lần mất trí thứ tư

Bà Doanh đã mất.

Hoa lớn lên xinh xắn và càng giống mẹ. Mỗi lần nhìn nó, nỗi buồn trong lòng ông Quyền càng tím thậm thêm. Con bé yêu cha và ông Quyền cũng rất yêu thương con. Có điều, chuyện nó không phải là con đẻ, ông Quyền vẫn chôn chặt trong lòng. Hoa học giỏi, thi đỗ vào trường Đại học văn hoá khoa phát hành sách. Bốn năm học tập của nó là nghìn giấc ngủ ông Quyền không trọn. Bàn tay ông sần chai để có những đấu gạo quê, mẻ tép khô và những củ khoai lang nở bung thơm phức cùng những đồng tiền cóp nhặt bán đụt bán lờ khắp các phiên chợ Bần chợ Phí gửi xuống cho con. Ra trường, Hoa được nhận vào làm hợp đồng ở thư viện một cơ quan đóng ngay tại thủ đô. Rồi đúng cái tháng ngâu khi con đâm đấm vườn nhà rền lên khắc khoải, con cái Hoa dẫn về anh chàng sinh viên học năm thứ ba trường Đại học xây dựng rồi nằn nì cha cho chúng cưới nhau. Ông Quyền rụng rời tay chân, như đứng trước việc đã rồi. Chẳng lẽ mỗi đời người đều có sẵn một món nợ cầm tay. Thương con, ông Quyền lụm cụm tổ chức đám cưới cho con như làm điều khuất tắt. Cũng tạm, công việc hai vợ chồng Hoa ổn định, nhưng hiềm nỗi, lương chúng thấp. Bên nhà cậu con rể cũng khó khăn. Hai vợ chồng Hoa đã ra nghề mấy năm mà vẫn phải thuê nhà để ở. Thật khổ. Không chịu được cảnh con gái lụt cụt chui ra chui vào trong cái xóm trọ sát bờ đê, ông Quyền lặng lẽ bán dinh cơ ở quê rồi khăn gói tay nải lên Hà Nội mua cho chúng căn hộ tập thể ngoại vi thành phố. Và dĩ nhiên ông cũng phải lên sống cùng vợ chồng con.

 Căn hộ tầng tư rộng hai mươi chín mét vuông gồm hai phòng nhỏ và phần ngách lồi lõm. Đơn nguyên căn nhà lắp ghép bê tông còn giăng mươi chiếc vấu sắt, lổm ngổm. Ông Quyền gọi thợ câu gỡ “gian phòng” tốc-xi bốn mét vuông chòi ra lan can như nửa chiếc công-ten-nơ treo lệch. Giang sơn của ông Quyền mùa Đông ong ong như trong chum, mùa hè thì như chui vào cái nồi. Thế đấy. Cuối đời tưởng thảnh thơi sau bao vất vả giờ ông Quyền tự nguyện giam mình trong chiếc chuồng cọp bức bối tù túng ninh người. Ở quê, biết chuyện, ai tường, cũng bảo ông lại “mất trí”. Cua máy, cáy đào. Kệ xác nó. Khổ sở, sinh hoạt đảo lộn vậy, nhưng mỗi lần thấy con và cháu ngoại khoẻ mạnh là lòng ông Quyền ấm áp đôi chút.

 Vài năm qua đi, cơ chế thị trường bung ra, cậu con rể ông Quyền làm ăn được. Nó nhận khoán được vài công trình. Thôi thì đủ: Cưa đường. Đổ xi măng sân trường đại học. Xây cống thuỷ nông, thuỷ lợi. Xây nhà tình nghĩa..., nhổ cột điện bê tông cũ. Trúng thầu vài vụ, nó trở thành ông chủ và dần dà tính tình đổi khác, khệnh khạng, gia trưởng. Gia trưởng ngay tại ngôi nhà bố vợ tậu cho. Ông Quyền hiểu cái nghịch lý khắc nghiệt ở đời. Tưởng, không mang những thứ tép tôm ngoài kia về nhà à? Đừng mơ con ạ. Như quả bầu khô, buồn rỗng, ông Quyền chẳng còn biết làm sao. Độ này, ông hay mất ngủ vì nhớ cuộc sống ở trên quê, nhất là vào những ngày giáp tết khi nghe tiếng xe đạp thồ cữu kịt chở những thứ tươi ngon nhất mang ra thành phố bán trong cái chợ tạm ngay mé dưới nhà ông. Tất cả tạp âm xe máy chạy, tiếng ô tô, tiếng rao quà rong, loa phát thanh của phường vang váng bản tin vệ sinh, bản tin đuổi chợ... cả tiếng hát xẩm eo ẻo nhộn nhạo thêm đám cưới, làm khuấy động đám tang cần phải tĩnh lặng bùi ngùi, không hề át tiếng chim khách chí chách đầu buổi sớm như lên dây cót nhắc ông Quyền ngó xuống cái chợ để thấy những mẻ tôm nhẩy tanh tách, mẻ cá trê béo vàng, quả bí ngô săn tròn, mớ rau tập tàng điểm những bông hoa muớp, nụ mướp giăng giăng dưới con ngõ rộng, dưới những cái nón ngả màu, động đậy, khiến lòng ông không tĩnh được. Ông nhớ lắm mùi cỏ miên vườn nhà. Giống cỏ thân hình tam giác nẩy những bông hoa trắng như cúc áo, chỉ ngặt vài nhánh để trên lòng bàn tay, ngửi là sẽ ngây ngất. Hương cỏ quyến rũ ấy đã theo ông Quyền suốt những năm chiến trận. Một lần về quê thăm bà cô ruột, ông trở lại căn nhà đã nhượng cho đại gia trên phố làm trang trại. Ông bứng một vầng nhỏ mang lên trồng vào chiếc âu sành ngoài lan can. Mỗi lần buốt đầu, ông Quyền lại lần ra, ngó khóm xanh mịn mắt ấy, cơn đau sẽ dịu đi. Thương cha, cô con gái dành mọi tình yêu và sự chăm sóc những mong ông Quyền khoẻ mạnh sống lâu với con cháu. Nhưng dù ăn uống bồi dưỡng thêm thế nào, người ông Quyền cũng không thể béo tốt, cứ sắt xeo như cây cảnh thiếu nắng ấy.

 

Lần mất trí thứ năm...

 

 Căn hộ tập thể tầng tư của ông Quyền nhượng lại cho một bà thương gia chợ Sắt dưới Hải Phòng để cho cô con gái đỗ cao đẳng nhạc hoạ trung ương ở, với giá năm trăm sáu mươi triệu. Số tiền ông Quyền nằm mơ. Cái Hoa muốn gửi vào ngân hàng cho cha. Thôi thì như của để dành. Ông Quyền bảo không cần. Hằng tháng ông đã có tiền trợ cấp thương tật. Ăn tiêu gì đâu.

-  Ôi dào. Chưa được hai cái bánh con Cam-ry tôi chạy. Phân vân, bàn gì, sạn ruột.

-  Anh nói khẽ chứ, bố chưa ngủ đâu.

-  Chưa ngủ thì nghe. Giao đãi mà làm gì.

-  Anh không thương tôi thì cũng nể người đẻ ra tôi chứ!

Tiếng hai vợ chồng Hoa qua lại.

Tiếng tấm tức của con gái vọng xuống tầng hai.

Lúc này, ông Quyền đang ngồi hóng gió đêm ngoài lan can. Ông nhăn mặt đứng dậy, rón rén lùi vào phòng như sợ cô con gái bắt gặp mình đang làm điều không phải.

 “Ông Quyền sướng rồi”. “Ai ngờ cuối đời được ở biệt thự”. “Con thế mới là con, mát lòng”. Vâng, mát lòng. Ông Quyền ậm ừ trước sự trầm trồ của các bà vợ mấy ông bạn già hôm từ biệt nhà K6 đến chỗ ở mới. Số tiền nhượng căn hộ tập thể ông giao cho con gái toàn quyền quyết định. Cô con gái đưa tất cho chồng. Hơn năm trăm triệu chỉ thêm thắt vào mẻ thầu xây cái uỷ ban quận nó sắp khởi công. “Công việc cậu con rể ông như diều gặp gió Đông”. Dần dần, ông càng thấm thía, mường tượng ra vô vàn điều trái ngược trong cuộc sống gọi là thị thành giầu sang của vợ chồng Hoa. Một ngày, ông Quyền vừa xuống khu nhà cũ thăm mấy ông bạn già. Bước chân về đến nhà ông Quyền nghe thấy tiếng con rể oang oang trong phòng khách.

- Thôi ngay. Đừng làm điều thất đức. Tội đấy. Anh không thương người sống thì cũng đừng có khinh người chết.

Thằng con rể ngẩng lên.

- Ơ. Ông ngoại. Chúng con đang bàn công việc.

- Bàn cái gì. Bàn nhau ăn cắp thì có.

 Thằng đệ tử của con rể ông Quyền vơ vội tập sổ sách chuồn ra cổng.

-  Ha... ông ngoại bàn chuyện xã hội. Ôi - Nó cắm điếu thuốc lá dài ngoẵng vào mồm, bật xoè lửa ga. Mệt, ông cứ thương con thương cháu. Cứ sống yên như mấy năm rồi có tốt không.

Ông Quyền đứng phắt dậy, giang tay... định thoi đến bốp nắm đấm vào cái mặt nặng trịch của thằng con rể. May, ông kìm lại được. Thằng rể đổ ập người vào thành ghế khi nó chỉ mới thấy cánh tay bố vợ nhoáng giơ lên.

Đêm đó ông Quyền lặng lẽ rời khỏi căn nhà con rể.

 

*

-  Bác cố nhớ lại đi. Bác ở tỉnh nào?

-  Tôi chỉ nhớ con tôi là cái Hoa.

-  Vết mổ trên đầu bác tốt rồi. Thật phi thường. Một phần mười mảnh kim loại cũng có thể giết người tức khắc, thế mà nó nằm trong đầu bác nhiều năm. Ổn ổn, sẽ chuyển bác sang quân y viện.

-  Vâng. Đôi lúc tôi vẫn còn vảng vất những trận đánh, lửa đạn.

-  Sau này chắc chắn bác không mắc những cơn mất trí nữa.

-  Cảm ơn bác sỹ.

Anh bác sỹ trẻ mỉm cười với ông Quyền rồi quay người ra khỏi phòng bệnh.

Buổi tối, trên tivi phát mục nhắn tìm đồng đội.

Từ ngày giải phẫu vết thương, ông Quyền hay chăm chú xem tiết mục này.

“Binh nhất  Phan Văn Quyền, người cao gầy, quê quán... trước ở đơn vị... hiện nay Cang, Thật, Dũng. Chúng mình đang ở Kim Đôi quê cậu. Quyền ở đâu nhắn về. Mùng tám tháng tới anh em  có cuộc thăm lại Khe Ngoàm”.

 Ông Quyền nhỏm phát lên. Mắt sáng quắc. Miệng cười rổn rảng. “Tiểu đội trưởng Cang ơi tôi nhớ ra rồi. Tôi sẽ về, đi thăm Toản, thằng Phúc nữa... ôi”.

 Tiếng hét thật to. Các bệnh nhân, cả những người cấp cứu rất nặng trong phòng bệnh đều ngẩng lên nhìn người cựu binh đầu quấn trắng băng.

 Đâu đó thoảng hương cỏ miên tràn vào.

 Ông Quyền nhớ, giống cỏ này vùng quê ông rất nhiều.

Nguồn Văn nghệ số 49/2018

                                                                        

 


Có thể bạn quan tâm