April 26, 2024, 10:51 am

Chuyện về những phiến gỗ Tây Nguyên trong lăng Bác

Ở quảng trường Đại đoàn kết thành phố Plei Ku có một cây trắc rất đặc biệt: Nó là chồi của cây trắc mẹ đã được gửi ra xây lăng Bác năm 1974. Nguyên chủ nhân của cây trắc này là ông Đinh Lực ở làng Đăk A Sê, xã Sơn Lang, huyện KBang (Gia Lai) người đã từng tham gia khai thác gỗ xây Lăng Bác…

Nghe kể những năm trước Sơn Lang rộ lên nạn săn lùng gỗ trắc. Từ nương rẫy cũ cho đến rừng sâu núi thẳm, hễ ở đâu có gỗ trắc là “lâm tặc” tìm tới “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Dù cây trắc này nằm trong rẫy nhà nhưng để giữ được nó, có dạo Đinh Lực phải làm chòi để canh. Chẳng ai gợi ý, chẳng ai khuyến dụ, ông giữ gìn cây trắc bằng tự thân của lòng yêu kính Bác Hồ, mong để lại cho con cháu mai sau một kỷ vật thiêng liêng. Và bởi thế phải mất rất nhiều sức thuyết phục, ông mới chịu để cho người ta bứng cây trắc về đây…

Ban phụ trách xây dựng Lăng Bác đón nhận gỗ quý của nhân dân Tây Nguyên gửi tặng xây dựng Lăng Bác

Tôi tìm về làng Đăk A Sê một ngày giữa tháng 9. Dưới cơn mưa như rây bột, một gam màu xanh của cà phê kéo đến tận chân núi xa mờ. Nổi bật giữa tấm thảm xanh ấy là những ngôi nhà xây kiểu Thái mái tôn đỏ chói. Ngôi làng nhỏ bé, đói nghèo năm xưa giờ đã lột xác như có phép màu… Đinh Lực đây, người đội viên du kích năm xưa giờ đã là một ông lão gần 80 mùa rẫy. Một thoáng ngỡ ngàng nhưng rồi khi biết khách đến thăm để hỏi chuyện xưa, ông lẳng lặng xuống nhà dưới ôm lên một ghè rượu nhỏ. “Phong tục của người Bah Nar khi có khách đến nhà thôi. Có rượu mới mau thân tình, mới mở lòng với nhau được, phải không nào?”

Và quả thật có chút hơi men, cử chỉ của ông bỗng hoạt bát hẳn lên. Đưa tay vò trán như để lục lại trí nhớ, một thoáng im lặng, ông cất giọng xúc động:

- Năm sáu chín (1969) được tin Bác Hồ mất, đồng bào không ai không khóc. Mới hôm nào Bác nói mai mốt thống nhất Bác sẽ vào thăm đồng bào Tây Nguyên, vậy mà không còn dịp uống chung cang rượu mừng chiến thắng với Bác nữa rồi!

Hôm làm lễ truy điệu Bác, mặc trời mưa tầm tã, hàng trăm cán bộ, đồng bào, bộ đội đứng im như hóa đá nghe Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình đọc điếu văn. Những tiếng nấc không nén nổi thỉnh thoảng lại bật lên nghẹn ngào… Truy điệu Bác rồi, ai cũng nặng trĩu trong lòng ý nghĩ: Bác Hồ như cha mình. Nay cha mình mất thì biết tin ai, nghe ai?  Cán bộ phải giải thích: Bác Hồ mất nhưng chúng ta còn Đảng, còn chính phủ; còn những người con được Bác nuôi dạy khôn lớn cũng đã đủ sức gánh vác công việc của Bác để lại… Nguôi dần trong bụng thì lại thầm “thắc mắc”: Bác Hồ mất thì ở đâu, có làm cái nhà cho to đẹp để mai mốt thống nhất đồng bào ra viếng Bác không? Không ai tự trả lời được, đành để trong bụng chờ ngày thống nhất thôi…

Bỗng một ngày cuối năm 1973, Bí thư Tỉnh ủy trần Văn Bình về họp với bà con. Với vẻ mặt xúc động, ông nói: Cấp trên chọn giao cho chúng ta nhiệm vụ khai thác gỗ trắc để gửi ra xây dựng Lăng Bác. Ai yêu nước, yêu Bác Hồ thì tự nguyện xung phong? Yêu nước, yêu Bác Hồ thì ai mà không. Nhưng “lăng” là gì? Ông giải thích: “Lăng là cái nhà quàn thi hài Bác để mai mốt thống nhất bà con mình ra Hà Nội được nhìn thấy Bác”. Ồ, thế thì trúng cái bụng của tất cả mọi người rồi. Ai cũng giơ tay xung phong. Những người không được chọn cứ ấm ức, thắc mắc mãi không thôi…

Tôi về lục tìm trong các cuốn sử địa phương để mong tìm chút thông tin về sự kiện lịch sử này mà tịnh không thấy. Tham gia viết cuốn kỷ yếu về những người từng công tác, chiến đấu ở căn cứ Kroong, tôi được ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gửi cho một ít tài liệu.  Bây giờ thì tôi biết công việc này không chỉ giao cho du kích và bà con xã Sơn Lang mà một lực lượng rộng lớn được huy động tham gia, gồm tất cả các cơ quan dân chính Đảng và lực lượng vũ trang tỉnh. Tổng quân số trên công trường lên đến 653 người; riêng du kích và đồng bào địa phương là 393 người… Kết nối được với ông Trương Văn Sở, bấy giờ là cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy, một trong những người tham gia trực tiếp, ông kể: Công việc bấy giờ được tổ chức rất chặt chẽ: Trưởng ban chỉ huy công trường khai thác gỗ xây Lăng Bác là một  Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, ông Lê Tiên. Dưới ban chỉ huy công trường, người ta lập ra các tiểu ban y tế, đời sống, rèn mộc, bảo vệ… Đội văn công của tỉnh, ban tuyên giáo cũng được huy động ra tại công trường phục vụ. Những ai tham gia công việc, trước hết lấy tinh thần xung phong. Tuy nhiên không phải cứ ai xung phong là được. Những người được tham gia phải là những người sức khỏe tốt, không ngại khó khăn gian khổ, và nhất là phải có tư tưởng vững vàng… Nói tóm lại thì đấy là những người toàn diện, tiêu biểu của mỗi cơ quan. Là người duy nhất của Văn phòng Tỉnh ủy được chọn, giờ kể khó ai tin là hôm đó tôi mừng quá không ngủ được, cứ trằn trọc mong trời mau sáng… Những người được lựa chọn chia thành nhóm, mỗi nhóm khoảng 20 người với những công việc được phân công cụ thể: nhóm chuyên chặt hạ cây, nhóm kéo gỗ, nhóm lo công việc hậu cần… Trước khi triển khai khai thác gỗ, già làng và những người thông thuộc rừng được cử đi khảo sát. Với yêu cầu gỗ phải có chiều dài 4 – 5m, mặt từ 50 cm trở lên, đấy phải là những cây trắc hàng trăm năm tuổi. Trắc lại là loại cây mọc phân tán, không quần tụ như những loại gỗ khác nên để tìm được những cây như thế, các già làng và anh em khảo sát đã không quản ngại xuyên rừng hàng chục cây số, thậm chí có những cánh rừng còn chưa in dấu chân người họ cũng tìm tới. Chọn được những cây đạt tiêu chuẩn rồi thì đánh dấu, vạch trước hướng đi để kéo gỗ ra …

Sáng ngày 25 tháng 3 năm 1974 lễ ra quân được tổ chức trọng thể ngay tại công trường. Sau phát biểu khai mạc của ông Trưởng ban chỉ huy, Anh hùng Núp là người chặt nhát búa phát lệnh cho chiến dịch. Ngoài ý nghĩa là ngọn cờ đoàn kết các dân tộc, ông còn là biểu tượng cho tấm lòng son sắt của đồng bào các dân tộc Tây nguyên với Bác Hồ. Ngày Bác mất, ông tuyên bố là mình sẽ để tang Bác 100 ngày, không cắt tóc, không cạo râu theo tập quán của dân tộc Bah Nar để tỏ tấm lòng thương nhớ đặc biệt với Bác… Nhát búa phát lệnh của ông thêm một lời hiệu triệu, thôi thúc tất cả mọi người dồn hết tâm trí cho công việc thiêng liêng chỉ có một không hai của đời mình…

Ở các xã, không khí ra quân cũng không kém phần sôi nổi… Ông Đinh Lực, trong câu chuyện cùng tôi hôm ấy nhớ lại: Người ra công trường phất cờ, khua chiêng, gióng trống rộn ràng như đi hội. Lẽ ra thì chỉ có một số người được chọn đi thôi nhưng bà con ai cũng muốn góp phần, không ai chịu ở nhà. Phụ nữ thì xung phong giã gạo, không chỉ cho lực lượng du kích xã mà còn cho cả công trường; người già thì nấu cơm, con nít thì nhổ mì, lấy củi, kiếm rau… Mà tất cả đều phải tự túc. Người có gạo góp gạo; người không có góp củ mì; thức ăn thì kiếm được gì ăn nấy… Gỗ trắc già rêu bám trơn nhẫy, phải búa to, rìu nặng mới hạ được. Có những cây gỗ già, rìu chặt vào tóe ra lửa như vấp phải đá. Hạ được rồi thì đẽo thành quy cách như quy định. Kế hoạch giao là 30 cây nhưng ai cũng muốn chặt nhiều hơn. “Gỗ rừng Sơn Lang dành cho Bác Hồ cũng như lòng dân Sợn Lang, không có thiếu, chỉ có thừa. Nếu thừa thì để Chính phủ làm việc khác”. Bà con nói vậy…

Chặt, đẽo gỗ đã khó, tuy vậy mà chẳng thấm vào đâu so với việc kéo gỗ về nơi tập kết. Rừng KBang núi cao tiếp núi, suối sâu nối tiếp suối sâu, mà tất cả phải dùng sức người. Chọn dây rừng thật chắc bện thành chão dài buộc vào một đầu gỗ phía trước, người khỏe thì kéo; người yếu hơn thì đút con lăn, dùng đòn xeo lái gỗ đi cho thẳng hướng… “Hò dô ta… nào!” Hò kéo pháo thuở đánh Tây lại được mang ra hát. Bắp tay căng cứng, đỏ rựng như bắp chuối, ướt nhẫy mồ hôi; chân miết lõm đất mới nhích được cây gỗ lên từng tấc một. Thung lũng bên kia Lâm trường Trạm Lập bây giờ mới khó hơn nhiều lần nữa. Một con suối sâu rồi một con dốc thăm thẳm liền kề. Phải làm cầu mới đưa gỗ qua được. Cả đoàn người môi mím chặt, chân người sau bấm vào chân người đi trước; thân căng như cánh nỏ lên dây đưa gỗ vượt dốc… Mỗi ngày khi bóng tối còn lẫn khuất trong gốc cây rừng, đoàn người đã thức dậy nướng củ mì ăn lót dạ, chỉ chờ rõ mặt người là bắt tay vào kéo gỗ. Đến trưa chỉ dừng lại ăn cơm, xong là tiếp tục ngay. Cả ngày đánh vật với từng súc gỗ, mệt và đói muốn lả người, vậy mà cứ đặt lưng xuống là lại không ngủ được. Ai cũng thấy đêm sao mà dài, ước gì có phép làm cho nó ngắn lại để kịp chuyển gỗ ra ngoài kia…

Cũng trong một không khí lao động bằng cả tình cảm thiêng liêng như thế, ông Trương Văn Sở nhớ lại: Để đưa được những cây gỗ nặng gần cả tấn vượt qua bao dốc cao, suối sâu, chúng tôi đã làm việc như không phải bằng chính sức mình mà bằng sức mạnh của ý chí dẫn dắt… Lúc đầu, anh em cứ nghĩ khó mà đưa được những súc gỗ nặng nề như thế vượt dốc nên đã nghĩ cách làm bánh xe gỗ, đặt vào để kéo. Nhưng rồi chẳng bánh xe nào chịu nổi sức nặng và những lối đi lởm chởm đá, vậy là cứ thế kéo trượt đi…Mồ hôi ướt đẫm áo, thân căng cứng như tấm thép uốn cong, chúng tôi nhích lên theo từng nhịp “hò dô” của người lĩnh xướng… Đưa gỗ lên dốc đã khó, xuống dốc lại cành khó hơn. Không thể thả cho gỗ lao xuống tự do bỡi chúng sẽ đi chệch hướng, và như thế lại càng vất vả. Lúc đó chỉ để hai người phía trước dùng dòn xeo lái cho gỗ đi thẳng hướng, còn thì tất cả phải dồn về phía sau kéo trì cây gỗ lại. Chỉ sểnh tay là người phía trước có thể gặp nguy hiểm ngay, ai nấy mím môi, nín thở nhả sợi dây từng nấc đang siết vào đôi tay trần bỏng rát… Núi rừng như cũng nghe thấu nỗi lòng người cứ cúi đầu, cúi đầu từng nấc một. “Đào đất, cất gỗ”, chẳng còn công việc nào trên đời khó khăn, nặng nhọc hơn. Thế nhưng dù được ưu tiên không phải ăn độn, đủ no để làm việc thì đấy vẫn chỉ là thứ gạo kho “hổ lốn”; còn thức ăn thì phải “tự biên tự diễn”: cá suối, ốc, rau rừng, đọt chuối… nghĩa là bất cứ thức gì có thể đưa cơm. Thế nhưng tất cả mọi người chẳng ai lấy đó làm điều; không một ai chịu vắng mặt, dù chỉ là một giờ. Thậm chí có người vừa mới lui cơn sốt, y tá bảo ở nhà nghỉ vẫn cứ nằng nặc một, hai đòi ra công trường… Chúng tôi chẳng ai nhớ mỗi ngày mình đã làm bao nhiêu tiếng đồng hồ. Cứ mỗi sáng khi bình minh mới chớm hé trên ngọn cây rừng, ai nấy đã hối hả trở dậy làm vội bát cơm sáng lót dạ để đúng 7 giờ không chậm một phút là có mặt tại công trường. Sau bữa cơm trưa chỉ nghỉ ngơi một chút là lại bắt tay vào công việc, có khi phải đến tối mịt mới nghỉ. Cơm tối xong lại bắt tay vào sinh hoạt, kiểm điểm công việc trong ngày rồi tiến hành bình xét thi đua. Người tích cực nhất trong ngày sẽ được ghi điểm để cuối đợt Ban chỉ huy công trường làm căn cứ xét tặng bằng khen giấy khen… Không như những cuộc họp bình xét thi đua thông thường ở cơ quan, với chúng tôi, đấy là những buổi sinh hoạt tư tưởng đầy hào hứng. Trong ánh lửa trại rừng rực, anh em cùng đồng thanh hát vang những bài ca Cách Mạng. Hơi giá thâm u của rừng già cũng như tan biến trước nhiệt huyết bừng bừng của tuổi trẻ. Nỗi vất vả của một ngày lao động cật lực tan biến. Ai cũng thấy như mình được tiếp thêm một nguồn năng lượng thần kỳ, thấy sức lực bỗng dưng mới lại để hào hứng bắt tay vào công việc hôm sau…

Gần một tháng trời, từ ngày 25 tháng 3 đến 20 tháng 4 năm 1974, chỉ bằng đôi tay trần và ý chí của lòng thương nhớ Bác như thế, các nhóm của công trường khai thác gỗ xây Lăng Bác đã kéo 56 cây gỗ trắc vượt qua hàng trăm cây số, mà nơi gần nhất cũng 3km – 20 km, nơi xa tới 50 km, với bao dốc cao, suối sâu - về nơi tập kết. Hầu hết các đơn vị đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, về đích sớm hơn thời gian quy định. Đặc biệt là du kích và đồng bào dân tộc các xã thuộc Khu 1, Khu 2. Họ đã làm đúng như tâm niệm: Gỗ rừng Tây Nguyên dành cho Bác Hồ cũng như lòng dân Tây Nguyên đối với Bác, không có thiếu, chỉ có thừa: Khu 1 kế hoạch giao 30 cây nhưng bà con đã chặt và vận chuyển đến nơi tập kết 39 cây. Khu 2 giao 15 cây, bà con thực hiện 17 cây, vượt thời gian quy định 5 ngày… Nhìn những súc gỗ vuông vắn, nguyên lành được bộ đội nâng niu xếp lên xe để tiếp tục cuộc hành trình, ai nấy đều ứa nước mắt nhìn theo… 

Thời gian thấm thoắt, dù đã gần nửa thế kỷ đã trôi qua thì tất cả những người tham gia sự kiện lịch sử có một không hai này mỗi khi nhắc tới vẫn xem đó là việc làm phi thường, thiêng liêng nhất của cuộc đời mình. Có người hãy còn lưu giữ một cách trân trọng những tấm giấy khen được in ấn sơ sài, giấy đã ố vàng... Có lẽ như ông Đinh Lực đã cắt nghĩa một cách mộc mạc “Thời bây giờ giá chỉ người không, liệu đã ai dám đi bộ hết quãng đường 50 km, vậy mà chúng tôi đã kéo được những súc gỗ nặng nề, vượt qua suối sâu, dốc cao về đích. Vì đâu mà mọi người làm nổi công việc khó khăn đó? Chỉ đơn giản là vì lòng ai cũng thương Bác quá chừng thôi…”.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2022


Có thể bạn quan tâm