April 26, 2024, 7:44 pm

Chuyện muôn đời vẫn… nóng

Lao động di cư nói riêng, dân di cư nói chung, là một hiện tượng lịch sử lâu đời, khi con người có nhu cầu học tập, kiếm tìm việc làm, cuộc sống tốt đẹp hơn, môi trường sống lành mạnh, an toàn hơn… Lao động di cư đi từ nước này đến nước khác, từ nơi này đến nơi khác trong cùng quốc gia, từ nông thôn ra thành thị, từ thành thị đến nông thôn… được xem như điều tất yếu. Tuy nhiên, không phải khi nào và ở đâu, giấc mơ “đổi đời” cũng trở thành hiện thực với những người di cư.

 

Giấc mơ “đổi đời” không phải lúc nào cũng trở thành hiện thực với những người di cư. Ảnh internet

1. Theo tính toán mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong năm 2019, thế giới có gần 17 triệu lao động di cư, tăng 3% so với năm 2017, chiếm gần 5% lực lượng lao động toàn cầu. Trong đó, hơn 2/3 số lao động nhập cư quốc tế tập trung ở các nước có thu nhập cao tại châu Âu và Trung Á, châu Mỹ, các quốc gia Arab và châu Á – Thái Bình Dương. Những đóng góp của lao động di cư là rất đáng kể, giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, nhất là những công việc lao động giản đơn, nặng nhọc; góp phần giải quyết những thách thức về xã hội; tạo việc làm, thúc đẩy sự phát triển… Tuy nhiên, lao động di cư cũng hứng chịu nhiều thua thiệt, như công việc thiếu ổn định, thu nhập thấp, bị phân biệ t đối xử, không được bảo đảm các điều kiện an toàn lao động cần thiết, phải làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… Các cuộc điều tra của ILO và Đối tác Tri thức toàn cầu về di cư và phát triển (KNOMAD) cho biết, khoảng 30% số lao động nhập cư được phỏng vấn cho biết họ đã bị bệnh hoặc bị thương trong thời gian ở nước ngoài và 40% số công nhân nói rằng họ không được trả tiền cho những ngày không thể làm việc vì bệnh tật hoặc thương tích. Nhiều người di cư trải qua điều kiện sống không ổn định trong các khu nhà ở chật chội, thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ cơ bản, chẳng hạn như vệ sinh, điện và nước uống…

Theo tờ The Economist, hơn 300.000 lao động di cư ở Singapore sống trong các khu nhà ở chật hẹp. Họ chủ yếu đến từ các quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc. Điều kiện sinh hoạt đông người trong các khu nhà chật hẹp, không thoáng khí khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh gia tăng. Chỉ tính riêng trong tháng 4-2020, số ca nhiễm Covid-19 ở các khu nhà của lao động di cư lên đến gần 1.400 ca mỗi ngày, chiếm gần 90% tổng số những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Singapore. Đại dịch Covid-19 diễn ra từ cuối năm 2019 và hoành hành dữ dội trong suốt 2 năm 2020 và 2021 khiến những thua thiệt của lao động di cư bộc lộ rõ ràng hơn. Bất an vì mất việc, thu nhập không có, lo ngại bị nhiễm bệnh, không được hưởng các chính sách an sinh xã hội…, nhiều lao động di cư canh cánh những nỗi lo sát sườn như bảo đảm cuộc sống gia đình, tìm cách trở về nhà, quê hương. Nhưng về được nhà cũng đâu có thể thở phào nhẹ nhõm. Làm việc gì để có thu nhập là một câu hỏi lớn. Không chỉ thế, nhiều người lao động di cư ở Sri Lanka, Ấn Độ không chỉ phải trả chi phí đi đường, cách ly, xét nghiệm mà khi trở về còn bị hàng xóm cũ sợ hãi và bị phân biệt đối xử, chịu sự kỳ thị, thậm chí đối mặt với nguy cơ bạo lực. Con đường “tái hòa nhập” tại quê hương bỗng chốc trở nên gian nan, bấp bênh hơn bao giờ hết, mặc cho ưu tiên trong cuộc sống của họ bây giờ đã thay đổi khi kiếm tiền không phải là mục đích tối thượng, mà đó có thể là sự an toàn. Theo các báo cáo của Liên hợp quốc, những người di cư và gia đình của họ thường bị gạt ra bên lề và những nhóm xã hội dễ bị tổn thương đang phải trải qua những khó khăn về kinh tế từ hệ quả của việc áp dụng những biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Tháng 7/2021, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố dỡ bỏ mọi hạn chế do đại dịch, khôi phục đời sống thường nhật. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn, ác mộng vẫn chưa đi qua. Từ tháng 7/2019 đến tháng 9/2020, ước tính có tới 1,3 triệu người nước ngoài rời Anh. Nhiều lĩnh vực kinh tế Anh vốn phụ thuộc vào lao động nhập cư thực sự gặp khó khăn trong vấn đề nhân lực. Tình trạng thiếu hụt lao động diễn ra ngày càng gay gắt, trên nhiều lĩnh vực, nhất là nông nghiệp, vận tải, thực phẩm… Mà nước Anh chỉ là điển hình về dòng lao động nhập cư trở về quê hương họ, gây ra tình trạng khủng hoảng thiếu lao động, cả lao động phổ thông lẫn lao động lành nghề. Đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới đối mặt với tình trạng này và đến nay các quốc gia vẫn đang loay hoay giải bài toán nhân lực, thị trường lao động, kể cả Mỹ, Đức... Sự phục hồi của nền kinh tế nhiều quốc gia đang hết sức bấp bênh, dù không ít biện pháp nới lỏng, trở lại trạng thái “bình thường mới” đã được tiến hành từ cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021.

2. Chỉ nói riêng trong năm 2021, nước ta đã có mấy đợt di cư ào ạt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn cao điểm của đại dịch, có khoảng 1,3 triệu lao động rời các thành phố lớn để về quê. Về quê, có thể không giàu, nhưng họ cho rằng sẽ được an toàn, sẽ có thể đủ ăn đủ mặc, sẽ sống trong chính ngôi nhà của mình mà không phải đi thuê với biết bao chi phí cùng điều kiện sinh hoạt tạm bợ. Trong khi đó, cũng có không ít lao động vẫn bám trụ ở các trung tâm công nghiệp, những đô thị lớn, như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… Sau mấy tháng buộc phải ngừng việc, họ vẫn gắng gượng vượt qua khó khăn, tằn tiện chắt bóp, chi tiêu để rồi từ đầu tháng 10, tháng 11/2021, nhiều lao động đã trở lại làm việc, đã lại có thu nhập ổn định. Để giữ chân người lao động, không ít doanh nghiệp, chính quyền địa phương đã có những chính sách đãi ngộ kịp thời, thỏa đáng, chăm lo đời sống người lao động ngoại tỉnh, giúp họ gắn bó lâu dài với công ty, với công việc. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết: Cùng với những chính sách an sinh của Trung ương và địa phương, tổ chức công đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều chính sách “an sinh công đoàn” để chia sẻ khó khăn với đoàn viên công đoàn, công nhân lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19...

Không chỉ ở Bình Dương, tại nhiều địa phương khác, các cấp chính quyền, doanh nghiệp cũng có nhiều chính sách an sinh, đãi ngộ kịp thời, hợp lý để chăm lo, giữ chân và thu hút người lao động ngoại tỉnh gắn bó làm việc lâu dài với công ty, với địa phương mình. Trong suốt 2 năm chống chọi, vật lộn với đại dịch, không ít mạnh thường quân, người dân bình thường trên cả nước cũng luôn sẵn sàng, trách nhiệm, hết mình chung tay đóng góp công sức, của cải vật chất, tinh thần để giúp đỡ những người kém may mắn hơn trong cộng đồng. Dịch dã rồi cũng sẽ qua. Chúng ta, cũng như nhiều nước trên thế giới, đã xác định sống chung với Covid-19, chứ không thể loại trừ hoàn toàn đại dịch ra khỏi đời sống xã hội. Nhưng, những vấn đề đặt ra cần giải quyết, riêng với lao động di cư, cũng không hề đơn giản, cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Những lao động di cư quay trở lại quê hương cũng đặt ra những câu chuyện đáng suy nghĩ. Rồi đây, ruộng đồng có còn bị bỏ hoang, làng quê liệu chỉ còn người già và trẻ em khi thanh niên, phụ nữ đã đến cả những thành phố, khu công nghiệp để làm công nhân? Rộng hơn là vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới sẽ ra sao? Liệu “tam nông” có đóng vai trò là động lực của nền kinh tế - xã hội, hay chỉ là sự “đỡ đòn” trong những lúc khó khăn, dịch bệnh? Thực tế, ở nông thôn đâu chỉ có làm mỗi nghề nông, bà con có thể làm nhiều ngành nghề khác gắn với phát triển kinh tế nông thôn, trong một môi trường nông nghiệp đa ngành nghề. Biết bao nhiêu câu hỏi khác có thể đặt ra, chỉ riêng với lao động di cư. Dòng người dịch chuyển từ nông thôn về đô thị, và ngược lại, chắc chắn sẽ còn diễn ra. Nhưng nếu các cấp quản lý và các nhà hoạch định kinh tế-xã hội quyết liệt thực thi những chính sách điều tiết vĩ mô, cùng đó là nhạy bén tiên liệu những tình huống cụ thể, thì nhất định có thể kiểm soát, hạn chế được tình hình. Theo đó mà giảm bớt được những nhọc nhằn, bấp bênh, chênh vênh, mạo hiểm cả về đời sống lẫn tính mạng của những người di cư, nói rộng ra là của cả xã hộ

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2022


Có thể bạn quan tâm