April 26, 2024, 12:49 pm

Chuyện láng giềng

                      

Từ Phú Thọ về quê, đất trong làng không có, xã liền chia cho  nhà tôi bốn sào trước cổng làng. Hình như nhà tôi là hộ đầu tiên, sau đó một vài gia đình con cái nhớn lấy vợ, ở riêng, xã đều điều ra đây. Cái xóm mớ thành xóm Trại. Nhà ông Cượng là hộ ra trại sau cùng nhưng lại ở cùng dẫy, sát nhà tôi, vì lúc này địa chính xã thấy đất nhà tôi rộng nên cắt một nửa cấp cho ông Cượng.

Đúng ra ông Cượng không phải hộ trong làng ra trại mà ở tận đồng Hụi chuyển về. Lý do tại làm sao nhà ông lại ở ngoài đồng thì tôi không biết, chỉ nhớ từ bé tí, đánh rậm, bắt cua, hoặc mót lúa trên cánh đồng này, khát nước là tôi thường vào bể nước mưa nhà ông xin một gáo. Nhà ông Cượng ở mỗi mình trên cánh bãi cách làng đến ba cây số vừa là ruộng cao xen lẫn mồ mả. Ngày ấy tôi cứ tự hỏi tại sao ai cũng vào hợp tác xã, cũng ở trong làng mà ông Cượng này lại cá thể, lại ở ngoài cánh bãi vắng vẻ hoang sơ đến cọm người. Nhà cửa thì tạm bợ, cột không ra cột, kèo chẳng ra kèo. Người lớn nói, bố ông Cượng làm hương, lý, gì gì. Ruộng nhiều, tầng lớp trên nhưng sống có tình với làng, không như một số chức dịch. Trước khi hoà bình lập lại bố ông Cượng đem ruộng chia hết cho mọi người, chỉ giữ ba mẫu đất trên cánh đồng Hụi. Sau này tổ đổi công, rồi hợp tác xã ra đời. Nhà ông Cượng - lúc bấy giờ bố ông Cượng mất rồi, chỉ còn mẹ là bà Vách, em là Phúc, vẫn sống cá thể và không về ở trong làng. Mưa dầm nắng dãi, hai anh em  ông Cượng trần lưng trên mảnh ruộng miếng làm miếng bỏ. Thiếu nước, thiếu phân, cỏ mọc đuổi theo người vơ. Khoảnh nào thu được thì gặt cả sào chỉ xếp vừa vài quang, khoảnh nào trễ nải, cỏ, phân, không lo đến nơi đến chốn thì chỉ còn nước cho trẻ nít vào tuốt cổ bông. Vất vả quá không kham được, ông Cượng liền hiến ba mẫu ruộng và cả miếng đất đang cắm nhà rồi xin vào làng. Chắc những người làm việc có ý ưu tiên nên không xếp ông Cượng phải ở dẫy sâu, mà xén đất nhà tôi cho.

Từ ngày làm hàng xóm, tự dưng ông Cượng và cha tôi qua lại với nhau đều đặn vào các buổi tối. Mọi người không biết lý do chỉ có tôi mang máng...

Cha tôi ngày xưa có học hành. Ông nội tôi vì nghèo đói phải bỏ quê tha phương, cuối cùng ông chọn Đồng Bảng tỉnh Sơn Tây - nhập thành Hà Nội bây giờ, là nơi lạc nghiệp. Lạc nghiệp vậy thôi chứ đi chán rồi, đất này có hơn gì chỗ khác, cũng vẫn nghèo khó lắm. Bà tôi gồng thuê gánh mướn cho mấy nhà khá giả ở phố Dật Nại. Còn ông tôi làm nghề bưng trống, rồi nấu kẹo bột, kẹo lạc bán cho người đi chợ chuyến dưới Sơn Tây. Nhúc nhắc thế mà ông bà tôi cũng nuôi được bác Phần và bác Thanh tôi. Trong bốn năm  vừa làm nghề bưng trống và nấu kẹo, ông nội tôi để ra được một chút tiền. Khi bà tôi có chửa cha tôi thì ông nội lâm bệnh hiểm nghèo. Biết không qua khỏi, ông bảo bà xuống tổng Phượng Cách thị xã Sơn Tây ba cây số, xin vị linh mục cho ông được ăn mày nhà thờ. Ông tính vậy, khi chết thì nhà thờ sẽ chôn và cho suất quan tài, không muốn tiêu vào số tiền ít ỏi ông đã dành dụm. Trước khi nhắm mắt ông dặn bà nội tôi: “Nếu đẻ con trai thì cố nuôi để giữ họ, còn đẻ con gái, ai xin thì cho, đừng... khéo chết đói cả bốn mẹ con”. Nói xong ông tôi mất. Nhờ số tiền ông góp lại, nhờ sự tảo tần của bà nội mà cha tôi tuy là con nhà nghèo nhưng mười phần cũng được bốn năm so với số con nhà có miếng ăn miếng để ở phố Dật Nại. Cha tôi học giỏi và học đến tận Xéc-ti-phi-ca, nói tiếng Tây trơn như cháo chảy.

Khi cha tôi được mười tám tuổi, bà tôi đưa cha về làng nhận họ hàng. Bà gọi lần hồi hương đó là “Cóc chết ba năm quay về”. Về làng, nhờ bà Xẹ làm mối, cha tôi lấy được mẹ tôi. Khi mẹ sinh tôi ra, cha đưa cả nhà lên Phú Thọ, nơi ông trẻ - em ông nội tôi, đang sống độc thân ở đấy. Cha có ý lên đấy cũng để nhờ vả và cũng để gần gận chăm sóc ông. Cha tôi là người có chút học, nên có được công việc tại cửa hàng bách hoá, tức là làm bàn giấy. Giờ về quê, cha tôi chẳng quen công việc đồng áng, cầy bừa, cấy hái đều do mẹ tôi đôn đáo, cha chỉ loanh quanh việc nhà, trồng trọt cây cối rồi dạy phụ đạo thêm cho mấy đứa trẻ con trong xóm.

Ông Cượng cũng xuất thân từ gia đình hơi hướng tầng lớp trên ở chế độ cũ, vậy nên hai ông như tìm thấy ở nhau chút gì đó tương đồng hay gọi là hai ông có chút tâm đầu ý hợp cũng được.

Tối tối ông Cượng sang nhà tôi đàm đạo với cha, mà chỉ thấy ông Cượng sang chứ chưa khi nào thấy cha tôi sang bên nhà ông Cượng. Cha tôi và ông Cượng nói với nhau đủ chuyện đông tây kim cổ cả những chuyện dã sử dài của Trung Quốc thời Xuân thu chiến quốc rồi Hán Sở tranh hùng, Chinh đông chinh tây, Tam quốc diễn nghĩa, mười ba tập, bao nhiêu chương, hồi, hai người cứ thuộc làu làu. Cha tôi và ông Cượng còn đàm đạo về các món ẩm thực cao lương mỹ vị có ở khắp trên đời. Hôm nào cũng vậy, độ một tiếng đồng hồ sau hai ông bỏ bàn cờ ra chơi. Một ngọn đèn dầu hoả tù mù, một ấm nước trà đặc. Bao giờ cũng mãi tận “tiếng thơ” hay “giành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc” cha tôi và ông Cượng mới lặng lẽ giải tán. Vài năm sau tôi thấy cha và ông Cượng không đàm đạo nữa mà đánh cờ luôn từ tối. Mãi khi đi thoát ly rồi tôi mới biết, sở dĩ cha tôi và ông láng giềng đấu cờ mãi với nhau không phải vì ham thích, hay vì tiêu khiển mà vì gần hai mươi năm nay họ ganh đua bất phân thắng bại. Nói hơi quá, cha tôi và ông Cượng chỉ khác hai vị cao nhân quái kiệt trong phim  trưởng Thần Điêu đại hiệp của điện ảnh Hồng Kông ở chỗ là không tìm đến tận nơi thâm sơn cùng cốc trên núi Tuyết Sơn tỷ thí thần lực, trưởng lực mà là tranh ngôi cao thấp bằng tài lực, chí lực ngay tại nhà mình. Ngày đó, các giải thi đấu cờ tướng trong xã, huyện, hay giải thị trấn mở rộng, cha tôi và ông Cượng đều vào được đến trận cuối và hai ông đều lặng lẽ chia đôi giải mà ban tổ chức chẳng thể nào biết  lý do. Đến bây giờ nhà tôi và chắc nhà ông Cượng còn giữ lại tặng phẩm đoạt giải của các cuộc đấu cờ bất phân thắng bại giữa hai kỳ phùng địch thủ.

Hằng năm, cha tôi chẳng đi đâu xa, chỉ duy nhất trước khi giỗ ông tôi vài ngày cha tôi khăn gói tay nải gồm mấy thẻ hương, một chai rượu ngang, một cái đĩa nhôm, một con gà luộc, một đĩa xôi nếp. Tất cả được mẹ tôi chuẩn bị từ lúc đêm. Cha tôi ra tầu lên Hà Nội, rồi đi ô tô lên thẳng thị xã Sơn Tây. Cha đi bộ đến nghĩa trang Vườn Ổi. Cha đi thắp hương, cúng ông nội tôi. Sau này, khi tôi lớn lớn một chút thì cha cho tôi đi cùng.

- Mộ ông nội ở đâu cha?.

Lần đầu được cha cho đi thắp hương ông, tôi hỏi cha.

- Cha không biết. Chắc quanh quanh quãng này.

Tôi rất ngạc nhiên, vì mỗi năm cha lại trỏ vào một chỗ ở cái nghĩa địa dầy đặc mồ mả lớn nhỏ, cũ mới, lương, đời các kiểu, có đến hàng nghìn, hàng trăm. Cha nói: ngày đó khi an táng ông, bà nội không được vào địa phận nhà thờ vì không phải là con chiên. Mộ ông đề tên thánh. Bà cũng không biết đích xác. Chỉ có ông trẻ sau đó trèo trộm vào. Ông trẻ cũng chỉ đoán khoảng chừng. Ba năm, sau ngày ông nội tôi mất, vào một đêm mưa phùn gió bấc, bà nội, một bên gánh chiếc tiểu sành, một bên gánh cha tôi mò mẫm từ ngoài đường cái lớn - đường quốc lộ 11 bây giờ, cùng ông trẻ và mấy người định đột kích sang cát trộm ông tôi. Thế nhưng cả đêm hì hục tìm kiếm vẫn không đích xác ngôi mộ nào là mộ của ông nội thì bị người trong nhà thờ  phát hiện. May, chạy thoát được. Bà Nội tôi buồn lắm, khóc mãi. Nhà tôi coi như thất lạc mất mộ ông nội tôi. Mọi người bây giờ chỉ biết mộ ông đâu đó trong khu nghĩa trang Vườn Ổi này. Ngày nay, khu nghĩa địa vẫn mang cái tên vậy. Đã bẩy mươi năm trôi qua, cái nghĩa địa kín cổng cao tường xưa giờ trông hoang toàng đến thê lương. Tội nghiệp cha, năm nào cha cũng đi gần một trăm cây số lên đấy để thắp hương, khấn vọng ông tôi.

Có một lần cha đi thắp hương cho ông nội tôi về. Như mọi khi, buổi tối ông Cượng sang chơi, thấy cha mệt nhọc. Ông Cượng buông câu:

         - Ông chỉ vẽ chuyện. Thắp hương thì thắp ở nhà. Cứ khấn, gọi to lên là các cụ bay về.

         Chỉ tưởng nói chơi chơi, không ngờ cha tôi nghiêm mặt, hàng lông mày của cha dựng ngược. Ông Cượng phát hoảng, ngượng nghịu chống chế vài câu thăm hỏi nhạt phèo rồi ông Cượng lùi ra ngõ. Tối đó cha tôi và ông Cượng không chơi ván cờ nào.

Ông Cượng có hai thằng con trai, thằng lớn tên là Há, thằng thứ hai tên là Chu. Chẳng biết có ý riêng gì mà ông Cượng này đặt tên cho hai thằng con như vậy. Thằng Há đến tuổi nhập ngũ. Đúng đợt xét đầu tiên, xã gạt lại vì ông nó là lý trưởng. “Thời bình rồi, lý lịch như vậy, không cho nó đi cũng chả sao”. Mấy người làm việc ở xã bảo với nhau. Cũng nói thêm, ông Cượng có bà em họ ở Hải Phòng, hình như là con ông chú, giàu có lắm. Thấy, năm  ngoái làng tôi cất chùa, hôm khánh thành, bà hiến những mười triệu đồng để góp cho dân làm tượng thờ. Một ngày, nhân dịp về quê tết thanh minh. Bà em đề đạt ý kiến với ông anh là muốn đưa mồ mả ông bà hiện nằm mỗi ngôi một nơi ngoài cánh đồng Hụi về một chỗ cho tiện việc nhang khói. Ông Cượng sau một hồi suy nghĩ, liền đưa ra ý kiến là chuyển cả ba ngôi về chính giữa vườn nhà ông. Với lý do, vừa an tâm lại vừa tiện việc hương khói sớm hôm. Bà em cảm động không nói được lời nào. Tức tốc xuống Hải Phòng xem ngày giờ tốt rồi bà lại ngược về quê, trong tay lưng vốn có thể bạt sơn, lấp bể... Bà em họ bỏ tiền hậu hĩnh chi toàn bộ việc chuyển mộ từ ngoài bãi về trong nhà, rồi làm bốn mươi mâm cỗ khao đến nửa làng. Ông Cượng mát mặt. Khi ba ngôi mộ yên vị khói hương nghi ngút trong vườn nhà ông thì lúc ấy bà em chính thức đặt vấn đề lo cho thằng Há đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Mọi chi phí bà chịu tất. Cũng là động viên ông anh, sau là gây tiếng thơm thanh thế chốn quê hương. Ông Cượng sướng muốn phát rồ. Ông như pháo thăng thiên, thấy ai đi qua cổng cũng mời vào nhà làm chén rượu. Mấy ngày liền phấn khích, ông Cượng quên cả sang nhà đấu cờ với cha tôi. Ngày đó làng cũng người nói ra kẻ nói vào xung quanh việc ông Cượng chuyển mộ đặt trong vườn nhà. “Lão Cượng này tham tiền chứ lão làm gì có hiếu với tổ tông, với cha lão”. Có người lại đàm tiếu nghe đến ác khẩu: “Cầu lợi mà chuyển bãi tha ma về nhà thì quá lắm. Làm, mà không ở chữ tâm trước sau gì cũng sinh chuyện”. Không biết hư hư thực thực, nhưng đúng một năm sau khi thằng Há đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc...

Thằng Há làm ăn được, gửi về cho bố nó mấy chục triệu. Ông Cượng cầm cái giấy báo lĩnh tiền mà tâm chí như mây gió. Ông huy động đến năm sáu người áp tải ông cùng với món tiền kếch sù suốt đoạn đường hai cây rưỡi số mà cứ như ngày xưa Tây dẫn tội phạm. Có tiền, ông Cượng nghĩ ngay đến chuyện xây nhà. Thế là mơ ước từ lâu của ông Cượng sắp thành hiện thực. Nhưng thật oái oăm, cái nhà xây to bề thế quay hướng đông nam muốn hoàn thành thì phải chuyển mấy ngôi mộ mà ông mới mang ở ngoài đồng về một năm nay! Ông Cượng liền điện ngay cho bà em ở dưới Hải Phòng về để bàn việc, lại rời mộ đi nơi khác. Bà em hoảng hồn, giở khóc giở cười trước quyết định xót xa dị mọ của ông anh con chú con bác.

Cuộc họp gia đình suốt cả ngày hôm đó không sao ngã ngũ được. Chỉ biết chiều tối bà em họ nước mắt lưng tròng, chân thấp chân cao ra tầu về lại Hải Phòng. Còn ông Cượng hùynh hoặc chạy theo, đoan khoán:

- Nếu mười ngày nữa cô không về... là tôi cứ khởi công.

Mọi người trong làng trợn tròn mắt.

Trước ngày ông Cượng khởi công. Trời mưa to. Mưa rào như trút nước. Ào ào quạt rách những tầu lá chuối ngoài vườn nhà tôi. Mưa xoay chiếc chậu nhôm mẹ tôi úp bên trên miệng chum nước, nghe sèn sẹt ghê tai.

Bỗng có tiếng kêu khóc của vợ con ông Cượng váng lên, át cả tiếng mưa gió ầm ào. Rồi bà Lựa vợ ông Cượng đầu tóc rũ rượi, áo sống sũng nước lao vào cửa nhà tôi như con thiêu thân. Giọng bà Lựa đứt đoạn:

- Bác... bác cứu nhà em với. Ông Cượng ông ấy đang đào mả.

Một lúc nghiêng đầu nhíu mắt, cha tôi cũng đoán ra chuyện. Mặt cha bỗng tái xanh, quai hàm bạnh ra. Cha nghiến răng kèn kẹt. Chỉ một bước, cha đã nhảy phắt lên nóc chiếc bể nước mưa cao tướng, tiếp giáp giữa nhà tôi và nhà ông Cượng.

Giọng cha tôi réo lên. Nghe đầy ma lực:

- Lão thất phu tán tận lương tâm kia, lão đê tiện mình người đầu thú kia. Nếu lão không dừng ngay lại thì đừng trách ta. Lão có biết ta đây...

Cha tôi vỗ bùm bụp vào ngực mình:

- Không biết mộ bố ở đâu, thế mà lão!

Lúc đó mọi người ai lấy đều hoảng sợ nhìn cha tôi múa may, phẫn chí trên nóc chiếc bể nước. Quần áo, đầu tóc cha tôi ướt sũng. Lão Cượng đứng như trời trồng chứng kiến sự giận dữ của cha tôi đến độ thoát thần. Bất giác, lão Cượng giúi giụi người rồi ngã quay đơ bên cạnh mấy chiếc mả đang đào dở. Lão Cượng bị ốm liệt giường suốt hai tháng trời mới dậy được. Mọi người trong làng rất ngạc nhiên, không hiểu sao sau trận ốm, mồm lão Cượng méo xệch. Lưỡi trề trề, nói thì khó khăn như người đánh vật, mãi mới được một câu. 

Tôi đi thoát ly và thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Nghe mẹ tôi kể, từ khi ốm dậy lão Cượng méo không khi nào còn sang đấu cờ với cha tôi nữa. Chiếc bàn cờ lâu ngày không dùng, mẹ tôi cất tận trên gác xép.

Nguồn Văn nghệ số 28/2018

                                                                                                                                                              

 


Có thể bạn quan tâm