April 26, 2024, 12:28 pm

Chùm thơ Pen Jeju, Hàn Quốc

Năm 2022 là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn Quốc – Việt Nam. Cũng qua 3 thập niên, các nhà văn, nhà thơ hai nước đã có những kết giao thân tình, đi thực tế và sáng tác về đất nước, con người của nhau. Nhân dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam và tổ chức văn học PEN JEJU Hàn Quốc cùng trao đổi dịch và xuất bản tác phẩm mới của thành viên hai bên.

Nhân dịp này, Văn nghệ xin trân trọng giới thiệu 10 bài thơ của 10 tác giả PEN JEJU Hàn Quốc. Bản dịch do dịch giả Lê Đăng Hoan chuyển ngữ từ bản tiếng Hàn, nhà thơ Phạm Vân Anh biên tập bản dịch tiếng Việt.

 

Jang sung-Ryen

Chủ tịch Hội Văn học Ae-wol; Nguyên Chủ tịch Hiệp hội văn học thiếu nhi Jeju. Các tập thơ xuất bản: Con đường hoa bồ công anh nở; Hai người trong chiếc ô; Hương vị của gió; Cô gái biển bé nhỏ Yeoni.

Giải thưởng văn học thiếu nhi Han-jeong, Giải thưởng văn học thiếu nhi Phật giáo Hàn Quốc, giải thưởng văn học thiếu nhi Hàn Quốc.

 

 

Hoa bông phấn

 

Em tựa như loài hoa bông phấn

Và chỉ anh biết được điều này

Khi từ biệt khắp trời bông phấn nở

Hoa dịu dàng và mỏng manh như mây

 

Lúc tàn phai cũng đầy dịu ngọt

Hạt giống đen tươi sáng vô ngần

Như gương mặt em bừng sức sống

Mãi quyện trong tâm trí của anh.

 

Na Gi-cheol

Sinh năm 1953. Đăng đàn năm 1987 trong tờ “Văn thơ”.  Tác giả của các tập thơ Giấc mơ đã lâu của những hòn đảo; Lữ quán Nam-yang, Đập tan đám mây lớn, Cuối ngõ nhỏ, Hoa ở Zela. Giải thưởng văn học Ful-Cot, Giải thưởng thơ tình.

 

Cánh chim

 

Ngôi nhà chúng ta từng sống

Giờ đây cửa đóng then cài

Biển Je-ju hoa sóng trắng

Làng cũ chìm trong hoài niệm

Bóng mẹ…

Khuất theo sông dài! (*)

 

(*) Sông Cheong-Cheon: Là con sông chảy về phía Tây Nam tỉnh Pyeong - An Bắc. Dài 199km.

 

Moon Sang-keum

Đăng đàn năm 1992 trên báo Sim-sang với Rửa mặt và 4 bài thơ khác. Các tập thơ đã xuất bản: Cây mùa đông, Đến nhà mọi người, Vì bàn tay ấm áp của ai đó, Người phụ nữ điên vì hoa. Giải thưởng văn học Seo-Gwi-po.

 

Seo-Gwi-Po

 

Hãy ngẫm mà xem

Giản đơn như tấm áo sờn vai

Nơi bình yên…

Là nơi cầu vồng vẫn thường khoe vẻ đẹp

huyền diệu của mình

Nơi cửa sông nước xiết, dòng xoáy chia đôi

mặt biển màu chàm xám

Hải âu trắng vụt bay lên như thơ, như con người

Nơi bình yên…

Ở đó có những con người nhân hậu

sống bên nhau

 

Trọn một ngày

Tôi đi trên cát trắng

Đùa vui cùng chân sóng

Để nghĩ về Seo-Gwi-po,

Để tầm hồn tràn ngập tứ thơ

Và viết ở Seo-Gwi-po

Miền biển đẹp tựa viên ngọc quý.

 

Gang Byung-cheol

Ủy viên Hội đồng các tác giả Hội văn bút Quốc tế. Tác giả tiểu thuyết Người lãnh đạo, Bò xanh. Dịch thuật: Chim bồ câu hoang dã; Giải thưởng văn học quốc tế lần thứ 11.

 

Mộng Hồ Điệp

 

Trong cơn mơ hóa bướm

Dòng nước mắt nhuốm mùi hương đắng cay

Những chú sâu uể oải bò quanh quẩn

Ngóng đợi phút hóa sinh

Sự sống mới thăng hoa trong khoảnh khắc

liệng bay

 

Giấc mơ ấy là nỗi đau lộng lẫy

Một hình hài diễm lệ được sinh ra

Và vì thế…

Hoàng hôn kéo tấm rèm đỏ rực

Đôi cánh bướm nghiêng chào muôn sắc hoa.

 

Kim Seung-beom

Sinh năm 1965, tại thành phố Jeju. Từng là cảnh sát Hàn Quốc, nay đã về hưu. Bắt đầu làm thơ từ năm 1992. Đăng đàn năm 2005 trên Văn học Hae-Dong. Các tập thơ xuất bản: Không dừng, không dừng, nỗi nhớ khôn nguôi và 3 tập thơ khác. Văn xuôi: Tiếng gió thổi ở Mu-su-Cheon và một tập tùy bút.

 

Giấc mơ của biển

 

Biển muôn đời dâng thủy triều về mặt đất

Sóng gối sóng duyền cao giữa ngàn trùng

Chuyển động sóng cứ lan xa vô hạn

Nâng giấc mơ của biển đến tận cùng

 

Dồn nén khát khao từ chân trời, góc bể

Biển dường như vẫn còn chút vụng về

Hòa theo gió, sóng ầm ào vỡ vụn

Để bọt biển tan vào trong làn nước xanh kia

 

Dù nắng đổ giữa mùa hè chói lọi

Hay lúc đông sang tuyết giá đầy trời

Đại dương gồng mình thành cơn địa chấn

Hướng về núi cao mà dâng nước xa khơi

 

Từng làn nước mải rủ nhau xõa tóc

Mang giấc mơ đi theo trăm ngả sóng lừng

Hoa vàng nở khắp thế gian rực rỡ

Vũ điệu biển khơi tưng bừng.

 

Kim Jeong-ja

Đăng đàn năm 1995 trên Xu hướng văn nghệ, Hội viên Hội Nhà văn Hàn Quốc. Nguyên Chủ tịch Ủy ban Câu lạc bộ Văn bút quốc tế của Hàn Quốc tại vùng Jeju. Hiện nay là Chủ tịch Hội văn học Dong-baek. Các tập thơ đã xuất bản: Nơi dừng chân của mây đang trôi; Ở làng Pung-cha; Đèn tín hiệu cũng nhớ nhà; Đêm đêm câu tên người vào danh sách; Đẩy thời gian cùng đi; Ngày mai càng ngắn; và tập Tùy bút Điều nhìn thấy khi nhiều tuổi.

 

Thu cao nguyên

 

Gọi người không hồi đáp

Rã rời cổ họng khan

Từng lá phong đơn độc

Cố lấp đầy thời gian

 

Trời xanh đang thầm khóc

Ráng đỏ cháy chân trời

Nôn nao cơn tởm lợm

Tiếng thở ngụy biện buồn

 

Những đốt xương tay gầy

Lá vàng đậu trên vai

Nỗi nhớ ngùn ngụt lạnh

Kìa non ngàn bốc cháy.

 

Hong Chang-kuk

Năm 1998 đăng đàn bằng Văn học thuần khiết Hàn Quốc. Các tác phẩm đã xuất bản: Thơ Đêm trăng trên núi San-bang, Tiểu thuyết Người phụ nữ vay mượn thánh thần, Hận thương lục…

Giải thưởng: Văn học thuần khiết Hàn Quốc, giải thưởng nghệ sĩ thành phố tự trị Jeju.

 

Lỗi lầm của sự phân biệt

 

Trong sách hoạt họa thiếu nhi có vẽ một khu vườn

Sau cánh cửa là hoa chen cùng cây lá

Bức tranh ấy muôn hồng ngàn tía

Mỗi loài cây mang vẻ đẹp riêng mình

 

Ngay ngắn thẳng hàng và đầy kiêu hãnh

Những cái cây khoe bộ điệu tươi xanh

Duy một cây thông yếu mềm, còi cọc

Bị dịch chuyển vào một góc cô quạnh

 

Cây cứ thế héo mòn và dần chết

Vốn chẳng ai mong bị bỏ xó bao giờ

Phải chăng bởi con người luôn phân biệt

Đã tạo thành oan nghiệt một đời cây.

 

Kim Won-uk

Quê quán: Jeju. Bắt đầu hoạt động sáng tác từ năm 1997 với tập thơ Con chim bay về đất nước của thương nhớ. Các tập thơ tiếp sau đó: Bước vào ráng chiều, Ai của ai đó, Bàn chân xanh biến mất…

 

Tiểu vũ trụ

 

Có những khi tôi chỉ như hạt bụi

Hay là một tiếng la hét nhỏ nhoi

Và đôi lúc là bàn tay trắng

Chông chênh, chao đảo giữa đời thôi

 

Sự im lặng chất chồng trên im lặng

Dự cảm tầng tầng về sự triệt tiêu

Tôi nghiêng tai nghe những sắc màu trong trẻo

Để tư duy dần bôi xóa nhiều điều

 

Nghĩa địa thời gian phía ngoài cửa sổ

Hệ ngân hà câm nín mọi sóng âm

Và tiếng gió đang níu vào song gỗ 

Mùa đông mở tung thời gian bằng cái lưỡi

khô cằn

 

Thủy triều xuống và những cánh sao thầm ngỏ

Về sự nổi loạn của các tế bào đánh thức ánh

trăng say

Vạn kiếp xa xăm, bóng tối lặng lẽ nhường này

Để niềm tơ tưởng, nhớ nhung tìm nơi trú ngụ

Và sự sống tươi xanh vẫn im lặng trước

 bình minh.

 

Yang Sun-jin

Nhà thơ, nhà văn thiếu nhi. Các tập thơ đã xuất bản: Quán cà phê cây phong; Bệnh hoang tưởng. Thơ thiếu nhi: Chung cư cây trầm; Cùng hải nữ, cùng biển

Thành viên CLB Pen Jeju, Hiệp hội văn học thiếu nhi Jeju, Hội Nhà văn Jeju, Hội Văn học Núi Hala.

 

Biển Got-ja-wal(*)

 

Biển bao la tựa rừng

Ở giữa khu rừng ấy

Cá mập cùng cá voi

Lượn bơi trong làn nước

Và lớn dần như cây

 

Cối xay gió xoay tít

Báo bão gió tràn về 

Cây rừng thì nghiêng ngả

Như đàn cá mất nhà

Đang chết ngoài khơi xa

 

Kìa biển Got-ja-wal.

Nơi ngập tràn nắng gió

Nghe rì rầm sóng vỗ

Hãy bảo vệ thiên nhiên

Giữ những điều đang có.

 

(*) Got-ja-wal: Là địa điểm được xem như lá phổi xanh của Je-ju

 

Yang Keum-hee

Nguyên giáo sư đặc trách đại học quốc tế Jeju, Đã từng tham gia công tác văn học 19 năm. Đăng đàn trên tạp chí “Nguyệt san văn thơ”. Thơ xuất bản: Tài khoản hạnh phúc; Ieodo, đảo của truyền thuyết và hiện thực. Giải thưởng lớn văn học Ieodo lần thứ 2. Hiên nay là bình luận viên của Nhật báo Jeju mới. Nhà nghiên cứu đặc biệt của Trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội trường đại học Jeju.

 

Đường gió

 

Thời gian trôi vùn vụt

Gió mãi tuổi tráng niên

Không có miệng…

Vẫn vi vu lời gió

Không có mắt…

Vẫn xông xáo mọi cung đường

 

Xuyên gai góc mà không trầy xước

Nơi ấm êm chẳng chịu dừng chân

Tôi tự hỏi…

Liệu có thể phiêu du như gió

Không cần hỏi đường mà vẫn chạy như bay

Trên hành trình khúc khủy giữa thế gian này.

Lê Đăng Hoan (Dịch từ bản tiếng Hàn)

Phạm Vân Anh (Biên tập bản dịch tiếng Việt)

Nguồn Văn nghệ số 32/2022


Có thể bạn quan tâm