April 27, 2024, 9:00 am

Chùm thơ Joe Kidd (Mỹ)

Joe Kidd là một nhà thơ và nhạc sĩ người Mỹ. Lưu diễn ở Bắc Mỹ và Tây Âu. Năm 2020, xuất bản The Invisible Waterhole, một tuyển tập những áng thơ tâm linh và tình cảm. Ông đã được Văn phòng Thống đốc Michigan và Hạ viện Hoa Kỳ trao tặng Huy chương vì những cống hiến trong thúc đẩy Hòa bình, Công bằng Xã hội và Đa dạng Văn hóa. Joe là thành viên của Tổ chức Beat Poet Foundation (Mỹ); Hội các nhà thơ Angora (Paris, Pháp), và Hội 100.000 nhà thơ vì sự thay đổi quốc tế. Được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Rock & Roll Michigan năm 2017.

 

Nhà thơ thường làm gì

 

nhà thơ thường làm gì

mỗi khi thức giấc ban mai

bên lề thánh địa thực hư

dùng tay áo lau vết thương bỏ ngỏ

 

từ cuộc sống có ngọn nguồn lịch sử

lay lắc giọt mồ hôi bão hòa

từ phía sau sâu thẳm, bức tường giấy mong manh

khi quan sát một chuyển động từ xa

 

đường cong hoàn hảo của khung trời rộng mở

được chích ngừa nhưng chưa hề tiết lộ

bằng cái chạm tay hoặc nụ hôn của người

lên trán, lên màn hình xa vọng

 

bộ quần áo khơi lên sắc khí

một nhiệm vụ không hề thích đã hoàn thành

một thế giới đã từng chia sẻ và lại sẻ chia

nhà thơ đặt tên cho con thú hoang tàn

 

nhưng trước tiên là cuộc gọi cho linh mục

thánh đường

ngày thì dài, và nỗi đau tận thế

có một góc để an nghỉ, một mình

tất cả những gì ta cần là vầng trăng soi sáng

 

như người bạn đồng hành mến thương

khi ta cần làm điều

một nhà thơ phải làm.

 

Trống rỗng

 

gần như tĩnh lặng

món quà của bóng tối

đang ngày một càng tăng

không dày không nặng

mở rộng, kéo dài

sinh nở, không gian

đến ngưỡng mà ảo thuật gọi là “trống rỗng”

 

làm tươi tốt cho gò đất tàn khốc

chảy ra ruộng

màu đỏ

màu của máu

 

dành cho người mà chúng ta có nợ

lòng yêu nước của em

vùng đất bây giờ đã nuốt chửng những gì còn lại

 

dành cho những cái xác của chúng ta lần lượt

đứng sừng sững trong khoảng lặng xa xăm

trôi trong dòng sông vĩnh cửu

những gương mặt đóng băng

vô nghĩa

không thể nhận ra

không tự nhiên

trống rỗng

 

đây, một bài hát chưa có em bé nào từng hát.

 

Hãy để người đã khuất được yên nghỉ

 

hãy để người đã khuất được yên nghỉ

trên dải cát linh thiêng

một tay cầm cái xẻng

và ngủ trong hang thánh

 

nơi lịch sử có màu xanh lá

và màu nâu của đống xương tàn

hãy để người đã khuất được bình yên

 

hãy để người đã khuất ra đi

như lời trò chuyện giữa không trung

như cơn gió thì thầm

mang theo một cành lá

 

băng qua ánh sáng đại dương

họ chết chìm đúng lúc

hãy để người đã khuất ra đi

 

hãy để người đã khuất theo con đường riêng đó

họ thuộc về nhau

trong thung lũng lặng im

nghĩ về một tương lai không bao giờ có thực

 

họ ở nơi họ phải ở

một mình, bơ vơ

hãy để người đã khuất theo con đường riêng đó.

 

Gia súc

 

Lạy chúa, em là gia súc!

 

theo định nghĩa em được mua, được trả tiền,

được sở hữu

không phải là động vật hoang hay vật nuôi

trong nhà

không tự do cũng không thuần hóa

em bị giam cầm

bị trói buộc

làm nô lệ

hầu hạ

tàn khốc

bị bỏ đói

bị thương

giam cầm

hành hạ

tra tấn

tàn sát

bắt phải tái sản xuất

bắt phải tiêu thụ

em là hàng hóa

em là thức ăn

 

Anh muốn phá chuồng, phá trại, phá cũi,

phá lồng, phá hết…

Anh muốn giải phóng cho các em mãi mãi

 

Lạy chúa, em là gia súc!

 

Phố trong phố

 

Tôi sống ở một thành phố nằm trong thành phố

nơi không khí là sự đông tụ

với những giấc mơ chật cứng giao thông

với chiến đấu, sinh tồn, tranh cãi

 

từ sau các bức tường vững chãi

mọi lời nói trong tấm áo choàng che khuất

ẩn mình dưới tên đường phố

say trong tiếng lóng của kẻ lang thang lạc lõng

 

trong tiếng chửi tục tĩu, ký sinh trùng gầm gừ

ăn máu của những cư dân thiếu máu

đốt cháy dòng xe cộ

theo cách tự do, ngoại trừ

trên cao những ngọn tháp đế chế

bên dưới bầu trời có muôn mặt

đứng trong im lặng, nhân chứng ám ảnh

sự điên rồ đổ nát, mối đe dọa tàn khốc

 

nghệ sĩ tụ tập trên bờ sông

ngồi xổm và chơi trên phiến đá

các chính trị gia, phía sau ba bước

lượm lặt mảnh xương vương vãi

 

đây là nhà của vị thần sống

đây là thủ đô của thế giới tương đồng

cử hành bí tích

đô thị của tình yêu, của trang sức, của sản sinh

 

đây là nơi ở khát vọng

không giới hạn trong những giới hạn

của một khu trôi nổi

của một thành phố nằm sâu trong thành phố.

 

Cánh cổng xoay tự do

 

cánh cổng xoay tự do

đến khu vườn tràn ngập ánh nắng

trái cây lấp lánh, bộ ba lục bảo

trên cây ngọc quý

 

các hồng y ngồi trên cao

kêu gọi mọi người tham gia bài hát

và họ đã hát cùng nhau

 

dàn đồng ca trong chiếc áo choàng trang trọng

biến hóa tầng thứ hai

nơi hạt giống được cất giữ dành cho

những thế hệ chưa sinh, rất được mong chờ

 

tinh khôi, nôi của thiên đàng

trong đó là những cư dân sắp sinh cư ngụ

những người hưởng quyền lợi lâu dài

 

lựa chọn bánh mì làm bằng tay

và nho để sum họp, lễ dành cho mẹ

 

ồ, nhưng thập tự giá đòi hỏi sự hy sinh thiện ý

 

một quả trứng rơi xuống đất, vỡ tan

bị che khuất trong nghi lễ than khóc, bối rối

 

khi con chim xanh nhặt rác, không bị quấy rầy

mù quáng trước siêu thảm kịch đang diễn ra

theo chiều dài của đôi cánh

 

bài hát lặp lại

những đám mây tụ ở đường chân trời bị bỏ

 rơi từ lâu

một cơn bão tiền định

để rửa sạch bằng chứng.

 

Khánh Phương (Dịch từ bản tiếng Anh)

Nguồn Văn nghệ số 21/2022


Có thể bạn quan tâm