May 10, 2024, 8:13 am

Chưa thể dừng lại, nhưng có thể hạn chế rất nhiều…

Bên cạnh dịch bệnh, thiên tai cũng đang trở thành vấn đề có tính toàn cầu. Trong những năm gần đây, hậu quả do thiên tai, dịch bệnh gây ra đã cướp đi sinh mạng của nhiều người và làm ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp như Việt Nam nói riêng và nhiều nước khác trên thế giới nói chung, đặc biệt là ở khu vực miền núi và ven biển. Trong bối cảnh cả nhân loại đang nỗ lực và hối hả tìm mọi giải pháp chống lại đại dịch Covid-19, nhân Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai (15/5-22/5) năm nay, Văn nghệ đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Quang Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) xung quanh vấn đề cảnh báo trong phòng, chống thiên tai tại các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, nhằm giúp cho bạn đọc có thêm những kiến thức và góp thêm cái nhìn đa chiều về vấn đề này. Những thiệt hại, mất mát do thiên tai gây ra có thể sẽ chưa thể ngay lập tức dừng lại, song sẽ giảm thiểu đi rất nhiều nếu công tác cảnh báo được quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa…

 

Tiến sĩ Lê Quang Tuấn

 

PV: Thời gian vừa qua, bên cạnh sự hỗ trợ của các tổ chức, chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta đã có sự chung tay từ mọi nguồn lực xã hội để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho người dân tại các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực thường xuyên phải đối mặt với những nguy cơ từ thiên tai. Từ góc độ chuyên môn, xin ông cho biết công tác này đã được triển khai như thế nào? Trong quá trình triển khai có những thuận lợi và khó khăn gì?

- TS. Lê Quang Tuấn: Những năm gần đây, khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc thường chịu ảnh hưởng của mưa lũ lớn cục bộ gây lũ quét, sạt lở đất, thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân. Do đó, để chủ động ứng phó với loại hình thiên tai này, song song với việc phải xây dựng hệ thống các bản đồ cảnh báo và bản đồ thảm họa, bản đồ các vị trí sơ tán dân… thì việc xây dựng và sử dụng hợp lý các hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm theo thời gian thực là rất cần thiết.

Theo nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang hoàn thiện bộ bản đồ hiện trạng (22 tỉnh) và phân vùng (15 tỉnh) nguy cơ trượt lở đất đá cho các tỉnh trên toàn quốc. Tuy nhiên các bản đồ nêu trên được lập với tỷ lệ 1/50.000 cho cấp tỉnh, khó sử dụng để cảnh báo chi tiết đến từng khu vực xã, thôn, bản. Hiện tại, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang tổng kết giai đoạn 1 của Đề án, và tiếp tục xây dựng đề cương giai đoạn 2, xây dựng các bản đồ với tỷ lệ lớn hơn, từ 1/10.000 hoặc lớn hơn, cho khoảng 200 xã có nguy cơ cao để làm cơ sở lắp đặt các trạm cảnh báo trên cơ sở số liệu đã khảo sát, đo đạc… Ngoài ra từ năm 2010 đến năm 2018, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về nâng cao năng lực cảnh báo thiên tai đã được tiến hành. Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả phòng, chống lũ quét và sạt trượt đất đá tại khu vực này, cần tiến hành xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai theo thời gian thực dựa trên các dữ liệu quan trắc liên tục. Việc này cần nguồn đầu tư rất lớn. Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, và các địa phương đã dành nhiều quan tâm đến công tác dự báo và cảnh báo sớm các loại thiên tai, trong đó có xây dựng các hệ thống cảnh báo. Tuy nhiên, việc xây dựng các hệ thống nêu trên dựa vào nhiều yếu tố, từ nghiên cứu, thí điểm các giải pháp kỹ thuật, tổng kết đánh giá để nhân rộng… còn phụ thuộc rất lớn vào bố trí nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, về mặt kỹ thuật, kinh phí, quản lý của nhà nước, nhận thức của chính quyền và người dân đối với công tác cảnh báo sớm thiên tai lũ quét, sạt lở đất, đều còn rất nhiều khó khăn. Do vậy, cho đến nay các hệ thống cảnh báo sớm hiện chưa được xây dựng rộng rãi hoặc chưa phát huy hiệu quả như mong đợi…

PV: Công tác cảnh báo có tầm quan trọng như thế nào trong phòng chống thiên tai? Thực tế cho thấy những hoạt động cụ thể của công tác này đã đem lại những kết quả ra sao?

- Việc xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm rất quan trọng, là giải pháp chủ động để giảm thiểu rủi ro thiên tai rõ nhất. Thông tin cảnh báo sớm sẽ giúp con người chủ động phòng, tránh mà không rơi vào tình huống nguy hiểm, bị động; đồng thời nâng cao ý thức cảnh giác người dân trong khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất. Các hệ thống cảnh báo sớm sẽ cung cấp các thông tin thời gian thực cho chính quyền địa phương triển khai sớm các phương án ứng phó khẩn cấp, ngoài ra còn phục vụ để nghiên cứu, đánh giá quy luật thiên tai tại một số vị trí điển hình và tổng kết, nhân rộng ứng dụng cho các khu vực tương tự trong khu vực.

Qua tổng kết kinh nghiệm của một số quốc gia có thế mạnh trong việc sử dụng các hệ thống cảnh báo sớm thiên tai lũ quét và sạt lở đất, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… cho thấy hiệu quả có thể đạt được khi triển khai các hệ thống cảnh báo sớm là rất lớn, có vai trò quan trọng trong việc chủ động nhận biết và hỗ trợ ứng phó thiên tai kịp thời theo thời gian thực. Tuy nhiên, cần phải kết hợp nhiều hoạt động để phát huy hiệu quả của các hệ thống

PV: Như vậy về phía Bộ/ Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã có những kế hoạch, chương trình gì để hỗ trợ, nâng cao năng lực cho người dân trong việc sử dụng các hệ thống cảnh báo, thưa ông?

- Từ năm 2020, theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã xây dựng chủ trương đầu tư Dự án “Xây dựng hệ thống ứng phó khẩn cấp theo dõi, giám sát diễn biến thiên tai đối với bão, lũ quét và sạt lở đất”, dự kiến nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Đề án có nhiều mục tiêu, trong đó có tăng cường khả năng theo dõi, giám sát đối với một số loại hình thiên tai lớn, thường xuyên xảy ra trên cơ sở củng cố, nâng cấp, bổ sung hệ thống giám sát hiện có, bảo đảm phù hợp trước mắt và lâu dài góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai; về hoạt động dự kiến sẽ lắp đặt thí điểm hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ quét tại một số vị trí nguy cơ cao nhằm cảnh báo và triển khai sơ tán người, tài sản ở những khu vực chịu ảnh hưởng. Kết quả thí điểm sẽ được tổng kết, đánh giá hiệu quả làm cơ sở nhân rộng đến các địa bàn có nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất. Trong thời gian tới, Tổng cục Phòng, chống thiên tai sẽ tham mưu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trình Chính phủ để bố trí nguồn vốn và sớm tổ chức thực hiện.

Chúng ta cũng đã vận động các tổ chức quốc tế cùng phối hợp nghiên cứu tình hình lũ quét, sạt lở đất ở Việt Nam, từ đó tiếp tục hỗ trợ hoặc tìm nguồn hỗ trợ để xây dựng các giải pháp giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt tại khu vực miền núi phía Bắc. Trong thời gian tới, tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ kỹ thuật để triển khai dự án “Nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất khu vực miền núi phía Bắc”, theo đó sẽ xem xét áp dụng thử nghiệm giải pháp Đập ngăn bùn đá, gỗ trôi (Đập Sabo) tại các vị trí có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi. Mới đây, ngày 06/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”, trong đó mục tiêu cụ thể đã nêu rõ: “Đến năm 2030, phấn đấu 100% người dân ở các xã thường xuyên xảy ra bão, lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và ít nhất 50% người dân ở các khu vực khác được phổ biến kiến thức về thiên tai và kỹ năng phòng, tránh thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn”. Theo đề án được duyệt, Chính phủ cũng đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố “lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm phòng, chống thiên tai tại cộng đồng; thiết lập, định kỳ cập nhật thông tin bản đồ rủi ro thiên tai ở từng cộng đồng xã, thôn; phát triển cơ sở dữ liệu về rủi ro thiên tai, thông tin truyền thông; thực hiện lồng ghép kế hoạch Phòng, chống thiên tai vào kế hoạch Phát triển kinh tế, xã hội.

PV: Vâng, có thể thấy, chúng ta đã có sự chung tay từ mọi nguồn lực xã hội để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho người dân địa phương, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các tổ chức, chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm nỗ lực giảm thiểu nỗi đau từ thiên tai cho người dân tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Chúng ta hiểu rằng không thể một sớm một chiều những mất mát, đau thương có thể dừng lại. Nhưng hy vọng cùng với thời gian và sự nỗ lực của mình, những điều ấy sẽ dần được hạn chế. Xin trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ này.

Tuấn Sơn (thực hiện)

Nguồn Văn nghệ số 24/2021


Có thể bạn quan tâm