April 27, 2024, 4:37 am

Chọn cử nhân bằng đẹp hay anh thợ lành nghề?

Không phải bất cứ ngành nghề nào khi được đào tạo ở bậc học cao hơn thì sẽ vững kiến thức và giỏi kỹ năng hơn. Có ngành nghề nên “cầm tay chỉ việc” hơn là “trăm nghe như trâu nghe giao hưởng”. Tốt nghiệp nhưng chẳng tốt nghề.

Tôi tốt nghiệp loại Khá chuyên ngành Quay phim truyền hình ở một trường đại học thường được gọi là “cây đa, cây đề trong làng báo”, tuy vậy giờ phút lên bục nhận tấm bằng cử nhân danh giá cũng chính là lúc lòng tôi thấy hụt hẫng nhất, tấm bằng cử nhân quá nặng so với kỹ năng quá nhẹ mà tôi nhận được.

Trước đó 4 năm, tôi háo hức và tự hào vô cùng khi mình trúng tuyển với điểm số cao để vào đại học. Bạn bè trầm trồ, ngưỡng mộ và họ ước được như tôi, họ đi học nghề hoặc đi làm thuê vì chấp nhận “học dốt” nên phải lao động chân tay.

Suốt hai năm đầu không chỉ riêng tôi mà gần như cả lớp tưởng chừng như đang ngồi nhầm lớp quay phim. Chúng tôi được học chủ yếu các môn đại cương về chính trị, một số môn về báo chí, tuyệt nhiên không có môn nào liên quan đến quay phim hay chụp ảnh. Nhiều sinh viên có ham mê quay phim thực sự trong lớp ít lên lớp hẳn, họ dành thời gian đó để đi học thêm ở trung tâm, giao lưu, kết nối với các câu lạc bộ làm phim, thậm chí là một vài hiệu ảnh cưới. Còn đa phần, trong đó có tôi vẫn đặt niềm tin thương mến vào mái trường, tin rằng trong chương trình học hai năm tới sẽ dày đặc các môn chuyên ngành với vô vàn kỹ năng và nghệ năng… Tuy vậy, niềm hy vọng cứ vơi đi phần nào khi nhìn lịch học của năm thứ ba. Chúng tôi tiếp tục được nhồi nhét những môn không mấy liên quan hoặc chưa biết dùng làm gì (các môn thuộc khối khoa học xã hội), chỉ có ba, bốn môn thuộc chuyên ngành quay phim. Tiếp xúc với một ngành học thiên về kỹ thuật và nghệ thuật ở năm học thứ ba đã làm hao mòn không ít nhiệt huyết và đam mê của các bạn trẻ, trong khi nhiều ngành học khác năm thứ ba đã có thể đi làm thêm và kiếm được tiền từ học chuyên ngành.

Lên lớp dạy chúng tôi là các thầy giáo được trường mời từ bên ngoài, có thầy đến từ trường cao đẳng, trung cấp, có thầy trước chỉ học tại chức, thậm chí có thầy đứng lớp lần đầu tiên. Là giảng viên thỉnh giảng, các thầy khá bận và chưa có chương trình dạy cụ thể, chủ yếu chúng tôi chỉ cưỡi ngựa xem hoa và nghe một số câu chuyện nghề nghiệp. Bước sang năm thứ tư, vẫn điệp khúc đó, chúng tôi được dạy lớt phớt về quay phim và thử thách đầu tiên chính là kỳ thực tập cuối khóa. Với bộ kỹ năng “luyện mắt và tưởng tượng về quay phim” tôi xin thực tập tại Đài Truyền hình Hà Nội, tại đây tôi chủ yếu cũng chỉ đến quan sát vì chẳng ai có thời gian để hướng dẫn, đặc biệt với những sinh viên còn mơ màng về ngành quay phim như tôi. Kết thúc kỳ thực tập, tôi được đi thực tế vài lần, sờ vào máy quay cũng vài lần, tuy vậy đó đều là máy chuyên dụng mà ở trường tôi chưa bao giờ nhìn thấy và thực hành.

Trở về trường và làm bài tốt nghiệp, không hiểu sao với bài tốt nghiệp – một phim tài liệu chất lượng không cao nhưng tôi vẫn được cho 8 điểm và điểm tổng kết cả khóa học được 7.0 tốt nghiệp loại Khá. Tôi tự hỏi mình nhiều lần rằng mình đã tốt nghiệp rồi sao? Đã có bằng cử nhân quay phim truyền hình trên tay rồi sao? Con đường trước mắt là như thế nào đây khi cầm bằng trên tay mà đầu còn rỗng tuếch, kỹ năng còn chưa có, thậm chí còn chưa hiểu gì về nghề nghiệp báo chí – quay phim.

Tôi bắt đầu vất vưởng những ngày tháng đi tìm nghề đúng ngành học, nhưng đi tới đâu đều nhận được cái lắc đầu ở đó, thậm chí có nơi vào làm rồi nhưng họ không muốn mất thêm thời gian để đào tạo lại, càng không muốn trả lương cao theo bằng cấp tôi đã học. Thậm chí, họ nói thẳng rằng thích những người không đi học họ vào dạy quay phim từ đầu hơn là tốt nghiệp cử nhân mà chẳng tốt nghề, chuỗi ngày đằng đẵng tìm việc cũng dừng lại khi tôi chọn làm một công việc khác không liên quan đến ngành học và tạm cất tấm bằng đẹp đẽ trong ngăn tủ để ngủ đông.

*

Đến nay, khi đã thực sự không còn muốn theo ngành mình đã học, tôi mới đủ chiêm nghiệm để nhận ra nguyên nhân của một thời sinh viên thất bại. Trước tiên, ngành học quay phim nói riêng và các ngành thiên về kỹ năng và nghệ thuật nói chung cần phải chọn đúng đầu vào, cấp học. Tôi thi đại học khối C (Văn, Sử Địa), một khối thi không phù hợp với học ngành quay phim nhưng trường tôi vẫn tuyển, dĩ nhiên ở thời điểm đó tôi chỉ mong vào đại học, chưa thể hiểu sâu về tuyển sinh. Quay phim không phải là ngành nghiên cứu, hàn lâm hay nặng lý thuyết mà chủ yếu về học kỹ năng, thạo tay chân… tuy vậy, tôi đã lãng phí khoảng 3 năm để học các môn đại cương không mấy liên quan, trong khi một số bạn học từ bỏ học trên lớp để học ngoài nay đã thạo nghề và đi theo con đường sự nghiệp.

Việc sắp xếp quay phim thành chuyên ngành (không cần đăng ký mã với Bộ) đã giúp các trường đại học tự “mở lối” tuyển sinh riêng, gọi là cử nhân quay phim nhưng số môn liên quan đến ngành quá ít. Hoặc học thì chỉ trên lớp mà ít được trải nghiệm tại thực tế, trường quay hay đầy đủ trang thiết bị học tập. Sự sắp xếp các môn học không đều (2 năm đầu chỉ học về khoa học xã hội) đã phần nào làm mất đi sự đam mê của sinh viên, sự tìm hiểu về ngành học trong thời gian phổ thông bị dội một gáo nước lạnh, thật sự không hoa mỹ như những gì tiếp nhận truyền thông.

Cấp học cử nhân theo chuyên ngành không phù hợp. Nếu là ngành (lượng kiến thức ngành khoảng 50%) sẽ phù hợp hơn so với 20% kiến thức chuyên ngành, hoặc như học nghề, tuy chỉ 2 năm nhưng hoàn toàn học thực hành ngành sẽ tốt hơn rất nhiều. Về mặt chủ quan, sinh viên quá tin tưởng vào trường lớp mà thiếu đi tính chủ động, cảm hứng tự tìm hiểu, đồng thời quá ảo tưởng vào tấm bằng đại học và không xác định được học đại học để làm gì. Học đại học cuối cùng cũng chỉ là làm nghề, mà không thạo nghề coi như thất bại và tấm bằng chẳng còn ý nghĩa.

Nếu bạn hỏi một nhà tuyển dụng, bất cứ ngành nghề gì “chọn cử nhân bằng đẹp hay anh thợ lành nghề” chắc chắn họ sẽ trả lời bạn là anh thợ lành nghề. Vì vậy mà các cơ quan quản lý giáo dục, trường đại học hãy thay đổi tư duy mà lược bớt các môn học đại cương, biến các môn học trở nên sát sườn, cần thiết với sinh viên, học đến đâu hành đến đó, đừng đi quá xa, đừng tâng cấp học đại học lên quá mức để tránh sự hụt hẫng khi sinh viên tốt nghiệp mà không tốt nghề.

Nguồn Văn nghệ số 27/2020


Có thể bạn quan tâm