April 27, 2024, 1:46 am

Cho tôi mơ thánh thiện trong hồn*

Tôi bất chợt mở tập thơ Ngọn lửa tím của Vương Cường như một sự tình cờ may mắn bắt gặp câu thơ hay.

Thơ anh luôn làm lay động tâm hồn tôi bấy lâu nay nên sự tình cờ này như một sự kiểm chứng thú vị. Quả nhiên tôi đã gặp gỡ anh và giật mình với câu thơ: “Sẹo đóng trong tim những người lính già” (Những ông già ngồi cà phê Định Công). Tôi luôn nhớ tới nụ cười hiền hậu của anh khi cùng thường ngồi Cà Phê tại quán bên phía sau Tượng đài Quang Trung (Gò Đống Đa). Có lần anh còn đọc cho tôi nghe một câu thơ rất hoang hoải xót xa: “Chiến tranh qua lâu rồi/ Vết thương đất vẫn còn mưng mủ”. Và rồi nữa. Thế là tôi trầm mình trong những cung bậc nhạc điệu thơ anh, với sắc màu tím của ngọn lửa tâm hồn: “Găm bề bộn vào tháng ngày tóe máu/ Ký ức đau buồn để dòng nước trôi xuôi” (Sẻ chia).

Nhà thơ Vương Cường

1.

Vương Cường luôn có sự vận động con chữ tạo hình khác lạ. Đó là những hình ảnh với sắc màu có chiều sâu gây ấn tượng “Trăng tím lục bình/ Cong môi hát vỡ mùa thu” (Sông chảy trong đêm). Thơ anh luôn hướng nội với ánh diện đa chiều. Phần thơ thế sự của anh luôn có bức xạ của ngọn lửa tím thấm đẫm nhân sinh. Tôi bị ám ảnh với những câu thơ trong bài Xa của anh cùng nỗi lòng đau đáu sẻ chia: “Em chải tóc dưới bình minh góa bụa/ Từng chùm hoa thương nhớ nở không mùa/ Cỏ xốn xang lối mây vàng thổn thức/ Anh đếm từng tích tắc giọt đông sôi”. Tính tượng trưng thi ca của Vương Cường mỗi lúc một rõ rệt. Chính vì thế anh có một sắc diện riêng trong cấu tứ. Thơ anh luôn có những không gian của vô ngôn chập chờn thu hút người đọc. Bởi ai nấy đều tìm thấy mình trong một góc của bức tranh nhà thơ tạo dựng: “Thơ viết tặng chín tầng trời xao xuyến/ Thanh thả hồn bật dậy giữa đơn côi/ Tưới nước mắt nuôi hoa cây xanh biếc/ Buông nụ cười như vừa mới rong chơi” (Sẻ chia). Đặc biệt bài thơ Ngôi làng nhỏ treo trên vách đá với Vương Cường là “Nơi lưu giữ hồn quê như một bảo tàng thơ”. Một tượng hình độc đáo đầy tượng trưng với bức họa: “Những thiếu nữ đội khăn, quấn váy thổ cẩm/ Làm những cánh bướm ngẩn ngơ bay rách mùa lễ hội”. Người đọc bị cuốn theo cảm xúc khi tác giả trở về quê hương sau những cơn bão thị trường xô dạt: “Lấy tuổi thơ làng làm khăn lau nước mắt/ Tiếp năng lượng từ hồn quê trầm tích/ Những xôn xao chín đỏ quả thời gian/ Những mặn nhạt dưới tầng sâu nước mắt”.

Nhà thơ còn là một chiến sĩ từng tham gia trận mạc trong công cuộc giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Những bài thơ về chiến tranh như một phần đời anh trong sắc lửa tím dưới đáy sông khi đồng đội hy sinh. Những hình ảnh của thơ Vương Cường luôn có tính khái quát và khắc khoải nỗi niềm: “Một thế hệ từng dìm giấc ngủ trong nước/ Những hy sinh như đã lập trình/ Nụ cười cuối cùng sặc lên không tắt/ Các đáy sông quy tụ thành nghĩa trang” (Một thế hệ sắp về miền xa khuất). Khi cuộc chiến đấu đến hồi kết chiến thắng nhưng nốt nhạc cuối cùng trong bản trường ca người lính vẫn vang lên một ký ức dữ dội: “Đã vượt qua hàng trăm cửa tử/ Phút cuối cùng anh nằm lại cửa sinh/ Chia từng nắm thịt xương vùi đất/ Sống từng chia chết vẫn còn chia”. Đó là những câu thơ nóng bỏng thế sự mà nhà thơ đã trải qua. Thơ Vương Cường găm vào tâm hồn người đọc một phần vì những trải nghiệm giữa cái sống và cái chết với ám ảnh bi hùng: “Sài Gòn xa mấy ngàn cây số máu/… Sống có nhau giờ chết cũng còn nhau”.

2.

Đáng chú ý nhất là sự bay bổng và đầy mê đắm trong thơ Vương Cường về nhân tình thế thái và tình yêu. Đó là những khám phá có góc cạnh và gồ ghề trong tư duy hình tượng. Ngoài nét nổi bật trong nghệ thuật tượng trưng, hòa trộn nhịp điệu âm nhạc và sắc màu hội họa, thơ Vương Cường còn có phần bật sáng của nội lực siêu thực. Anh viết như trong cơn mơ: “Hồn anh thắm từng tia pháo hoa/ Khuôn mặt em rạng rỡ sau màu mây xốp” (Trước giao thừa). Sự huyền ảo trong thơ Vương Cường luôn lấp ló qua ý tứ và câu chữ. Trong bài Sông chảy trong đêm anh viết: “Buồn ướt cong mình chui qua cầu gió/ Bầu trời thủng rơi những tia sáng không màu”. Hoặc đó đây người đọc lại sửng sốt với những câu thơ thú vị: “Đêm rắc thuốc ngủ màu đen lên vạn vật” hoặc “Tóc cỏ rẽ ngôi liếc ngược ngàn mây”, hay như “Sao anh không rách như một tiếng gà” và “Ta đi cầu vông vòn giấu mặt/ Ta loay hoay gỡ các làn hương”. Ánh sáng của ngọn lửa tím luôn được soi rọi ngóc ngách tâm hồn thi ca mà Vương Cường gợi mở. Thâm trầm và trau chuốt, thơ anh làm cho người đọc luôn hòa nhập cảm nhận. Sự khơi gợi ở thơ Vương Cường chính là nhịp điệu trong mỗi khổ thơ và cả bài thơ mà anh hướng tới. Ta có thể rất yêu những nhạc điệu Sa Pa mùa đôngTrăngHoa khế góc vườn; hay như Đóa hoa mongSông chảy trong đêm; Hoặc Thu vềCung trầm

Đặc biệt hình ảnh và sắc hoa tím của Vương Cường luôn là điểm nhấn của thơ anh. Hoa là tình yêu và nỗi lòng tím ngát trong tâm hồn nhà thơ. Sắc màu hoa của Vương Cường khi ảo khi thực gây ấn tượng kỳ thú. Đóa hoa mong là một trong số đó ẩn chứa nỗi lòng thương nhớ mộng mị: “Đời vẫn gió, vẫn mưa ướt sũng lời chim hót/ Em vẫn tươi như một đóa hoa mong/ Anh khép vội nỗi buồn cài trong áo/ Một chân trời le lói gói hừng đông…”, Hay thật chơi vơi mơ hoang với những câu thơ tình tứ: “Anh lắng nghe tiếng guốc trong hồn/ Đi nhè nhẹ về phía mùa hửng nắng/ Kìa bông hoa cuối trời mây trắng/ Kìa trời yêu chi chít sao mơ”. Và hơn nữa những ngọn lửa tím được ngát lên qua Hoa khế góc vườn. Bài thơ đan xen những hình ảnh giữa ảo và thực thể hiện được một khúc ca buồn man mác. Và những câu thơ làm lay động lòng người khi Vương Cường run rảy: “Em/ Anh đã về rồi/ Em lặng tím một góc vườn ngơ ngác”. Nhịp thơ thảng thốt ngân vang như một tiếng chuông vọng lên từ tâm hồn: “Ngỡ đã đi qua một vòng trái đất/ Những mùa hè thảng thốt/ Những mùa thu hun hút heo may/ Những mùa đông gió cuộn vào mây/ Bốn mùa nhớ găm đau lồng ngực”. Những ký ức thương nhớ được nhà thơ bày tỏ với sự rung động bàng hoàng khi trở về: “Anh mang trong lòng / Liu riu ngọn lửa tím/ Liu riu lời đắm say/ Anh đã qua những vùng đất chết/ Anh đã qua những chuyến đò đầy”.

Âm nhạc trong Hoa khế góc vườn ngân rung một bản thánh ca tình yêu. Cung điệu ấy thổn thức thầm thì với người đọc qua sự ấm áp của hồn thơ: “Anh không gửi được lời tạm biệt/ Biết mùa đi ngày một cạn bên thềm/ Họa mi ạ, nén lòng thêm chút nữa/ Em lại về lồng lộng giữa trời đêm” (Trăng). Trái tim nồng nàn yêu thương cuộc sống có phần ẩn giấu của Vương Cường luôn đem lại sự bình yên cho tâm hồn bạn đọc. Chất thiền trong thơ anh luôn thỉnh lên âm thanh tiếng mõ, tiếng khánh: “Thôi em đừng khóc/ Em hãy để cho nỗi đau thành sẹo/ Trên vết sẹo rồi sẽ mọc một mầm cây” (Em khóc). Cung trầm trong tâm cảm thi ca Vương Cường luôn lắng đọng và lan tỏa với niềm hy vọng phía trước: “Đêm ác độc trước bình minh tự xử/ Em và thơ hội tụ một sắc ngời” (Sẻ chia).

3.

Với tập thơ mới Ngọn lửa tím nhà thơ Vương Cường có sự “Dịch chuyển” rất thành công về thi pháp. Có thể nói câu thơ “Vượt hết cánh đồng mộng mơ ngớ ngẩn/ Trái tim anh dịch chuyển về em” là một sự tuyên ngôn đổi mới. Anh đã thành công ở cách mã hóa hình tượng thi ca khi bồi đắp những tố chất huyền ảo. Đó chính là những câu thơ khơi gợi và ám ảnh được neo giữ trong lòng bạn đọc. Tôi bị ngôn ngữ sáng tạo của anh thu hút. Nguồn cảm xúc trong thơ Vương Cường luôn gắn kết những thực thể tưởng không liên quan nhưng lại tạo hình độc đáo: “Tiếng chim rắc khô quăn vỏ đỗ” (Tre ơi) hoặc “Đêm khoét vẹt trăng mòn một nửa/ Thu anh chờ lịm màu khói không tan” trong sắc “Chiều mơ thu”. Sự thành công của Ngọn lửa tím có sự sâu đằm của một tấm lòng nhân ái và hồn thơ lắng đọng với cảm xúc dạt dào. Đồng thời tập thơ cũng thể hiện nổi bật sự đổi mới trong ngôn ngữ tạo ấn tượng sâu sắc với niềm khát khao “Cho tôi mơ thánh thiện trong hồn” (Tù nhân) của chính nhà thơ.  

________

* Tập thơ Ngọn lửa tím của Vương Cường - Nxb Hội Nhà văn, 2022

Vương Tâm

Nguồn Văn nghệ số 22/2023


Có thể bạn quan tâm