April 27, 2024, 12:12 pm

Chiến tranh và thân phận của tuổi trẻ miền Nam trong thơ Nguyên Sa 1954 - 1975

Nguyên Sa (1932-1998) là một nhà thơ nổi tiếng của thi đàn miền Nam giai đoạn 1954-1975. Đương thời, ông được xem là một “hậu Xuân Diệu” của thơ tình miền Nam, được đông đảo tuổi trẻ học sinh, sinh viên yêu thích. Cũng vì quá nổi tiếng ở mảng thơ tình mà người ta ít để ý đến mảng thơ mang ý thức phản chiến của ông trong thời kỳ đó, nhất là mối quan hệ giữa tình yêu của tuổi trẻ trong quan hệ với hiện thực chiến tranh. Đọc thơ Nguyên Sa, nhất là tập thơ Những Năm Sáu Mươi (Tập thơ không được chính quyền miền Nam cấp phép xuất bản, phải tự in lậu trên giấy ronéo lưu hành nội bộ).  

Tuổi trẻ miền Nam giai đoạn 1954-1975 sống trong bối cảnh đất nước cắt chia dưới gót giày xâm lược. Sự bắt bớ tham chiến cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa, đau lòng, cùng sự nô dịch văn hóa của ngoại bang, sự “lai căng”, “bội tình” (chữ dùng của Trịnh Công Sơn) của những kẻ bán nước, tiếp tay cho giặc… đã khiến tuổi trẻ miền Nam sống trong nỗi đau thân phận trước sự bạo tàn của chiến cuộc. Cả tuổi trẻ và tình yêu đều chao đảo, bế tắc trong vòng xoáy của thời cuộc lúc bấy giờ. Là một trí thức, một thầy giáo có trách nhiệm cùng dân tộc và tuổi trẻ, lại có cả một quãng đời tuổi trẻ bị bắt sung vào lính đánh thuê, thơ Nguyên Sa thể hiện rất rõ thân phận của tuổi trẻ và tình yêu trước nỗi đau hiện thực chiến tranh.

1.

Tuổi trẻ của đời người luôn gắn liền với mùa xuân và tình yêu. Nhưng theo Nguyên Sa, mùa xuân thì “đã rơi mất”: Năm ngón tay có bốn mùa trái đất/ Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân” (Bây giờ). Còn tình yêu? Tình yêu thì muôn đời vẫn thế! Vẫn mang đến cho con người những nhung nhớ, an ủi dù phải đang trằn mình trong cuộc chiến phi nghĩa nơi “những miền núi xa”: Buổi chiều và mái tóc em/ Bắt đầu phủ xuống những miền núi xa./ Anh nằm khi tóc bay qua/ Đám mây tình tự thịt da nhẹ nhàng/ Giống như trời lấy áo choàng/ Đắp lên thân thể võ vàng từ lâu (Buổi chiều và mái tóc).Cảm ơn nụ cười và đôi mắt tình yêu đã giữ hộ bình minh trong đêm tối, đã thắp xuân giữa “những cánh rừng quên mất mặt xuân” cùng “những chân nai lạc cỏ”, “những mắt sóng vỡ”, “những đảo buồn chìm” “những thuyền sao chạy lạc”: Hỡi mặt trời hãy cám ơn đôi mắt/ Trong đêm khuya vẫn giữ hộ bình minh/ Những cánh rừng quên mất mặt xuân/ Những chân nai đi tìm tay cỏ biếc/ Những mắt sóng vỡ trên thung lũng biển/ Những đảo buồn chìm trong im lặng xanh/ Những thuyền sao chạy lạc trong đêm/ Hãy cám ơn nụ cười và đôi mắt (Cảm tạ). Nhưng rồi trong niềm “cảm tạ” ấy, tình yêu vẫn không giấu được nỗi đắng cay trước hiện thực đau buồn:

Dù quanh chúng mình chỉ là những hàng rào

đố kỵ

Giữa một đêm không trăng

Giữa một lòng chiều không đáy

Em đừng khóc làm gì

Cho nước mắt vu vơ (Bài thơ ngắn).

Tự mình chất vấn với chính mình trước những mâu thuẫn giữa tình yêu và chiến tranh; giữa “trời xanh và gió mát” do tình yêu mang đến và sự dịu dàng của bóng dáng giai nhân với những “mù mịt” đạn bom, giăng giăng “đồn phòng ngự” và sự “thô bạo của một gã lính canh đi giày đinh giẫm nát tâm hồn” ở ngay tuổi “hai mươi”: Các em/ Những Kiều, những Thu, những Loan, những Ðạm/ Các em đã đem cho tôi trời xanh/Và gió mát// Tại sao?/ Tôi chẳng hiểu tại sao/ Cũng chẳng cần tìm hiểu/ Có thể đời đã để sau lưng tôi chiến tranh mù mịt/ Cuộc sống đổi màu trong nước mắt phế binh/ Hay ở quanh tôi những đồn phòng ngự/ Ðã biến tôi thành một gã lính canh thô bạo/ Ði giầy đinh dẫm nát tâm hồn (Hai mươi). Tình yêu của tuổi “hai mươi” đã thế thì tình yêu của thằng lính “ba mươi tuổi” lại càng chao đảo bởi “gió lốc”, “cuồng phong” của chiến sự: Hỡi người yêu có bàn tay anh buông ra như tàn thuốc lá/ Hãy tha cho đốm hồng thân thể này trong ngày tháng thành than/ Dây thép gai đã buộc vào mắt anh gió lốc/ Cuồng phong đau thương mang tàn lụi vai buồn. Cả xót xa và tuyệt vọng khi tình yêu phải trao nhau không phải bằng ánh mắt yêu thương và là “mắt huyệt chôn nhau”, phải hấp hối vĩnh biệt nhau bằng những nắm đất tiễn đưa ném trên huyệt lạnh bởi những “ngón tay sầu”:

Hỡi người yêu có bàn tay anh buông ra như

tàn thuốc lá

Vẫn nhìn nhau bằng mắt huyệt chôn nhau

Những hòn đất ném lên hòn đất

Những ngón tay vẫn gọi ngón tay sầu

(Tình yêu đàn ông ba mươi tuổi).

 

Chính vì thế, thơ tình Nguyên Sa ở giai đoạn sau khi trở về nước đối diện với hiện thực chiến tranh đã không đơn thuần nói chuyện tình yêu mà luôn luôn đặt tình yêu trong sự lo âu, khắc khoải của hiện thực chiến tranh trong mối quan hệ với thân phận con người. “Bài giã biệt”, anh nói với người yêu nhưng cũng chính là nói với cuộc đời. Nhân danh những nghĩ suy và tình yêu của người đàn ông tuổi ba mươi cùng với “bấy nhiêu lần lũy thừa đau khổ”, Nguyên Sa tuyên bố trả lại tất cả những kỷ niệm tình yêu, những ước mơ tuổi trẻ, những nụ hôn, những lá thư xanh của một thời, đành chấp nhận dở dang, “chẳng còn nguyên vẹn” đúng “như lễ vật trong ngày lại quả gửi về”:

Tuổi ba mươi và bấy nhiêu lần luỹ thừa đau khổ./ Nhân danh cành tay mọc trái nghi ngờ./ Nhân danh vầng trán quê hương lo ngại./ Nhân danh mái tóc chờ mưa trong sa mạc./ Như lễ vật trong ngày lại quả gửi về chẳng còn nguyên vẹn, anh trả lại em những mùa thu lá vàng, những xứ ước mơ, những lâu đài kỷ niệm./ Anh trả lại em cả cặp môi trên gò má, lá thư xanh và ngón tay tuổi trẻ (Bài giã biệt).

“Giã biệt” tất cả để hoang mang, bế tắc, mệt mỏi, chán chường lê thân “vào ngôi nhà nguyện tâm hồn” cùng “những tiếng chuông khởi đầu Thánh lễ”: Vỗ mạn thuyền xô động, với nếp trán phế binh, với đôi mắt dã tràng mệt mỏi, anh đi vào ngôi nhà nguyện tâm hồn./ Gửi đến cho em âm thanh của những tiếng chuông khởi đầu Thánh lễ (Bài giã biệt).

2.

Là một tiến sĩ Triết học tu nghiệp ở nước ngoài, một giáo sư trung học đệ nhị cấp (tức giáo viên cấp 3, ở miền Nam gọi là Giáo sư) và giảng dạy triết ở bậc đại học, hơn ai hết Nguyên Sa là người nhận ra rõ nhất thân phận của một trí thức trước thời cuộc, trước dân tộc và trước học sinh. Đó là thân phận của một thế hệ tuổi trẻ mà cặp mắt xanh không đủ để che giấu nỗi buồn, nụ cười không xóa được nỗi ưu tư; quờ quạng, mất phương hướng với vài tiếng hát lạc lỏng: Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt/ Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư/ Tay quờ quạng cầm tay vài tiếng hát/ Lúc xòe ra chẳng có một âm thừa. Là tuổi trẻ mà suốt một năm trời, theo quy luật tự nhiên, mùa xuân lại không hiện diện; trên tay có đủ “bốn mùa trái đất” lại tự mình đánh “rơi mất mùa xuân”, nên có “cất tiếng” kêu đòi thì cũng tự mình kêu lấy, tự mình nghe lấy, tiếng kêu rơi rụng xuống chính lòng mình tụ thành vết sẹo đớn đau:

Năm ngón tay có bốn mùa trái đất

Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân

Có cất tiếng đòi to. Tiếng đòi rơi rụng

Những âm thanh làm sẹo ở trong hồn (Bây giờ).                                        

Nam nhi phải nặng gánh tang bồng, tuổi trẻ phải gánh trách nhiệm đất nước trên vai, nhưng tuổi hai mươi của thanh niên miền Nam lúc bấy giờ là cả “hai mươi thế kỷ lao tù”, đày đọa, nên “chưa đến đã bay vèo”: Tôi mang trên vai/ Tuổi hai mươi/ Như đời hai mươi thế kỷ/ Ðời để quanh tôi những lao tù cơ cực/ Tuổi hai mươi chưa đến đã bay vèo (Hai mươi). Nguyên Sa thừa “biết rằng”, đây là giai đoạn trộn lẫn khóc-cười, mừng-tủi, ước hẹn-phôi pha, nhưng rồi cũng đành bất lực vì chẳng “biết nói làm sao”: Anh biết rằng:/ Có người khóc vì mừng vui ước hẹn/ Có người cười vì tủi cực phôi pha/ Anh biết nói làm sao/ Nhưng chắc chắn ngàn thu ly rượu quan hà/ Sẽ phải chua men vì thiếu người sưởi lạnh/ Anh biết nói làm sao/ Khi họ gặp nhau (Anh đã bảo em). Nỗi buồn đau, bất lực thấm sâu và chảy tràn trong thơ-văn-xuôi của Nguyên Sa tưởng như không một phút nào ngừng, trùm lên “những chuyện quê hương”:

Anh không dám kể lể dài dòng như một người giang hồ nói với người giang hồ về những chuyện quê hương. Anh chỉ dám dâng em chút ít đớn đau với nỗi niềm sám hối. Nỗi niềm của một kiếp người đã nhiều tháng ngày ngồi trong ngõ tối.

Anh đã ngồi im không nói: anh chỉ còn là gã kép già quanh năm khát nước vì suốt cả đời người hò hét một bản xàng xê (Sám hối).                                           

Tuổi trẻ miền Nam cũng đã từng chờ đợi, tin yêu, nhưng rồi “từng hi vọng bay theo từng hi vọng” để rồi ngồi đếm thời gian tự “sám hối” với chính mình: Suốt cả đời người anh đã chờ đợi tin yêu: lửa đến từ những cửa ngõ cuộc đời đã đốt cháy mười đầu ngón tay bằng những khối nhựa đường nóng bỏng/ Từng hy vọng đã bay theo từng hy vọng. Không biết có phải vì nhát cuốc tháng ngày đã phạt cỏ đùa chơi? (Sám hối). Đó là những thân phận tù đày, lao công khổ ải, tan tác, lang thang: Thằng Chúc bây giờ nằm trong nhà tù/ Thằng Thịnh bị mang đi làm nông trường/ Thằng Văn lang thang những bờ biển xa/ Em nó ở nhà bán báo vỉa hè… Canh cánh bên lòng nỗi đau vì đất nước chiến tranh, thân phận tuổi trẻ bị bạc đãi, bị vu oan, chụp mũ… sống trong muôn nỗi chán chường:

Niềm đau đất nước mỗi ngày một đau

Câu hỏi đã lớn mỗi ngày một lớn

Những đứa sát nhân, vu oan giá họa

Những đứa chụp mũ, chụp mũ, chụp mũ

Mỗi ngày một tăng theo cấp số nhân

Bạn bè dần hết theo tỷ lệ nghịch

Chán cả làm thơ, chán cả ngâm thơ (Bao giờ).

Kết thúc bài thơ Bao giờ là liên tiếp những câu hỏi lớn chứa đựng tâm trạng bế tắc tưởng chừng không lối thoát: Bao giờ, bao giờ, bao giờ, bao giờ?

Toàn bộ bài thơ Cắt tóc ăn tết cũng nằm trong tâm trạng chán chường ấy. Đây cũng chính là nỗi đau thân phận của tuổi trẻ miền Nam thông qua nhìn nhận của Nguyên Sa về hiện thực xã hội miền Nam lúc ấy: Cắt cái sợi ăn gian/ Cắt cái sợi nói dối/ Sợi ăn cắp trên đầu/ Sợi vu oan dưới gáy/ Sợi bè phái đâm ngang/ Sợi ghen tuông đứng dọc/ Sợi xích chiến xa, sợi dây thòng lọng/ Sợi hưu chiến mỏng manh, sợi hận thù buộc chặt/ Sợi nấp trong hầm/ Sợi ngồi trong hố/ Sợi đau xót như dây dù chẳng mở/ Sợi treo cổ tình yêu, sợi trói tay hy vọng/ Cắt cho ta,// Cắt cho ta, hãy cắt cho ta… Cứ liên tục như thế, từng sợi tóc trên đầu đều chứa đựng những sầu lo của thế hệ: “Sợi mệt mỏi”, “Sợi cháy đen”, “Sợi thở dài”, “Sợi đánh nhau”, “Sợi chia cắt non sông thành Nam Bắc”, vân vân và vân vân các thứ sợi: Sợi mệt mỏi sau những tháng ngày hoan hô đả đảo/ Sợi cháy đen như rừng núi Chu-prong/ Sợi thở dài trong đêm cúp điện tối om/ Sợi sát vào nhau đánh sáp lá cà/ Sợi cắt non sông thành Bắc Nam, thành khu chiến/ Sợi lên thẳng trực thăng/ Sợi xuống ngầm địa hạ/ Sợi đặt chông/ Sợi gài mìn/ Sợi bóp cò liên thanh/ Sợi kéo xe đại bác/ Sợi xót xa trên mặt nhăn tuổi trẻ/ Sợi trên trán thơ ngây nằm im phục kích… Tác giả cứ mãi đồng thanh hô “Cắt” để hi vọng có một ngày nhìn rõ mặt sự “đổi mới” của quê hương: Hãy cắt tóc/ Hãy cắt tóc và nhìn/ Mặt quê hương đổi mới (Cắt tóc ăn tết). Dù hi vọng, nhưng nỗi chán chường, bất lực vẫn hiện lên như một “thế giới buồn” đen kịt một màu “tống biệt” cùng những “điệp khúc giã biệt”:

Cánh cửa ngang qua thế giới buồn

Tống biệt hồng sang tống biệt đen

Em mang điệp khúc về đâu đó

Ta tưởng chừng như giã biệt em (A Tỳ).

Và những sầu đau, thương nhớ, cách chia giữa “mịt mù thế nhân” như một A tỳ địa ngục: Chết một ngàn năm chắc phải sầu/ Nhưng này thương nhớ lúc xa nhau/ Mịt mù nhân thế trôi biền biệt/ Giữa vị sầu nghe có vị đau (A Tỳ). Rồi như một tất nhiên, cái chết đã hiện hình: Anh cúi mặt hôn lên lòng đất/ Sáng ngày mai giường ngủ lạnh côn trùng/ Mười ngón tay sờ soạng giữa hư không/ Ðôi mắt đã trũng sâu buồn ảo ảnh (Lúc chết). Đớn đau thay! Tuổi trẻ tươi đẹp lại phải đồng hành cùng cái chết:

Nằm ở đấy, hai bàn tay thấm mệt

Ngón buông xuôi cho nhẹ bớt hình hài

Những bài thơ anh đã viết trên môi

Lửa trái đất sẽ nung thành ảo ảnh

(Lúc chết)

Và đau đớn nhất là tuổi trẻ miền Nam xem cái chết là một sự giải thoát khỏi hiện thực đớn đau: Chúng tôi nhảy múa hò reo/ Thế là nó thoát, thế là nó thoát/ Thế là nó thoát, đúng rồi, thế là nó thoát/ Thoát khỏi ngủ, thoát khỏi ăn, khỏi thở/ Khỏi đêm, khỏi ngày, khỏi tháng, khỏi năm/ Khỏi chờ, khỏi đợi/ Khỏi nhìn tình ái đội nón ra đi/ Khỏi hy vọng ban mai, khỏi buồn thiu buổi tối (Đám tang Nguyễn Duy Diễn)1.

Đọc đoạn thơ này, ta càng hiểu thêm ý nghĩa phản chiến trong “Hãy sống giùm tôi, hãy nói giùm tôi, hãy thở giùm tôi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết vào những năm tháng ấy…

*

Chào đời cùng với năm ra đời của Thơ Mới, năm nay cũng là kỷ niệm 90 năm sinh Nguyên Sa (01/3/1932 - 2022), tôi xin trích một đoạn ngẫm suy của Tuy Hòa cùng khát vọng thơ của Nguyên Sa thay cho lời kết: “Vậy là Nguyên Sa đã yên nghỉ mười năm ở California. Mọi vui buồn và được mất cũng đã lắng dịu đi, đủ để những người bây giờ bình tâm phác thảo một chân dung thơ Nguyên Sa. Ông đã đến với chúng ta, đã sống với chúng ta, đã rời xa chúng ta, và đã gửi lại những câu thơ dâng hiến cả cuộc đời. Gần nửa thế kỷ miệt mài với thơ, Nguyên Sa canh cánh “luôn luôn làm sao để không giống mình, để trở thành một người khác mình, thì đó chính là cách thức, cách thế để trở thành chính mình”2.

________

1. Thơ sử dụng trong bài viết được trích dẫn từ ba nguồn chính: Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ, Nam Chi xuất bản, 1970; Thơ Nguyên Sa, Tổ hợp gió xuất bản, 1971 (trích theo thivien.net) và Thơ Nguyên Sa, Nxb Đồng Nai, 1999

2. Tuy Hòa, “Những bài thơ cuối cùng của Nguyên Sa”, VNExpress, 16/07/2008

Nguồn Văn nghệ số 17/2022


Có thể bạn quan tâm