April 27, 2024, 5:50 am

Chất lính

Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức khoa học, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và đượm tình người nhằm hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả cao. Những cựu chiến binh lặng lẽ mang các nguyên lý này áp dụng thành công vào cuộc sống được gọi là có phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ.

Thượng úy công binh Nguyễn Trung Sỹ

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nho học, cụ cố Trùm Ân, ông nội Nguyễn Trọng Thu đều là nhà nho, bố Nguyễn Trọng Hạp đỗ bằng Thành Chung, Cụ dạy bình dân học vụ và làm cán bộ lâm nghiệp, ở xa nhà. Sỹ trở thành lao động chính. Ngoài giờ đến lớp học, Nguyễn Trung Sỹ làm nông, giúp mẹ nuôi các em. Thiếu thời gian nhưng anh vẫn học giỏi.

Trước những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi huyện thường có một trường cấp 3; mùa thi chưa đến chục người đậu đại học chính quy. Năm 1978, Sỹ và tôi nhập trường, học cùng lớp: Khóa 23 Ngành Cảng - Đường thủy, trường Đại học Xây dựng Hà Nội; lớp chỉ có 23 sinh viên, toàn nam.

Khóa chúng tôi vào trường trong lúc đất nước gặp khó khăn vẫn được bao cấp từ ăn, mặc, ở và sách vở. Chiến tranh biên giới Tây Nam rồi chiến tranh biên giới phía Bắc. Khẩu phần ăn của sinh viên và thầy cô lúc đó là hạt bo bo thay cơm… Những năm tháng sinh viên, Sỹ chăm chỉ học và luôn là sinh viên ưu tú xuất sắc.

Năm 1983, ra trường, tôi xung phong vào Long An công tác; để lại nơi đây người bạn thân thiết nhất - Nguyễn Trung Sỹ, vào khóa sỹ quan dự bị…

Cuối năm 1983, Thiếu úy công binh Nguyễn Trung Sỹ chiến đấu tại chiến trường biên giới phía bắc trong Sư đoàn 311, Quân đoàn 26, Quân khu 1 (Cao Bằng). Chiến trường là nơi tài nguyên hạn chế, bù lại, tài nguyên trí tuệ vô hạn. Đơn vị có chiếcXe MAZ 801 đời 1981 hỏng heo dầu. Hỏng xe, đồng nghĩa với không hoàn thành nhiệm vụ. Nguyễn Trung Sỹ lúc đó chỉ có bằng lái xe đại xa trong khi sửa chữa heo dầu phải là thợ cơ khí ô tô bậc 7. Anh trải chiếu, tháo heo dầu, xếp thứ tự từng bộ phận, tự sửa chữa. Lắp vào, còn “thừa” 6 con vít, không biết ở bộ phận nào. May mắn cho những người dám nghĩ dám làm, chiếc xe vận hành tốt.

Đường hành quân nơi biên ải, núi cao sông sâu vực thẳm. Đến bến Phục Hòa, đoạn cuối dòng sông Bằng Giang chảy sang bên kia biên giới Việt Trung, chiếc xe mang toàn bộ khí tài lao xuống sông chìm nghỉm. Nguyễn Trung Sỹ cầm dây cáp lặn xuống, trong làn nước chảy xiết, mang hơi lạnh của rừng già âm u mùa đông giá, tối lờ mờ. Ngạt thở, nhưng anh cố lần mò tìm được móc tời để gắn cáp vào. Chiếc xe được kéo lên trong khi anh ngồi ở bờ sông thở dốc, máu từ lỗ tai thấm ra…

Năm 1988, anh chuyển ngành về Ban Quản lý dự án 85 (Ban 85) – Bộ Giao thông Vận tải, trụ sở tại thành Vinh. Bộ quân phục màu xanh đã sờn theo anh đến từng công trường… Lúc đó, tôi làm thiết kế tại Xí nghiệp Khảo sát giao thông Long An. Các tuyến đường qua nền đất yếu, do không khoan khảo sát, không có số liệu địa chất, để tính toán chiều cao đắp. Đắp cao, nền đường lặn vào bùn. Đắp thấp, mùa lũ ngập. Tôi điện hỏi Nguyễn Trung Sỹ - Phó tổng giám đốc (PTGĐ) Ban 85, được tư vấn: “Nhìn chiều cao nhà dân đắp trong vùng đường đi qua chọn cao độ thiết kế (độ cao của con đường)”. Từ đó, thiết kế các con đường, dù có số liệu tính toán, tôi cũng phải so với nền nhà dân sống trong vùng lũ; gọi là sử dụng kiến thức bản địa, cách mà người lính vẫn dùng.

Lúc tôi được bổ nhiệm phó giám đốc, có tuyến đường tỉnh 833 làm xong mấy năm không nghiệm thu được. Tôi quyết tháo gỡ bằng được cho đồng nghiệp và các bên để đưa vào sử dụng; nhưng gặp sự bàng quan của nhiều cán bộ liên quan. Không giải quyết được, tôi điện cho Nguyễn Trung Sỹ.

- Phải sử dụng sức mạnh của cấp trên để có sự hợp đồng mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bạn gặp anh Đôn (quyền giám đốc sở Giao thông Vận tải), trình bày thẳng vào vấn đề, thời lượng không quá 5 phút để được giúp đỡ giải quyết. Lắng nghe chỉ đạo và theo đó lập tức triển khai làm ngay.

Có chỉ đạo phối hợp của anh Đôn, chỉ trong vòng 1 tuần, tôi trực tiếp cùng đội khảo sát, hợp tác với Ban quản lý dự án, Phòng kỹ thuật Sở giải quyết xong.

Năm 2006, Nguyễn Trung Sỹ điện tôi ra huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giúp nhận bàn giao tuyến đường 965 do tư vấn Nhật Bản thiết kế. Tôi xem hồ sơ, điện, trình bày, anh ngắt lời: “Nếu bình thường, không cần kiến thức tư vấn 23 năm của Bạn. Ban điều hành nói hồ sơ chỉ có tọa độ, không làm theo cách của Việt Nam như có bán kính, góc ngoặt cho các đường cong nên không nhận bàn giao. Bạn chỉ cho mình biết ý kiến về việc đó thôi”.

- Tư vấn nước ngoài làm theo phương pháp hiện đại của thế giới. Từ tọa độ tính lại theo kiểu Việt Nam cũng được. Cơ bản tốt hơn: triển khai thực địa, kiểm tra, dễ dàng hơn bằng máy toàn đo đạc điện tử - Tôi trả lời.

- Huệ ký vào biên bản nhận bàn giao, ghi tên mình để tư vấn đưa ra cho mình ký. Ý kiến nền đường qua vùng đất yếu cần có bệ phản áp; bạn viết báo cáo ngắn, trong tối nay xong, gửi cho Sỹ qua email để có cơ sở, sẽ cho thẩm kế lại và xữ lý sau. Bạn cứ hiểu đã nổ súng là không thể dừng lại sửa sai đâu, chỉ có vừa đánh vừa khắc phục.

Do cần người ở phía nam, Ban 85 nhận tôi về dự án này; tôi mới hiểu ở cương vị Phó tổng giám đốc, Nguyễn Trung Sỹ có nhiều việc phải xử lý, không có thời gian dông dài. Kim chỉ nam của anh: công trình đã khởi công thì sẽ đi đến hoàn thành, không có ai cản trở được.

Lần đầu tiên giao việc, anh đưa cho tôi tờ giấy viết cách giải quyết công việc, bảo cầm lấy mà làm; có gì cứ đưa ra, khỏi chịu trách nhiệm.

Tôi xem xong trả lại:

- Trên đời này, có việc gì không có trách nhiệm cá nhân, có điều luật nào quy định làm theo cấp trên, nếu sai, không bị truy cứu trách nhiệm?!..

- Quân đội, giao việc rõ ràng, mệnh lệnh dứt khoát; nhận lệnh khi hiểu rõ và hoàn thành nhiệm vụ…

Sau này tôi mới rõ, làm việc với cấp dưới, nhà thầu kể cả cấp trên, PTGĐ Nguyễn Trung Sỹ đều viết vắn tắt nội dung ra giấy, ký tên, giao cho đối tác giữ để làm theo. Nhờ đó, tôi nghĩ ra cách làm việc minh bạch. Trình ký việc gì, tôi có báo cáo ngắn vài dòng về kết quả kiểm tra, những điều khác biệt, những vấn đề cần châm chước và lý do châm chước; kết luận tính đúng đắn; ký tên và giao cho cấp trên xem, lưu lại; để lãnh đạo không mất thời gian đọc, kiểm lại.

Vũ Xuân Lạc là nhân viên của tôi lúc tôi làm trưởng phòng thiết kế. Lạc đang điều hành dự án cảng Tân cảng của quân đội, ở gần Cảng Cái Mép và cảng Thị Vải thuộc dự án ODA bên tôi. Lạc cho biết đang thay đổi thiết kế nâng cảng lên cao 0,5m. Tôi viết báo cáo ngắn gửi PTGĐ Nguyễn Trung Sỹ; chịu trách nhiệm về đánh giá 2 cảng ODA thấp 0,5m; do đó khi đưa vào khai thác sẽ bị nhiều ngày ngập, giảm nghiêm trọng hiệu quả.

Anh chỉ đạo tư vấn Nhật Bản kiểm tra, thuê thẩm kế, đến Bộ, Văn phòng Chính Phủ; gian nan, vất vả mất một năm để tăng chiều cao 2 cảng lên nửa mét. Anh tâm sự:

- Ở chiến trường, không nghe được phản biện là thất bại, tốn máu xương... Cấp trên muốn chúng ta phản biện, không muốn nghe những câu vuốt đuôi. Rèn luyện thói quen quyết tâm sửa sai khi được phản biện mới giải quyết tận gốc trở ngại.

Năm 2009, nâng ly rượu, bạn tôi thủng thẳng: “Anh Trân (Nguyễn Ngọc Trân – Tổng giám đốc Ban 85, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới) đánh giá Huệ 2 kỳ đại hội, Huệ mạnh dạn đưa ra nhiều ý kiến phản biện có giá trị. Mọi việc của Huệ làm thì mình và anh Trân theo sát và có cơ chế kiểm tra …”.

Tôi chưng hửng:

- Sao bạn không nói cho mình biết trước để đề phòng.

- Quản lý, phải theo dõi, kiểm tra. Nếu Huệ xấu, sẽ bố trí việc khác để tránh lầm lạc. Bạn bè dù có chết cũng không bỏ nhau, nhưng với góc độ quản lý cơ quan, cũng như trong quân đội, phải rành mạch...

Dự án cải tạo mở rộng Quốc lộ 24 đoạn Quảng Ngãi – Kon Tum. Quốc lộ 24 bắt đầu từ đoạn giao với quốc lộ 1A tại ngã ba Thạch Trụ, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, chạy qua phía Bắc huyện Đức Phổ, qua huyện Ba Tơ, nối tiếp huyện Kon Plông, huyện Kon Rẫy và thị trấn Đăk Rve, kết thúc tại phường Thắng Lợi thành phố Kon Tum. Ban 85 làm đại diện chủ đầu tư. Đây là dự án khó khăn do xuyên qua rừng rậm, núi cao, sông sâu. Lúc dự án chậm tiến độ, PTGĐ Nguyễn Trung Sỹ vào trực tiếp phụ trách.

Từ thành phố Vinh, anh vào Đà Nẵng, đi ô tô lên công trường nắm tình hình 2 ngày và không để các nhà thầu biết. Tổ chức họp tại công trường, lắng nghe báo cáo nhà thầu, anh đưa số liệu, hình ảnh thu thập được, đối chiếu cho các nhà thầu thấy báo cáo sơ sài, thiếu tính thực tế. Phối hợp với anh Nguyễn Phương Nam - Trưởng phòng Phòng Giám định 2; Cục Quản lý xây dựng đường bộ mời đơn vị kiểm định đánh giá chất lượng thi công cầu Đackve và quyết định tháo dỡ một số hạng mục chưa đảm bảo chất lượng làm lại. Từ đó, chấn chỉnh lại chất lượng, tiến độ dự án.

Vừa về đến Đà Nẵng, anh đưa tờ trình duyệt gói thầu số 1 bị trả lại, bảo tôi nghiên cứu viết lại cho đồng nghiệp, xong vào sáng hôm sau. Tôi xem kỹ tờ trình chục trang, viết thêm đoạn cuối: “Những đoạn đi qua vùng đất yếu, Liên danh Tư vấn NK – NE – Chodai – TEC bố trí lớp đá dăm trộn nhựa dày 40 cm, là lớp cấu tạo dưới cùng của móng mặt đường để tránh nứt phản ảnh mặt đường bê tông nhựa”. Anh đọc xong, rút bút ký, cho lấy dấu gửi đi. Nó chấm dứt việc buộc tư vấn phải tính toán giải trình lớp này vì bị cho là lãng phí. Lý do, đường bê tông nhựa ở nước ngoài như Hoa Kỳ… bị nứt phản ảnh bề mặt là chuyện thường, nhưng ở ta, dư luận không cho phép, nên họ đưa vết nứt kết thúc ở lớp đá dăm trộn nhựa. Có nhà khoa học nào lập công thức để tính toán những việc dư luận đòi hỏi vô lý?!... Đó là tôi áp dụng bài học của người lính: luôn tính đến sự phù hợp với thực tiễn…

Năm 2014, Nguyễn Trung Sỹ được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Cục QLXDĐB).

Cầu Tân An km1947+182 Quốc lộ 1A. Công binh Mỹ khởi công năm 1968 và thông xe năm 1972. Theo phương án sửa chữa, có thay các gối cầu. Bám sát hiện trường phải như trinh sát chiến trường; chiều 21/10/2017, Cục trưởng Nguyễn Trung Sỹ trèo xuống từng trụ để kiểm tra từng gối cầu cũ đã dùng được 45 năm và quyết định sử dụng tiếp. Tiền tiết kiệm không nhiều nhưng việc thay gối cầu vô cùng khó khăn, ảnh hưởng đến lưu thông xe cộ trên tuyến đường huyết mạch, trong khi các gối cầu mới, về chất lượng cũng không hơn gối cầu của Mỹ ở thời điểm hiện tại.

Trong cuộc họp hiện trường tại ngôi nhà gần cầu Tân An, Cục trưởng Nguyễn Trung Sỹ lắng nghe những ý kiến phản biện. Ông yêu cầu công bằng khi xem xét tất cả mọi ý kiến: Ban quản lý, Tư vấn giám sát, Tư vấn thiết kế, Nhà thầu thi công và người dân địa phương nhằm tìm ra ý kiến đúng nhất. Cục trưởng nhắc nhở: phản biện ý kiến không phải là phản biện con người. Người có ý kiến đúng việc cụ thể này không có nghĩa đúng tất cả mọi ý kiến khác. Và người không đúng trong một ý kiến cụ thể cũng không phải là người không giỏi, không thông minh. Nhưng người không chấp nhận được các ý kiến phản biện là người không tìm ra giải pháp đúng đắn, phù hợp với thực tế khách quan.

Ông thường dặn đồng nghiệp và cán bộ các bên rèn luyện tư duy phản biện theo cách nói của cha ông: “phải rành mạch”.

Cục trưởng chỉ rành mạch trong công việc. Quý mến thương yêu cấp dưới, đồng nghiệp và quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các bên, ôngluôn nhắc nhở các bên hành xữ có lý, có tình. Trong dự án, quyền lợi Nhà nước là hàng đầu. Không nhận thức được điều đó, chắc chắn quyền lợi các bên sẽ sứt mẻ do công trình kém chất lượng, buộc phải ngồi lại với nhau tìm cách khắc phục, rất tốn kém và tệ hơn nữa là bắt buộc phải tháo dở để làm lại...

Cầu Thăng Long do Trung Quốc giúp ta xây dựng phần mố trụ, Liên xô giúp xây dựng các nhịp, mặt cầu. Từ tháng 3/2010 đến tháng 01/2011 tiến hành sửa chữa 6 lần, không giải quyết được hư hỏng mặt cầu. Việc sửa chữa lớp phủ mặt cầu thép kết cấu bản trực hướng cầu Thăng Long là bài toán khó, nhiều nước đã thất bại chứ không riêng Việt Nam. Năm 2019, Cục QLXDĐB tự bỏ kinh phí đi Nhật Bản, Trung Quốc… để nghiên cứu công nghệ bê tông cường độ siêu cao. Năm 2020, với sự tham mưu, nhận trách nhiệm của Cục QLXDĐB; Dự án sửa chữa cầu Thăng Long được phê duyệt dùng bê tông cường độ siêu cao, kinh phí 200 tỷ (8,6 triệu USD). Năm 2011 chi 300 tỷ (14,5 triệu USD), sửa chữa đã thất bại. Trước đó, một số giáo sư, tiến sỹ chuyên ngành giao thông đến tận nhà, hoặc viết thư chân thành khuyên Nguyễn Trung Sỹ đừng làm vì khả năng cao sẽ bị thất bại... Cục trưởng trực tiếp ra mặt cầu chỉ đạo thi công, theo dõi hơn 1,5 triệu mối hàn đinh neo vào thép mặt cầu, hàng trăm ca trộn và đổ bê tông cường độ siêu cao dày 6cm có cốt sợi thép chịu biến dạng và thảm bê tông nhựa nóng...

Sáng ngày 07/01/2021 cầu Thăng Long chính thức thông xe; sử dụng an toàn đến nay.

Tháng 6/2021, Cục trưởng Nguyễn Trung Sỹ về hưu. Ngày thường, ông dành thời gian chăm lo nhà cửa, việc dòng họ; giúp các sinh viên học những môn: kết cấu, bê tông… Ông tham gia hội đồng thẩm định sách giảng dạy, hội đồng thẩm tra các công trình khoa học của trường Đại học GTVT, tư vấn xây dựng những công trình phức tạp khi được mời. Ông đang cùng tổ tư vấn hoàn thành bộ tiêu chuẩn an toàn hầm đường bộ cho Bộ Giao thông Vận tải ban hành.

Làm việc gì, ôngcũng tìm cách vận dụng kiến thức tinh hoa của quân đội.

Nguồn Văn nghệ số 36+37/2022


Có thể bạn quan tâm