April 26, 2024, 2:42 pm

Cây cầu âm nhạc độc đáo mang hồn dân tộc

Cần Thơ là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu Cửu Long giang, là trung tâm kinh tế, văn hóa, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải cho toàn khu vực và liên vận quốc tế của vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long và của cả nước. Một vùng mệnh danh thiên nhiên ưu đãi bởi gạo trắng nước trong trong câu ca dao:

“Cần Thơ gạo trắng nước trong,

Ai đi tới đó lòng không muốn về”

Tích xưa kể rằng khi chưa lên ngôi vua, Nguyễn Ánh vào Nam đã đi qua nhiều nơi ở vùng châu thổ sông Cửu Long. Một hôm đoàn thuyền của chúa đi theo sông Hậu vào địa phận thủ phủ Trấn Giang (Cần Thơ xưa). Đêm vừa xuống thì đoàn thuyền cũng vừa đến vàm sông (bến Ninh Kiều ngày nay). Giữa đêm trường thanh vắng, vọng lại nhiều câu thơ ngâm sâu lắng, câu hò vang vọng thiết tha, câu hát âm vang ngọt ngào tình tứ, tiếng đàn, tiếng sáo du dương trầm bổng tạo thành bản hòa thanh tuyệt diệu. Chúa thầm khen về một cảnh quan sông nước nên thơ, hữu tình và ban cho con sông này cái tên đầy thơ mộng là Cầm Thi giang. Dần dần hai tiếng Cầm Thi lan truyền rộng trong dân chúng và nhiều người nói trại ra thành Cần Thơ. Tên Cần Thơ nghe thấy hay và đẹp nên được người trong vùng chấp nhận và cùng gọi là sông Cần Thơ.

Những cây cầu không chỉ để bắc qua con sông mà nó còn là biểu tượng của quốc gia của địa phương đó. Để có một cây cầu biểu tượng với đầy đủ ý nghĩa về truyền thuyết tên gọi thành phố và là trung tâm của vùng sông nước Cửu Long mang trong mình di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại “Đờn ca tài tử Nam bộ” và khoác lên nó một không gian nghệ thuật, cầu Cầm Thi được dựng lên với hình tượng một cây đàn lớn: đàn bầu - một nhạc cụ tuyệt vời của Việt Nam. Cây cầu sẽ mang lại cho mọi người những giai điệu nhẹ nhàng trong cuộc sống hối hả.


Có thể bạn quan tâm