April 27, 2024, 10:26 am

Câu chuyện đằng sau những bức ảnh lịch sử

 

Phụ nữ Việt Nam với 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” đã góp phần dệt nên vẻ đẹp diệu vợi của dân tộc ta trong thời đại mới. Rất, rất nhiều câu chuyện và những bức ảnh sinh động đã ghi lại những giây phút hào hùng đó về họ. Dẫn giải, cứu chữa phi công Mỹ khi bị bắt sống sau khi gây tội ác, bị bắn rơi xuống đất, những câu chuyện về những bức ảnh đó trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước luôn làm xúc động lòng người.

“O du kích nhỏ dương cao súng”

 

Bà Nguyễn Thị Kim Lai ở phường Bắc Hà, TP. Hà Tĩnh, năm nay mặc dầu đã vượt tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng vẫn còn lanh lẹ, hoạt bát. Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng cùng con cháu nội, bà Lai niềm nở, tươi cười đón khách. Trên tường, bức ảnh bà dẫn giải một viên phi công Mỹ béo mập, mặt cúi gầm, chậm rãi bước đi trước mũi súng của bà cái tuổi thanh xuân và phía dưới là bài thơ Tấm ảnh của nhà thơ Tố Hữu được phóng to ghi lại toàn cảnh đó thật hào hùng:

O du kích nhỏ dương cao súng

Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu

Ra thế! to gan hơn béo bụng

Anh hùng đâu phải cứ mày râu!

                                                                    (1/1967)

 Bà Nguyễn Thị Kim Lai kể chậm rãi như đang sống lại khoảnh khắc, những năm tháng đầy ý nghĩa cuộc đời mình hơn nửa thế kỷ trước. Hồi ấy bà là chiến sĩ dân quân xã. Khi chiến tranh đánh phá leo thang phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt nhiều nơi, việc luyện tập, cảnh giới, săn bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh thật tất bật, vất vả. Khoảng 11 giờ ngày 20/9/1965, một chiếc F105 mà không lực Hoa Kỳ tự phong đó là “Chim ưng nhà trời” bị lực lượng phòng không mặt đất huyện Hương Khê quật ngã khi cả đoàn nối nhau trút bom xuống một vùng dân cư. Một cánh dù bật ra. Tiểu đội dân quân của bà lao vào rừng nơi cánh dù Mỹ ụp xuống. Mọi người lục lọi, tìm kiếm. Khoảng gần tối, bà Lai nghe tiếng động trong một hốc đá. Bà bò vào thì thấy thằng giặc lái đang ẩn mình trong đó với bộ điện đài, đang gọi đồng đội đến cứu. Bà đứng dậy bắn ba phát súng chỉ thiên. Thằng giặc lái đứng dậy giơ hai tay xin hàng. Đồng đội của bà cũng kịp thời ập tới. Được phân công, bà dương súng giải thằng giặc lái đi. Vừa lúc đó, nhà báo Phan Thoan (phóng viên báo Hà Tĩnh) cũng có mặt kịp thời, bấm máy ghi hình. Tấm ảnh đó đã làm tên tuổi nhà báo và các nhân vật trong bức ảnh sau đó nổi tiếng. Sau này, bà được gặp lại viên phi công Mỹ năm xưa mình đã dẫn giải, có tên là Wiliam Anđrây Rôbinsơn đến Hà Tĩnh thăm bà. Cuộc gặp mặt giữa hai người diễn ra khá vui vẻ, hòa nhã và rất hữu nghị.

Bức ảnh này sau đó đã được Tổng cục Bưu điện Việt Nam in thành tem, đậu trên những cánh thư đi khắp mọi miền của Tổ quốc.

 

“Hắn là thù nhưng mình cứu chữa cho hắn là trách nhiệm của lương tâm”

Bà Ngô Thị Sâm (sinh 1943), cùng chồng hiện đang sống tại tổ dân phố Thạch Quý, TP. Hà Tĩnh. Bà trần tình câu chuyện về bức ảnh lịch sử đáng nhớ. Trưa ngày 19/5/1972, một tốp máy bay Mỹ đến gây tội ác ở khúc đường chiến lược chạy qua xã. Một chiếc F4H của chúng bị lực lượng phòng không mặt đất bắn cháy. Viên phi công nhảy dù xuống vùng đất giáp ranh giữa xã Thạch Môn và xã Thạch Quý, huyện Thạch Hà. Tiểu đội bà nhanh chóng tiếp cận. Thằng giặc lái nhảy dù, vướng vào lùm tre, xây xát mặt mày, máu chảy đỏ cổ, đỏ má. Hắn được tạm đưa vào một nhà dân. “Tui lúc đó là y tá. Nghề mình là nghề nhân đạo. Ai đau ốm thương tích thì phải cứu chữa. Hắn là thù nhưng mình cứu chữa cho hắn là trách nhiệm của lương tâm”, bà Sâm nói. Đang băng bó vết thương cho thằng giặc lái thì nhiếp ảnh gia Từ Tiện tìm đến đúng lúc, ghi lại hình ảnh đó. Nhưng mãi 20 năm sau bà mới nhìn thấy ảnh này khi đang bán gạo ở chợ. Lúc đó có người ở UBND Thạch Hà dẫn nghệ sĩ nhiếp ảnh năm xưa đến gặp bà và giới thiệu tấm ảnh. Viên phi công ấy có tên là Obri-Nicon. Nhờ bức ảnh này mà nhiều người biết được bà. “Tôi đã được nhiều bằng khen của các cấp từ địa phương đến Trung ương. Hội Chữ thập đỏ quốc tế cũng đã có bằng khen và quà tặng tôi”. Bà Sâm nhớ lại.

Sau khi nghỉ hưu, bà Ngô Thị Sâm vẫn tiếp tục hành nghề “từ mẫu” một thời gian của mình trong địa phương. Như băng bó, tiêm chích, tư vấn thuốc men cho bệnh nhân chữa trị những bệnh thông thường. Bà là người mẹ người bà mẫu mực đôn hậu của 5 người con và đàn cháu nội ngoại. Trong thôn xóm, ai cũng thân mến thân mật với bà.

 

“Cứu hắn, vì hắn cũng là người”

Năm 2004, tôi tình cờ phát hiện được tấm ảnh một nữ cứu thương đang băng bó vết thương ở chân trái cho một viên phi công Mỹ khi bị bắt sống. Không có thuyết minh nào về tác giả và nhân vật trong bức ảnh. Suốt 2 năm trời tiếp đó, tôi đã lăn lộn nhiều nơi hỏi han, tìm kiếm tư liệu ở Quảng Bình nhưng không có kết quả. Năm 2006, tôi đành ra Hà Nội tìm đến phòng lưu trữ tư liệu của TTX Việt Nam, rồi bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam. Họ cung cấp cho tôi một số đầu mối. Nhờ nó, khi trở lại Quảng Bình, Sở Tài nguyên và môi trường đã giúp tôi xác định được tọa độ rơi của chiếc máy bay, nghi là do viên phi công trong bức ảnh lái. Theo đó, tôi đến xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch gặp ông Hồ Văn Khuyên tại thôn 2, Phong Nha, người mà theo đồng chí chủ tịch xã cho biết có thể là người từng tham gia bắt sống phi công Mỹ năm 1966 tại rừng Phong Nha. Ông Hồ Văn Khuyên lúc đó đang đi cày đồng chưa về. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Luẫn trong nhà bước ra để đón khách. Thấy bà, tôi tự thốt lên với mình: “Trời ơi, đây rồi! người trong ảnh đang băng bó cho phi công Mỹ là đây, không ai khác”. Tôi rút tấm ảnh ra và hỏi:

- Chị có biết người đang cứu chữa cho viên phi công trong bức ảnh là ai không?

Bà Luẫn cầm tấm ảnh nhìn một lúc, rồi reo lên:

- Là tui đây. Mà mần răng anh có tấm ảnh ni?

Chồng bà, ông Hồ Văn Khuyên lúc đó vừa vác cày về, cùng sung sướng reo lên khi nhìn thấy bức ảnh. Thế là trong 2 năm, tôi đã mò được kim đáy biển!

Ông Hồ Văn Khuyên nhớ lại: Trưa ngày 26/1/1966, máy bay Mỹ đến ném bom ở phà Xuân Sơn. Lực lượng phòng không mặt đất đã bắn cháy một chiếc. Máy bay này đâm đầu xuống núi Phong Nha, phi công nhảy ra trong một chiếc dù đỏ. Dù ụp xuống ở dãy Lèn Ha bên kia sông Son. Ông Khuyên lúc bấy giờ là xã đội phó dân quân xã Sơn Trạch cùng một đồng đội nữa là anh Nguyễn Văn Quỳnh, leo lên, len lỏi, giáp được viên phi công này đang ẩn nấp trong một hẻm đá với súng ngắn và máy bộ đàm trong tay đang gọi đồng đội đến cứu. Ông Khuyên ập đến phá vỡ máy bộ đàm, đánh rụng súng ngắn rồi cả hai người dẫn giải viên phi công xuống núi. Sau này ông được biết giặc lái có tên là Grubb Wilmer Newlin, đại úy lái máy bay trinh sát LS101, chỉ huy tốp máy bay đánh vào bến phà Xuân Sơn trưa hôm đó. Khi xuống núi, Grubb vấp ngã liên tục nên quần ở đầu gối chân bị toạc. Máu bầm tím đầu gối. Y tá dân quân là Nguyễn Thị Luẫn đang có mặt liền băng bó vết thương cho y. Nhà báo Trọng Thanh của TTX Việt Nam có mặt kịp thời đã bấm máy ghi hình. Bức ảnh đó được in và lưu trữ vào kho tư liệu “Quảng Bình hai giỏi đánh Mỹ” do TTX Việt Nam phát hành. Thế là, sau đúng 40 năm, bà Nguyễn Thị Luẫn mới xem được hình ảnh mình. “Cứu hắn, vì hắn cũng là người” - Bà Luẫn nói. Trên báo Công an nhân dân số ra ngày 02/5/2008, ông Chu Chí Thành, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, sau khi mục kích bức ảnh này đã viết như sau: “Cô dân quân băng bó vết thương cho tù binh Mỹ ngày 26/1/1966 là một trong những bức ảnh đẹp nhất có ý nghĩa nhân văn nhất trong chống Mỹ”.

Sau chiến công trên, ông Hồ Văn Khuyên vào chiến đấu ở mặt trận B5, ba năm sau trở về kết hôn với bà Nguyễn Thị Luẫn. Họ có 4 con trai. Ông Khuyên đã qua đời cách đây đã 5 năm vì lâm bệnh nặng. Bà Luẫn năm nay 73 tuổi, đang sống với cặp vợ chồng con trai út tại ngôi nhà cấp 4 tềnh toàng ở thôn 2 Phong Nha, Sơn Trạch.

Dĩ vãng cuộc chiến tranh chống Mỹ có biết bao đau thương nhưng cũng làm sáng bao tấm gương của anh dũng. Những câu chuyện về những bức ảnh lưu lại hôm nay càng làm niềm tự hào dân tộc trong mỗi một người càng dâng lên…

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2019

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm