April 27, 2024, 7:28 am

Cấp thiết quy hoạch lại mạng lưới giáo dục đại học

 

Vấn đề đã rõ, nhưng...

Từ Đổi Mới đến nay, yêu cầu đổi mới giáo dục nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu hội nhập, hiện đại hóa đất nước được đặt ra ngày một cấp bách hơn. Những người hoạch định chính sách về giáo dục thừa hiểu rằng: đổi mới giáo dục là giải pháp đúng và bền vững nhất để phát triển đất nước. Bởi, nhìn ra các nước phát triển, các nước ở quanh ta tiến những bước dài và có những đóng góp vào tri thức nhân loại (cả tri thức và sản phẩm kinh tế, công nghệ, văn hoá) như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Israel, Trung Quốc, Thái Lan v.v… vốn chưa phải là những nước thuộc hàng “số má” trên bản đồ đào tạo của thế giới, nhưng nhờ đi đúng hướng trên nhiều mặt, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, mà chỉ sau vài ba thập niên, họ đã tạo lập được một nền tảng giáo dục hiện đại theo những chuẩn mực tiên tiến.

Bộ Trưởng Giáo dục & Đào tạo  Phùng Xuân Nhạ tại Quốc Hội. Ảnh Internet

Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách giáo dục ở ta đã tính đến việc quy hoạch lại mạng lưới giáo dục, đầu tư cho những đại học lớn kết hợp với những đại học sẵn có, xem lại cơ cấu ngành nghề theo hướng đi tắt, đón đầu, vừa kết hơp với nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực có trình độ khoa học cao, vừa chú trọng bồi dưỡng nhân tài và tin rằng mấy trụ cột của giáo dục ấy sẽ tạo đà cho giáo dục Việt Nam cất cánh, sẽ góp phần đưa Việt Nam phát triển, sớm trở thành một trong những con rồng châu Á.  Những tư tưởng này lúc đầu được nhiều người tán thưởng lắm, nhiều cơ sở giáo dục đào tạo hoan hỉ đón nhận bởi một khi đã được coi là quốc sách hàng đầu thì chắc chắn “cả hệ thống chính trị sẽ bắt tay vào việc” và vừa có sự đầu tư của nhà nước, vừa kết hợp với xã hội hóa thì giáo dục sẽ phát triển nhanh chóng. Chả thế mà cách nay hơn chục năm, có vị lãnh đạo ngành giáo dục đã tuyên bố đầy hứng khởi: Tôi đã tìm ra quy luật của giáo dục và giáo dục nước nhà sẽ cất cánh sau ba năm (!).

 

Chỉ là “sáp nhập cơ học”

Đại học trọng điểm và đại học vùng là công việc cần thiết mà cả xã hội đã làm để nhằm tạo ra bước đột phá, thay đổi tư tưởng đào tạo: Đào tạo những gì xã hội cần chứ không phải chỉ đào tạo những gì mình có. Tôi nói “cả xã hội đã làm” việc này vì các cấp quản lý hoạch định chính sách, ra các quyết định thành lập các trung tâm đào tạo, quyết định nâng cấp các trường địa từ Trung cấp, Cao đẳng lên bậc Đại học và mở nhiều ngành mới... cũng như các thầy cô và cả xã hội đều có cảm tưởng chúng ta đang bắt tay vào một “trận đánh lớn”.  

Nói cho công bằng, sau khởi đầu hào hùng ấy, gần như giáo dục được chủ ý và đầu tư nhiều hơn. Hướng đi thì đúng: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng những “quả đấm thép” trong giáo dục như những đầu tầu để kéo con tàu giáo dục vượt dốc, hướng về tương lai. Và con đường để đi đến đích nhanh nhất là thực hiện những cuộc cải cách.

Có ý kiến cho rằng: Tư tưởng Đổi Mới giáo dục đại học đã bị nhận thức chưa đúng nên đã để lại nhiều hệ lụy. Hai đại học Quốc gia và nhiều đại học vùng được thành lập nhưng hình như chưa tạo ra được sự nhất trí từ cấp cao nhất. “Nhập cơ học” một số trường chưa phải là giải pháp hay vì nó chưa thể tạo ra những thay đổi về chất khi các trường vẫn đào tạo như cũ. Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh không có Sư phạm nhưng có Bách khoa. Còn đại học Quốc gia Hà Nội có Sư phạm nhưng lại không có ngành Công nghệ... Như vậy mục tiêu đa ngành, đa lĩnh vực, tập hợp lực lượng mạnh nhất về khoa học cơ bản, khoa học công nghệ và tiềm lực khác đã bị cắt xén, chắp vá.

Động thái “nhập cơ học” cùng với cơ chế không nhất quán nên hình thành ra cấp trung gian. Ai quản? Quản cái gì? Cơ chế không rõ ràng, đầu tư phân tán... vừa khó cho vận hành, vừa lãng phí nhân lực, vật lực. Mãi sau, người ta mới hiểu ra rằng không thể cải cách mà cần một cuộc cách mạng nhưng bắt đầu từ đâu, xóa bỏ cái gì, xây dựng cái gì thì chưa rõ ràng, cụ thể mà cứ nói chung chung. Triết lý giáo dục và mục tiêu cụ thể vẫn xa thực tế và nhiều ảo tưởng.

Khi đi khảo sát đại học công nghệ Naniang của Singapore, tôi được biết đại học của nước họ sau độ 20 năm thành lập do có cơ chế đúng, mục tiêu rõ ràng, đầu tư chính xác, chính sách minh bạch... mà sau khoảng 20 năm đã trở thành một đại học hàng đầu khu vực. Ở ta chuyện mô hình cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Và điều này ảnh hưởng nhiều mặt tới chất lượng và phát triển giáo dục đại học, rõ nhất là đến nay cả mấy đại học Quốc gia, đại học vùng vẫn dở dang về mô hình, bất cập về cơ chế mà cấp trên vẫn chưa có tổng kết, đánh giá khoa học, khách quan xem những cái được và chưa được là gì, do ai, vì sao?

 

Nâng cấp ồ ạt, đào tạo đại trà

Sau đại hội XI của Đảng, do đuổi theo chỉ tiêu 450 sinh viên/10.000 dân (mà căn cứ duy nhất là có thông tin ở nước ngoài là 400.000 sinh viên/10.000 dân, “người ta thế, ta cũng phải thế”), nên chưa hết một nhiệm kỳ mà người ta đã ký nâng cấp ồ ạt nhiều trường cao đẳng lên đại học, trung cấp lên cao đẳng, mở trường đại học mới, mở thêm nhiều chuyên ngành đào tạo... đến mức rất nhiều tỉnh, nhiều bộ, ngành, đoàn thể cũng mở thêm trường, thêm ngành mới ở cả bậc đại học, cao đẳng và sau đại học...

Sự nở ra đến mức khó kiểm soát rồi không thể kiểm soát được núp dưới chiêu bài “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và xã hội hóa giáo dục” đã dẫn đến tình trạng cấp bằng thật cho nhiều trí thức giả. Những liên kết, móc ngoặc giữa cơ sở có quyền đào tạo với những nơi có tiền nhưng không có quyền đã khiến cho tình trạng trường không ra trường, thầy không đủ tri thức về chuyên ngành vẫn đứng lớp, trò không xứng là trò (3 môn thi chỉ trên dưới 10 điểm cũng được tuyển) làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Tình trạng mượn thầy, khai cho đủ điều kiện để xin mở trường, mở ngành khá phổ biến, các cấp biết cả nhưng vấn “ngó lơ”.

Hai khuyết tật lớn nhất mà những người làm nghề đều thấy là trong khoảng thời gian “bung ra” ào ạt ấy, chúng ta đã cấp rất nhiều bằng cấp thật cho những tri thức chưa đủ, chưa xứng với trình độ văn bằng, gây ra những hệ lụy rất lớn cho quản lý xã hội ở chỗ có bằng là được tuyển dụng, được bổ nhiệm trong khi năng lực chuyên môn còn xa mới đáp ứng được yêu cầu. Điều này có ở cả cấp cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn và cả việc “phình ra” ghê gớm của bộ máy hành chính. Nhiều trường đại học dẫm chân lên nhau trong đào tạo, các trường xin và lấy chỉ tiêu vượt năng lực đào tạo rất nhiều. Thế là phải mời, liên kết và việc dạy, học, tổ chức đào tạo ở hầu khắp các cơ sở đã mắc phải cái bẫy mà cấp nào cũng nói cần tránh nhưng lại vướng vào là “thương mại hóa đào tạo” dưới danh nghĩa đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Bệnh sính bằng cấp có cơ hội được thỏa mãn nên hầu hết các cán bộ quản lý đua nhau xin đi học để nâng cao trình độ. Căn bệnh hình thức ấy phổ biến đến mức có một thành phố lớn đã xây dựng đề án đến năm 2020 tất cả cán bộ có chức quyền cấp quận, huyện, sở ngành đều phải có trình độ tiến sĩ. Rất may đề án ấy bị xã hội phản ứng gay gắt nên phải hủy bỏ.

Việc mở thêm các ngành, trường mới mà không chú ý tới nhu cầu sử dụng, không sát với thực tiễn đã gây ra những thiệt hại lớn cho xã hội. Chẳng hạn: “Việt Nam học” là một ngành học mang tính liên ngành, xuyên ngành, ban đầu được các nhà nghiên cứu dùng để chỉ ngành học của nước ngoài chuyên nghiên cứu về Việt Nam. Thế mà nhiều trường đại học đã mở đại trà ngành này, sinh viên ra trường được cấp bằng “cử nhân Việt Nam học”. Rõ rằng là bằng tốt nghiệp đại học “thật 100%” nhưng chỉ là những tri thức chung chung, chưa đủ chuyên sâu về pháp luật, kinh tế, lịch sử, ngôn ngữ, chính trị, kinh tế, dân tộc… nên đến cơ quan nào cũng rất khó được tuyển dụng vì không có chuyên môn đủ về bất kỳ lĩnh vực nào. Đưa ra một chuyện nhỏ như thế để muốn lưu ý rằng các vị hoạch định chính sách cần thật nghiêm ngặt trong đề xuất sáng kiến, đừng nghĩ ra những cái xa thực tế để làm khổ xã hội.

 

Xã hội hóa phải đúng hướng

Mấy năm nay xu hướng không lấy được sinh viên vào các chuyên ngành không phù hợp với xu hướng xã hội hóa và thị trường hóa nghề nghiệp đã trở thành nỗi lo cho nhiều trường. Việc này có nguyên nhân từ hàng chục năm trước ta đã đào tạo quá dư thừa và số sinh viên này đã “lấp đầy” các cơ quan dù họ không đáp ứng được về chuyên môn. Như vậy, mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không đạt được. Không ít trường đã phải thu hẹp phạm vi đào tạo, có trường đã giải thể một số khoa như Đại học Vinh và Đại học Quy Nhơn với ngành Ngữ văn; có trường nâng điểm đầu vào để đánh trượt sinh viên vì không đủ kinh phí đào tạo bởi người học quá ít... Đó là điều đã nhìn thấy từ trước chứ không phải bây giờ mới thấy. Cũng như chuyện Chủ tịch HĐQT và Hiệu trưởng Đại học Đông Đô cùng thuộc cấp bán văn bằng trục lợi bị khởi tố là những chuyện trước sau cũng xảy ra, không ở nơi này thì ở nơi kia...

Xã hội hóa giáo dục là xu hướng tất yếu nhưng xã hội hóa như chúng ta đã làm là sai lầm. Ta mở và buông những khâu, việc không được phép. Ta để cho xu hướng thị trường mặc sức tấn công vào giáo dục như thời gian vừa qua là sai lầm rất lớn, để lại nhiều hệ lụy. Nhiều ngành đào tạo không thích hợp với cơ chế thị trường như Ngôn ngữ, Lịch sử, Tâm lý, Văn hóa, Văn học… nhưng lại gắn với việc giữ hồn cốt dân tộc, đảm bảo cho truyền thống văn hóa dân tộc không bị mai một. Các ngành khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa… đầu tư tốn kém, dạy dỗ rất khó khăn nhưng thiếu nó khoa học, kinh tế, xã hội… khó phát triển, các ngành công nghệ khó đi xa. Thế mà các cấp quản lý để nó tự do lặn ngụp cạnh tranh với các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, ngoại thương, kế toán, du lịch, tin học… thì rõ ràng đã sai lầm trong triết lí và định hướng giáo dục, cho nên xã hội đang trả giá cho những sai lầm ấy. Bởi vậy, tôi cho rằng việc đầu tiên trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là rà soát và sắp xếp lại quy hoạch, quy mô, cơ cấu các trường, ngành nghề... một cách khoa học trên tinh thần khai phóng, khoa học và hiện đại.


Nguồn Văn nghệ số 42/2019


Có thể bạn quan tâm