April 26, 2024, 10:59 am

Cấp cao “Quad” đầu tiên: trụ cột quan trọng cho sự ổn định khu vực

Lần đầu tiên, “Bộ tứ” (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, đã có Cuộc gặp Cấp cao thông qua trực tuyến. Đây là cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo, gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison. Tuy không phải là một liên minh quân sự chính thức như NATO, nhưng Quad được xem là liên kết tiềm năng để đối trọng với sự trỗi dậy không mấy hoà bình của Trung Quốc ở khu vực Ấn Thái Dương (Indo-Pacfic). “Tuyên bố chung” về Cấp cao được đăng tải trên Washington Post ngày 13/3 nhằm truyền đi thông điệp đến tất cả công dân trên toàn cầu về mục tiêu và ý nghĩa thực sự của Quad.

Thủ tướng Ấn Độ Modi nhận xét: “Quad đã bước vào tuổi trưởng thành. Nó sẽ là trụ cột quan trọng cho sự ổn định trong khu vực”. Ông Modi tuyên bố: “Chúng tôi đoàn kết bởi các giá trị dân chủ và khẳng định cam kết của chúng tôi đối với một ‘Ấn Thái Dương tự do, rộng mở và hội nhập’. Chương trình nghị sự của chúng tôi – bao gồm các lĩnh vực như vaccine, biến đổi khí hậu và các công nghệ mới nổi – nhằm biến “Bộ tứ” thành một lực lượng phấn đấu cho các lợi ích toàn cầu”. Các nhà lãnh đạo còn lại cũng đưa ra những tuyên bố tương tự. Tất cả đều thống nhất về tầm nhìn chung cho một “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) và cam kết “phấn đấu vì một khu vực tự do và rộng mở, hội nhập và tráng kiện, được gắn kết bởi các giá trị dân chủ và không bị ép buộc bởi bất kỳ một sự cưỡng bức nào”.

Các nhà sử học tương lai sẽ có cái nhìn chính xác hơn để đánh giá ý nghĩa và tầm quan trọng của “Đối thoại An ninh Bộ tứ”. Cuộc đối thoại ngày 12/3/2021 sẽ có tầm quan trọng như là các Hội nghị Yalta, Potsdam hoặc San Francisco (theo Thời báo Ấn Độ), mở đường cho các hành động trong tương lai của các cường quốc nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu đang nổi lên.

Lần đầu tiên, “Bộ tứ” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, đã có cuộc gặp cấp cao thông qua trực tuyến hôm 12/3.

1 tỷ liều vaccine cho châu Á

Sau hơn 2 giờ họp thượng đỉnh của Quad – Bộ tứ – Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo về một sáng kiến chung của cả bốn nước: Sẽ sản xuất 1 tỷ liều Vaccine ngừa Covid-19 tại Ấn Độ. Đây cũng là hành động đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ trong cuộc phản công ngoại giao nhằm đối phó với Trung Quốc. “Chúng tôi mong muốn có một khu vực tự do, rộng mở, an toàn, thấm nhuần các giá trị dân chủ và không bị cưỡng bức”. Bản Thông cáo chung kết thúc cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên tuy không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng dư luận không thể hiểu nhầm: Bốn nước này muốn hạn chế bớt tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Phương Tây hoàn toàn ý thức được rằng, Trung Quốc đang dùng vaccine như một công cụ ngoại giao để gây ảnh hưởng lâu dài trên cả đất châu Âu, chưa kể tới các nước láng giềng Đông Á và Đông Nam Á. Bắc Kinh cũng vừa lên tiếng sẽ cung cấp vaccine cho Nhật Bản để tổ chức thế vận hội mùa hè sắp tới đây. “Bộ tứ” trên thực tế muốn tạo thành một khối địa-chính trị vững chãi. Trong cuộc họp đầu tiên, nhưng người đứng đầu bốn quốc gia đã không bàn luận về tàu chiến, máy bay, mà lại nói về vaccine ngăn ngừa Covid-19. Bốn nước bàn thảo về việc để cho Ấn Độ sản xuất vaccine Johnson & Johnson của Mỹ, cung cấp cho vùng Đông Nam Á và thế giới. Nhật Bản sẽ tham gia vào dự án sản xuất này và Úc sẽ cung cấp những điều kiện hậu cần và chịu trách nhiệm trong khâu phân phối vaccine. Johnson & Johnson là loại thuốc vừa dễ bảo quản, vừa chỉ cần có một lần tiêm để kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể. Như vậy, “cuộc chiến” đầu tiên của “Bộ tứ” với Trung Quốc trong khu vực Ấn Thái Dương, không phải bằng súng đạn, cũng không phải bằng thuế quan, mà chỉ là những lọ serum nhỏ xíu nhằm cứu nguy các quốc gia nhỏ thoát hai vấn nạn cùng một lúc: đại dịch Covid và “hiệu ứng bóng đè” của Bắc Kinh.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan tái khẳng định ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh: “Với sản xuất của Ấn Độ, công nghệ của Hoa Kỳ, nguồn tài chính của Nhật Bản, Hoa Kỳ và hậu cần của Úc... chúng tôi cam kết cung cấp tới 1 tỷ liều vaccine”. Ông Sullivan tuyên bố vaccine sẽ được chuyển đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như Thái Bình Dương và xa hơn thế nữa. Công ty Biological Ltd của Ấn Độ sẽ sản xuất các liều bổ sung của Johnson & Johnson và đã được sự chấp thuận ban đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) . “Năng lực sản xuất vaccine có uy tín của Ấn Độ sẽ được mở rộng với sự hỗ trợ từ Nhật Bản, Mỹ và Úc”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viết trên Twitter sau cuộc họp. Mục tiêu là không để độc quyền vaccine trong khu vực. Cả bốn nước này tuyên bố muốn xây dựng một mối liên minh bền vững và lâu dài. Một cuộc Hội nghị Thượng đỉnh mới, với sự hiện diện của nguyên thủ và lãnh đạo các chính phủ, sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

“Chiêu” đất hiếm…

Các nhà lãnh đạo 4 quốc gia thuộc nhóm Quad đồng thời cũng cam kết hợp tác để đảm bảo nguồn kim loại đất hiếm cần thiết cho sản xuất động cơ ô tô điện và những sản phẩm khác. Bắc Kinh hiện sản xuất gần 60% lượng đất hiếm trên toàn thế giới. Sức mạnh thị trường của nước này đặt ra những lo ngại về nguồn cung. Các quốc gia Quad đã lên kế hoạch đưa ra các giải pháp cụ thể để thách thức sự thống trị của Trung Quốc, bằng cách hợp tác tài trợ cho các dự án phát triển và công nghệ sản xuất mới, đồng thời dẫn đầu về soạn thảo các quy tắc quốc tế.

Ban đầu, họ sẽ tập trung đưa ra công nghệ lọc chất thải phóng xạ với chi phí thấp, thu xếp để tổ chức tài chính trực thuộc chính phủ cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp khai thác và lọc dầu. Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ kế hoạch xử lý quặng của Úc tại Mỹ và Nhật Bản đang cân nhắc việc tham gia thỏa thuận này. Các nhà lãnh đạo “Bộ tứ” đã tái xác nhận kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào đất hiếm do Trung Quốc sản xuất. Các nhà lãnh đạo cũng được cho là sẽ chia sẻ mối quan tâm của họ về những hành vi khiêu khích trên biển của Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều khả năng họ sẽ đồng ý hợp tác cung cấp vaccine Covid-19 cho các nước đang phát triển.

Nhiều công ty công nghệ lớn dựa vào đất hiếm do Trung Quốc sản xuất như neodymium – rất cần thiết cho xe điện, và lithium – được sử dụng trong pin. Những kim loại này cũng rất cần thiết cho các tuốc-bin gió và cơ sở hạ tầng “khử cacbon” khác. Trung Quốc gần như độc quyền trong việc tách và tinh chế đất hiếm, gây ra những lo ngại liên quan đến môi trường và hủy hoại đất. Trong khi đó, Mỹ xuất khẩu quặng đất hiếm sản xuất trong nước sang Trung Quốc, sau đó nhập khẩu 80% lượng đất hiếm tinh chế trở lại. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết vào năm 2020, Trung Quốc chiếm 58% sản lượng đất hiếm toàn cầu, giảm so với khoảng 90% cách đây 4 năm. Nguyên nhân là do Mỹ và Úc dần dần tăng cường sản xuất đất hiếm của riêng mình.

Trung Quốc xem đất hiếm là nguồn tài nguyên chiến lược và đã sử dụng vị thế gần như độc quyền của nước này như một quân bài thương lượng ngoại giao. Năm 2010, nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc cho Nhật Bản bị tạm ngưng sau khi Tokyo tuyên bố sở hữu quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Sau khi Trung Quốc ngừng vận chuyển đất hiếm, giá một số kim loại đã tăng vọt gần 9 lần.

Kinh tế và an ninh hàng hải

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki thừa nhận cuộc họp trực tuyến vừa rồi nhằm thể hiện mục tiêu tăng cường liên minh của Mỹ tại khu vực Ấn Thái Dương. “Chúng tôi thường gặp các lãnh đạo ‘Bộ tứ’ ở cấp bộ trưởng và cấp làm việc. Tuy nhiên, ngày 12/3 là lần đầu tiên các nước ‘Bộ tứ’ họp với nhau ở cấp lãnh đạo. Tổng thống Biden xem đây là một trong những cam kết đa phương sớm nhất, nói lên tầm mức quan trọng của việc chúng tôi chọn hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và các đối tác ở Ấn Thái Dương”, bà Psaki nhấn mạnh. Mỹ đang nỗ lực thắt chặt quan hệ với các đồng minh và các đối tác quan trọng, giữa bối cảnh Trung Quốc tăng cường thực hiện chính sách ngoại giao cưỡng bức ở Ấn Thái Dương, quanh Đài Loan và các đảo tranh chấp trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đang lên kế hoạch các chuyến thăm cấp cao đến Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuối tháng 3/2021. Thông cáo báo chí do Nhà Trắng công bố nhấn mạnh: “Chúng tôi tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và tự do hàng hải”, đồng thời nhắc đến các tranh chấp chủ quyền tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, những khu vực mà Bắc Kinh thường xuyên tiến hành các hành động quấy nhiễu. Ngoài những tuyên bố nhằm thể hiện quan điểm, cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của “Bộ tứ” còn dành cho các vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Jake Sullivan mô tả hội nghị cuối tuần qua là “một ngày quan trọng đối với nền ngoại giao Hoa Kỳ” khi Washington tìm cách hồi sinh các liên minh của mình và tiếp cận Bắc Kinh bằng vị thế mạnh mẽ trước cuộc gặp cấp cao Mỹ – Trung vào tuần tới (9/4). “Bốn nhà lãnh đạo đã thảo luận về những thách thức do Trung Quốc đặt ra. Một số vấn đề khác cũng được đề cập, bao gồm tự do hàng hải ở Biển Đông và Hoa Đông, các cuộc tấn công mạng, chuỗi cung ứng bán dẫn, hạt nhân Triều Tiên và cuộc đảo chính ở Myanmar” – Cố vấn Sullivan nói. Tuyên bố chung luôn khẳng định, Tổng thống Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison hứa sẽ hợp tác chặt chẽ để phân phối vaccine Covid-19, đồng thời giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Suga nói với các phóng viên rằng ông đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng khu vực. Còn Thủ tướng Morrison ca ngợi cuộc họp vừa qua là “một bình minh mới trên khu vực Ấn Thái Dương” và nói thêm: “Hãy để quan hệ đối tác của chúng ta là động lực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng”. Bên cạnh đó, Nhật Bản đang thảo luận về các khoản vay ưu đãi bằng đồng Yên cho Ấn Độ nhằm mở rộng sản xuất vaccine Covid-19 để xuất khẩu.

Nguồn Văn nghệ số 12/2021


Có thể bạn quan tâm