April 27, 2024, 8:37 am

Cần xem lại mục tiêu đào tạo “Con người toàn diện”

Từ trước đến nay nói đến mục tiêu dạy và học ở bậc phổ thông, chúng ta thường chú trọng việc đào tạo “Con người toàn diện”. Học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, học sinh tiên tiến phải là những học sinh xếp loại học tập điểm trung bình từ khá, giỏi trở lên; đạo đức phải xếp loại A; phải tích cực tham gia mọi hoạt động ngoài giờ của lớp, của trường… Đó chính là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh thành tích, dẫn đến vấn nạn học thêm, dạy thêm và những hệ lụy khác.

Ngày nay, đào đạo “Con người toàn diện” đã không còn thích hợp với sự phát triển của xã hội đòi hỏi chuyên môn hóa cao. Chính vì mục tiêu đào tạo “Con người toàn diện” mà chương trình học ở bậc phổ thông hết sức nặng nề, nhồi nhét nhiều kiến thức không thực sự cần thiết, không phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Tình trạng không ít học sinh chúng ta “cái gì cũng biết nhưng không biết cái gì” cũng từ nguyên nhân này mà ra. Thời chúng tôi học phổ thông (1957-1967) không hề bị áp lực nặng nề về thi cử và nhồi nhét kiến thức. Bây giờ, mới vào lớp 1 mà phụ huynh buộc phải mua cả một núi sách có đến 20 quyển. Mới chỉ lớp 1 phụ huynh cũng đã phải chạy đôn, chạy đáo chọn trường, tìm thầy cô dạy thêm. Lẽ ra phải đơn giản hóa kiến thức thì hiện nay chúng ta có xu hướng phức tạp hóa kiến thức. Học Tiếng Việt, các em lớp 1 đã tiếp xúc với những khái niệm như nguyên âm, phụ âm... là những khái niệm mà khi học ngữ âm học ở bậc đại học chúng tôi mới biết đến. Đã là kiến thức phổ thông thì phải được trình bày một cách tinh giản nhất, dễ hiểu nhất, để những học sinh học lực trung bình có thể tiếp thu một cách dễ dàng nhất.

Theo chỗ tôi biết,  một số nước phát triển như: Anh, Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Phần Lan… học sinh của họ không bị nhồi nhét kiến thức, không bị áp lực thi cử và bệnh thành tích nặng nề như ở ta. Tất cả học sinh đều được hưởng một nền giáo dục như nhau. 12 năm học ở bậc phổ thông, các em chỉ có một kỳ thi duy nhất vào đại học. Chính vì thế thầy và trò có nhiều thời gian để dạy và học những gì họ ưa thích. Nhật Bản sở dĩ trở thành một nước có nền giáo dục tiên tiến là nhờ thực hiện tiêu chí “con người - đạo đức”, đề cao tính tự lập, tinh thần kỷ luật cho học sinh. Nhà trường giúp học sinh trải nghiệm kiến thức từ thực tế chứ không phải là nhồi nhét kiến thức. Giống như Phần Lan và nhiều nước trên thế giới, giáo dục ở Nhật Bản không gây áp lực thi cử. Học sinh phổ thông chỉ qua hai kỳ thi, đó là thi vào Trung học phổ thông và thi vào Đại học mà thôi. Họ không khen thưởng những “học sinh toàn diện”, không lấy điểm trung bình các môn học để đánh giá năng lực học tập của học sinh.

Bởi vậy, để thực hiện thắng lợi công cuộc cách mạng giáo dục, nên chăng cần thay đổi mục tiêu đào tạo ở bậc phổ thông, chuyển đào tạo “con người toàn diện” thành đào tạo “con người có tâm và có tài”? Phải có định hướng rõ ràng cho từng cấp học để phân bố và thiết kế chương trình một cách hợp lý. Theo đó, ở bậc Tiểu học (lớp 1 đến lớp 5), nên chủ yếu giáo dục tình yêu thiên nhiên và con người. Tình yêu thiên nhiên thông qua những thắng cảnh trong nước và thế giới. Tình yêu con người phải bắt đầu từ tình yêu cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè… chứ chưa nên ép các em phải “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” quá sớm. Về văn học, nên chủ yếu luyện đọc thông, viết thạo, không cần thiết phải để thời gian luyện viết chữ đẹp mà chú trọng viết đúng chính tả (bởi thế hệ các em lớn lên chủ yếu sử dụng máy vi tính để viết văn bản). Về toán cũng nên chủ yếu dạy các chữ số, 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia và một số bài toán đơn giản. Về ngoại ngữ chỉ nên dạy tiếng Anh với một số từ ngữ thông dụng (như tên các vật dùng trong gia đình, tên một số động vật gần gũi với cuộc sống các em).  Cuối cấp chỉ nên khảo sát, phân loại học sinh yếu để có hướng bồi dưỡng trong hè, trước khi các em lên học Trung học cơ sở, không cần qua thi cử. 

Ở bậc Trung học cơ sở (lớp 6 đến lớp 9), chỉ nên chú trọng dạy các em kỹ năng sống, sử dụng thành thạo máy vi tính; phát hiện và khuyến khích các em “đầu tư” những môn học mà các em có năng khiếu, không nên ép các em phải học giỏi đều tất các môn, không nên cộng điểm trung bình các môn để xếp loại đánh giá năng lực học tập của học sinh. Khi lên bậc Trung học phổ thông (lớp 10 đến lớp 12), nên tiếp tục rèn luyện kỹ năng sống phù hợp với xã hội hiện đại. Cho các em tập làm quen dần với kỹ nghệ thông tin, thị trường chướng khoán, quản trị kinh doanh, thời trang, người mẫu, du lịch… Tiếp tục khuyến khích các em “đầu tư” những môn các em có năng khiếu. Ở cấp học này nên dành mỗi tuần ít nhất 4 tiết để các em nam học những nghề mà các em yêu thích, còn các em nữ nên dạy nữ công gia chánh và kỹ năng làm mẹ. Nên đổi môn Giáo dục công dân thành môn Giáo dục đạo đức, lối sống thông qua những câu chuyện có tính giáo dục cao, chứ không phải một mớ lý thuyết khô khan, rối rắm. Cho các em nắm được những điều cốt lõi của luật pháp, những việc được phép làm và những việc không được phép làm khi ra đời. Thầy cô tư vấn cho các em, cho gia đình nên thi Đại học, Cao đẳng hay Trung cấp chuyên nghiệp, Trung cấp dạy nghề… phù hợp với năng lực từng em. Cách dạy ở bậc THPT cũng nên thay đổi. Với việc các em đã sủ dụng máy tính, điện thoại thông minh tương đối thành thạo, thầy cô hướng dẫn các em bổ sung kiến thức bằng cách ghi trích nguồn ở đâu, rồi khuyến khích các em tìm thêm nguồn thông tin mới, cổ vũ học sinh đứng từ các góc độ cách nhìn khác nhau để đánh giá nhận xét vấn đề như các thầy cô ở Nhật Bản và nhiều nước tiên tiến vẫn làm. Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông để các em có thời gian ôn luyện những môn thi Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Trung cấp dạy nghề…

Muốn làm cuộc cách mạng, thay đổi căn bản, toàn diện ngành giáo dục, phải huy động trí tuệ của những chuyên gia hàng đầu vừa có tâm vừa có tầm thảo luận, trao đổi, bàn bạc thấu đáo. Thiết nghĩ đây là công việc “cần làm ngay” để hướng tới yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật” như Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn.

Nguồn Văn nghệ số 40/2021


Có thể bạn quan tâm