April 27, 2024, 4:23 am

Cần một “HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG” về Giáo dục

Vua Quang Trung, sau khi đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi, đến lúc trị nước. Vua nghe theo lời quân sư Nguyễn Thiếp: “Phải học!”. Quang Trung cũng đã cho thực hiện lời chỉ bảo này. Ngày nay trong đền thờ vua Quang Trung ở Bình Định vẫn còn câu “Kiến quốc dĩ giáo học vi tiên, cầu trị dĩ nhân tài vi cấp” (Dựng nước lấy việc dạy học làm đầu, cần trị lấy người tài làm gấp). Đáng tiếc triều đại nhà Tây Sơn sớm lụi tàn và nguyên nhân một phần như sau này học giả George Dutton trong cuốn Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn (NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh) đã nhận xét: “Vương triều thất bại không phải vì thiếu chủ trương “giáo dục là quốc sách” mà là đã không hành động như lời nói (...) Nhà Tây Sơn buổi đầu xem như được cai trị bởi những quan chức ít học, lười nhác học tập và trau dồi đạo đức, không mấy quan tâm đến các chỉ thị từ chính quyền trung ương. Họ toàn là những người được chọn lựa trong số những cư dân sinh quán ở làng Tây Sơn”…

Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (Quốc hội khóa XV) tại thành phố Bắc Ninh, với nhiều vấn đề quan trọng về văn hóa, giáo dục đang được cử tri cả nước quan tâm

Đến đầu thế kỷ 20, nhà chí sĩ Phan Châu Trinh cũng đã nhìn đúng thời thế, nên đã chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” làm nền tảng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bởi ông biết, dân ta đa số là nông dân, nếu kêu gọi dân ta đứng lên bạo động chống thực dân Pháp sẽ thất bại. Cụ chủ trương: “Không bạo động, bạo động là chết, không vọng ngoại, vọng ngoại là ngu. Tôi chỉ có một lời nói với đồng bào: Không gì bằng học”. Quan niệm đó của chí sĩ Phan Chu Trinh không những có giá trị lúc bấy giờ mà còn đến hôm nay. Phải học trước, phải rèn luyện ý chí, xây dựng đạo đức trước... thì mới phát triển bền vững. Liệu có một quốc gia nào, từ cổ chí kim,  dân trí cao mà lại nghèo đói và lệ thuộc vào ngoại bang? Chắc là không! 

Ở đất nước Pakistan có cô gái tên là Malala, mới 15 tuổi nhưng đã dám dẫn dắt một chiến dịch giành quyền đi học cho các bé gái, nơi mà chủ nghĩa cực đoan không cho các bé gái quyền đi học. Cô bị bắn vào đầu, nhưng may mắn thoát chết. Cô được đưa đến Anh quốc và sau đó được mời phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc. Cô nói: “Một đứa trẻ, một thầy giáo, một cây bút, và một cuốn sách có thể thay đổi thế giới. Giáo dục là giải pháp duy nhất cho nghèo đói, bất bình đẳng và khủng bố”.

Việt Nam chúng ta là nước lớn thứ ba về dân số ở Đông Nam Á, vậy mà đến nay vẫn chưa có trường đại học nào được công nhận đủ tiểu chuẩn quốc tế. Căn cứ vào bảng “Điều tra các đại học tốt nhất của tạp chí Asia Week” năm 2000, và “Điều tra các đại học tốt nhất châu Á Thái Bình Dương” vào năm 2004 của Đại học Thượng Hải, thì không tìm đâu ra địa chỉ của đại học Việt Nam. Sai lầm của chúng ta là lo cải cách giáo dục từ cấp tiểu học trở lên. Nhưng ở các nước tiên tiến, người ta cải cách từ cấp đại học trở xuống. Bởi thế đại học Việt Nam không thấy đâu trên bản đồ đại học thế giới cũng là điều dễ hiểu.

Bản thân tôi từng sang Mỹ làm nghiên cứu sinh về đề tài Truyền thông đại chúng, nhờ đó tôi có điều kiện nghiên cứu sâu về giáo dục các nước như Mỹ, Úc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… và các nước Đông Nam Á. Tôi nhận ra mặt mạnh yếu trong giáo dục của mỗi nước rồi liên hệ với giáo dục Việt Nam và thấy rằng: Tất cả mọi sự phát triển của Việt Nam hiện nay ở thế kỷ 21 phải dựa trên nền tảng giáo dục hướng đến khai phóng và tự do. Trước mắt chúng ta cần đưa ra nguyên tắc giáo dục rất đơn giản nhưng cần thiết lúc này là một nền giáo dục  không nói dối. Không thể tạo nên một sản phẩm giáo dục hoàn hảo khi chúng ta chấp nhận nói dối từ những năm đầu tiên các con cắp sách tới trường. Từ ngày thống nhất đất nước 1975, riêng trong giáo dục, chúng ta đã “cải cách” rất nhiều, nhưng kết quả không bao nhiêu. Phương pháp cải cách chúng ta theo kiểu sai đâu sửa đó. Cách làm này có thể khiến cho cái sai chồng lên cái sai. Theo chúng tôi: Nếu đã sai ở hệ thống thì phải tìm cách thay đổi hệ thống. Thận trọng tốt nhất là trưng cầu dân ý về cải cách giáo dục, để khả dĩ xã hội có thể đạt tới đồng thuận về một triết lý giáo dục, không những cho bây giờ mà còn cho cả mai sau.

Tìm hiểu sâu về nền giáo dục của nước Mỹ, nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới, thì hẳn là giáo dục ở Mỹ phải ưu việt tương ứng. Thế nhưng nước Mỹ cũng đã từng gióng lên hồi chuông báo động về “Khủng hoảng giáo dục, đất nước lâm nguy”. Họ khác nước Nhật không chỉ “Cải tổ giáo dục”, mà nâng lên tầm quan trọng hơn, coi việc xuống cấp giáo dục như an nguy của quốc gia để đánh động toàn liên bang khi “tỷ lệ tốt nghiệp các trường học phổ thông còn quá thấp, và có những lỗ hổng lớn trong thành tích học tập của các em. Các doanh nghiệp đang vật lộn để tìm kiếm những sinh viên tốt nghiệp có đủ kiến thức tổng quát, toán và khoa học để lấp đầy công việc hôm nay”. Hơn ba chục năm trước đây, Tổng thống Ronald Reagan còn gọi đó là “hành động chiến tranh”. Ông nói “Đất nước chúng ta đang lâm nguy. Sự ưu việt chưa từng có của nước Mỹ trong thương mại, công nghiệp, khoa học và đổi mới công nghệ đang bị các đối thủ trên khắp thế giới vượt qua. Nền giáo dục của chúng ta đang bị xói mòn bởi một làn sóng tụt hậu, đe dọa chính tương lai của chúng ta như là một quốc gia và một dân tộc. Nếu bất cứ nước nào âm mưu áp đặt lên nước Mỹ một chất lượng giáo dục tệ hại thì chúng ta có thể coi đó là một hành động chiến tranh”.

Có thể nói không một quốc gia nào có nhiều lo lắng về những nguy cơ giáo dục tụt hậu bằng nươc Mỹ. Và chính vì vậy Hoa Kỳ luôn tiến lên phía trước. Những báo động cấp thiết đó đã thu hút sự quan tâm của đông đảo mọi tầng lớp xã hội Mỹ. Trong số các biện pháp mà bản báo cáo “Đất nước lâm nguy” đề xuất thì biện pháp thành lập một chương trình giảng dạy cốt lõi chung được hoan nghênh nhất. Hoa Kỳ đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đến 3 lần để bàn về cải cách giáo dục do Tổng thống chủ trương. Họ lôi cuốn được cả cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào cải tổ giáo dục. Sự thành công của cải tổ giáo dục Hoa Kỳ như ta đã biết nhờ sự cảnh báo được đẩy lên cao nhất, như là đại họa của một cuộc chiến tranh, thu hút được mọi tầng lớp xã hội quan tâm cùng chung tay thực hiện và thành công.

Tiếc là ở Việt Nam chúng ta, một đất nước cần cải tổ tận gốc nền giáo dục đã lỗi thời, dù nó đã thành công trong chiến tranh, thì lại chưa tổ chức được một diễn đàn toàn dân để mọi người, mọi ngành, mọi giới tham gia ý kiến. Hiện nay về mặt quản lý giáo dục gần như chúng ta thất bại khi tất cả mọi cải tổ giáo dục từ kỷ luật một giáo viên nhà trẻ hành hạ trẻ em, đến chiến lược giáo dục phát triển, cao hơn nữa là xây dựng triết lý giáo dục cho muôn đời sau, đều giao hết cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các vị Bộ trưởng giáo dục và đào tạo qua nhiều nhiệm kỳ không thể hoàn thành nhiệm vụ vì tư duy về quản lý giáo dục của cấp trách nhiệm nhất vẫn còn bó hẹp trong “các vấn đề kỹ thuật”. Bao lâu ta chưa tự cởi trói tư duy để hướng hoạt động giáo dục trở thành một vấn đề của tất cả mọi vấn đề.

 “Giáo dục sụp đổ đồng nghĩa với quốc gia sụp đổ”, bởi thế trên diễn đàn Quốc hội ngày 31/10/2019, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu đã trích lời phát biểu của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: “Để phá hủy bất kỳ một quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên...”.

Thiết nghĩ đã đến lúc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về giáo dục (có thể gọi là Hội nghị Diên Hồng về giáo dục), trong đó thành phần nòng cốt là các nhà doanh nghiệp có uy tín và tâm huyết với nền giáo dục nước nhà. Trước đó phải có một Ủy ban đặc biệt nghiên cứu toàn diện về giáo dục nước nhà và đúc kết thành một báo cáo nghiêm túc, không thành kiến. Đồng thời, Triết lý giáo dục mà nhiều đại biểu Quốc hội qua nhiều khóa đã đề nghị, cần phải được quyết nghị, trong đó tinh thần hòa giải được coi là yếu tố mới. Giáo dục khai phóng-tự do là nền móng của ngôi nhà mang tên giáo dục. Trong lịch sử, nhà Trần mở “Hội nghị Diên Hồng” để đoàn kết toàn dân tộc chống kẻ thù hùng mạnh đang chuẩn bị xâm lược, là việc làm cấp bách vì tổ quốc lâm nguy. Nhưng nước Mỹ báo động về xuống cấp giáo dục như việc đất nước lâm nguy thì không khác gì chiến tranh và họ đã thành công, trở thành hình mẫu cho rất nhiều nước làm theo.

Trần Ngọc Châu

Nguồn Văn nghệ số 8/2023


Có thể bạn quan tâm