April 26, 2024, 8:04 am

Cần một bầu trời đủ rộng

 

Con người sống trong môi trường nào sẽ trưởng thành và hòa hợp với môi trường đó, mà ta thường nói là sự “thích nghi”. Tôi ấn tượng với lối suy nghĩ được thể hiện trong tập truyện ngắn Mũi tên đỏ vút bay của Kiều Bích Hậu.

12 truyện ngắn tập trung vào đề tài tự kỷ, trầm cảm… qua cách giải thích của Toàn, Giám Đốc làng Hạnh phúc (Hai người Mẹ) về trẻ thơ và cách giáo dục hiện đại dù đứa trẻ bình thường hay khuyết tật, rằng “Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một thiên thần, cần một bầu trời đủ rộng cho thiên thần tung cánh”, trong khi đó chị Thinh, nhân vật có con tự kỷ, cũng như một số người khác lại cứ coi thiên thần của mình là bệnh tật và ra sức điều trị, vô tình cắt cụt đôi cánh thiên thần đi. Toàn cũng khẳng định, rằng “Nhiệm vụ của chúng tôi ở đây, chỉ là hỗ trợ để phát hiện ra năng lực riêng của con, để thiên thần cất cánh.”

Trong một buổi hội thảo về văn học của các nhà thơ khuyết tật, tôi được nghe một diễn giả nối tiếng ở Hàn Quốc nói rằng “Tiếng cất lên từ nội tâm của con người chính là thơ - ‘Thơ là sự giác ngộ’. Trong sự giác ngộ đó không có ranh giới quốc gia và dân tộc, không có khái niệm khuyết tật và không khuyết tật. Hãy xem trên thế gian này ai là người không có khuyết tật…”.

Quan điểm về người khuyết tật vô cùng đa dạng, người có tính nhân văn thì đồng cảm, thương yêu và tôn trọng, tạo cho họ vươn lên, cũng có người vì sự ích kỉ nào đó lại cho họ là người “thiểu năng”, nên xa lánh và nhìn người khuyết tật bằng con mắt khinh thường. Trẻ con bị tự kỉ hay trầm cảm, cũng có thể coi là người khuyết tật. Khuyết tật tâm thần. Hiện nay người ta còn gọi là bệnh, “bệnh tự kỉ”, “bệnh trầm cảm”. Khái niệm về “bệnh” có lẽ không chính xác lắm, vì bệnh thì chữa được bằng thuốc (đông y hoặc Tây y) còn “trầm cảm” và “tự kỉ” khó có thể chữa bằng thuốc mà phải chữa bằng luyện tập để thay đổi hành vi, hoặc phát triển kỹ năng.

Quan điểm của tác giả trong Mũi tên đỏ vút bay đã cho ta một khái nệm mới về cách nhìn các em bị “khuyết tật thần kinh” và phương pháp để đưa các em về với cuộc sống bình thường. Có con tự kỉ, tâm thần là điều không ai muốn, nhưng số phận đã giao cho họ sứ mệnh để họ hoàn thành bằng tình thương của người làm cha làm mẹ, nhưng chỉ bằng tình thương là chưa đủ, mà phải có khoa học và tri thức hiểu biết, phải có phương tiện… Qua tác phẩm này ta biết thêm được rằng trong xã hội chúng ta, trong cuộc sống muôn vàn khắc nghiệt bên cạnh ta còn có bao nhiêu tấm lòng vị tha tốt đẹp. Những thầy cô giáo, huấn luyện viên, người giáo dưỡng,… được đào tạo, được đưa vào môi trường đầy thử thách trong các trung tâm, viện nghiên cứu để làm công việc thực sự khó khăn, đầy tính hy sinh đó. Được vào đây, các em không có cảm giác mình là người khuyết tật, không bị ai xa lánh hay khinh thường… Tác giả thật sự đi sâu vào cuộc sống và thực tế các cơ sở giáo dục khuyết tật đặc biệt này mới có thể tìm ra được ý tưởng mới và khác lạ…

Tự kỉ và trầm cảm là hai dạng khuyết tật có thể coi là gánh nặng không những về vật chất mà còn là gánh nặng tinh thần vô cùng lớn thách thức các gia đình suốt cả cuộc đời. Nó còn là cuộc chiến khốc liệt bậc nhất trong gia đình, dường như không thể kết thúc, không thể có thắng – thua vĩnh viễn. Nó vất vả khốn khổ đến nỗi mà có người muốn “ôm chặt con, lao vào một trong những cái xe đang vun vút trên đường kia, chỉ một tích tắc đớn đau khủng khiếp hãi hùng, và tất cả chấm dứt”, nhưng rồi cuối cùng lại phải tìm giải pháp “ôm chặt con… rơi thỏm xuống lòng sông đêm” (Đêm dài ma ám), hay thật đau lòng khi người bà trong cơn tức giận không kìm nổi muốn vứt cả cháu ra đường “nếu mày không vứt nó ra đường thì tao sẽ vứt!” vì nuôi cháu mà con gái bà đang bị “cái con bé ma quái dị dạng này… đang dìm đời con gái bà xuống đáy!”… Nhưng trên tất cả, điều quý giá nhất mà trẻ “tự kỉ” và “tâm thần” có được là tình thương yêu, tính hy sinh và chịu đựng của người làm cha làm mẹ, nên họ tìm mọi cách để chữa trị, mong cho con mình được trở lại bình thường, dù chỉ cần không phá phách, không có những hành vi tự phát phương hại đến bản thân và xã hội. Quan điểm này được bao quát trong toàn bộ tác phẩm Mũi tên đỏ vút bay. Và họ không cô đơn trong cuộc chiến khốc liệt ấy, bởi bên họ có những người thầy, cô với tấm lòng cao cả, với tâm huyết dành trọn đời phát triển trẻ tự kỷ, dịch chuyển người trầm cảm. Đó là những người như thầy Phan, từng “chuyển từ dạy kỹ năng mềm cho người bình thường, sang dạy trẻ khuyết tật trí tuệ và... giúp đỡ người trầm cảm”. Với phương pháp độc đáo do những người thầy phát minh, huấn luyện trẻ tự kỷ phát triển thành tài năng, là nguồn động lực lớn lao không chỉ cho gia đình các em, mà cho cả xã hội chúng ta.

Khép cuốn sách lại, người đọc trút được hơi thở dài nặng nề và có thể mỉm cười tin tưởng, đứng lên, vượt qua mọi trở ngại của cuộc sống. Không chỉ là văn học, cuốn sách còn cho bạn đọc bài học lớn về cuộc sống, cách chinh phục mọi rào cản để phát triển, trưởng thành, sống trong tình yêu thương.

Nguồn Văn nghệ số 39/2020


Có thể bạn quan tâm