April 26, 2024, 11:34 am

Cần làm mới cách bảo tồn truyền thống, cách hướng vào hiện tại và tương lai

Giải thưởng văn học 2016 của Hội Nhà văn Việt Nam vừa được công bố với 7 tác phẩm ở 4 thể loại. Nhân dịp này, Tuần báo Văn Nghệ đã có bài phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam về Giải thưởng văn học thường niên của Hội. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam.

PV: Thưa ông, mỗi năm đến thêm đều được gọi là năm mới, nay lại một mùa giải thưởng văn học thường niên nữa của HNV và giải thưởng này năm nay có nói với chúng ta điều gì mới mẻ?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:  Cái mới ở một giải thưởng văn học có thể là phát hiện tác giả mới và, hoặc, ghi tên những tác giả đã quen nhưng có sáng tác mới mẻ trước hết với chính họ, rồi với thể loại mà họ góp mặt, và với người đọc nói chung hay người đọc chuyên sâu. Như chúng tôi thấy thì giải thưởng năm nay chúng tôi trao cho một số cái mới khá rõ rệt. Như ở ngành lý luận-phê bình, chúng tôi trao giải cho tập chân dung văn học “Giọt nước trong lá sen” của tác giả nhà thơ Khuất Bình Nguyên. Anh ấy viết các chân dung nhà văn, viết về một vài khuynh hướng và giai đoạn văn học qua một thời kỳ. Đây là dạng  phê bình lâu nay ít thấy ở Việt Nam và có lẽ HNV cũng chưa từng trao giải cho tác phẩm phê bình nào thuộc dạng này. Cuốn sách này thuyết phục Hội đồng chuyên môn của HNV, được cả 7/7 phiếu bình chọn. Nó cũng gây tranh luận, rằng đây là bút ký chân dung hay phê bình văn học. Và đã nhất trí đây là phê bình, vì tác giả đã vẽ nên các chân dung nhà văn, chân dung một khuynh hướng, chân dung một giai đoạn văn học. Cái mới thứ hai là chúng tôi trao giải cho một tác phẩm thuần túy lý luận-phê bình, là cuốn của chị Trần Huyền Sâm, xem xét các biểu hiện tư tưởng về nữ quyền trong tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Dường như đây là một trong số rất ít tác phẩm phê bình tập trung hoàn toàn vào chủ đề nữ quyền, và đó không phải về khía cạnh chính trị của nữ quyền, mà là về quyền và khả năng người nữ bộc lộ toàn diện con người tinh thần của họ,vẻ đẹp nội tâm của họ từ những khát khao, những ức chế, v.v. đến những suy tư về địa vị hay phẩm giá người nữ mà thường bị đè nén hay bị bỏ qua. Và đây là khía cạnh mới trong phê bình, khi mà phê bình không còn quanh quẩn  nhắc lại những thành tựu đã có mà tìm cách đương đầu với những vấn đề văn học VN đương đại.

Cái mới thứ ba là ở phần văn học dịch, khi năm nay Hội đồng dịch đánh giá cao bản dịch của Nguyễn Chí Hoan cuốn “Lâu Đài Sói”, giải thưởng Man Booker năm 2009, của nữ tiểu thuyết gia người Anh Hilary Mantel. Theo Hội đồng dịch, đây là một tiểu thuyết lịch sử đem lại gợi ý về một cách sáng tạo, một cách nhìn hay một thi pháp mới, cách tham chiếu mới, nhìn chung là một cách viết mới trong mảng văn học về lịch sử. Những năm lại đây sáng tác văn học về lịch sử của chúng ta ngày càng nhiều lên, nhưng dường như vẫn đi vào một con đường hẹp, vì thế mà chưa tạo ra hiệu quả cao, chưa tạo được dấu ấn thật mạnh trong đời sống xã hội. Bởi thế có lẽ chúng ta cần có một tư duy khác, một cách tiếp cận khác với lịch sử, bằng văn học. Thì cuốn “Lâu đài Sói” đem cho chúng ta những gợi ý về tư duy đó. Thêm nữa thì bản dịch này đem lại những hiểu biết thú vị về một số vấn đề của lịch sử nước Anh, lịch sử thế giới, về văn hóa và tập tục châu Âu một giai đoạn Trung cổ v.v. Tất cả được thể hiện lại trong tiếng Việt với tiêu chuẩn cao, nhất quán.

Ở phần văn xuôi thì cũng có cái mới chẳng hạn trong tập truyện được trao giải của chị Lê Minh Khuê, tập “Làn gió chảy qua.” Văn xuôi của chị Lê Minh Khuê trước đây thường biểu hiện một nội tâm sâu thẳm nhiều sự dày vò đau đớn và có lúc đi quá xa trên hướng này. Trong tập truyện mới này thì chị thể hiện vẫn cái nhìn sắc sảo đó, nhưng trầm tĩnh, ấm áp về những vấn đề và con người trong đời sống đương đại, với một nhịp điệu nhanh hơn, gọn hơn so với Lê Minh Khuê người đàn bà kể chuyện khá dàn trải chậm rãi trước đây.

Cuốn của Chu Lai nhìn lại năm chiến tranh khốc liệt ở Quảng Trị bằng con mắt một người lính hậu chiến đã lùi xa rất lâu với cuộc chiến lâu dài kia rồi. Cho nên ở đó có những sự thật được công bố, không phải để đánh giá lại cuộc chiến mà để thấy rõ cái giá phải trả cho chiến thắng, đống thời là cho việc gần lại nhau hơn giữa những người ở cả hai bên chiến tuyến xưa cũ.

Còn trong thơ, hai cuốn được trao giải, của Y Phương và Nguyễn Việt Chiến, thì Y Phương vẫn tiếp tục đào sâu cuộc sống người dân tộc Tày trên phương diện văn hóa, tâm linh. Ông từ lâu đã và đang sống giữa phố phường, vây trong đời sống đô thị, thì việc gọi lên những giá trị đặc thù văn hóa Tày của ông phải được đặt trongbối cảnh những thách thức từ đời sống đương đại đầy áp lực, đầy biến động và thay đổi đó. Đấy cũng là một số khía cạnh, những điểm mới mẻ của mỗi tác giả vừa nhắc đến, cũng có thể nói là chung cho văn học năm vừa qua.

PV: Thưa ông, trong năm 2016 có một hội thảo lớn do Viện Văn học tổ chức về chủ đề văn học với thị trường. Quan hệ với thị trường rõ ràng là một thực tại và vấn đề với văn học chúng ta lâu nay. Vậy xin ông cho biết giải thưởng HNV phản ánh như thế nào cái thực tại đó, xét về cả phía người đọc và phía người viết?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:  Văn học ở nhiều đất nước khác trên thế giới luôn có những tác phẩm vừa đạt giá trị văn học đích thực vừa đáp ứng hay tương thích với nhu cầu từ thị trường văn học. Như văn học Pháp, châu Âu, Mỹ, hay Mỹ Latin. Và chúng ta phải thấy rõ làm sao họ đạt được điều đó. Bởi trước hết việc đọc văn học ở các xứ đó là một nền tảng của văn hóa. Việc đọc sách ở những quốc gia đó là một ứng xử văn hóa căn bản, là một nhu cầu tự thân hàng ngày ở công chúng. Có những Hội chợ sách, chẳng hạn ở Thụy Điển,như lễ hội của những người đọc sách, tôi đã đến và thấy người ta chuẩn bị đi dự như đi du lịch, nhiều gia đình họ ở xa có khi đi tàu hay đi ô tô mất một hai ngày đường, mà họ đi cả gia đình, đến hội chợ họ xem và chọn sách suốt mấy ngày và trở về với cả một khối sách trên xe, có lẽ để đọc cả năm … Thái độ với sách của họ nhìn chung là luôn luôn tìm kiếm những cuốn sách đem lại cho họ những cái mới về giá trị tinh thần, trong triết học hay tôn giáo hay lịch sử hay vấn đề xã hội. Đó là những cuốn sách vừa nổi trội về nghệ thuật trong năm, vừa tạo được lượng người đọc không nhỏ.Một cách tự nhiên nó làm được cả hai điều đó. Ở chúng ta cũng có những cuốn sách chạm tới các vấn đề lớn của thời đại, xã hội và nghệ thuật, nhưng cái “xã hội đọc” của chúng ta lại khác. Lượng người đọc tìm kiếm bề sâu tâm hồn, tri thức, vấn đề xã hội hay tâm linh, tôn giáo v.v. thì vẫn rất ít. Vì thế, nhiều cuốn sách của chúng ta có thể chạm tới sự đích thực nghệ thuật nhưng để chạm tới thị trường lại là một chuyện khác hoàn toàn. Vậy là lý do thứ nhất, do khác biệt về “xã hội đọc,” nhưng tất nhiên đó vẫn còn là các cuốn sách phải dấn tới một bước cao hơn nữa. Đây là chuyện mà cả văn học và người đọc chúng ta phải nỗ lực và còn rất lâu dài.

PV: Vậy theo ông thì giải thưởng HNV năm nay, rộng hơn một chút là kể cả các cuốn sách đã được chọn qua các vòng, thì có những tác phẩm đạt được cả tiêu chí nghệ thuật và tiêu chí đáp ứng tốt với thị trường hay không? Và qua giải thưởng như một lát cắt tiêu biểu của công tác văn học thì  thấy cố gắng của HNV nhằm cải thiện cả hai phương diện đó trong đời sống văn học của chúng ta như thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Trong các đề cử giải thưởng, thí dụ đề cử của Nxb TRẺ là một Nxb lớn luôn cân bằng giữa yêu cầu văn học với đáp ứng được nhu cầu bạn đọc, thì có cuốn của chị Lê Minh Khuê.  Truyện của Lê Minh Khuê đặt những vấn đề cập nhật của chúng ta, trong đó nhân vật phải điều chỉnh hành vi của mình, đương đầu với sức ép và thách thức hàng ngày để bảo tồn nhân cách của họ, cái văn hóa của họ. Truyện của chị có nhiều bạn đọc. Về thị trường  cũng nên thấy có loại người đọc của những sách giải trí đơn thuần và loại người đọc tìm kiếm tri thức và nghệ thuật. Thì cuốn của Khuất Bình Nguyên có thể đáp ứng bạn đọc muốn tìm biết sâu hơn về tư duy bên trong văn học, về đời sống tinh thần của các nhà văn để có được những tác phẩm tốt. Hoặc trong mảng sách dịch quá đa dạng tràn ngập hiện nay thì cuốn “Lâu Đài Sói” là một cuốn mà những người yêu văn chương nghệ thuật, làm văn chương nghệ thuật rất cần đọc và sẽ đọc. Nói chung các cuốn được giải năm nay, cả văn và thơ, đều mang những vấn đề thời đại nóng bỏng và hàng ngày của đời sống chúng ta. Như chủ đề biển đảo Tổ Quốc, chủ đề các thách thức đối với con người trong một cuộc sống quá nhiều bất thường, quá bất trắc hiện nay. Hay như cuốn của anh Chu Lai, đặt vấn đề về việc hòa giải như thế nào sau bốn mươi năm chiến tranh đã kết thúc, về nỗi đau của một dân tộc không muốn chiến tranh nhưng buộc phải chiến tranh lâu dài. Hay như tập thơ của Y Phương đặt ra câu hỏi giá trị văn hóa truyền thống tồn tại cách nào trong đời sống “hậu hiện đại” quá vật chất thực dụng như thế này. Đó đều là các phần của một tấm gương soi chiếu các vấn đề thực tại, thời đại, hiện nay, của chúng ta.

PV: Thưa ông, ông thấy giải thưởng này có nói lên điều gì về khuynh hướng sắp tới trong văn học của chúng ta?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Khó mà nói nó báo hiệu được gì ghê gớm. Tuy nhiên, … giải thưởng có thể có cái khẳng định giá trị truyền thống đã có, nhưng cũng có cái để gợi mở về con đường sắp tới, những điều chúng ta còn thiếu mà tương lai phải bù đắp. Giải về sách phê bình năm nay gợi cái nhìn mới hơn về phê bình và lý luận, tiếp cận một số vấn đề mà nhiều khi ta vẫn ngại ngùng. Như cách viết chân dung văn học của Khuất Bình Nguyên cho cảm tưởng nó đa dạng và tự do hơn. Cho thấy người ta có thể nhìn nhận một tác giả một tác phẩm không theo lối mòn nếp quen, người ta có quyền đưa ra tiếp cận đa chiều đa nghĩa hơn, thậm chí là tiếp cận qua trí tưởng tượng của mình. Nó mở rộng biên độ cảm nhận cho người đọc. Nó gợi mở cho những cách phê bình khác đi. Hay cuốn của Trần Huyền Sâm gợi mở sự đa diện của con người trong văn học và của văn học trong một con người. Hay “Lâu Đài Sói” gợi cho chúng ta những gì cần viết và phải viết trong văn học về lịch sử. Bởi chúng ta có một lịch sử dài lâu, đầy biến động, nhiều cái bi tráng và ám ảnh nhưng cách chúng ta viết về lịch sử ấy còn khô cứng quá, ít trí tưởng tượng và khả năng tự do. Nó liên quan một chuyện là lâu nay học sinh không thích môn Sử. Môn Sử bị kêu khô khan và kém hiệu quả. Sáng tạo văn học về lịch sử dường như cũng rơi vào lối tư duy như dạy sử đó. Chúng ta có nhiều và ngày càng nhiều tác phẩm đề tài lịch sử nhưng một cuốn thật xuất sắc thì vẫn chưa thấy.  Giải thưởng có thể gợi vấn đề thi pháp trong thơ. Ta không đưa ra được tác giả mới nào trong giải năm nay. Vậy thì thơ đang chững lại, hay thơ cần sự bổ sung? Trong khi có những người trẻ đã sáng tác với thi pháp hoàn toàn mới mẻ. Có những cuốn đáng được lưu ý năm nay, như cuốn của nhà thơ Hoa Níp, tập thơ “Bao giờ đến được cánh đồng.” Đó là một tập thơ có thi pháp mới, cá nhân tôi đợi chờ một cuốn như thế, suy tưởng tự do và sâu sắc trong những băn khoăn dày vò của một người rất trẻ suy nghĩ đến những vấn đề không phải cá nhân mà về dân tộc và đất nước. Đó là những hướng chúng ta cần mở rộng trong tương lai sắp tới.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này.

HÀN HOA, thực hiện


Có thể bạn quan tâm