May 2, 2024, 4:44 am

Cái đẹp

KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 – 20/11/2022)

 

Mùa Thu đến, mỗi người cảm mùa Thu theo một cách riêng. Cứ mỗi lần gió bắt đầu đổi chiều, se se lạnh là trong đầu tôi lại hiện ra màu vàng với sắc màu độc đáo của mùa Thu và những giây phút nhẹ nhàng câu chuyện với người bạn có thể tâm sự được bên chén trà. Âu cũng là một niềm vui của tuổi xế chiều; và mỗi lần Thu đến tôi lại cảm nó với tâm hồn của thày giáo làng. Tiếng trống trường! Nó vừa là tiếng trống "gọi đàn" trở về sau mùa Hè nóng nực, tản mát vừa là tiếng trống khai trường cho những trẻ thơ níu cánh tay mẹ đến trường lần đầu. Thanh Tịnh trong tác phẩm "Tôi đi học" đã nói hộ tôi: … mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường lòng tôi lại tưng bừng rộn rã. (Thanh Tịnh. Quê mẹ, 1941)

Mùa Thu đầu tiên của những ngày cắp sách đầy ắp những niềm sung sướng thiên thần, lần đầu tiên được cắp cặp theo mẹ đến trường, lần đầu tiên được xếp hàng, được đứng lên ngồi xuống, phất cờ, hát hò và bí mật cấu trí lẫn nhau. Cái đẹp ấy tôi đi tìm cả cuộc đời không thấy đâu có ngoài cánh cửa nhà trường.

Nói về cái đẹp ai cũng nghĩ đến cô gái và hoa thơm. Cái đẹp của hoa thơm luôn luôn thu hút loài ong, loài bướm. Nhưng nếu là loài hoa không thơm? Đối với chúng tôi, cái đẹp chân chính không phải chỉ là nhan sắc. Cái nhan sắc trời cho ấy chỉ là cái đẹp thân thể, chẳng phải tài cán gì, không thể mài ra để sinh nhai. Trong một ngôi trường "xây người" chúng tôi cần đến cái đẹp tâm hồn và trí tuệ.

Trong một ngôi trường, người thày viện đến cái đẹp của tấm lòng nhân ái, khơi dạy trong lòng trẻ tình yêu thương. Ở đây tình yêu không phải cái mà ta đi tìm, mà nó là cái sẽ tìm ta. Cho nên đạo lý của người thày trong nhà trường không phải là đi tìm tình yêu của học trò vì tình yêu đó sẽ tự đến nếu người thày yêu thương để sống và sống để yêu thương.

Bước chân ra khỏi trường, núp mình dưới bóng râm của rặng cây viền hai bên đường, hít thở mùi hương cốm mới đâu đây tôi cúi nhìn bước chân của mình, vừa đi vừa nghĩ ngợi như thể muốn tìm ra một điều gì đấy đang mơ hồ trong đầu. Hình như tôi không thoát được cách tư duy của một người từng trải, lại nghĩ đến một ngôi trường truyền thống. Lần nào nói về trường học, tôi cũng nhớ người thày của tôi, người đã từng bắt tôi chống chân lên ghế, chống tay xuống đất và vụt ba cái như phủi bụi bằng chiếc thước kẻ nhỏ tí, để phạt tôi tội đánh nhau với bạn. Tôi lại mỉm cười như mọi lần khi nhớ đến câu chuyện này, với một cảm giác yêu thày, quý thày và thương thày. Câu chuyện ấy cũng đưa tôi đến một suy nghĩ là làm thế nào để những người học trò của mình tự nguyện gìn giữ được truyền thống muôn đời của người học trò là nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, nhưng trong lòng họ là sự nề nếp và lễ độ.

Tôi nhớ có lần nói chuyện với một cô giáo mới ra trường, tôi hỏi:

- Tại sao em lại chọn môn Văn?

Hình như câu hỏi này luôn luôn chạm vào một tấm lòng mà cô giáo nâng niu, luôn luôn coi đó là nghĩa và tình của một người thày truyền thống. Cô nói:

- Đó là nhờ thày Huy, người thày mà em luôn mang nặng ân tình, một con người khắc kỷ với bản thân và khắt khe với học trò. Em nói, thày khắc kỷ vì thày hay mặc cảm, thày khắt khe với học trò vì thày coi chúng em là những đứa con gái của thày. Có lần thày mắng em Mày ăn mặc như thế ra đường là chết đấy, con ạ. Bạn Loan lớp em bị ốm, nhà nghèo, thày mua sữa đến tận nhà, pha ngay tại chỗ và nói: Mày mà không uống thì mai đừng đến lớp.

Tôi ngồi yên lặng nghe cô giáo nói mà không chêm vào  được câu hỏi nào. Đây không thuần túy là sự hàm ơn mà là một cảm xúc, cảm xúc thân thương không dễ tìm thấy trong cuộc đời. Đây là cái đẹp mà người trò đã tặng cho thày và có lẽ nhờ đó những người thày truyền thống ấp ủ được lòng yêu nghề trong suốt cuộc đời mình.

 

Ảnh: Tác giả cung cấp

 

Cứ lững thững đi như vậy, về đến gần phòng trà lúc nào không biết. Khi mùa Thu đến tôi thích nhất những buổi đến phòng trà vào lúc chiều hôm, nắng xế chiều để được ngồi bên chén trà, chìm trong ánh vàng nhạt êm dịu cho đến khí nắng tắt hẳn. Những giây phút ấy tôi lại thích cái cảm giác cô đơn. Bỗng tôi nhìn thấy từ đầu phố đi lại một dáng quen thuộc của một người phụ nữ đẹp. Đến gần tôi nhưng hình như nàng không nhận ra. Cũng phải thôi, gần hai mươi năm không gặp nhau rồi mà.

- Lừng!

Người con gái có cái đẹp trời cho năm nào đứng lại, nhìn tôi ngần ngừ một phút rồi cười hiền hậu:

- Anh Hùng.

Tôi vui vẻ, mời Lừng:

- Mời em vào đây uống trà chiều.

- Vâng.

Lúc này nắng chiều Thu đã tắt hẳn. Lừng nhìn tôi nói:

- Em về Hà Nội có chút việc nhà, không nghĩ là lại gặp được anh.

Tôi mỉm cười, nói:

- Ừ thì các cụ đã nói xa mặt cách lòng mà.

- Anh nói câu này với em lần thứ hai rồi đấy nhé. Lần thứ nhất là vào hôm em cắp cặp về quê từ bỏ đô thành "hoa lệ" của anh. Thế cái lần em gọi điện về mời anh lên chơi anh vẫn lờ đi. Ai xa mặt cách lòng hả anh?

Tôi nói vớt vát:

- Thì cuối cùng anh vẫn lên đấy thôi.

Chúng tôi đều cười, giảng hòa. Lừng là cô gái người Mường, Phú Thọ, về Hà Nội học Đại học Sư phạm Văn, xin được làm cô giáo của một trường Trung học ở giữa thủ đô, nhưng sau ba năm cô nhất quyết về quê.

- Từ ngày ấy em vẫn làm cô giáo chứ?

- Vâng. Em trở lại quê hương có phải vì ghét nghề giáo đâu. Em về vì không thể quên lời ước nguyện khi đi học là để trở về dạy dỗ các em ở quê mình. Em đã nguyện không bao giờ bỏ nghề, về hưu mà còn được dạy, em vẫn dạy.

- Thế … em có biết Đỗ Quyên hồi này ra sao không?

- Em ấy vẫn thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm em … mà đã lên chơi trên em hai lần đấy. Bây giờ thành người Hà Nội truyền thống rồi, thanh lịch, khiêm tốn.

Ngày ấy …..

Trời đã về chiều. Rừng chiều thì buồn lắm nhưng Đỗ Quyên lại rất thích, ngồi ôm lấy cánh tay cô, nghe cô kể chuyện… Cả tuổi thơ của cô đi học qua rừng, vào rừng lấy củi, lội suối bắt tôm cá, mò cua nghịch ngợm nên suối rừng đã trở thành thân quen. Lớn lên khi cô đi học văn chương, cô thấy nhiều áng văn nhắc đến tiếng chim xào xạc về tổ lúc chiều hôm, tiếng cú rúc xa xa, tiếng tu hú vang vọng, tiếng suối róc rách  đều là những  thứ mà cô đã thường nghe tận tai, nhìn tận mắt từ tấm bé, sống trong lòng nó. Người ta thường hay nói đến "tiếng rừng" nhưng mấy ai biết được tiếng rừng như người dân tộc các cô, giống như người Hà Nội hay nói về "cái gió sông Hồng" mà chỉ có người Hà Nội mới cảm được nó.

Lừng kéo Quyên đứng dạy, xắn quần đi trên những phiến đá nằm lộn xộn bên bờ suối sang phía bên kia. Dòng nước từ đỉnh núi chảy ào xuống như thác cứ bắn tung tóe vào hai cô trò. Ngồi xệp xuống trên bãi cỏ, Lừng quay sang Đỗ Quyên, thấy cô học trò đang đắm đuối nhìn rừng cây um tùm, nhìn dòng suối tung bọt, thỉnh thoảng lại nhấp nhổm như muốn chạy đi khám phá rừng sâu. Lừng không muốn phá tan sự đắm đuối ấy, nên định nói nhưng lại ngồi im. Một lúc sau hai người học trò cũ của cô Lừng mang đến bữa cơm trưa. Lừng nói với Quyên:

- Hôm nay các cô thết Quyên bữa cơm người Mường nhé. Đây là … cơm nếp, đây măng đắng và sườn rang mắm tôm … Mắm tôm đấy có sợ không?

Quyên tỏ vẻ thích lắm:

- Con chẳng sợ món gì đâu ạ.

- Thật không … đây là nhộng ong rừng rang … miền xuôi ít có, Quyên ạ.

- Con chưa bao giờ được ăn món này, cô ạ.

- Còn đây là … thịt trâu nấu lá lồm.

- Lá lồm là lá gì hả cô?

Hon, người học trò của Lừng trả lời:

- Đó là loại lá mọc dưới tán rừng, có vị chua, thơm mát, người Mường  hay dùng để nấu với thịt trâu, thịt gà.

Lợi cười vui vẻ:

- Quyên gọi bọn mình là chị thôi nhé. Chúng mình cũng là học trò của cô Lừng mà.

Cả nhóm cùng ngồi ăn bên bờ suối. Hai chị thay nhau kể chuyện thời đi học xưa, bạn bè trong lớp thương yêu nhau lắm, đứa nào nghèo quá thì cả lớp xúm vào giúp, ốm đau một chút là luôn luôn có bạn bên cạnh. Bọn chị chẳng có đứa nào đố kỵ với đứa nào.

Lợi nói:

- Chơi với nhau hay lắm … Người Mường các chị có câu: Xẻ chia nên chị nên em một nhà.

Hon chêm thêm:

- Bọn chị thương nhau vì đứa nào cũng được bố mẹ dạy: Thấy giàu đừng vội khoe khoang, thấy sang đừng vội mừng.

Cứ như thế chuyện nọ sang chuyện kia cho đến tận chiều tối mới về bản.

……..

Nhớ lại câu chuyện xưa, tôi mỉm cười nghĩ bụng rất tự hào về những người thày mềm mỏng với học trò nhưng giáo dục hữu hiệu. Tôi nhớ ngày ấy Đỗ Quyên là cô gái được bố mẹ nuông chiều, sống không có giới hạn, coi thường các bạn cùng lớp. Gặp cô giáo Lừng, Đỗ Quyên đã trở thành người sống có nguyên tắc, biết quần túm cùng các bạn. Tôi nói với Lừng:

- Em rất khéo với học trò.

- Không, anh tưởng thế thôi chứ em khắt khe lắm đấy. Tuy là người dân tộc, ít tiếp xúc với môi trường văn minh nhưng chúng em rất lễ nghĩa với bố mẹ, với thày. Và bố mẹ em không coi thày chỉ là thày của con mình mà là thày của cả chính mình, và hơn nữa rất vui vẻ tôn trọng bạn của con. Cho nên chúng em không bao giờ dám xấc xược với thày, không bao giờ coi thường tình thân giữa bạn bè.

Tôi ngắt lời Lừng:

- Em nói đúng. Nếu cha mẹ coi thường người thày của con mình thì làm sao đứa bé tôn trọng, quý mến thày được. Có một cô giáo kể với anh … anh kể nguyên si lời cô giáo nhé.

- Hôm ấy thằng bé cứ nghênh ngang trong lớp, trêu chòng không cho các bạn nghe cô giảng. Em gọi lên bảng và nói 'Nếu em còn như thế nữa cô phạt đấy'. Thằng bé lập tức đáp lại 'Con đố cô phạt đấy. Con về nói với mẹ mách cô hiệu trường thì cô mất việc. Cô biết không?'

Lừng nhìn tôi lắc đầu, không phản ứng gì. Tôi tâm sự với Lừng:

- Đúng là chúng ta làm nghề đứng trên bục giảng là chấp nhận sự thách thức giữa cái đẹp và cái xấu mà biên giới của nó rất mong manh. Vượt qua được biên giới ấy để gìn giữ cái đẹp truyền thống, người thày có được cái đẹp tâm hồn. Để mình rơi vào cái xấu thì dù có được cái đẹp thể xác trời cho vẫn bị người đời chê trách. Vì thế các cụ ta ngày xưa đã dạy Cái nết đánh chết cái đẹp.

Lừng chỉ nhìn tôi mỉm cười  im lặng như muốn hòa mình vào tâm tư của tôi.

Tôi ậm ừ:

- Ờ ờ …!

Lừng cười, nụ cười sơn nữ vẫn còn nét đẹp riêng. Lừng đi rồi, tôi thấy bâng khuâng. Nghĩ đến người thày là người chở đò, con đò vẫn như xưa tôi mừng lắm, nhưng khách sang sông ngày nay thay đổi nhiều lắm rồi, lắm khi làm tôi sửng sốt.

Mùa Thu của tôi hinh như không thay đổi, gió Thu năm nào cũng đều se lạnh, tiếng trống trường vẫn vang vọng và những bé học trò vẫn hồi hộp níu tay mẹ đến trường, người thày vẫn cắp cặp lên bục giảng, triết lý của cuộc sống trong nhà trường vẫn vậy.

Nguyễn Quốc Hùng, MA


Có thể bạn quan tâm